Đình Thần Chợ Thủ (xã Long Điền A, huyện Chợ Mới) được UBND tỉnh An Giang xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 288/QĐ-UB ngày 18-2-2000, có lịch sử và những giá trị kiến trúc, nghệ thuật đáng ghi nhận.
Lịch sử ngôi đình
Sử cũ chép: Cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, nhiều đoàn lưu dân người Việt vào phía nam khai khẩn đất hoang, lập nên nhiều làng xã, trong đó có làng Long Điền (trước kia gọi là thôn Tú Điền). Đây là một ngôi làng nằm cặp sông Tiền, thuộc tổng Định Hòa, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên. Ngày nay là xã Long Điền A và xã Long Điền B cùng một phần thị trấn Chợ Mới, thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Khi công cuộc khai khẩn qua giai đoạn đầu gian nan, dân cư ngày một đông, xuất hiện nhu cầu tạo lập một nơi để trao đổi tin tức và thờ thần đất đai, cùng vong linh những người đã bỏ mình trong công cuộc khai khẩn. Năm Bính Ngọ- 1786, Đình Thần Chợ Thủ nguyên sơ hình thành. Lúc này đình chỉ là một ngôi miếu nhỏ bằng tre lá, hướng mặt ra sông Tiền, phía trên vàm rạch Trà Thôn. Dân làng chọn ngày trăng tròn và sáng nhất sau mùa hạ điền xuống giống (tức ngày 15, 16, 17 tháng 6 âm lịch) tổ chức lễ Kỳ Yên, trước để cúng bái, tạ ơn chư thần; sau để vui chơi khi hết mùa cày cấy.
Một gian thờ trong Đình Thần Chợ Thủ. Ảnh: Vĩnh Thông
Đến năm Tân Sửu- 1901, hữu ngạn sông Tiền có nguy cơ sụp lở nặng, ông Hương sự huy động nhân dân dời đình về vị trí hiện nay, cách nền cũ khoảng 200 mét. Ông Hương cả Nguyễn Minh Ký đứng ra xây dựng chánh điện. Năm Đinh Mão- 1927, ông Hương chủ Trứ đứng ra cất võ ca, ông Hương cả Nguyễn Văn Hộ cất nhà chỉnh y. Hai công trình này hoàn tất trong 3 năm. Năm Mậu Dần- 1938, Ban Quý tế và nhân dân cùng xây cổng đình.
Trong thời kỳ Pháp thuộc, nhà yêu nước Phạm Hữu Huệ từng tổ chức nghĩa quân tuyên thệ tại Đình Thần Chợ Thủ để khởi xướng phong trào chống Pháp tại địa phương; nhà yêu nước Phan Kiết Phủ- sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương đã từng về đình dạy học và truyền bá tư tưởng ái quốc, hun đúc tinh thần yêu nước chống giặc ngoại xâm…
Ngày 30-4-1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, đáp ứng nhu cầu khẩn cấp của địa phương thời điểm bấy giờ, chính quyền xã Long Điền đã trưng dụng đình làm cơ quan hành chính của xã. Đến năm 1989, đình được giao lại cho Ban Quý tế quản lý. Do trải qua thời gian với nhiều biến cố nên đình xuống cấp, Ban Quý tế cùng nhân dân đại tu ngôi đình và đến nay Đình Thần Chợ Thủ đã phục dựng gần như toàn bộ nét kiến trúc đặc trưng, uy nghiêm của đình làng Nam bộ.
Kiến trúc bài trí
Đình Thần Chợ Thủ hướng mặt về Đông- Bắc, đối diện với sông Tiền. Đình có tổng diện tích 7.738m2, diện tích xây dựng hơn 4.758m2, xung quanh có nhiều loại cây như dầu, sao, dương… cho bóng mát đồng thời còn mang quan điểm huyền vũ của phong thủy.
Phía ngoài nhìn vào hai bên cột cổng đình có hai câu đối chữ Hán: "Bổn cảnh anh linh chánh trực hộ thôn dân / Thành hoàng khu nếu khai khẩn vĩnh cơ đồ". Phía trên cổng là hai nóc cổ lầu, mái lợp ngói, ở giữa là biển hiệu đề chữ Hán nghĩa "Đình Thần Long Điền", phía dưới 4 chữ "Đại tán càn khôn". Hai bên cổng là hai bình phong viền hoa văn chạm nổi. Từ trong nhìn ra ở phía trên cổng có 4 chữ Hán nghĩa "Bảo quốc an dân".
Sân Đình được tráng bê- tông, ở giữa là kỳ đài, sau là bức bình phong đắp nổi hoàng hổ (cọp vàng). Kế tiếp là miếu Thần Nông- một tục lệ gắn liền với cư dân nông nghiệp. Bên phải sân đình là miếu thờ Bạch Hổ Tướng Quân và Thái Giám Bạch Mã; bên trái thờ Cửu Thiên Huyền Nữ và Chúa Tiên Chúa Ngọc. Từ cổng đình nhìn vào, phía bên phải có nhà tiếp khách, liền sau đó là nhà ăn và nhà bếp.
Tòa đình chính rộng rãi do ghép những ngôi nhà liền nhau theo kiểu "Trùng thiềm điệp ốc", lợp ngói đại tiểu, nóc được gắn tượng lưỡng long tranh châu, bát tiên, điện Ngọc Hoàng, nhật nguyệt… bằng sứ tráng men. Đầu kỳ và góc mái tòa đình được gắn tượng cá hóa long, tượng bát tiên, tất cả đều bằng gốm màu xanh. Các đồ vật trang trí ở nóc đình tượng trưng cho âm dương hòa hợp, khát vọng ấm no, hạnh phúc của dân làng.
Đình chính có diện tích 268,14m2, gồm bốn nóc dính liền nhau theo lối kiến trúc "thượng lầu hạ hiên", tương ứng với bốn phần không gian. Bên trong là chánh điện (còn gọi là đại điện), bái đường, phủ quy và võ ca. Chánh điện và bái đường có 9 hàng cột, mỗi hàng 6 cột. Phủ quy và võ ca có 5 hàng cột, mỗi hàng 4 cột. Tổng cộng tòa đình chính có 74 cột, đa phần loại lớn, được làm từ gỗ quý; có 5 hàng bao lam thành vọng được chạm trổ công phu, sơn son thiếp vàng, sơn dầu, cẩn ốc xà cừ hoặc khung tranh kiếng với những họa tiết, hình ảnh sống động.
Cụ thể, võ ca gồm ba nóc cổ lầu, ba gian hai chái. Ở giữa là sân khấu, dành làm nơi xây chầu và hát tuồng vào dịp lễ Kỳ Yên. Phía sau sân khấu có nhà đài, có bàn thờ Tổ. Còn ở phủ quy có hai hàng ghế dùng làm nơi cho khán giả ngồi xem hát tuồng. Bái đường cũng gồm ba nóc cổ lầu, từ ngoài vào trong là bàn thờ chân dung 30 vị anh hùng liệt sĩ Việt Nam cận đại. Phía sau là Long đình. Kế tiếp là bàn thờ trăm quan cựu thần. Hai bên có hai câu đối: Di quốc tinh trung sanh tướng Việt / Vong khu chánh nghĩa tử thần Nam". Phía trong bàn thờ trăm quan cựu thần là nghi thờ, phía trên có thành vọng.
Chánh điện (đại điện hay chính tẩm), có diện tích 123m2, gồm năm nóc cổ lầu, ba gian hai chái. Phía ngoài là nơi lễ bái, kế tiếp là thành vọng lớn, trong cùng là ngôi thờ Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh- vị tôn thần được thờ chính của đình. Ngôi thờ Thần Thành Hoàng được làm bằng gỗ quý, chạm trổ công phu. Nơi đây cũng là nơi đặt Sắc Thần, kim ấn và gươm lệnh. Phía trên ngôi thờ Thần có bức hoành phi đề chữ Hán "Long Điền võ trụ". Bên phải là khánh thờ Nhơn Hoàng, bên trái là khánh thờ Thiên Sư. Phía vách phải có các khánh thờ: Tiền vãng, Tiền hiền, Hữu ban, Nhạc công; vách trái có các khánh thờ: Hậu vãng, Hậu hiền, Tả ban, Lễ bộ. Tất cả các khánh thờ đều có niên đại trên một thế kỷ, được làm từ gỗ quý, chạm khắc hoa văn.
Có thể nói phần trang trí bên trong tòa Đình chính được thể hiện phong phú, tinh tế, cho thấy tài hoa và thái độ tôn kính của nhóm thợ chạm Chợ Thủ đối với các bậc tiền nhân. Các đại trụ được làm bằng gỗ tròn sơn hình tứ linh ẩn hiện trong mây, chân mỗi cột đều có độn trụ đá xanh chạm cổ bồng hoặc tán gỗ (tán đòn dông). Các thanh kèo đều được nối vỏ đậu, đầu kèo được chạm đầu rồng, phụng; thân kèo được chạm hoặc khắc hình dây leo, hoa lá. Hàng cột ngang của Chánh điện phía trên có gắn bao lam thành vọng lớn, chạm trổ, sơn son thiếp vàng rực rỡ. Các thành vọng đều chạm khắc cuộc sống đồng quê, thiên nhiên tươi đẹp.
Đình Thần Chợ Thủ có nhiều hiện vật quý, mà quý nhất có lẽ là Sắc Thần. Sắc được phong dưới triều vua Tự Đức ngũ niên, tôn thần được phong là Thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, được vua ban mỹ từ "Quảng Hậu Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng chi thần". Điều đó chứng tỏ tôn thần đã được gia phong ba lần, nhưng do thời gian, thiên tai, chiến tranh, đến nay Đình Thần Chợ Thủ chỉ còn giữ một bản gần đây nhất, do vua Tự Đức phong ngày 29 tháng 11 (âm lịch) năm Nhâm Tý 1852, niên hiệu Tự Đức thứ 5.
***
Hằng năm, Đình Thần Chợ Thủ diễn ra các lễ cúng tế như sau (tính theo âm lịch): Lễ Tết Nguyên đán (29 hoặc 30 tháng Chạp hằng năm, kết hợp với cúng Giao thừa và Dựng nêu), Lễ Khai sơn (Hạ nêu, mùng 7 tháng Giêng), Đại lễ Kỳ Yên (Cầu an, vào ngày rằm, 16, 17 tháng 6), Lễ Tam ngươn (rằm tháng Giêng, tháng 7 và tháng 10), Lễ Lạp miếu (Chạp miếu, rằm và 16 tháng Chạp). Trong đó, Đại lễ Kỳ Yên là lễ chính của đình. Dân gian thường gọi là lễ vía Thần nhưng thực chất là lễ hội nông nghiệp để cầu quốc thái dân an, phong điều vũ thuận.
LÊ QUANG TRẠNG
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Huỳnh Ngọc Trảng- Trương Ngọc Tường: Đình Nam Bộ xưa và nay, NXB Đồng Nai 1999.
- Nguyễn Phương Thảo: Văn hóa dân gian Nam bộ những phác thảo, NXB Văn hóa- Thông tin 2008.
- Nhiều người soạn: Địa chí An Giang, UBND tỉnh An Giang 2013.
- Lời kể của các cụ cao niên trong vùng và một số tư liệu do Ban Quản lý di tích, Ban Quý tế Đình Thần Chợ Thủ cung cấp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét