Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2017

Hành trình chinh phục Sơn Đoòng kỳ vĩ

(Dân trí) - Một độc giả thường xuyên của Dân trí-anh Nguyễn Đức Hùng (Hà Nội) vừa có chuyến đi khảo sát xuyên hang Sơn Đoòng- hang động được Hiêp hội Hoàng gia Anh đánh giá là "lớn nhất thế giới", mới được phát hiện tại Quảng Bình. Đây là chuyến thám hiểm xuyên hang mới được tỉnh Quảng Bình cấp phép. Dân trí xin giới thiệu với quý vị độc giả bài viết và những hình ảnh, clip anh Đức Hùng ghi được trong chuyến đi này

Tôi vốn thích biển nên thường ít quan tâm tới các chuyến thám hiểm rừng núi. Rồi một ngày, tôi xem một phóng sự về Sơn Đoòng phát trên chương trình Good Morning America vào tháng 3 năm 2015, những hình ảnh thiên nhiên và hang động đầy ấn tượng và những thách thức chinh phục hang động tự nhiên lớn nhất thế giới ngay ở miền Trung nước ta đã thôi thúc tôi. Cùng năm đó, chuyến leo Fansipan thành công đã thay đổi quan niệm của tôi về các chuyến đi núi. Tôi quyết định đăng ký tour thám hiểm Sơn Đoòng.
Tôi đăng ký tour đi Sơn Đoòng vào tháng 8/2016 với Oxalis, công ty duy nhất được phép tổ chức tour thám hiểm Sơn Đoòng và được duyệt đơn cho chuyến tour xuyên hang Sơn Đoòng 4 ngày 3 đêm khởi hành ngày 6/6.
Tour này mới được tỉnh Quảng Bình cho phép thử nghiệm tổ chức và đến đoàn tôi tham gia mới là đoàn thám hiểm xuyên hang thứ 4. Mỗi năm chỉ được phép tổ chức cho không quá 500 khách đi tour Sơn Đoòng và mới được phép đưa thêm không quá 200 khách đi thử nghiệm xuyên hang.
Ngày 0 - Chuẩn bị cho chuyến thám hiểm
Tôi bay từ Hà Nội vào Đồng Hới sáng ngày 6/6. Đoàn chúng tôi gồm 10 người về thẳng Chày Lập Farm, khu nghỉ và cũng là điểm tập trung, để nghỉ ngơi chuẩn bị cho chuyến đi vào ngày hôm sau.
Trao đổi trên xe, mọi người rất phấn khích cho chuyến thám hiểm, cũng có hai thành viên nữ của đoàn tỏ ra khá lo lắng do chủ yếu chỉ tập yoga và chơi golf, hoàn toàn chưa có kinh nghiệm leo núi cũng như đi rừng. Được biết, trong quá trình đi tour Sơn Đoòng, nếu thấy bất cứ thành viên nào không đủ sức khỏe để tiếp tục chuyến đi, chuyên gia người nước ngoài dẫn đoàn có quyền từ chối và đưa thành viên đó quay ra ngoài hang để đảm an toàn cho cá nhân đó và cả đoàn.
Tối hôm đó, chúng tôi được các chuyên gia hướng dẫn về an toàn và các yêu cầu nghiêm ngặt bắt buộc phải tuân thủ trong suốt hành trình khám phá hang Sơn Đoòng.

Đường vào điểm tập kết
Đường vào điểm tập kết
Chuyến thám hiểm với lộ trình khoảng 25km tiềm ẩn nhiều rủi ro nên buổi hướng dẫn (briefing) khá dài. Trong suốt hành đó, chúng tôi sẽ không được tự đi một mình mà không có người hướng dẫn đi kèm - vì sự an toàn của chúng tôi. Không ai được xả rác hay lấy bất cứ thứ gì từ rừng hay hang và chỉ được đi một lối đi nhất định nhằm bảo tồn một Sơn Đoòng còn nguyên sơ. Thời tiết trong những ngày chúng tôi đi dự báo có mưa, có nghĩa sẽ khó khăn hơn trong việc di chuyển và có thể bị cảm đột ngột nếu đang đi nóng gặp mưa.
Theo quy định mỗi đoàn khám phá Sơn Đoòng không được quá 10 người khách. Hỗ trợ 10 người khách có 1 chuyên gia hang động người Anh, 1 hướng dẫn viên người Việt, 2 đầu bếp, 5 người hỗ trợ về an toàn và hướng dẫn đoàn cùng 20 porters (nhân viên khuân vác) và 1 nhân viên kiểm lâm của Vườn Quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng đi cùng giám sát.
Ngày 1 - Những người khám phá và đưa hang Sơn Đoòng ra thế giới
Xe đón chúng tôi ở Chày Lập lúc 9h và sau một tiếng đã có mặt ở điểm tập kết ở km35 nhánh Tây đường Hồ Chí Minh. Trước năm 2008 khi chưa mở đường, để đến được điểm tập kết này phải mất tới 4 ngày đi rừng. Tại đây, chúng tôi đã gặp các hướng dẫn viên cùng một nhân viên kiểm lâm tên Tuệ đi theo đoàn. Đây cũng là chuyến đi Sơn Đoòng đầu tiên của anh nên anh cũng rất phấn khích.

Anh Hồ Khanh-Người phát hiện ra Sơn Đoòng và ông Howard
Anh Hồ Khanh-Người phát hiện ra Sơn Đoòng và ông Howard
May mắn cho chúng tôi là có anh Hồ Khanh, người đã phát hiện ra hang Sơn Đoòng và ông Howard Limbert, người có công khám phá và đưa hang Sơn Đoòng ra với thế giới, đi dẫn đoàn.
Tôi ấn tượng với dáng người cao lớn, gương mặt điển trai và nụ cười hiền lành của anh Hồ Khanh. Anh Hồ Khanh kể cho tôi anh đã phát hiện ra cửa hang Sơn Đoòng năm 1991 trong một lần vào rừng tìm trầm. Lần đó anh ấn tượng với cửa hang này bởi tiếng rít của gió thổi từ trong ra. Năm 2006, ông Howard Limbert đã tìm anh Hồ Khanh để hỏi và nhờ dẫn đến hang có tiếng rít gió đặc biệt này vì ông biết rằng đó là dấu hiệu của một hang động lớn. Tuy nhiên, sau 2 năm nỗ lực tìm kiếm, anh Hồ Khanh mới tìm lại được cửa hang Sơn Đoòng.
Năm 2009, anh đã đưa ông Howard cùng đoàn thám hiểm gồm 10 chuyên gia hang động của Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh đến hang Sơn Đoòng khảo sát. Sơn Đoòng được thế giới biết đến và công nhận là hang động tự nhiên lớn nhất thế giới sau chuyến thám hiểm tháng tư năm 2009 này.
Hang Én
Từ điểm tập kết chúng tôi cắt rừng xuống phía dưới chân núi bắt đầu hành trình của mình.
Sau 1,5 tiếng chúng tôi vượt qua đoạn đường khoảng 3km có nhiều suối và ăn trưa ở bản Đoòng nơi có khoảng 10 hộ dân và 40 nhân khẩu người dân tộc Bru Vân Kiều sinh sống.

Đường vào hang Én
Đường vào hang Én
Trong lúc ăn trưa, ông Howard nói với tôi rằng đoàn của chúng tôi có thể thực hiện chuyến thám hiểm Sơn Đoòng. Ông nói vậy vì một số đoàn khác đã mất khoảng hơn 3 tiếng mới tới được bản Đoòng. Năm ngoái, đã có 10 khách phải bỏ cuộc vì không thể đi tiếp.

Bên trong hang Én
Bên trong hang Én
Trời bắt đầu mưa khi chúng tôi khởi hành đi về hang Én nơi chúng tôi sẽ nghỉ đêm đầu tiên. Đặc sản của trời mưa là vắt. Rất nhiều vắt và chẳng có ai trong đoàn là thoát khỏi bị vắt cắn. Trời mưa cũng làm nước ở các dòng suối dâng lên cao và chảy siết hơn, làm cho việc di chuyển qua suối khó khăn hơn. Chúng tôi đến cửa hang Én vào lúc 4h chiều sau khi vượt qua khoảng tổng 10km đường rừng núi. Lúc này các porters đã dựng xong lều, toilets và bắt đầu chuẩn bị đồ ăn.

Cắm trại trong hang Én
Cắm trại trong hang Én
Sau khi nhận lều và đồ đạc trước đó gửi porters, tôi cùng một số thành viên của đoàn đã tắm trên khúc sông chảy qua hang Én và đợi porters chuẩn bị ăn tối. Sau khi ăn tối xong lúc 8h30, mọi người về lều của mình ngủ để chuẩn bị cho ngày thứ 2 được đánh giá là khó khăn nhất trong cả hành trình 4 ngày. Tuy nhiên, tôi và nhiều thành viên trong đoàn không ngủ được do thay đổi môi trường và do tiếng kêu của chim én. Trên đầu của chúng tôi là 2 triệu con chim én.
Trời mưa cả đêm báo hiệu khó khăn cho ngày hôm sau do nước ở các dòng suối dâng lên.
Ngày 2 - Vào hang Sơn Đoòng
Chúng tôi rời hang Én lúc 9h sáng. Quần và giầy bị ướt ngay khi rời khỏi cửa hang Én do phải đi qua dòng sông chảy qua hang. Chúng tôi dành thời gian chụp ảnh ở cửa sau của hang nơi có cửa hang rộng và khung cảnh bên ngoài rất đẹp. Ngoài trời bắt đầu mưa to.
Trời mưa, nước ở dòng sông trước cửa hang dâng lên cao tầm 80cm nên ông Howard quyết định đưa đoàn đi trên lối trên cao trên núi thay vì đi dọc sông như bình thường. 11h30 chúng tôi đến trước cửa hang Sơn Đoòng để ăn trưa và đeo các thiết bị leo núi để chuẩn bị vào hàng. Lúc này mọi người đã ướt sũng vì mưa. Chúng tôi kiểm tra bắt vắt cho nhau và thay sang áo khô vì lộ trình phía trước sẽ ở hoàn toàn trong hang.

Rừng ở hố Sụt 2 trong hang Sơn Đoòng
Rừng ở hố Sụt 2 trong hang Sơn Đoòng
Cửa hang Sơn Đoòng khá nhỏ, đứng cách 15m nếu không được hướng dẫn bạn cũng sẽ không nhìn thấy nó. Sau khi tụt xuống dốc trơn dựng đứng, chúng tôi đến cửa hang Sơn Đoòng. Gió lạnh thổi mạnh từ lòng hang tối om và sâu thẳm phía dưới làm bất kỳ ai cũng phải rùng mình. Tôi hiểu vì sao trước đó anh Hồ Khanh và nhiều người Việt khác không muốn vào hang.
Từ miệng hang xuống dưới lòng hang sâu khoảng 80m và đoàn chúng tôi mất khoảng hơn 1 tiếng để từng người đu dây xuống.
Từ lòng hang chúng tôi di chuyển trong bóng tối tới dòng sông chảy rất xiết để đi tiếp tới hố sụt (khu vực trần hang bị sập từ hàng triệu năm trước và tạo ra khoảng trống) thứ nhất. Bình thường nếu không có cây cầu bắc qua dòng sông này thì chỉ có các nhà thám hiểm chuyên nghiệp mới qua được. Lộ trình lúc này rất nguy hiểm vì bên kia vách núi nơi chúng tôi đi là vực sâu hơn 100m nơi có dòng sông chảy siết chạy ngầm vào lòng núi.
Sau khi đi khoảng 1 tiếng, chúng tôi vào trong hang nơi có mái trần rất cao và rộng nơi chứa một cột nhũ đá cao khoảng 70m. Tất cả chúng tôi đều nằm ngửa xuống lòng hang vừa để nghỉ vừa để ngắm nhũ đá to được đánh giá là cao nhất thế giới này.
Đến 4h chiều chúng tôi đến điểm tập kết ở hố sụt 1 để nghỉ đêm thứ 2. Sau khi trút bỏ đồ đạc, cả đoàn rủ nhau đi tắm ở dòng sông trong hang.

Khung cảnh Hố Sụt
Khung cảnh Hố Sụt
Ở hố sụt đầu tiên không khí rất ẩm ướt nên mọi thứ đều như bị nhúng nước nếu không bỏ trong túi nilon bọc kín. Cả đoàn rất kỳ vọng vào ngày hôm sau để khám phá những nơi được coi là đẹp nhất trong cả hành trình..
.

Sau khi nghỉ trưa, chúng tôi đi tiếp đến hố sụt thứ 2 nơi có khu rừng trong hang được đặt tên là Vườn Edam. Có rất nhiều loài sinh và động vật chưa từng được biết đến trên thế giới đã được phát hiện ở đây do điều kiện khí hậu và môi trường đặc biệt của khu vực này...

Ngày 3 - Vườn Edam
Chúng tôi lên đường lúc 9h và dành nhiều thời gian để chụp ảnh trước khi rời hố sụt đầu tiên để đi tiếp tới hố sụt thứ 2. Đường khá khó đi, có những chỗ rất chật hẹp, muốn chui qua tôi phải cởi balo của mình. Sau khoảng 2h chúng tôi sang phía bên của núi đá trong hố sụt thứ 1 để chụp ảnh và ăn trưa. Khung cảnh ở đây đẹp như trong truyện cổ tích với các thạch nhũ, thảm thực vật, những hóa thạch cổ và ngọc trai hang động làm cho tất cả chúng tôi không ai muốn rời đi. Từ đây có thể thấy mảng xanh của cây và ánh sáng của hố sụt 2 ở phía xa.

Một góc khác của hố Sụt
Một góc khác của hố Sụt
Sau khi nghỉ trưa, chúng tôi đi tiếp đến hố sụt thứ 2 nơi có khu rừng trong hang được đặt tên là Vườn Edam. Có rất nhiều loài sinh và động vật chưa từng được biết đến trên thế giới đã được phát hiện ở đây do điều kiện khí hậu và môi trường đặc biệt của khu vực này.
Ông Howard cho biết hầu như toàn bộ vườn Edam chưa được khám phá và du khách chỉ được phép đi theo một lối đi nhất định nhằm bảo vệ và bảo tồn rừng. Từ dưới đáy đến miệng hố sụt cao khoảng 300m, vách núi dựng đứng nên chưa có một người nào leo từ dưới lên hay từ trên xuống nếu không sử dụng dây. “Tôi gặp nhiều đàn khỉ từ trên đỉnh núi xuống khu rừng phía dưới và cũng thấy nhiều đại bàng và cú đi săn ở phía dưới khu rừng”, ông Howard chia sẻ.
Khu vực chúng tôi cắm trại ở hố sụt 2 rất khô và bụi do khu đất phía dưới chân là một sa mạc được hình thành bởi phân dơi từ hàng ngàn năm trước. Lũ dơi đã bỏ đi do nhiệt độ tăng sau khi mảng trần hang sập và tạo ra hố sụt 2 và khu rừng trong hang.
Chỉ có 3 người trong đoàn đi tắm ở dòng sông cuối hang do đoạn đường đi xa và lầy lội trong bùn. Từ điểm cắm trại, tôi và anh bạn người Singapore leo ngược trở lại phía rừng cách đó không xa để rửa mặt dưới dòng nước nhỏ rơi từ phía trên của hố sụt xuống dưới.
Sau khi ăn tối xong, đoàn chúng tôi đã giao lưu văn nghệ với toàn bộ anh em porters và hướng dẫn viên trong đoàn tới tận khuya.

Mờ ảo hố Sụt
Mờ ảo hố Sụt
Ngày cuối - Bức tường Việt Nam
Chúng tôi dậy sớm tranh thủ chụp ảnh, ngắm ánh sáng mặt trời chiếu vào hố sụt trước khi đi tiếp để chinh phục bức tường Việt Nam cao khoảng 80m.
Sau khi vượt qua sa mạc cát trong hang, ngắm nhiều các núi nhũ đá đẹp ngoài sức tưởng tượng, chúng tôi đến được dòng sông nước trong vắt và lạnh ngắt. Chúng tôi đeo các thiết bị leo núi và áo phao rồi chèo thuyền đến chân Bức tường Việt Nam cách đó khoảng 700m. Trước đây khi chưa có thuyền, du khách phải bơi trong làn nước này để đến đây.

Đồi cát cuối hang của một màu vàng kỳ ảo
Đồi cát cuối hang của một màu vàng kỳ ảo
Năm 2011, ông Howard và đoàn thám hiểm đã mất 2 ngày để vượt qua được Bức tường Việt Nam này và định vị vị trí cửa hang rồi trở về và nhờ anh Hồ Khanh tìm đường vào. Chúng tôi chỉ mất hơn 30 phút trèo 30m cầu thang lên phía trên rồi từ đó đu khoảng 50m dây lên tiếp.
Có nhiều ý kiến phản đối việc lắp đặt thang và đu dây trên nhũ đá. Là một người trải nghiệm thực tế thì tôi thấy bức tường đá rất rộng và người leo chỉ đi theo một lối đi rất nhỏ và ảnh hưởng tới bức tường đá là không nhiều. Nếu trực tiếp thấy các chuyên gia người nước ngoài và đội ngũ porters quan tâm tới bảo vệ môi trường trong hang thế nào thì chắc nhiều người sẽ không phải lo lắng đến vậy.

Một cảnh khác của hố Sụt
Một cảnh khác của hố Sụt
Cá nhân tôi ủng hộ việc đi thám hiểm xuyên hang nhằm bảo tồn hang do giảm số lượng người không phải quay lại, giảm thời gian ở trong hang và cũng không gây nhàm chán cho du khách.
Sau khi vượt Bức tường Việt Nam chúng tôi nghỉ ăn trưa để chuẩn bị đi ra cửa sau của hang Sơn Đoòng.
Theo anh Hồ Khanh thì năm 1992 anh đã tình cờ tìm ra lối ra của hang Sơn Đoòng nhưng không biết rằng nó thông với nhau. Năm 2011, khi được ông Howard đưa vị trí của cửa sau của hang, anh cũng đã mất rất nhiều thời gian, có lúc cách cửa hang 15m mà không tìm thấy do địa hình hiểm trở, cây cối rậm rạp.

Cửa ra hang Én
Cửa ra hang Én
Tôi là người thứ 2 của đoàn ra khỏi cửa sau của hang Sơn Đoòng và cùng với hướng dẫn viên đi xuống dưới. Trong đoàn của chúng tôi có nhiều porters lần đầu đi xuyên hang Sơn Đoòng do đây mới là tour thử nghiệm thứ 4 được thực hiện. Chúng tôi đã bị đi nhầm mất một đoạn đường do Đăng – người dẫn đường – cũng đi lần đầu.
Lúc này ai cũng vui mừng vì đã chinh phục được hang Sơn Đoòng. Tuy nhiên, ông Howard nói đoạn đường đi xuống phía dưới rất nguy hiểm do dốc dựng đứng và đá nhọn hoắt, không ai được chủ quan. Dù đã ra khỏi hang nhưng chúng tôi vẫn phải đội mũ bảo hiểm.

Rời hang Én
Rời hang Én
Đi khoảng 2 tiếng chúng tôi đến điểm tập kết và ra đến nhánh Tây đường Hồ Chí Minh nơi có xe ô-tô đón là lúc 3h30, trở lại với thế giới hiện tại sau 4 ngày không internet, không điện thoại và công việc, kết thúc hành trình khám phá hang Sơn Đoòng của mình.
Đối với tôi chuyến đi chinh phục Hang Sơn Đoòng thực sự là một trải nghiệm cực kỳ thú vị, có một không hai trong đời.
Bài và ảnh: Đức Hùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét