Chủ Nhật, 18 tháng 6, 2017

Ra Liên Hương chết mê món bánh căn 3 nước chấm

 
pno
Bánh căn từ ba món nước chấm tuyệt ngon này được mệnh danh là món bánh quê nghèo,bình dị đã tạo nên nét lạ,độc cho Liên Hương - thị trấn ven biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, vốn là điểm giao thoa của nắng và gió.
Bánh căn từ ba món nước chấm tuyệt ngon này được mệnh danh là món bánh quê nghèo, bình dị đã tạo nên nét lạ, độc cho Liên Hương - thị trấn ven biển thuộc huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, vốn là điểm giao thoa của nắng và gió.
Dành một ngày lưu trú ở Liên Hương, chuẩn bị cho hành trình ra Cù Lao Câu ngắm san hô dưới đáy biển vào hôm sau, chúng tôi đã có dịp thưởng thức món bánh căn với hương vị độc đáo từ ba món nước chấm. 
Quán bánh mà chúng tôi ghé thật ra chỉ là một chái nhà nhỏ, nép bên vệ đường mà lượng khách đến thưởng thức khá đông. Theo lời của Hồng, vị thổ địa Liên Hương, quán bánh này đã truyền tới đời con, bởi quán hoạt động trên 30 năm có lẻ.
Ra Lien Huong chet me mon banh can 3 nuoc cham
 
Đêm nay, bầu trời Liên Hương đầy sao lấp lánh. Sau 8 giờ tối, gió rì rào rồi dần thổi mạnh như muốn xóa tan cái nắng gió đã tràn ngập không gian ban ngày. Bên bếp lửa cháy rừng rực, những khuôn bánh căn bằng đất nung nghi ngút khói, thoáng đâu đó mùi hành phi thơm lựng pha lẫn mùi bột khét. Tất cả tạo nên một không gian ẩm thực đầy quyến rũ mà  thân thiện.
Tò mò, tôi bước ra bếp. Nơi đó, có bà cụ đổ bánh thoăn thoắt trên ba cái khuôn đất chi chít những lỗ tròn. Khi cụ đậy nắp  khuôn, tôi bật cười vì nhìn chúng rất giống những cái núm vú nằm chi chít trên bụng chú heo đang ngủ trưa. Yên lặng và cần mẫn, cụ xoay trở bánh thật khéo léo giữa những tiếng gọi: “Bánh không 20 cái”, “Bánh trứng 10…” cùng chồng đĩa phục vụ  khách ăn bánh cứ đầy lên trong đêm. 
Hồng kể ở Liên Hương, bạn có thể nếm được ba vị nước chấm đặc biệt đã khiến bánh căn trở thành đặc sản địa phương. Món nước chấm đầu tiên là cá nục chuối xốt cà và ớt xay nhuyễn kho thật rục; món nước chấm thứ hai là mắm cái trộn chanh, đường, tỏi, ớt xay nhuyễn; món nước chấm thứ ba là xíu mại hấp nóng cùng với nước mắm chua ngọt pha cùng đậu phộng xay, thêm hành lá phi mỡ tỏi.
Trong món ăn kèm, ngoài bánh tráng rau sống thì người Liên Hương còn dùng thêm xoài xanh băm nhỏ để cuốn bánh căn với chút cá nục kho cùng xíu mại. Sau đó, ta nhẩn nha chấm mắm cái hoặc nước cá nục hay nước xíu mại, thậm chí trộn đều cả ba loại cũng được. Có người cho thêm muỗng tương ớt xay vào chén mắm nữa. Cô cũng lý giải: có lẽ tại người Liên Hương vốn là dân đi biển nên luôn có cái trã cá kho ngót với ớt sẵn trong nhà.
Mỗi khi chiều giong lưới về, chỉ cần khoát nước rửa sơ cái mặt và hai tay, bà con đã xúc một tô cơm nguội, chan vào một vá nước cá kho sánh ớt, dậy màu cà đỏ rực, múc thêm hai con cá chín rục. Vậy là tha hồ nhai cơm no cành bụng mà cái miệng vẫn thèm.
Ăn cơm hoài cũng chán nên bà nội trợ bày ra màn xay bột đúc bánh xèo, bánh căn cuốn cá với bánh tráng ăn cho bớt ngán. Song, thay vì chỉ chấm bánh ăn cùng mắm cái pha chua ngọt, nhưng do cái bụng quen dùng thêm cá nục kho, vậy là người dân nơi này cứ kèm cá kho vào bánh ăn chung.
Riết rồi quen, nên bánh căn nơi đây lại phải có thêm món cá kho rục rệu thì mới đúng chất. Khi những cư dân Hoa Nam trôi dạt từ biển bắc xuống đây định cư, cái món xíu mại thịt hấp được phổ biến và lan rộng.
Dần dà, người dân Liên Hương lại chuộng món xíu mại có thịt xay bằm chung với củ sắn cho thêm vị ngọt, hấp chín nhừ trong nồi rồi xốt chung với nước mỡ phi hành cho dậy mùi thơm. Nhẩn nha, mọi người cuốn ba loại xốt này ăn chung với nhau thật thích thú.
Ngơ ngẩn một thoáng khi nghe cô bạn kể hơi thở đậm nét văn hóa Việt - Hoa   trong miếng bánh quê nghèo tròn vo nóng hổi, tôi chầm chậm chấm bánh vào các vị nước chấm rồi thưởng thức. Đêm nay, trời Liên Hương trong veo, những ánh sao đêm chấp chới như bao đôi mắt nhân gian đang cùng tôi lắng nghe câu chuyện về một món ăn  quê nghèo đơn sơ nhưng đã đi vào ký ức bao thực khách. 
 Dương Thủy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét