Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Nhà thơ Nguyễn Thông và tấm lòng với cố hương

Trong chuyến công tác ở Bình Thuận mới đây, chúng tôi có dịp tìm hiểu về nơi sinh sống, yên nghỉ cũng như thân thế và tâm tình của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông. Giữa cơn ly loạn của đất nước, nhà thơ Nguyễn Thông vẫn giữ đức tính thanh cao của một vị quan vì dân, vì nước. Càng xúc động hơn khi biết ông- một người con quê hương miền Tây xa xứ- dù đi đến chốn nào cũng trông vọng cố hương.
"Tỵ địa" xứ Bình Thuận
Hôm chúng tôi đến thăm Di tích Trường Dục Thanh (TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận)- nơi Bác Hồ từng dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước- các nhân viên nơi đây đang tất bật làm cơm để cúng cụ Nguyễn Thông. Hỏi ra mới biết hôm đó (tức mùng 7 tháng 7 âm lịch) là ngày giỗ của cụ. Bàn thờ cụ trong Di tích Trường Dục Thanh nghi ngút khói hương, ai cũng muốn thắp nén nhang tưởng nhớ đến một hồn thơ khí phách, một vị quan thanh liêm.
Theo tài liệu chúng tôi tìm hiểu được, nhà thơ Nguyễn Thông (còn có tên khác là Nguyễn Thới Thông, tự Hy Phần, và nhiều biệt hiệu: Kỳ Xuyên, Độm Am, Đạm Trai) sinh năm 1827 tại phủ Tân An, tỉnh Gia Định, nay là xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Cụ Nguyễn Thông đỗ cử nhân năm 1849, cùng khoa thi với Cử nhân Phan Văn Trị. Cụ từng làm quan, giữ nhiều chức vụ như: Án sát Khánh Hòa, Bố Chánh Quảng Ngãi, Bố Chánh Bình Thuận… nên người dân Bình Thuận còn gọi cụ là Ông Bố. Cơ duyên đưa cụ đến vùng đất Bình Thuận là khi 3 tỉnh miền Tây Nam kỳ rơi vào tay Pháp (1867), cụ tìm đến đây để lánh nạn theo phong trào "tỵ địa" của các chí sĩ thời bấy giờ. Cuộc đời làm quan của cụ trải qua nhiều sóng gió, truân chuyên bởi đức tính thẳng ngay, không dối trá nên nhiều kẻ xu nịnh, vu cáo, hãm hại. Cụ mất vào năm 1884, thọ 57 tuổi, được an táng tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận ngày nay.
Về sự nghiệp nghiên cứu, cụ Nguyễn Thông để lại những bộ sử liệu quan trọng là "Khâm định Nhân sự kim giám" (soạn chung, với tư cách là Hàn lâm Viện Tu soạn), "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" (phúc kiểm, với tư cách là Tư nghiệp Quốc Tử giám) và tự viết "Việt sử thông giám cương mục khảo lược". Về sáng tác thơ văn, đến nay, giới nghiên cứu đã sưu tầm được 76 bài thơ, 25 bản văn, 6 bản sớ điều trần của cụ nằm trong các tập: "Độm Am thi văn tập", "Kỳ Xuyên thi văn sao", "Kỳ Xuyên công độc", "Dưỡng chính lục"…
 Du khách thắp nhang trước bàn thờ cụ Nguyễn Thông trong Di tích Trường Dục Thanh.
Lại nói về Di tích Trường Dục Thanh, nơi Bác Hồ từng dạy học, nguyên trước đó chính là nơi ở của gia đình cụ Nguyễn Thông. Ngoài từ đường, giếng cổ và cây khế cổ tương truyền do cụ bà Nguyễn Thông trồng, hiện nay Di tích Trường Dục Thanh còn bảo quản ngôi Ngọa Du Sào (tức tổ nằm chơi). Đó là ngôi nhà gỗ gọn gàng, tinh tươm, có gác gỗ. Hằng ngày, cụ Nguyễn Thông thường lên gác xép nhỏ ấy và bắc ghế ngồi ở lan can de ra phía trước gọi là Hiên Ỷ Nguyệt để ngắm cảnh và đọc sách. Hiện, Ngọa Du Sào vẫn còn giữ được thang gỗ và bộ ván khá lâu đời. Năm 1907, hưởng ứng phong trào Duy Tân, hai người con của cụ Nguyễn Thông là Nguyễn Trọng Lợi và Nguyễn Quý Anh đã mở Dục Thanh Học Hiệu (tức Trường Dục Thanh- giáo dục thanh niên) để dạy cho con em người yêu nước và lao động nghèo những nội dung, tư tưởng tiến bộ. Năm 1910, được sự giới thiệu của Cụ Nghè Trương Gia Mô, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã vào dạy ở Trường Dục Thanh. Ngọa Du Sào cũng chính là nơi Bác Hồ nghỉ ngơi sau này trong quá trình dạy học tại đây.
Nỗi nhớ miền Tây
Trong quá trình tìm hiểu về cụ Nguyễn Thông, điều làm chúng tôi xúc động là tấm lòng hoài vọng miền Tây sông nước- nơi chôn nhau cắt rốn của cụ- bất kể cụ làm gì, ở đâu.
Việc chọn nơi cất nhà, dựng Ngọa Du Sào của cụ Nguyễn Thông cũng rất có ý. Bởi, trước nhà là con rạch, có tàu bè, cảnh vật giống hệt quê hương Tân An xưa nên cụ muốn chọn nơi này để tìm hình ảnh cố hương. Cụ viết trong "Ngọa Du Sào văn tập" rằng: "Từ sông Phan Thiết có con rạch nhỏ chảy vào nhà, đi lại bằng xuồng rất tiện. Trên bãi đất nhỏ phía trước mọc lên một cây dừa nước thân to mấy người ôm. Buổi sáng nào cũng có chim quốc đến đậu cành cây, kêu rất não nùng. Đến buổi nước ròng, dọc hai bờ sông nổi lên bãi cồn mọc đầy bần đước".
Nghi vấn về người tìm ra Đà Lạt
Lâu nay, một bộ phận giới nghiên cứu cho rằng, bác sĩ Yersin là người tìm ra Đà Lạt đầu tiên. Tuy nhiên cũng có nhiều nhà nghiên cứu uy tín, mà đi đầu là học giả Ngạc Xuyên- Ca Văn Thỉnh, khẳng định nhà thơ Nguyễn Thông mới là người tìm ra Đà Lạt, cao nguyên La Ngư, Bà Dần (Lâm Đồng). Bằng chứng mà các học giả đưa ra khá thuyết phục bởi tài liệu của Pháp thuật lại, Yersin tìm đến Đà Lạt bằng bản đồ của người Việt và khi đến đó thì đã có người Việt sinh sống, có tổ chức hẳn hoi. Trong khi trước đó, trong những trước tác của mình, nhà thơ Nguyễn Thông đã có miêu tả cảnh vật, địa hình, khí hậu của Đà Lạt xưa.
Chúng tôi đã khảo sát những tác phẩm thơ của cụ Nguyễn Thông và thật bất ngờ khi biết rằng, bên cạnh những áng văn thơ thể hiện lòng yêu nước thì phần nhiều cụ dành viết về nỗi nhớ cố hương. Tương truyền, cụ có người em tên Hài, chết chôn ở Vĩnh Bình, Vĩnh Long. Sau khi thành Vĩnh Long thất thủ (1867), cụ lên đường ra Bình Thuận nhưng trước khi đi cụ viếng mộ em và làm bài thơ "Biệt vong đệ lữ phần" (tức "Từ biệt mộ người em chôn nơi đất khách") với hai câu cuối đầy bịn rịn:
"Mân giang di trạo xứHàn vũ dạ phi phi"
Nhà thơ Bảo Định Giang dịch thơ:
"Sông Mân rời khỏi bến xưaChèo thuyền đi giữa đêm khuya lạnh lùng"
Ngày giã biệt quê hương Tân An đi Bình Thuận, cụ sáng tác bài "Thuật cảm" bày tỏ sự quyến luyến gia đình, quê hương với những cảnh tượng bùi ngùi như lạy biệt bàn thờ tổ tiên, láng giềng đến đưa tiễn… Ngay cả khi cụ đã đến Hàm Thuận- Bình Thuận, cụ vẫn chồn lòng chột dạ mà tính đường quay về cố hương. Cụ viết trong bài "Hàm Thuận cảm hoài", nhà thơ Bảo Định Giang dịch thơ như sau:
"Miền Nam đã tính đường về
Ngặt vì khó mượn được bè lên sao!"
Ở nơi đất khách, cụ Nguyễn Thông rất nhạy cảm trước nỗi nhớ nhà. Một tiếng chim kêu, một dòng nước trôi cũng làm nỗi nhớ ấy quắt quay. Trong bài "Thôn cư dạ văn điểu thanh thậm ai" (tức "Đêm ở quê thấy buồn khi nghe tiếng chim"), giọng thơ thắt nghẹn:
"Tổ mày xưa ở nơi nao
Nhớ thương lòng những dạt dào hôm nay?"
Theo tài liệu thuật lại của cụ Ngạc Xuyên- Ca Văn Thỉnh và nhà thơ Bảo Định Giang, nói về bài thơ thất ngôn tứ tuyệt "Phóng giá cô" (tức "Thả chim đa đa", 2 bài liên hoàn), cụ Nguyễn Thông kể rằng lúc làm quan ở Quảng Ngãi, có người nông dân đem tặng cụ mấy con chim đa đa. Đa đa trong sách xưa gọi là "Hoài nam"- hiểu nghĩa khác là nhớ phương nam. Đã 15 năm ly hương, tên gọi hoài nam làm cụ nhớ quê da diết, vậy là cụ phóng sinh mấy con chim và làm bài thơ này. Từ những câu chuyện này cho thấy, miền Tây cố hương chẳng lúc nào phai mờ trong nỗi nhớ của cụ Nguyễn Thông, dù cho có lúc cụ làm Bố Chánh một tỉnh.
Một số di vật của cụ Nguyễn Thông được trưng bày trong Di tích Trường Dục Thanh.
Nhà thơ Nguyễn Thông trong lúc làm quan còn được biết đến như nhà thám hiểm, phát hiện và khai phá nhiều vùng đất mới mà điển hình là vùng phía Tây và Nam Bình Thuận ngày nay. Giai đoạn năm 1877, người dân miền Nam ra Bình Thuận khá đông để "tỵ địa", di cư đến vùng núi của Bình Thuận để khai hoang lập nghiệp. Tuy nhiên, mâu thuẫn của cư dân mới với những cư dân cố cựu xảy ra và nhất là xung đột giữa cư dân mới với những chính sách hà khắc của quan địa phương. Là người dân gốc Nam bộ, lại có uy tín và chuẩn mực nên cụ Nguyễn Thông đã dàn xếp êm xuôi. Năm 1880, cụ thành lập "Đồng Châu xã" (tức hội đồng hương) để người dân miền Nam lập nghiệp xứ Bình Thuận tập hợp giúp đỡ lẫn nhau và khơi gợi tình đồng hương, gắn bó. Đồng Châu xã cũng là cách để cụ Nguyễn Thông thỏa nỗi nhớ cố hương, muốn giúp đỡ những người xa quê như mình.
Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH
Tài liệu tham khảo:
- "Thơ văn yêu nước Nam bộ, nửa sau thế kỷ XIX", Bảo Định Giang (biên soạn), Ca Văn Thỉnh (giới thiệu), NXB Văn học giải phóng, 1976;
- "Địa chí Long An", Thạch Phương- Lưu Quang Tuyến (chủ biên), NXB Long An và NXB Khoa học Xã hội, 1989;
- "Những danh sĩ miền Nam", Hồ Sĩ Hiệp- Hoài Anh, NXB Tổng hợp Tiền Giang, 1990.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét