Thứ Năm, 1 tháng 6, 2017

Những 'pháo đài' cheo leo trên đỉnh núi của người Mông

TTO - Chúng tôi bắt đầu cuộc khám phá cuộc sống của tộc người “trên đỉnh” từ bản Há Súng A, nằm chót vót trên đỉnh núi cao gần 1.500m thuộc xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Những 'pháo đài' cheo leo trên đỉnh núi của người Mông
Nhà ông Vừ Mí Mua như một pháo đài cheo leo ở xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn - Ảnh: NGỌC HIỂN
“Đứa nào cũng tự biết cách xếp cả, khi lớn lên đã tự biết đập vỡ đá ra để xếp cho ngay ngắn và vững chắc!
Giàng Mí Tủa
Loài cá sống ở nước / Loài chim bay trên trời / Người Mông sống ở núi (dân ca Mông). Nhìn những xóm nhà cheo leo trên đỉnh núi, những ngôi nhà như pháo đài bằng đá nằm vắt vẻo trên chóp đá tít mù mây là nơi cư ngụ của người Mông, chúng tôi tự hỏi: Họ sống như thế nào, họ làm gì và vì sao họ sống ở trên ấy?
“Thế giới của đá”
Để đến được Há Súng A, chúng tôi phải vượt đèo Há Súng, một trong những đoạn đường nhiều gấp khúc và dốc cao bậc nhất của quốc lộ 4C.
Từ đỉnh đèo rẽ vào con đường mòn nhỏ xíu lắt léo, được xẻ ra từ triền núi dựng đứng, mặt đường toàn đá núi, những cái dốc dựng cao, ngoằn ngoèo quanh những vực sâu hun hút đến rợn người, chúng tôi tìm đến ngôi nhà của Cứ Xè Xính cheo leo, nhìn xuống quốc lộ 4C.
Thấy chúng tôi, Xính nhấc tay, người vợ liền đưa chai rượu ngô vào tay chồng. Rót chén rượu ngô đầy, Xính nói với cái giọng lơ lớ chất miền thượng: “Họ Cứ (thuộc người Mông trắng) sống trên đỉnh núi này từ lâu lắm, từ nhiều đời lắm rồi. Bên kia là nhà cha mẹ tôi, đó cũng là căn nhà cũ của ông bà và nhiều thế hệ trước. Anh em mình thì ở quanh đây thôi”.
Theo lời của Xính, tổ tiên anh đã chiếm cứ phần đỉnh của ngọn núi Há Súng từ hàng trăm năm trước.
Mấy năm trở lại đây, chính quyền vận động người dân rời bỏ đỉnh núi xuống cư trú ở những khu vực đất bằng hoặc triền núi thấp.
Một số hộ dân Há Súng A tuân thủ chuyển nhà xuống sống ở chân núi, trong khi nhiều hộ khác sau thời gian dài suy tính đã không chịu xuống núi với lý do dưới núi không có đất canh tác.
Trong hàng trăm bản làng sống trên đỉnh núi, chúng tôi thực sự ấn tượng là bản Tìa Chí Đỏ nằm trên sườn núi chót vót cao thuộc xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Vượt những con dốc và rừng trúc rậm rạp, chúng tôi như lạc vào một “thế giới của đá”.
Ở cái bản cheo leo này, lối dẫn vào tất cả các ngôi nhà đều xếp đá. Nhiều ngôi nhà nằm chênh vênh trên nền được xếp bằng đá cao đến 4-5m, được bao bọc bởi bức tường đá cao phía bên ngoài. Những khoảnh đất trồng rau được bao bọc bằng tường xếp đá.
Dưới những khóm trúc rậm rạp cũng là những bức tường đá xếp chạy ngang chạy dọc... Theo lời diễn giải của Giàng Mí Tủa - thanh niên trong bản, tất cả người dân ở đây chừng 14-15 tuổi đã biết cách xếp đá thuần thục.
“Đứa nào cũng tự biết cách xếp cả, khi lớn lên đã tự biết đập vỡ đá ra xếp cho ngay ngắn và vững chắc!” - giọng Tủa lơ lớ.
Đá xếp của người Mông vùng cao này không cần bất cứ một chất kết dính nào cả mà hết sức chắc chắn. Họ có thể xếp bức tường đá một lớp cao đến 5-6m và trụ vững với thời gian...
Những 'pháo đài' cheo leo trên đỉnh núi của người Mông
Đôi vợ chồng trẻ Vừ Mí Dà và Làu Thị Xay sống trong “pháo đài” trên núi đá - Ảnh: NGỌC HIỂN
Những “pháo đài”
Một buổi chiều muộn, chúng tôi đi xe máy khám phá thế giới những đá toàn đá trên đường từ xã Sủng Mán đến xã Thài Phìn Tủng (huyện Đồng Văn). Những dãy núi cao mấy trăm mét toàn đá chồng đá, dựng đứng, xám ngắt, nối tiếp nhau trải dài như vô tận, ngoài những nương ngô trồng vừa nhú khỏi hốc đá, trên những đỉnh núi chỉ thấp thoáng vài cây bụi.
Từ giữa lũng Mua Phà Sá (thôn Xà Tủng Chứ, xã Tả Phìn), chúng tôi tìm cách leo lên ngôi nhà men theo những khối đá dựng đứng.
Ngôi nhà nhỏ lát đá lởm chởm, trống hoác, chỉ có cái bếp và cái giường nằm ở góc nhà, phía bên trên che tấm bạt nilông. Đây là nơi ở của ba con người, ông Vừ Mí Mua, con trai Vừ Mí Dà và con dâu Làu Thị Xay mới về nhà chồng chưa đầy 
hai tháng.
Ấn tượng nhất là bức tường cao hơn 3m, dài hơn 100m được xếp bằng đá rất khít bao quanh vườn nhà. Trông như những đoạn “lũy” xếp băng qua những tảng đá lớn, vươn cao lên theo triền núi đứng mà thán phục tài nghệ của người làm nên nó.
“Hai cha con bỏ ra hơn năm tháng ròng đấy và còn mất rất nhiều thời gian hoàn thiện nữa!” - ông Mua khoe.
Bên chén rượu ngô cay nồng, gia chủ kể chuyện gia đình, về người mẹ chết sớm, người cha bị kẻ gian giết cho đến người vợ bỏ đi khi con trai mới 11 tháng...
Gia chủ giải thích việc chọn nơi núi đá cao này sống là để gần với những hốc đá có thể trồng ngô nhằm có cái ăn.
Còn lũy đá cao bao quanh một phần để cản gió rét, một phần ngăn cản người xấu bụng, bảo vệ cây cối trong vườn.
Nói đoạn, ông nhìn ra trước nhà, một vực núi thẳm sâu sương mù lờ lững bay, trong tiếng gió rít qua những kẽ đá, thông thốc vào những lỗ thủng trên mái nhà...
Thật dễ dàng bắt gặp hàng ngàn “pháo đài” trên các đỉnh núi ở cao nguyên đá Đồng Văn. Có nơi như ở Giàng Chu Phìn, Cáng Chu Phìn hay Lũng Phù, “pháo đài” cố kết thành từng cụm; có nơi như ở Pả Vi hay Pải Lủng... thì nằm rải rác như đang “trị vì” cả ngọn núi cao.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến nhận xét trong sách Những đỉnh núi du ca rằng: “Mỗi ngôi nhà Mông là một pháo đài, kè đá, tường trình chắc chắn, choán lấy các cao điểm. Làng Mông là một tập hợp các ngôi nhà như thế, nhưng không tập trung mà phân bố trên một diện rộng, thậm chí rất rộng, từ quả núi này tới quả núi khác.
Do vậy sẽ thật khó bao vây và tập kích một ngôi làng Mông nếu không huy động đủ một quân số tương đối lớn, mà điều này luôn là khó khăn khi phải hành quân ở trên các dãy núi có độ dốc rất lớn”...

Chủ nhân những đỉnh núi
Hầu hết công trình nghiên cứu về người Mông cả trong lẫn ngoài nước đều cho rằng tộc người này luôn cư trú ở địa hình có độ cao từ 1.000m trở lên.
Bác sĩ Girard xác định người Mông luôn sống ở độ cao trên 1.200m; tác giả Cuisinier cho rằng tộc người này sống ở độ cao trên 1.400m; nhà địa chất Lê Bá Thảo nhận xét tương tự ở độ cao trên 1.000m và tác giả J.Scott xác nhận xu hướng cư trú của người Mông từ 1.000 - 1.800m...
Nhà nghiên cứu Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng: “Sống trên các đỉnh núi, người Mông với thói quen lâu đời đã chiếm dụng những nơi có địa hình cao nhất mà họ di cư đến. Ở VN, người Mông chính là chủ nhân của những đỉnh núi cao nhất, mà tôi gọi là nóc nhà của VN”...

Sự thích nghi ngoài sức tưởng tượng của người Mông


TTO - Tập quán trồng cây ngô cây đậu trong những hốc đá nằm trên những triền núi dựng đứng cao chót vót vừa là một đặc trưng, vừa là sự thích nghi ngoài sức tưởng tượng của người Mông.
Sự thích nghi ngoài sức tưởng tượng của người Mông
Canh tác nương ngô trên núi đá ở thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc - Ảnh: NGỌC HIỂN
Có chứng kiến phụ nữ Mông cõng từng gùi đất băng lên ngọn núi cao để đổ vào những hốc đá mới biết trong từng hạt ngô thấm đẫm mồ hôi nước mắt của tộc người này.
Vắt vẻo nương ngô
Bản Sủng Pờ B, xã Sủng Trà, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang trong buổi sáng sớm, khi những làn sương còn giăng đặc trên mấy chục mái nhà, những đàn ông, đàn bà người Mông trong thôn đã cõng gùi lên núi chăm ngô.
Đứng từ xa nhìn lên Sủng Pờ B, không ai nghĩ triền núi ken đặc đá tai mèo này là nơi trồng lương thực chính cho mấy chục hộ dân trong thôn. Tập trung tại bãi đá đầu thôn có hơn 10 người đang dùng cuốc làm cỏ và bón phân cho từng gốc ngô trong các hốc đá.
Đó là nương ngô của ông Sùng Dúng Nô, rộng khoảng 300m2 với hàng trăm ô đất nhỏ xíu xen lẫn trong những hốc đá tai mèo nhọn hoắt lởm chởm.
Chúng tôi thắc mắc vì sao đông người tập trung ở một vạt nương như thế thì con trai của ông Nô là Sùng Mí Xín cho biết ngoài người nhà còn có gia đình ông Sùng Chứ Lầu bên cạnh qua làm nữa.
“Đổi công anh ạ, người dân ở đây không làm nương một mình mà cùng nhau làm đám nương nhà này xong, sang làm đám nương nhà khác”.
Nương ngô ông Lầu được người dân Sủng Pờ B xem là đẹp nhất trong xóm. Cha của ông Lầu đến định canh ở đây khá sớm, giành được chỗ tốt, có vài khoảnh khá bằng phẳng và ít đá.
Trong quá trình canh tác, họ cải tạo bằng cách sắp những bờ đá để vừa hứng đất sau những đợt mưa từ trên đỉnh núi tràn xuống. Có khi họ cùng nhau đi gùi đất từ nơi khác đến đổ và san ra, được đám phẳng nào hay đám ấy.
Từ vạt nương ông Nô, chúng tôi nhìn lên đỉnh núi cao, thấy một phụ nữ trang phục sặc sỡ đang thoăn thoắt bước đi trên từng phiến đá lởm chởm, thoắt ẩn thoắt hiện sau những tảng đá lớn, sau những khóm cải hoa vàng đang độ trổ bông.
Đó là bà Sùng Thị Giằng đang đi bón phân cho rẫy ngô của mình. Rẫy của bà Giằng trải hơn trăm mét theo triền núi đá dựng đứng với hàng vạn tảng đá sắc nhọn, chỉ cần sẩy chân ngã thì không biết chuyện gì xảy ra. Nhưng xen kẽ giữa những tảng đá ấy là những hốc đất, mỗi hốc rộng vài bàn tay, thỉnh thoảng có hốc rộng lên đến 1-2m2.
Tất cả nước tưới đều... nhờ trời. Kể từ đầu tháng 3, khi bắt đầu có ít mưa, bà gieo ngô và chăm bón cho đến khi thu hoạch, cũng là lúc nắng hạn. Hạt ngô là lương thực chính, thân ngô làm chất đốt chủ yếu của gia đình trong năm.
Gia đình bà Giằng lập rẫy trồng ngô hơi muộn nhưng được cái là rẫy gần nhà. Có rất nhiều cặp vợ chồng mới cưới trong xóm Sủng Pờ B muốn lập rẫy mà không tìm ra triền núi nào có đất để lập.
Những thửa đất gần xóm đã kín chủ, kể cả những triền núi cao, buộc họ phải đi xa tìm những triền núi chưa có chủ. Để tìm lập rẫy mới, đôi vợ chồng trẻ mất cả vài năm trời.
Sự thích nghi ngoài sức tưởng tượng của người Mông
Bà Ly Thị Kía cõng đất đổ vào những hốc đá trên núi ở thôn Há Hơ, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn - Ảnh: NGỌC HIỂN
Cõng từng gùi đất
Chiều muộn, sau khi làm việc từ xã về, bà Ly Thị Kía (phó chủ tịch UBND xã Sà Phìn) thay vội bộ váy trắng, quấn khăn lên đầu, cầm cuốc và gùi ra nương.
Nhà bà Kía ở cuối thôn Há Hơ của xã Sà Phìn, ngay đầu con dốc, sang bên kia dốc là địa phận xã Sủng Là, nơi có làng Lũng Cẩm - bối cảnh đóng bộ phim Chuyện của Pao mà nhiều người biết tiếng.
Trước sự ái ngại bộ váy áo mới tinh tươm, rất đẹp sẽ bị làm bẩn bởi đất đá, bà Kía cười: “Phụ nữ Mông (trắng) vẫn vậy mà, dù có đi chợ, ra đường hoặc lên nương đều mặc thế cả thôi!”.
Chọn một đám đất tốt, bà cuốc lên, đập cho tơi ra, vun thành đống rồi cào vào gùi tre. Bà gùi lên dốc, băng qua các nương ngô của người ta rồi leo lên triền núi với hàng vạn tảng đá tai mèo lởm chởm. Đôi chân rắn chắc giẫm lên những đầu đá sắc nhọn như mũi giáo.
Đến lưng chừng núi, bà đổ gùi đất xuống một hốc đá nhỏ. Vài hôm trước, những hốc đá này đã được bà Kía lựa chọn, cài và xếp đá lại để giữ được đất, tránh xói mòn do mưa.
Sau đất đến phân, bà cõng những gùi phân chuồng đã ủ hoai lên đổ vào hốc đá, trộn đều với đất. Vài hạt ngô sẽ được trỉa ngay sau đó...
Bà Kía nói: “Nếu muốn trồng lâu phải biết cách xếp đá kỹ; bắt đầu từ những cục lớn, rồi chen vào những cục nhỏ hơn, rồi nhỏ hơn nữa sao cho thành võm khít, đất không bị trôi đi. Chỉ cần mỗi ngày vài hốc, cứ làm từ từ thì lên cả nương!”.
Xã Sà Phìn có 407ha ngô của 639 hộ dân, hầu hết đều ở trên núi đá, và nhiều diện tích tương tự được người dân cõng đất từ chân núi đổ vào hốc đá như kiểu bà Kía. Công việc nặng nhọc này được làm từ từ, từng ngày, cần mẫn và chủ yếu là việc của phụ nữ.
Hình ảnh mang từng gùi đất lên các hốc đá trên đỉnh núi cao của người phụ nữ Mông khiến nhiều người dân vùng cao ngạc nhiên về sức bền, sức chịu đựng, sự cần mẫn và chăm chỉ của họ.
Người dân sống bám vào hốc đá hầu hết chỉ trồng một vụ, vì tất cả nước tưới phụ thuộc vào ông trời. Sau mùa ngô, khi thời tiết khô hạn, đất trong hốc rắn lại như đá, không trồng nổi cây gì.
Nhiều gia đình đem tam giác mạch, loại cây chịu tốt nắng hạn lên gieo để chăn nuôi gia súc và một phần lấy hạt làm bánh cho người ăn.
Tuy nhiên cây tam giác mạch làm cho đất chua, thoái hóa, nhanh chóng bạc màu khiến cho vụ ngô sau thường không ra gì, cho nên hốc đá để không.
Trong mấy năm trở lại đây, trước tình trạng thiếu lương thực triền miên, chính quyền huyện Đồng Văn khuyến khích và làm thí điểm trồng hai vụ ngô nhưng vụ sau không có nước, nên ngô chẳng ra gì.
Người ta có sáng kiến khuyến khích người dân trồng cỏ voi nuôi bò vỗ béo bù đắp mấy tháng nông nhàn. Mô hình này thực hiện trong vài năm xem ra thích hợp vì đem lại thu nhập khá cho dân, mà cỏ voi cũng là loại cây không phá đất, giữ ổn định cho vụ ngô sau.
“Thổ canh hốc đá”
Là cách gọi của các nhà nghiên cứu đối với việc trồng trọt tại các hốc đá trên núi cao, được xem là đặc trưng chủ yếu của người Mông. Tập quán canh tác này được xem là sự chịu khó và thích nghi tuyệt vời với điều kiện hiện tại để duy trì cuộc sống.
Ông Sùng Đại Hùng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang, cho rằng dân tộc Mông của ông vốn gốc gác nông nghiệp trồng lúa nước. Trải qua thời gian và nhiều điều kiện thay đổi phải đến sống trên đỉnh núi, buộc lòng phải nghĩ cách mới mà trồng trọt để có cái ăn.
Ý kiến này dựa trên kết quả nghiên cứu về người Mông của các nhà khoa học, rằng tổ tiên của người Mông vốn trồng lúa. Tộc danh của người Mông (Miêu) theo tiếng Hán chiết tự gồm có bộ “thảo” nghĩa là “mạ non” với bộ “điền” là đồng ruộng.
“Đổi công anh ạ, người dân ở đây không làm nương một mình mà cùng nhau làm đám nương nhà này xong, sang làm đám nương nhà khác
Anh SÙNG MÍ XÍN

'Cuộc chiến' với nước của người Mông


TTO - Cách giữ nước, lấy nước và sử dụng nước của người Mông cũng không giống ai, đó là sự thích nghi với điều kiện thiếu nước muôn thủa. Từ bao đời nay, nước luôn là vấn đề hóc búa của họ...
'Cuộc chiến' với nước của người Mông
Vừ Pà Sinh lấy nước ở hốc đá thuộc bản Lỳ Chá Tủng, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn - Ảnh: Ngọc Hiển
Phải mua nước. Bên trường học thì nhờ quen biết mà mua được nước từ Lũng Táo giá 1,2 triệu đồng/xe (6m3). Còn UBND xã thì mua nước từ Yên Minh chở lên mỗi xe 1,5 triệu đồng. Tại những đơn vị này, nước được quản lý rất chặt, xã phân công nhiệm vụ và giao chìa khóa cho một người theo dõi và quản lý nước...!
Bà Ly Thị Kía
Bản Lỳ Chá Tủng, xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn với mấy cụm nhà nằm lốm đốm trên một triền núi đá, cách nhà vua Mèo Vương Chí Sình một dãy núi đá cao dựng đứng.
Dưới chân thung lũng được tạo thành bởi sự “oằn mình” của dãy núi có hai hốc đá, một tự nhiên, một nhân tạo, là chỗ lấy nước chính của 57 hộ trong bản.
Một can nước đi nhiều cây số
Trong một buổi chiều nhá nhem giữa tháng 5, đi trên con đường men theo triền núi đá nhìn xuống, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông mang hai chiếc can loại 30 lít, chiếc thì gùi, chiếc thì xách đi lấy nước.
Đó là Vừ Pà Sinh, đang len lỏi qua con đường mòn quanh các hốc đá và đám cỏ voi cao quá đầu người. Hốc nước anh lấy là một tảng đá được “ông trời” khoét cho như hình cái ná rộng 3-4m2 và có lẽ không sâu quá đầu người, nước trong và mát lạnh.
Cạnh đó cũng là một hốc khác rộng vài chục mét vuông, vừa tận dụng phần lõm của tảng đá rồi xây tường ximăng thành hốc, nhưng nước chỉ xấp xỉ dưới đáy có màu xanh đùng đục của tảo.
Anh buộc nước sau “con xe” Win rồi chạy quanh co len lỏi qua mấy ngọn đồi, ngược con đường bêtông lên đỉnh một ngọn núi thấp vào nhà. Trong sân nhà Sinh có hai bể nước nối với mấy máng xối bao quanh mái nhà nhưng nước cũng sắp cạn.
Nước đối với gia đình năm con người của nhà Sinh hằng năm như “một cuộc chiến” vậy: “Bể nước mưa này dùng tiết kiệm cũng được ba tháng. Hốc đá cách nhà gần cây số kéo dài thêm được hai, ba tháng nữa.
Những tháng còn lại phải qua (xã) Thài Phìn Tủng chở về. Cũng may bữa nay có hồ treo Thài Phìn Tủng, nếu không thì phải đi xa và chờ lâu lắm!”.
Mỗi ngày nhà Sinh xài ít nhất hai can 30 lít, phần lớn cho bò và dê uống. Còn nước sinh hoạt rất ít, chủ yếu dùng nấu ăn và uống. Mọi việc tắm, giặt đều phải đến hốc đá trong bản và hồ treo ở xã bên cạnh. Việc tắm giặt cũng hết sức tiết kiệm, chỉ mỗi tuần một lần vì nước không có nhiều.
Tuy nhiên, cái may nhất mà Vừ Pà Sinh không nhắc đến là con lộ từ nhà anh đến các xã xung quanh từ lâu được mở rộng và trải nhựa.
Anh có “con xe” Win nên lúc nào cũng sẵn sàng bon bon chở nước, khác hẳn với trước đây mùa thiếu nước phải mỗi người mỗi can gùi bộ mấy tiếng.
Bà Ly Thị Kía, phó chủ tịch UBND xã Sà Phìn, nói xã Sà Phìn ở trong tình cảnh “ba 100%”, đó là: 100% người Mông, 100% thiếu nước và 100% diện tích núi đá.
Thực ra, còn không ít 100% khác mà bà Kía còn dè dặt, có thể kể như thiếu lương thực hay số lượng thanh niên làm thuê bên kia biên giới... Nhưng “nóng” nhất vẫn là chuyện thiếu nước.
Năm 2002, xã Sà Phìn được huyện đầu tư xây cái hồ treo hứng nước từ núi đá ở phía nam bản Sà Phìn A, nhưng hồ này chỉ vài trăm mét khối và sau vài năm sử dụng thì bị hỏng, không giữ được nước, gần như quanh năm cạn đáy.
Đến năm 2008 một hồ treo nữa, dung tích 3.000m3, được xây ở phía bắc của bản Sà Phìn A. Nhưng chẳng hiểu lỗi kỹ thuật ra làm sao mà hồ này chẳng tích được nước và đang được sửa chữa.
Nạn thiếu nước trở nên nghiêm trọng trong suốt mấy tháng không chỉ đối với người dân mà còn đối với các cơ quan, trường học đóng trên địa bàn xã.
'Cuộc chiến' với nước của người Mông
Vừ Mí Dà ở bản Mua Phà Sá, xã Tả Phìn, huyện Đồng Văn gùi nước về nhà - Ảnh: Thái Lộc
Chiến lược bảo vệ nước
“Phải mua nước. Bên trường học thì nhờ quen biết mà mua được nước từ Lũng Táo giá 1,2 triệu đồng/xe (6m3). Còn UBND xã thì mua nước từ Yên Minh chở lên mỗi xe 1,5 triệu đồng.
Tại những đơn vị này, nước được quản lý rất chặt, xã phân công nhiệm vụ và giao chìa khóa cho một người theo dõi và quản lý nước...!” - bà Kía nói.
Những ngày đầu tháng 5 chúng tôi đến, trước tình trạng “bể cạn đáy”, UBND huyện Đồng Văn cũng vừa duyệt chi cho UBND xã Sà Phìn và Trường bán trú Sà Phìn 20 triệu đồng để mua nước.
Ông Dinh Chí Thành, phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết chiếm hơn 70% diện tích huyện này là đá toàn đá, cây rất khó mọc nên diện tích che phủ rừng chỉ khoảng 35%.
Ngoài Sà Phìn, các “xã đá” khác cũng thiếu nước triền miên gồm: Lũng Thầu, Vần Chải, Hố Quán Phìn, Tà Lủng, Tả Phìn, Tả Lủng...
Vì vậy lãnh đạo huyện đã đề ra một chiến lược bảo vệ nước như giữ rừng tuyệt đối, không những không đốn cây mà củi cũng cấm lấy để giữ độ ẩm, bảo vệ sinh thủy.
Không riêng gì huyện Đồng Văn, đi nhiều nơi ở các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, vấn đề bức xúc và nan giải bậc nhất vẫn là thiếu nước.
Bởi vậy, công việc quan trọng nhất của mỗi gia đình sống trên núi vẫn là xây bể tích trữ nước mưa và dành quá nhiều thời gian cho việc giữ nước, lấy nước.
Để thích nghi, người dân vùng này có nhiều cách để giữ và lấy nước. Ngoài bể hứng nước mưa tại nhà, phổ biến nhất vẫn là tận dụng và cải tạo hốc đá tự nhiên, nện chặt đáy hốc bằng đất sét để giữ nước mưa; làm hồ treo hứng nước lưng chừng núi hoặc dùng ống cao su dẫn nước về nhà từ những hốc nước rỉ ra trong lòng núi cao...
Hiện nay nhờ xe cộ, đường sá và nhiều dụng cụ khác khiến câu chuyện nước không còn “vô cùng khủng khiếp” đối với người Mông như trước đây. Chỉ cần có “con xe” phi vài cây số là đến ngay một hồ treo ở xã xa hoặc lên một hốc đá nào đó để chở nước về dùng.
Thành lập đội bảo vệ nước
Theo ông Dinh Chí Thành, tại các xã của huyện Đồng Văn đều có các đội và các bản đều có các tổ để bảo vệ nước. Mỗi đội, mỗi tổ sẽ có 5-10 người luân phiên theo dõi, điều tiết và bảo vệ nguồn nước sinh hoạt tại các hồ treo cho cư dân trong vùng.
“Có những thời điểm nguồn nước không thể đáp ứng cho tất cả các hộ dân cùng sử dụng nên các đội, các tổ sẽ đứng ra điều hành để người dân khu vực này được lấy nước bao nhiêu tiếng, khu kia được lấy bao nhiêu tiếng. Mục đích cuối cùng là điều tiết để tất các hộ dân đều có thể dùng được nước” - ông Thành nói.

Đúc lưỡi cày


TTO - Với người Mông, chiếc lưỡi cày không đơn thuần là tinh hoa của nền nông nghiệp trên núi đá mà còn là niềm tự hào của dân tộc họ bởi cho đến bây giờ, chỉ có những lò rèn người Mông mới đỏ lửa đúc được những lưỡi cày độc đáo này. 
Kỳ 4: Đúc lưỡi cày
Cha con ông Chứ Dung Xíu và Chứ Mí Cho luyện thép đúc lưỡi cày - Ảnh: NGỌC HIỂN
Nghề tự biết
“Nhóm đàn ông họ Chứ đang uống rượu bên đó là những người đúc lưỡi cày có tiếng ở đây!” - một chàng trai dân tộc Giáy tại chợ phiên Mèo Vạc (Hà Giang) nói.
Chúng tôi dễ dàng nhận ra nhóm đàn ông vận đồ thâm đen đặc trưng của người Mông đang ngồi uống rượu ngô, hút thuốc lào với mười cái lưỡi cày bày bán trước mặt. Khá đông người đến chọn hàng, họ cầm thanh sắt đánh vào thân lưỡi, ưng ý thì trả tiền, để lại cái lưỡi cũ đã bị gãy mang theo rồi cầm cái lưỡi mới đi...
Sau phiên chợ, chúng tôi lần theo địa chỉ tìm đến họ Chứ ở bản Sủng Cáng, xã Sủng Trà, cách thị trấn Mèo Vạc non 20km. Ngay từ đầu con đường đất dẫn vào, chàng trai chỉ đường có ý ngăn cản: “Đường khó đi lắm, không tới nơi được đâu!”.
Đúng là ít thấy con đường nào khó đi như con đường dẫn vào Sủng Cáng này, vừa nhỏ hẹp, dốc cao lắt lẻo men theo những đỉnh núi dài nối tiếp nhau, bên dưới là vực sâu không dám nhìn xuống; mặt đường toàn đá dăm lởm chởm, sương phủ mờ giăng bốn phía...
Non chục cây số trên con đường vắt vẻo qua những triền núi đá như thế, xe máy phải chạy số 1 liên hồi. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được xóm “lò” Sủng Cáng với mấy nóc nhà trên triền một ngọn núi đá.
Lò nhà ông Chứ Dung Xíu, một trong ba gia đình họ Chứ ở đây, hôm nay đỏ lửa. Với tiếng Kinh lơ lớ, ông Xíu niềm nở tiếp đón chúng tôi, bảo rằng cứ tự nhiên như ở nhà, quay phim chụp ảnh tự do thoải mái: “Người Mông không giấu nghề làm gì, học được thì các chú cứ học để phổ biến cái lưỡi cày Mông!”.
Cùng đúc với ông là người con trai Chứ Mí Cho, 28 tuổi, rất cần mẫn và chăm chú.
Lò đúc hoàn toàn thủ công, bệ sục bằng gỗ đặt liền với lò luyện gang cùng một lỗ tròn ở giữa, thông với cửa vòm đặt nồi quặng bên dưới. Cho đang ngồi hoàn thiện phần khuôn.
Anh tỉ mẩn dùng tay lấy từng nhúm nhỏ “vữa” than và đất sét rồi khéo léo tạo nên từng chi tiết cho mặt khuôn. Vừa tạo vừa ngắm rồi chỉnh sửa, làm láng... Xong mặt khuôn là đến nắp và phần cáng cũng với những động tác tương tự.
Kỳ 4: Đúc lưỡi cày
Thợ đúc họ Chứ ở Sủng Cáng bày bán lưỡi cày tại chợ phiên Mèo Vạc - Ảnh: THÁI LỘC
Cho khẳng định một trong những công đoạn khó nhất chính là làm khuôn lưỡi với độ cong hoàn hảo và chính xác. Chính độ cong hoàn hảo này mà lưỡi cày mới chịu được đá, mới có thể len lỏi qua các hốc đá trên những đỉnh núi cao. Công đoạn quan trọng bậc nhất vẫn là luyện gang bằng cái bệ thủ công.
“Nguyên liệu luyện gang cũng được tính toán kỹ, quá dẻo hay quá giòn đều tối kỵ trong việc đúc lưỡi cày. Tất cả nguyên liệu phải có độ cứng vừa phải” - Cho quả quyết.
Công đoạn khó khăn, đòi hỏi cả kinh nghiệm lẫn sự công phu chính là đổ gang vào khuôn đúc. Khi lò được đốt nóng, họ bỏ than và quặng vào; người cha liên tục sục, bụi khói mù mịt, những tiếng nổ than lách tách, tia lửa bay tung tóe. Khi quặng tan chảy, họ lấy nồi quặng đỏ rực đổ vào khuôn.
Phần làm nguội thì đã có người con trai Chứ Mí Sai (26 tuổi) lo liệu...
Công việc đang tiến hành thì cậu con trai của Chứ Mí Cho là Mí Nô (7 tuổi) cũng vừa tan học về chạy ngay vào lò. Cậu bé không làm việc gì nhiều, chỉ thỉnh thoảng sục bệ thay ông. Còn phần lớn thời gian thì nhìn cha và ông làm việc.
Đó cũng chính là cách học nghề của người Mông, họ không cầm tay chỉ việc và trao truyền trực tiếp mà chỉ quan sát, rồi những hình ảnh, công đoạn, thao tác của bí kíp đúc lưỡi cày cứ thế như thấm vào máu, nhập vào trí não...
Đó là lý do mà nhiều thiếu niên Mông trạc 14-15 tuổi đã tự mình thuần thục công việc đúc lưỡi cày, mà khi chúng tôi hỏi học nghề từ ai thì họ đều trả lời: “Nghề này tự biết!”.
Kỳ 4: Đúc lưỡi cày
Những đứa trẻ họ Chứ người Mông xem cách làm lưỡi cày từ khi còn rất nhỏ - Ảnh: THÁI LỘC
Không học được người Mông
Ở bản Sủng Cáng, cả hai anh em Chứ Mí Cho và Chứ Mí Sai đều là hai tay thợ trẻ tài hoa của họ Chứ. Sai nói với vẻ tự hào rằng chỉ có mỗi dân tộc Mông mới biết cách đúc lưỡi cày, đặc biệt là chỉ người họ Chứ mới đúc lưỡi cày tốt và chống chọi được với đá mà thôi.
Sai không nhớ mình có ý theo học nghề đúc từ khi nào, song anh cho biết tự mình làm thuần thục tất cả các khâu từ rất sớm, lúc mười mấy tuổi.
Chia sẻ câu chuyện nghề, Sai cho biết một điều khá nghịch lý: “Ở nghề đúc lưỡi này, những người nằm trong lứa tuổi thanh niên mà lành nghề mới đúc nên lưỡi đẹp nhất!”. Chúng tôi há hốc mồm: “Phải là bậc nghệ nhân già chứ, sao trẻ lại đúc đẹp hơn người già có kinh nghiệm được!”.
Sai diễn giải: “Nghề này mắt nhanh kém lắm. Chỉ người trẻ tuổi mắt còn tinh tường mới làm cho chuẩn những đường cong, đường thẳng sắc nét và hợp lý của cái lưỡi cày. Còn người già mắt kém rồi, nhìn không ra!”.
Đó cũng là lý do anh cho biết người cha Chứ Dung Xíu, mới 56 tuổi, nhưng nhiều năm rồi không tự mình đứng lò làm chính mà nhường vai trò này cho con trai.
Thực ra nghề đúc lưỡi cày ở Sủng Cáng không như các nghề truyền thống làm quanh năm ở miền xuôi, mà chỉ đỏ lửa trong khoảng ba tháng đầu năm, khi mưa xuống thấm ướt các hốc đá trên những đỉnh núi ở cao nguyên đá Đồng Văn. Đó cũng là thời điểm người dân lên núi cày đất trồng ngô trên các hốc đá.
Bởi thế, những người đàn ông họ Chứ ngoài nghề đúc lưỡi cày còn làm đủ thứ nghề, từ làm nương rẫy trên núi cao hay đi lái trâu bò đem ra chợ phiên, hoặc tìm trên đỉnh núi những loại thảo dược, mấy loại thực phẩm quý hiếm mang về chợ huyện bán...
Ông Vàng Mí Dình, chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Mèo Vạc, cho biết trong nhiều năm liền, nhiều cán bộ trong huyện có ý kiến vì sao chính quyền không tổ chức học đúc lưỡi cày của người Mông để giữ gìn và phát huy sản phẩm nghề truyền thống của người dân địa phương. Phòng công thương của huyện là đơn vị chủ trì đề án này, đã tổ chức đưa người vào các bản Mông học nghề đúc lưỡi cày. “Nhiều người cũng đến học, quan sát, ghi chép đầy đủ và về làm y chang. Nhưng lưỡi đúc ra cày không được vì bị đất dính vào. Lưỡi đúc xong phát cho dân, dân đem đi đổi lưỡi của người Mông đúc, họ đập ra đúc lại. Công việc vì thế thất bại” - ông Vàng Mí Dình nói.
TS Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, tin rằng trước đây những thợ đúc người Mông không chỉ sở hữu nghề đúc lưỡi cày có thể phăng phăng trên hốc đá, mà còn biết khai thác mỏ sắt từ thiên nhiên rồi luyện quặng trong quá trình đúc này.
Chỉ tiếc rằng cho đến hiện nay, có lẽ do nguyên liệu kiếm được khá dễ dàng nên kỹ thuật luyện quặng sắt không ai còn nắm được...
Cho đến ngày nay, người Mông chủ yếu dùng lưỡi cũ bị hỏng hoặc một số vật dụng bằng sắt làm nguyên liệu luyện. Cách chọn sắt của họ khá đơn giản: dùng búa đập mạnh rồi quan sát độ vỡ, cách vỡ và nghe tiếng vỡ của sắt, không quá giòn và cũng không quá dẻo...

Tập tục kéo vợ của người Mông


TTO - Trong những ngày đầu năm mới, nhất là dịp lễ hội mùa xuân, những con lộ đầu bản ngoằn ngoèo quanh núi đá xám ngắt chính là nơi dập dìu những chàng trai và cô gái người Mông.
Sống trên đỉnh núi - Kỳ 5: Tập tục kéo vợ của người Mông
Các cô gái Mông dập dìu đi chợ tình Khâu Vai tháng 4-2017 để có người kéo về làm vợ - Ảnh: NGỌC HIỂN
Đó cũng chính là nơi các chàng trai, cô gái khởi đầu câu chuyện kết duyên trăm năm với tập tục kéo vợ.
Chẳng cần ý kiến nhà gái
Trong một “pháo đài đá” chênh vênh trên triền núi đá của thôn Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang), Mùa Thị Mái đang ôm đứa con nhỏ nhìn về vực thẳm hun hút, nơi con sông Nho Quế nằm sâu giữa hai dãy núi sừng sững.
Năm năm trước, khi mới 17 tuổi, Mái xúng xính trong áo váy đẹp nhất một mình sang Mã Pì Lèng chơi hội mùa xuân và được Lì Mí Sing kéo về nhà làm vợ.
Thực ra từ trước đó, hai cô cậu này đã có biết về nhau, cũng “ưng cái bụng rồi” nên mới hẹn nhau ở lễ hội mùa xuân để Sing kéo về nhà làm nên vợ chồng.
Sau ba ngày, gia đình Sing cử người sang nhà Mái báo con nhà họ đã được kéo về làm dâu nhà họ Lì rồi và đặt vấn đề thăm hỏi chính thức.
Cho dù có một nghi lễ nho nhỏ diễn ra trong nội bộ gia đình để cặp đôi chính thức kết duyên vợ chồng, nhưng cho đến nay sau hơn 5 năm, bạn bè và dòng họ, cả bản mong chờ mà lễ cưới của họ vẫn chưa diễn ra.
Tương tự, đôi vợ chồng Vừ Mí Tuẩn và Sùng Thị Mai ở xã Lũng Phìn (Đồng Văn) có với nhau đã hai mặt con, đứa lớn lên đến 8 tuổi nhưng vẫn chưa diễn ra lễ cưới.
Trong một phiên chợ đầu xuân ở Lũng Phìn khoảng 10 năm trước, Tuẩn đã kéo Mai (vốn ở xã Vần Chải cùng huyện Đồng Văn) về nhà làm vợ. Nhà Tuẩn cũng sang báo nhà gái sau ba hôm con dâu “làm ma nhà mình”.
Kiểu lấy nhau vài năm, thậm chí có với nhau 2-3 mặt con nhưng chưa tổ chức đám cưới như vậy là chuyện bình thường theo quan niệm người Mông. Họ chỉ tổ chức đám cưới khi có tiền và hội đủ các điều kiện, cho dù gia cảnh vợ chồng, con cái đã đề huề.
Lắm kiểu nên duyên
Cách lấy vợ của người Mông thì nhiều, nhưng ngày nay hầu như chỉ còn tục kéo vợ. Còn tục cướp vợ và bắt vợ đã ít đi, cho dù đây đó thỉnh thoảng vẫn diễn ra.
Dù là kéo, bắt hay là cướp, khi chàng trai đưa được cô gái về nhà mình làm vợ, bố mẹ đều mừng vì con trai lấy được vợ.
Mặc cho nhà gái có đồng ý hay không, cha mẹ nhà trai chỉ cần xoay ba vòng con gà trống trên đầu đôi lứa là cô gái coi như đã “làm ma nhà mình”...
Liên quan đến việc nên vợ nên chồng, những người Mông (trắng) ở xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc còn có một hình thức tỏ tình khác là... vỗ mông.
Ngày hội vỗ mông diễn ra trên những con đường vào thôn Sảng Chải A, sau những lời chào hỏi và chúc đầu năm khi phải lòng nhau qua ánh mắt, chàng trai vỗ vào mông cô gái như một lời tỏ tình.
Nếu được cô gái đáp trả bằng một cái vỗ mông ngược lại coi như “ok”, họ nhờ mai mối đến để nên duyên chồng vợ. Trong ngày hội vỗ mông này, thay vì vỗ mông trai gái còn cố ý vỗ vào chỗ kín của nhau nhưng không bị coi đó là dung tục...
Cùng với những tập tục lấy nhau thông qua các lễ hội, trong cộng đồng người Mông có nhiều trường hợp đi thách cưới để nhà trai có thêm lao động cho dù chàng trai còn rất nhỏ.
Đó là cặp đôi Dà Mí Mua và Dà Thị Dính ở thôn Mã Pì Lèng. Dà Mí Mua năm nay 26 tuổi, đã có đến ba đứa con, con đầu đã 10 tuổi.
Mua cho biết anh lấy vợ được 12 năm rồi: “Khi đó mình mới 14 tuổi, mấy anh chị lấy chồng lấy vợ hết cả, bố mẹ mình sang Pả Vi cưới vợ cho mình. Khi đó hắn (chỉ người vợ Dà Thị Dính) 19 tuổi, hơn mình 5 tuổi. Nhà mình thách cưới hết một con lợn, mấy can rượu, tiền và bộ quần áo lanh. Vậy là hắn về làm vợ mình, làm việc cho nhà mình!”.
Sống trên đỉnh núi - Kỳ 5: Tập tục kéo vợ của người Mông
Dà Mí Mua 26 tuổi đã có ba con, con lớn 10 tuổi đang đi học trường nội trú Pải Lủng, Mèo Vạc. Trong ảnh là vợ chồng anh Mua và hai con nhỏ - Ảnh: THÁI LỘC
Hệ lụy
Thực ra, tục kéo vợ cũng để lại một số hệ lụy mà phần lớn rơi vào trường hợp kéo nhau về quá sớm, chưa tìm hiểu rõ nhau.
Chỉ qua ánh mắt, nụ cười, thậm chí một điệu khèn hay... một phát vỗ mông rồi nên duyên, mọi chuyện diễn ra chóng vánh quá, dẫn đến những bi kịch gia đình trẻ thường xảy ra mà phía nhận lãnh không ai khác là phụ nữ.
Trong lịch sử dân tộc Mông có rất nhiều trường hợp làm dâu chưa lâu đã tìm đến giải thoát bằng lá ngón.
Ghi nhận gần đây của cơ quan chức năng, nhiều cô gái về làm dâu chưa lâu đã bỏ đi vì không phù hợp, nảy sinh nhiều bất đồng, khiến nhà trai phải huy động người đi bắt 
trở lại...
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà tiếng hát làm dâu lại trở thành một trong năm tiếng hát chính của kho tàng văn nghệ dân gian Mông, với những câu ca thấm đẫm tiếng lòng và day dứt đến lạ lùng.
Chẳng hạn như: “Năm nay em đi làm dâu/Thân khác gì trâu măng đeo ách”; “Chỉ có chết thân hóa làm con ve lột xác/Chỉ có chết thân mới như trâu măng thoát ách/Chỉ có chết mình biến làm con ve lột xác/Chỉ có chết mình mới như trâu măng tuột sẹo”; “Chết được thì con chết ngay/Để đi tìm chồng khác mới quên nổi con đường này nắng bỏng”.
Hay như: “Con đi, tốt thì con ở/Không tốt con ngắt lá ngón liều thân/Chịu cùng lá chết đi, biến đi/Con đi, tốt thì con sống/Không tốt con ngắt lá ngón liều mình/Chịu cùng lá nát tan mất đi”...
Trong tập tục của dân tộc Mông, các nhà nghiên cứu ghi nhận có ba hình thức lấy vợ, đó là kéo vợ, cướp vợ và bắt vợ.
Với kéo vợ, đôi trai gái thường đã ưng ý nhau từ trước, họ hẹn nhau tại một điểm đông người, chủ yếu vào ngày hội đầu năm để chàng trai kéo cô gái về nhà. Bắt vợ thì chàng trai dù không được bên gái đồng ý vẫn bắt cô gái về làm vợ và chấp nhận thách cưới cao.
Còn cướp vợ thì đằng gái đã đính ước hoặc đã có chồng nhưng vì thích, chàng trai vẫn tổ chức cướp hoặc dụ dỗ cô gái theo mình, trở thành nguyên nhân cho nhiều mối bi kịch diễn ra...
Ông Sùng Đại Hùng (giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang, một người Mông ở Má Lé, Đồng Văn) cho biết: “Người Mông xưa thách cưới cao lắm, phải có nhiều tiền, vàng bạc, rượu thịt mới lấy được vợ. Các cụ nói ít nhất phải có 7 đồng bạc trắng, 30 can rượu, 30 cân thịt, vòng bạc, quần áo... các thứ kèm theo.
Những thứ ấy là không thể có đối với những gia đình Mông nghèo sống heo hút, thổ canh trên những hốc đá cheo leo. Vì vậy tôi thấy tục kéo vợ rất nhân văn, đảm bảo quyền tự do luyến ái của đôi lứa, đồng thời đảm bảo trai nghèo hay giàu đều lấy được vợ.
Tôi rất ủng hộ tục này. Chỉ có điều tôi không bằng lòng ở chỗ nhiều đôi vợ chồng kéo nhau về quá sớm, chỉ 15-16 tuổi, chưa đủ tuổi là không nên”.

Đến chợ để say


TTO - Sáng sớm cuối tháng 4, chúng tôi chen chân vào chợ phiên Sà Phìn đông nghịt người. Phiên chợ lùi họp vào các ngày Tỵ và Hợi này nằm ngay trước dinh thự vua Mèo giữa thung lũng Sà Phìn ven quốc lộ 4C thuộc huyện Đồng Văn. 
Sống trên đỉnh núi - Kỳ 6: Đến chợ để say
Hai người vợ dìu hai ông chồng say khướt trở về nhà từ chợ phiên Đồng Văn - Ảnh: NGỌC HIỂN
“Người Mông là vậy, sống trên đá, nằm trên đá, chết trên đá, uống rượu ngô trồng trên đá. Đến chợ là để cho rượu ngô nó dẫn về nhà!
Cụ THÀI PÀ NO (nhà ở Lũng Táo)
Chen chân giữa đông đúc người mua kẻ bán, bỗng “Bịch!...” - một người đàn ông mặc áo đen ngã nhào xuống đất ngay trước mặt chúng tôi sau mấy bước tréo chân loạng choạng.
Khi chúng tôi đề nghị mấy người đàn ông đang ngồi uống rượu gần đó đỡ người ngã vào mái hiên đình chợ, bà lão bán rượu cạnh đó khoác tay: “Kệ nó, chờ lúc tỉnh nó tự dậy đi về nhà thôi!”.
Chồng nhậu vợ chờ
Cả khu đình chợ thơm nồng mùi rượu ngô, cả trăm người đàn ông ngồi quanh mấy dãy bàn rượu rôm rả nâng chén trong cảnh bán buôn đã vãn. Nhiều phụ nữ mặc váy áo sặc sỡ vẫn bình thản tựa lưng chờ chồng tàn cuộc nhậu.
“Uống một chén đi” - Lào Chống Ngô (37 tuổi) níu lấy tay tôi đưa chén rượu đầy, miệng cười tươi phà hơi men nồng nặc. Vừa cạn chén cay nồng cả cuống họng, Ngô lại rót thêm chén mới mời năm “bạn nhậu” trong bàn cụng ly, đánh ực.
Vây quanh Ngô là hàng chục bàn nhậu xôm tụ ngồi kín cả khu đình khiến cho bất kỳ ai vào chợ dù chưa chiêu ngụm rượu nào cũng đã thấy lâng lâng.
“Người Mông mình gặp nhau là phải làm chén rượu đấy” - Ngô vừa nói vừa nâng chén mời cả bàn cụng với chúng tôi. Kế bên Ngô, một cậu bé và hai người phụ nữ tựa cột đình, miệng luôn mỉm cười dõi theo bàn nhậu. Thì ra đó là mẹ, vợ và con trai của Ngô đang ngồi chờ... cha nhậu.
Buổi chợ này, Ngô chẳng bán buôn gì mà chỉ xuống chợ tìm bạn uống rượu cho “vui cái bụng”. Ngô uống đến chén thứ bảy nhưng cả gia đình vẫn vui vẻ chờ dù khuôn mặt đen giòn của Ngô đã chuyển sang đỏ phừng phừng.
“Mình phải chờ nó uống xong đã chứ, nó về mình mới được về, nó còn ở lại mình còn ngồi chờ” - chị Vừ Thị Chơ, vợ Ngô, nói thế.
Cũng trong bàn rượu, chị Lù Thị Dính (43 tuổi) điềm tĩnh chờ chồng Vừ Xía Cáo với khuôn mặt rượu đỏ như mặt trời. Chồng chị Dính quanh năm phải chăn dê, chăn bò và quần quật trên nương ngô nên xuống chợ là chị phải để cho chồng vui với bạn bè bên chén rượu.
“Có rượu, có bạn bè, chồng mình mới vui được” - chị Dính nói.
Trong sự lâng lâng của rượu ngô, chúng tôi men theo con đường nhựa dẫn lên đỉnh núi, nơi tụ tập rất đông người và gia súc trải dài mấy trăm mét. Dù không để bảng hiệu như ở “chợ bò Mèo Vạc” nhưng người ta vẫn gọi đây là “chợ bò Sà Phìn”, là nơi buôn bán gia súc của người dân các xã gần đó.
Tại đây có nhiều nhóm đàn ông tụm năm tụm ba uống rượu chuyện trò rôm rả với nhau, sau lưng luôn là người phụ nữ của họ. Thấy chúng tôi giơ máy hình lên, mấy người đàn ông cầm chén rượu đon đả: “Uống bát đã rồi chụp!”.
Sống trên đỉnh núi - Kỳ 6: Đến chợ để say
Một người đàn ông say mèm, nằm ngay giữa khu đình chợ Sà Phìn - Ảnh: NGỌC HIỂN
Say vợ dìu về
Quá trưa, chúng tôi bắt gặp hai người đàn ông như “hai cọng bún” liêu xiêu trở về nhà. Hai người phụ nữ đi bên họ dù nặng nhọc dìu chồng nhưng vẫn nở những nụ cười điềm tĩnh.
“Quen rồi, chồng say thì mình phải dìu về thôi” - chị Lỳ Thị Tính nói với chúng tôi khi vừa bước ra khỏi chợ. Hai người chồng dù đôi mắt lim dim, chân nam đá chân chiêu nhưng cứ vài bước lại ngẩng mặt lên, vùng vằng khỏi tay vợ như thể còn quyến luyến chén rượu trong buổi chợ.
Kinh nghiệm 20 năm trời bán rượu ở chợ Sà Phìn, bà Sèo Thị Mỹ cho biết cảnh đó là bình thường: “Nó không dìu về thì chồng nó cũng lăn ra đây ngủ thôi, rồi nó cũng phải chờ chồng tỉnh để dìu về thôi mà!”.
Gọi là quán rượu nhưng bà Mỹ chỉ mang đến chợ một cái bàn gỗ, bốn cái ghế dài và 10 lít rượu ngô. Mỗi phiên chợ bà Mỹ bán được 6-7 lít rượu, cũng có phiên khách đến đông, la cà đến chiều thì bà bán sạch cả 10 lít.
Suốt 20 năm qua, bà Mỹ cho biết câu chuyện trên bàn nhậu vẫn xoay quanh mấy câu hỏi: Làm hết nương chưa? Vợ đẻ mấy đứa con? Nhà có ai ốm đau không? Dê nuôi được bao nhiêu con? Bò được bao nhiêu con?...
Theo bà Mỹ, đàn ông xuống chợ gặp bạn là phải uống rượu, bên chén rượu những lời hỏi han thân tình.
“Chúng nó đi làm rẫy, cách nhau cả mấy ngọn núi ngày thường chẳng gặp nhau được đâu. Xuống chợ gặp bạn bè chúng nó vui lắm, mà đàn ông Mông vui là phải uống rượu thôi, say thì có vợ dìu về rồi” - bà Mỹ nói.
Trên khắp các chợ phiên ở cao nguyên đá Đồng Văn, từ Khâu Vai, Nậm Ban, Niêm Sơn, Xín Cái, Sơn Vĩ... thuộc huyện Mèo Vạc, cho đến Lũng Phìn, Sủng là, Phố Cáo, Phố Bản... của huyện Đồng Văn đều có những khu uống rượu của đàn ông.
Đó là nơi đàn ông gặp gỡ, bên chén rượu ngô và tẩu thuốc lào, là nơi đàn ông Mông “đến để mà say” như thế. Họ có thể nằm ngay tại chợ, nằm ven vệ đường, và những cô vợ hoặc là cầm ô che mưa che nắng, nhẫn nại chờ chồng ngủ dậy, hoặc phải dìu chồng về trước khi chàng say... tới bến.
Sống trên đỉnh núi - Kỳ 6: Đến chợ để say
Khi chồng uống rượu, vợ luôn đứng cạnh bên chờ chồng tại khu chợ bò ở chợ phiên Sà Phìn - Ảnh: NGỌC HIỂN

“Niềm tự hào”
Theo TS Mai Thanh Sơn - Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ, “chợ ở vùng cao có vóc dáng của hội; chợ là một ngày hội, phụ nữ ăn mặc phải đẹp, đàn ông đến chợ để gặp gỡ, chia sẻ niềm vui nỗi buồn thông qua chén rượu. Chợ ở đây không chỉ là nơi mua bán mà là một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể”.
Còn theo bà Lý Trung Kiên - trưởng Ban tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn, niềm tự hào của người phụ nữ Mông là khi đến chợ chồng mình có nhiều bạn, được nhiều người mời rượu, mời đến say thì thôi.
Theo bà, đó là đức tính cam chịu và bằng lòng với cuộc sống của mình của người phụ nữ Mông. Khi chồng say, họ còn tự hào và luôn sẵn sàng chờ chồng và xem đấy như là bổn phận của người vợ mà không hề than vãn.

Tang lễ lạ lùng


TTO - Thi hài được quấn vải sơ sài đặt trên cái cáng tre treo giữa gian chính ngôi nhà và được “thầy pháp” thường xuyên bón cơm, bón rượu. Những dải vàng mã xanh đỏ tím vàng được treo tua tủa, đong đưa trên cáng.
Sống trên đỉnh núi - Kỳ 7: Tang lễ lạ lùng
Mổ heo bò của người đi viếng ngay trong ngày tang lễ để chia thịt - Ảnh: Ngọc Hiển
Những thầy khèn vừa thổi vừa xoay vòng, lượn lờ trong một mớ âm thanh nghèn nghẹn, ai oán, réo rắt một cách bí hiểm. Mùi tanh của thịt bò, thịt heo tươi xen lẫn hương nồng của rượu ngô xộc thẳng vào người...
Đó là cảnh tượng đám tang ông Vừ Khái Lừ, 61 tuổi, ở bản Chúng Pả B, thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang).
Bón rượu cho người chết
Phía bên trên chỗ nằm của người chết là mái nhà có khoảng trống thông lên bầu trời. Cạnh bên người chết được kê bộ bàn ghế là nơi gia quyến rượu trà với khách. Trông ra hiên nhà, ba nồi nước lớn đang sùng sục trên bếp lửa rừng rực.
Cạnh đó là một con heo lớn mới tắt tiếng kêu eng éc bởi đám thanh niên vừa chọc tiết xong. La liệt thịt, người ta mổ, cắt, chặt, xẻ, làm lòng... rồi phân ra từng phần để riêng. Bên trong nhà, những giò heo, dong sườn còn tươi treo khắp nơi quanh tường.
Mọi người rót rượu ngô mời nhau trong không gian im lặng vài phút, bỗng tiếng khèn, tiếng kèn, trống và xập xõa nổi lên vừa rộn ràng, vừa réo rắt ai oán. Ở gian giữa, ba thầy khèn, thầy kèn bước đi vòng tròn thổi những điệu nhạc réo rắt càng khiến cho không gian thêm u sầu.
Mọi cặp mắt hướng về “thầy pháp” đang rót từng bát rượu ngô bón hờ cho người chết, đổ vào cái ấm treo lủng lẳng trên cáng tre cạnh đầu nằm. Liền với đó là những muỗng cơm cũng được múc để bón hờ tương tự, đổ vào cái thố đặt cạnh đầu người chết. Nhạc ngưng, họ lại rót rượu ngô mời nhau...
“Éc, éc...”, chúng tôi giật mình nhìn ra sân; một đôi vợ chồng ăn mặc và vận khăn lanh truyền thống và hai thanh niên khác đang cố đưa con heo lớn tiến vào nhà. Một cây vàng mã và một can rượu ngô cũng mang kèm. Con vật được dẫn đến bên linh cữu, một sợi lanh được “thầy pháp” cột vào đầu, đầu kia của dây buộc vào tay trái người chết rồi lẩm bẩm điều gì đó.
Tất cả diễn ra trong tiếng khèn réo rắt. “Hơ.. hơ...!”, ngay sau đó, con heo được chuyển ra hiên chọc tiết trong sự chứng kiến của người mang đến. Chừng nửa giờ sau, một đôi vợ chồng khác đem đến một con heo khác, mọi nghi lễ cử hành tương tự và heo cũng được hạ ngay sau đó...
Gánh nặng trả lễ
Cụ Vừ Mí Sử, một thầy giáo hưu trí được xem là bậc trưởng thượng của bản Chúng Pả B trong vai trò chủ tang lễ này, diễn giải: sợi lanh nối từ cổ con heo vào tay người chết với ý tặng, giao cho người chết dẫn sang thế giới bên kia.
Cụ Sử cho hay đám tang của người Mông là vậy, bà con, họ hàng, thông gia hay những người quen biết, tùy từng điều kiện hoàn cảnh hay mối quan hệ mà dắt con vật bốn chân như lợn, dê hay bò đến viếng.
Riêng con vật phải được hạ ngay và chia ra nhiều phần. Một phần để lại cho gia quyến nấu nướng phục vụ lễ tang, một phần đưa người đi viếng mang về. Một phần dành cho thầy khèn, thầy kèn, thầy trống...
Trong ba ngày đám tang ông Vừ Khái Lừ có 20 con heo, 3 con bò và một số con dê được mang đến. Vậy mà đây chưa phải là một đám lớn, bởi có đám lên đến hàng mấy chục con heo và dê, trên chục con bò. Tuy nhiên, những con vật bốn chân đó chính là những “món nợ”, trở thành gánh nặng đối với gia đình người chết, buộc họ phải trả lễ.
“Tục là vậy, người ta mang con vật đến mình phải nhận, mang đến bao nhiêu phải nhận bấy nhiêu để giết thịt. Sau này khi nhà người ta có tang thì mình phải mang trả lại đúng như thế” - ông Sử cho biết.
Trong đám tang của người Mông, tiếng khèn là những bài tang ma chỉ đường cho người chết “về với cõi âm, lên trên trời, trở lại đất, biết đường đi đầu thai, trở thành con người mới sinh nở lại kiếp khác...”. Hằng đêm khi xác chết còn nằm trên cáng trong nhà, trong tiếng khèn, “thầy pháp” cầm cây kiếm gỗ và nắm cỏ ranh đi quanh nhà để “đuổi giặc”.
Trước khi đem chôn ngoài huyệt mộ, người Mông đem phơi nắng người chết một buổi trước sân nhà. Khi sang thế giới bên kia, người Mông được mặc bộ đồ lanh truyền thống, chân mang giày kiểu “xỏ ngón” cũng bằng sợi lanh. Kỳ lạ là trước khi chôn, người đàn ông Mông được vận bộ đồ lanh của phụ nữ.
“Cuộc cách mạng”
Trở lại việc đặt xác chết nằm trên cáng, những người hiểu biết văn hóa Mông cho hay tập tục này hình thành do điều kiện sống trên núi cao, di chuyển quá khó khăn. Vì vậy người ta đem quan tài ra đặt trước ngoài huyệt, còn người chết thì đặt trên cáng để làm lễ rồi khiêng cho gọn nhẹ.
Hầu hết những đám tang để 2-3 ngày trở lên, người chết nào cũng bốc mùi, nếu dài ngày hơn thì điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Đã có những trường hợp lây lan các bệnh truyền nhiễm từ người chết quàn trên cáng, mà khủng khiếp nhất là đợt dịch mô cầu não lây lan sau một đám tang để lâu ngày ở xã Cán Chu Phìn làm chết 13 người vào đầu thập niên 1990...
Vài năm trở lại đây, một số dòng tộc Mông ở Hà Giang đã ý thức được sự tác hại của việc đặt người chết trên cáng dài ngày nên đã đưa người chết vào quan tài ngay để khâm liệm.
Tuy nhiên, để thay đổi tập tục này đối với những người trong cuộc là cả một “cuộc cách mạng” bởi theo lý giải của ông Vừ Mí Sử: “Bao đời nay vẫn để như thế, giờ tục nó ngấm vào xương, vào tủy rồi, không dễ gì thay đổi được, sợ ảnh hưởng đến con cháu sau này”.
Tập tục mất vệ sinh
Sống trên đỉnh núi - Kỳ 7: Tang lễ lạ lùng
Thầy pháp bón rượu cho người chết nằm trên cáng tại đám tang ông Vừ Khái Lừ - Ảnh: Ngọc Hiển
Ông Sùng Đại Hùng, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Giang, cho biết nếu anh em trong dòng tộc không đồng tình thì rất khó thay đổi tập tục tang lễ kỳ lạ như trên vì sợ nhiều người “nói ra nói vào”.
Mấy năm trước khi cụ thân sinh ông Hùng mất, cả dòng họ ngồi lại bàn bạc, xin ý kiến bà cô để khâm liệm ngay trong quan tài cho ông cụ mà không phải quàn trên cáng. Ba năm sau, khi ông cụ mồ yên mả đẹp mà dòng họ chẳng xảy ra điều gì nên cả dòng họ Sùng nhà ông mới tin tưởng và làm theo cách mới này. Dù trước đó ai cũng sợ làm trái tập tục sẽ bị tổ tiên trách phạt.
Theo ông Hùng, mặc áo quan cho người đã khuất cũng chính là cách tìm về văn hóa gốc của người Mông. Ông nói: “Người chết treo trên cáng là một tập tục lỗi thời, vừa mất vệ sinh, tác động xấu đến sức khỏe người đang sống... nên phải chuyển đổi thôi!”.

Dân tộc tự do


TTO - Khoảng ba thế kỷ trước, người Mông bị truy đuổi bởi người phương Bắc nên dạt về phương Nam là vùng núi phía Bắc Việt Nam. Thực tại sống trên núi cao, vì thế giống như định mệnh của dân tộc thiểu số này.
Kỳ cuối: Dân tộc tự do
Trên cao nguyên đá Đồng Văn, người Mông thích ngồi trên đỉnh núi thế này - Ảnh: THÁI LỘC
"Con quạ không có nơi đậu Người Mông không có quê hương” 
Một câu tục ngữ của dân tộc Mông (Bà Ly Thị Kía)
Tiếng nói của tự do
Trên một dốc đá lắt lẻo của bản Séo Lủng 2 thuộc xã Thái An, huyện Quản Bạ, chúng tôi đang tìm người hỏi đường, chợt một điệu khèn “hù, hú, hu...” vọng xuống từ một căn nhà gỗ trên triền núi cao.
Giữa trập trùng núi cao, điệu khèn đầy sự tự tình dân tộc ấy của người Mông đã dẫn dắt chúng tôi vượt dốc đến căn nhà gỗ của ông trên triền núi. Người thổi khèn là cụ ông Ma Khái Sò, 87 tuổi, một trí thức đồng thời là một nghệ nhân khèn Mông nổi tiếng.
Là người hiếm hoi vừa trình tấu và hiểu nội dung 360 bài khèn của người Mông, cụ Sò cho biết hầu hết những tri thức văn hóa và ký ức dân tộc Mông đều được lưu giữ trong các bài khèn. Nó phân thành bốn loại: sơ nhạc, tiểu nhạc, trung nhạc và đại nhạc, chủ yếu thể hiện toàn bộ đời sống tâm linh; chỉ có một phần nhỏ mang tính văn nghệ mà thôi.
Cụ chứng thực điều này bằng một bài khèn dài, âm hưởng thật khoan thai lững lờ như những màn sương giăng trên những chóp núi đá cao.
“Các cháu có nghe nó ngòng ngọng như giọng nói của người Mông hay không? Người ta bảo đó là tiếng của tự do, là mồ côi và khèn chính là linh hồn, là lịch sử, là văn hóa Mông!”.
Thông qua các bài khèn, cụ Sò diễn giải về lịch sử dân tộc mình. Mấy thế kỷ trước, người Mông bị người Hán truy đuổi đã chạy dạt tứ tán đến những quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
“Người Mông lưu lạc khắp nơi, đến đâu cũng ở trên núi, hình thành tính chất lưu vong, tự do trong mình. Những người bản địa gọi là không có quê hương. Còn người Mông thì tự nhận thấy mình “con mồ côi” là vì thế!”.
Theo các nhà nghiên cứu, tiếng hát mồ côi nằm trong năm thể loại chính của dân ca Mông, song lại có số lượng lớn nhất.
“Cho dù nguồn gốc chưa được khẳng định là nơi đâu, song người Mông sinh sống ở Việt Nam phần lớn từ Trung Quốc di cư sang khoảng 300 năm trước, do giặc Hán truy đuổi. Điều này rõ nhất trong tín ngưỡng thờ tổ tiên hoặc làm ma cho người chết, dòng họ nào của người Mông cũng có bài cúng “Đuổi giặc Hán” cả!” - ông Sùng Đại Hùng (giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Giang, một người Mông ở xã Má Lé, huyện Đồng Văn) nói về dân tộc mình.
Khi người đàn ông Mông chết, họ sẽ được mặc một bộ đồ phụ nữ để đi sang thế giới bên kia. Tập tục này xuất phát từ một huyền thoại của lịch sử: dù người Mông bị người Hán truy diệt đến tận cùng, nhưng vì phụ nữ Mông quá đẹp cho nên khi bắt được dân Mông, người Hán chỉ giết đàn ông nhưng chừa lại phụ nữ để chiếm hữu.
Muốn tồn tại qua cuộc truy diệt ấy, đàn ông Mông đã phải cải trang thành phụ nữ. Và ngay khi chết đi, họ cũng buộc phải cải trang!
Kỳ cuối: Dân tộc tự do
Những cô gái Mông băng núi đi hội - Ảnh: Thái Lộc
“Người tự do”
Nhà nghiên cứu Corlett cho rằng: Mông có nghĩa là “người tự do”. Khái niệm này rất phù hợp với khí chất người Mông và không gian sinh sống tách biệt, trên đỉnh cao của họ, giữa trùng điệp đá núi và sương mù vây phủ...
Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến, trong sách Những đỉnh núi du ca, nhận định: “Việc lựa chọn địa hình cư trú khắc nghiệt, sống trên những đỉnh núi là cái giá cho sự không phụ thuộc. Bởi nếu xuống vùng đất thấp, người Mông buộc phải chọn lựa thân phận bị trị bởi chủ nhân vùng Đông Bắc (là các Thổ Ty, Quằng Tày) và Tây Bắc (là Phìa, Tạo Thái).
Với một khí chất quật cường, vũ dũng và manh động, người Mông trong bức tranh địa lý - lịch sử Việt Nam là một kẻ đến muộn nhưng đã liên tục chiến tranh với các tộc người “bản địa” - chủ nhân của miền núi phía bắc Việt Nam là Tày và Thái.
Thất bại trong chiến tranh quân sự nhưng lại không chấp nhận thân phận bị trị, người Mông buộc phải co rút lên miền núi cao trên 800m - môi trường sống quen thuộc của họ hiện nay, nơi không có nước và đỉa.
Chọn lựa sống ở vùng núi cao Việt Nam là lựa chọn không mấy khó khăn đối với người Mông, bởi vùng núi cao Việt Nam vốn cùng một dải địa tầng với miền núi cao Vân Nam, nơi mà sự hiểm trở địa lý đã trở nên thành trì cố thủ nhiều đời của người Mông khi rút chạy khỏi sự truy bức của người Hán!”.
Trong khi đó, ông Sùng Đại Hùng, dựa trên ký ức lưu truyền của dân tộc mình, cho rằng sở dĩ người Mông chọn núi cao do luôn ám ảnh bởi sự truy đuổi của người Hán: “Vì sao người Mông ở đỉnh núi cao ư? Là vì giặc Hán truy đuổi, phải vào tận vùng sâu núi cao hiểm trở để trốn.
Các cụ của tôi thường khuyên con cháu là đừng có ở phố thị đông người mà nên đến ở nơi heo hút trên đỉnh núi cao. Các cụ vẫn còn ám ảnh bởi giặc Hán. Các cụ cho rằng khi đến được Việt Nam thì mười phần người Mông bị giặc Hán tàn sát hết chín...!”.
Những người nghiên cứu văn hóa Mông cho biết khi về đến vùng núi phía bắc Việt Nam, người Mông đã phải lấy đất của người Lô Lô - một tộc người vốn đến trước và sở hữu những đỉnh núi, để lấy đất sinh sống. Đó cũng là lý do trong các bài cúng của tất cả các dòng họ của người Mông, đều nhắc đến người Lô Lô với một sự tri ân nặng nghĩa ân tình...
Kỳ cuối: Dân tộc tự do
Ông Ma Khái Sò - Ảnh: NGỌC HIỂN
Lý giải việc người Mông sống trên đỉnh núi, TS Mai Thanh Sơn, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cho rằng đó là một lựa chọn tất yếu của lịch sử vì khi họ di cư đến, những nơi thuận tiện cho canh tác và sinh hoạt đều đã có chủ.
“Những vùng núi thấp thì những nhóm Tày, Nùng, Thái... ở hết rồi. Lưng chừng núi đã có người Dao... Người Mông đến sau buộc phải chọn ở đỉnh núi cao. Và văn hóa của họ phải vận hành dựa trên điều kiện tự nhiên như thế!” - ông Sơn nhận định.

NGỌC HIỂN - 
THÁI LỘC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét