Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

Tây Ninh với những miếu thờ Bà

Ở Tây Ninh, các ngôi miếu thờ Bà Chúa xứ và Ngũ hành có mặt ở khắp các huyện, thị, trừ các huyện mới như Tân Châu, Tân Biên. Về , ta thấy số lượng nhiều hơn trên các miền đất có lịch sử lâu đời như Trảng Bàng, Gò Dầu. Chưa kể tới các miếu, điện thờ Bà Đen có đặc thù riêng. Còn các miếu Ngũ hành, với dân gian Tây Ninh cũng thường kèm theo bộ tượng năm bà, nên cũng được coi như tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu.
Miếu Bàu Rong, Gia Lộc
, Gia Lộc
Như chúng ta đã biết, vị trí miếu Bà ở Nam bộ thường được chọn vị trí ở các bến sông, vàm rạch hoặc một góc rừng còn sót lại với những cây cổ thụ. Điều này cũng được người dân Tây Ninh tuân thủ. Điều đó có thể thấy ở các miếu Bà Chúa xứ có trên đất Tây Ninh. Tại Trảng Bàng, các ngôi miếu cổ thường nằm giữa một cụm cây rừng cổ thụ. Điển hình là miếu Bàu Rong thuộc ấp Gia Tân, xã Gia Lộc. Không gian miếu cổ um tùm cây cối, các loài cây sao, dầu và đặc biệt là một gốc đa có tuổi vài trăm năm, ruột cây đã rỗng ra thành bộng. Trên cây còn là các loại dây leo, tầm gửi vấn vít tạo nên một môi trường lý tưởng cho các loài chim chóc, kể cả loài chim quý hiếm. Mặc dù ấp Gia Tân nay đã thành ruộng rẫy với xóm ấp có cửa nhà san sát, nhưng vào lại khu cổ miếu Bàu Rong, người ta vẫn có cảm giác trở lại với rừng xưa trong không khí ẩm mát, ríu rít tiếng chim kêu. Cùng loại với Bàu Rong, ở xã An Tịnh có miếu bà An Phú, mà hồi xa xưa có tên gọi là Hóc Ớt. Đấy là cách gọi một vùng rừng hẻm hóc, có mọc nhiều cây ớt. Do chiến tranh và sau này là sức ép đô thị hóa nên miếu bà An Phú đã không còn cây cối rậm rạp hoặc cây cổ thụ. Bên ấp An Khương cũng có một ngôi thờ Bà, nằm dưới gốc một cây sao chằng chịt dây rừng.
Ở về phía đông bờ sông Vàm Cỏ Đông, các xã An Hòa, Gia Bình cũng có nhiều miếu Bà Chúa xứ. Vùng tam giác nơi giáp ranh ba ấp: An Lợi, An Thới – xã An Hòa và ấp Chánh – xã Gia Bình là nơi có mật độ dày các miếu thờ Bà. Kể từ ngã tư Gia Bình đi vào có một ngôi ở ấp Chánh, một ngôi ở An Lợi. Ngay tại cửa rạch Trảng Bàng đổ ra sông Vàm Cỏ Đông, gọi là Vàm Trảng cũng có ba ngôi, nhưng đáng kể về cả quy mô và lịch sử lâu đời nhất có lẽ là ngôi ở ngay cạnh Trạm Liên hợp Kiểm soát đường sông Vàm Trảng. Tại đây, ngay bến sông là cây đa to, có vóc dáng kỳ lạ đổ nghiêng ra mặt nước. Ngôi miếu nằm lùi về phía trong bờ, ngoảnh mặt ra sông.
Tại Gò Dầu, xã Phước Thạnh cũng có ngôi miếu Bà Chúa xứ nằm dưới vòm cây đa cổ thụ, thân cây lớn cỡ 3- 4 vòng tay người lớn. Ngoài ra còn là những bụi cây duối có tuổi trên trăm năm. Do vậy mặc dù miếu nhỏ, nhưng đi trên đường trục chính của xã ai cũng thấy ngôi miếu từ xa.
Ở khu vực huyện Châu Thành cũng có miếu thờ Bà Chúa xứ Thanh Điền. Miếu Thanh Điền nằm ở ấp Thanh Phước, trên một gò đất cao mà người địa phương hay gọi là gò tháp Rừng Dầu. Nguyên do là trên gò ngày xưa có cả một rừng cây dầu cổ thụ. Bên dưới gò có những móng nền tháp cổ; từng được người Pháp chú ý tìm kiếm những di vật cổ trong nửa đầu thế kỷ XX. Ngày nay, bà con có lòng tín ngưỡng đã không chỉ tôn tạo trùng tu ngôi miếu cũ, mà còn trồng lại cả một vườn cây dầu để trở lại với hình ảnh thuở xưa. Dầu đã mọc lại trên gò, mơn mởn măng tơ cao hàng chục mét và đã khép tán rủ đầy bóng mát.
Về miếu Ngũ hành, mà người dân Tây Ninh quan niệm là thờ 5 vị Ngũ hành nương nương – các vị nữ thần biểu tượng cho 5 loại vật chất tạo thành vũ trụ. Vũ trụ có năng lực sinh thành, tái tạo ra muôn vật nên cũng được coi như là các bà mẹ. Đó là các vị thần nữ: Thổ Đức thánh phi, Hỏa Đức thánh phi, Kim Đức thánh phi, Thủy Đức thánh phi và Mộc Đức thánh phi (Thổ, Hỏa, Kim, Thủy, Mộc). Thực ra, 5 loại vật chất này có mặt ở khắp nơi nơi, thế nhưng với lối tư duy trực tiếp và hình tượng, mà người dân suy luận rằng ngũ hành sẽ liên hệ nhiều hơn với bộ phận dân cư làm các nghề liên quan trực tiếp đến đất đai, lửa khói, kim loại, nước nôi và cây gỗ. Do vậy, ta thấy các miếu Ngũ hành thường có mặt ở những vùng gần chợ búa, nơi có nhiều người làm các nghề liên quan như mộc, rèn, tráng bánh hay xây dựng…
Ở An Tịnh, ngôi miếu Ngũ hành ở ấp An Thành cũng nằm trên con đường nối thị trấn Trảng Bàng qua xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi – TP.HCM), sang tỉnh Long An và khá gần với chợ Trảng Bàng. Ở Thị xã cũ (nay là thành phố Tây Ninh), có miếu Ngũ hành xóm Hố, nay thuộc KP5, phường 1 và một miếu khác ở bên đường Tua Hai, cũng thuộc về phường 1. Cả hai miếu hiện đều nằm trong nội thị thành phố Tây Ninh. Ngôi thứ hai, ở rất gần chợ Tây Ninh. Trong các ngôi miếu Ngũ hành ở khu vực Châu Thành, Thành phố, có lẽ chỉ có  thuộc ấp Thanh Bình, xã An Bình là hầu như vẫn ở giữa một vùng quê thuần nông, cấy lúa. Nhưng, tại đây có một lý do riêng để tồn tại miếu Ngũ hành. Theo lời truyền tụng lại thì khi lưu dân mới đến định cư lập nghiệp tại đây thì đất An Bình còn đầy sơn lam, chướng khí, thường có những vệt lửa lân tinh bốc lên cao đến ngọn cây rừng. Lại thêm trâu, bò, gà vịt thường chết vì dịch bệnh. Vì thế mà dân xóm ấp lập miếu thờ Bà để cầu xin thần Lửa tống quái, tống ôn. Sau, chắc cũng học theo Thị xã mà miếu bà Hỏa trở thành miếu Ngũ hành.
Ngôi miếu vừa có cảnh quan đẹp đẽ, vừa có gốc gác lâu đời nhất ở Thành phố hiện nay chính là miếu Ngũ hành xóm Hố. Miếu nằm sát một bến sông có cảnh trí tuyệt vời được gọi là bến Miễu. Khuôn đất miếu nằm kế rạch Tây Ninh ở về phía hạ lưu cầu Thái Hòa khoảng 1 km. Quanh miếu là cả một cụm rừng xưa sót lại với nhiều cây sao, trâm, bồ đề và xoài cổ thụ. Có nhiều khả năng khu đất miếu chính là di tích phủ cũ thời Nặc Ông Chân – vua Chân Lạp. Ngay dưới gốc hai cây bồ đề xoắn bện vào nhau còn là một móng tháp gạch, cùng loại với gạch ở khu di tích quốc gia gò Cổ Lâm, xã Thanh Điền. Chung quanh đất miếu cũng phát hiện ra những nền móng tháp tương tự. Một thời chưa xa xôi lắm, bến miễu còn tấp nập trên bến dưới thuyền, do hoạt động buôn bán bằng ghe thuyền trên rạch Tây Ninh, nối ra sông Vàm Cỏ Đông về các tỉnh miền Tây còn thịnh hành. Thương lái đi và về thường ghé bến, để lên miếu thắp nhang, bày biện hoa trái cúng, cầu được bình an và mua may bán đắt. Ngày nay, giao thông bộ phát triển, nên dĩ nhiên thờ cúng miếu cũng đã thuyên giảm nhiều so với ngày xưa.
Về kiến trúc, các ngôi miếu thờ Bà Chúa xứ và Ngũ hành ở Tây Ninh không lớn, ngôi đáng kể nhất chính là miếu Ngũ hành ở khu phố 5, phường 1 có kích thước mặt bằng vuông, 4 mét mỗi chiều. Miếu Bà Chúa xứ Vàm Trảng cũng vuông, mỗi bề 3,6 mét. Cả hai ngôi vừa kể đều có thêm 1 hành lang ở mặt trước. Tuy miếu chỉ có 1 gian nhưng hành lang thường được xây thêm 2 trụ gạch (ngoài 2 cột chính) để tạo thành một hình ảnh mặt tiền có 3 nhịp gian. Hai nhịp bên có khi còn được tạo vòm cong, có lan can con tiện. Nhịp giữa xây tam cấp để bước lên. Ngôi có thể có kích thước lớn hơn cả là miếu Ngũ hành ở ấp An Thành, An Tịnh với kích thích mặt bằng: 3,6 x 5,1m. Còn lại, đa số có kích thước mặt bằng nhỏ hơn, chỉ từ 02 đến 2,4m mỗi bề. Có ngôi chỉ xây 3 mặt tường, còn phía trước để trống cho dễ bề bày biện phẩm vật cúng và dâng hương cúng tế. Đa số các ngôi miếu được xây với tường cột gạch, lợp ngói móc theo kiểu đơn giản với hai mái dốc. Bên trong cũng bài trí giản dị với thông thường là một bàn thờ chính ở giữa gian, hai bàn thờ phụ nhỏ hơn ở hai bên.
Với miếu Bà Chúa xứ thì bàn thờ chính thường có một pho tượng bà được khoác áo choàng bằng gấm hay lụa đen hoặc đỏ có thêu ren kim tuyến. Với miếu Ngũ hành thì bàn thờ chính thường có 5 pho tượng bà, mỗi người khoác áo màu khác nhau; hoặc tượng nhỏ thì sơn vẽ màu trực tiếp trên tượng. Các bàn thờ nhỏ hai bên có khi là tượng Cô và Cậu hoặc hai cậu có tên: Cậu Tài, Cậu Quý. Theo những người cao tuổi, đa số các ngôi miếu trước kia không có tượng thờ, mà chỉ có ở trên bức tường giáp bàn thờ những chữ Hán được vẽ lên như là những bài vị để thờ cúng mà thôi. Tượng Bà mới chỉ có trong các miếu vài chục năm gần đây, do vậy đa số đều được đắp bằng vữa xi măng cốt thép.
Miếu Ngũ hành phường 1
Miếu Ngũ hành phường 1
Còn có một kiến trúc khác luôn gắn bó với ngôi miếu, và nhiều khi còn được xây cất cầu kỳ công phu hơn cả ngôi miếu. Đó là ngôi võ ca. Thường võ ca có diện tích lớn hơn ngôi miếu, và đây chính là nơi diễn ra các nghi lễ chính của việc thờ cúng các vị nữ thần; cũng là nơi các tốp hát múa bông, múa mâm vàng biểu diễn. Khi ấy bà con xóm ấp thường đứng vòng trong, vòng ngoài chung quanh để xem; và sau đó dọn cỗ bàn cùng ăn khi đã xong các lễ nghi cúng miếu. Võ ca của miếu bà An Phú có kích thước mặt bằng là: 6 x7,2m; trong khi miếu chỉ có 2,4 x 2,4m.
Ở miếu Ngũ hành xóm Hố, võ ca là 5,4 x 5,7m, trong khi miếu chỉ có mặt bằng hình vuông mỗi cạnh 4m. Đặc biệt là ở hai ngôi này, võ ca còn có kiến trúc đặc biệt và tiêu biểu, làm theo lối đình chùa truyền thống Nam bộ; nghĩa là có bộ khung cột cấu trúc kiểu “tứ trụ” cùng với hệ vì kèo, xiên trính bằng gỗ quý kích thước lớn và mái ngói hình bánh ít. Võ ca thường chỉ có cột mà không có tường bao, trống thoáng ba bề, bên trong có thể được bố trí vài bàn xây cố định để đến ngày cúng miếu mới bày biện nhang đèn, bông trái làm thành các bàn thờ địa hoàng, thành hoàng, binh gia, Quan tướng… Ngoài ra, chung quanh sân miếu, ở một số nơi có đất đai rộng rãi còn có thêm các ngôi miếu nhỏ, cỡ chỉ trên dưới 1m2, thờ binh gia, ông Tà, ông Cọp và chiến sĩ trận vong.
Các ngôi miếu Bà dường như không có tuổi, bởi có hỏi thì cũng được trả lời rằng miếu có từ thuở ông sơ, bà cố vài trăm năm trước. Nhưng cứ theo những truyền miệng qua các thế hệ cũng có thể chắc chắn rằng các miếu Bà chính là các ngôi thờ tự đầu tiên ở thôn, làng. Vậy nó cũng có lịch sử trùng với việc khai hoang mở đất lập làng. Nhân kỷ niệm 180 năm – Tây Ninh hình thành và phát triển, cũng xin điểm lại những ngôi thờ Bà đáng nhớ, còn được nhiều người lưu trong ký ức.
Theo TRẦN VŨ (Tây Ninh Online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét