Sợi mì nhỏ, dai mềm, trộn nước sốt ngọt ngọt ăn kèm với thịt heo, xí quách là gợi ý cho thực khách Sài Gòn khi chọn món bữa trưa.
Đối với người Sài Gòn, mì thập cẩm không còn xa lạ, nhất là trong những gia đình sinh sống gần khu người Hoa, quận 5. Món này ăn nước hay khô đều được, nhưng món khô lại cầu kỳ hơn về nguyên liệu và gia vị.
Phần nhân gồm tôm, mực, cá viên, thịt heo, phèo, gan, cật... đặt vào một tô riêng để giữ độ nóng. Nhiều nơi còn cho thêm cải chua, được biến tấu như dưa giá trong các bữa ăn truyền thống miền nam.
Tùy mỗi quán mà cách chế biến mì khô thập cẩm sẽ khác nhau. Ảnh: Nguyen Le.
|
Tuy nhiên, phần ngon nhất của món này phải kể đến sợi mì. Thay vì cọng to hoặc dẹp như thông thường, loại sợi để làm mì khô thập cẩm thường nhỏ, dai mềm, có chút giòn và không bở ngay cả khi chan với nước lèo.
Một số địa điểm bán mì khô thập cẩm còn cho khách ăn kèm với xí quách (xương hầm). Sợi mì được trộn đều với nước sốt ngọt ngọt, kế bên là tô xí quách lớn được chẻ đôi thành hai miếng.
Bữa trưa nhẹ nhàng với tô mì và hủ tiếu thập cẩm, dùng kèm chén tôm cật cùng xí quách. Ảnh: Tô Tôn Thành.
|
Xí quách ngon vì nhiều thịt nạc, có chút mỡ nhưng ăn vào lại giòn thơm. Chính giữa xí quách còn có tủy, được xem như phần tinh túy của nước lèo ngọt đậm đà, thơm mùi xương hầm.
Sủi cảo mì khô thập cẩm là một dạng mì thu hút nhiều thực khách Sài Gòn. Ảnh: Trí Phạm.
|
Ngoài mì khô thập cẩm, các tiệm còn phục vụ thêm những món khác như mì khô xá xíu, sủi cảo mì khô thập cẩm, hủ tiếu, hoành thánh, bún gạo, nui xào... Giá bán một tô khô dao động từ 30.000 đến 50.000 đồng.
Địa điểm gợi ý:
Mì cải chua 311/3 Minh Phụng, phường 2, quận 11; Mì khô Quảng ChâuSạp ăn uống Đào Vĩnh Chiêu, chợ Tân Định 133 Nguyễn Hữu Cầu, quận 1;Hủ tiếu mì 217 Nguyễn Văn Nghi, phường 7, quận Gò Vấp; Mì Chú Tắc20/6A Kỳ Đồng, phường 9, quận 3; Sủi cảo Hằng Phát 134 Hà Tôn Quyền, phường 4, quận 11.
Thảo Nghi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét