Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

Thầy giáo Châu Văn Liêm, người thành lập An Nam Cộng Sản Đảng



Nguyễn Ngọc
An Nam Cộng Sản Đảng trước năm 1930, là một trong ba tổ chức tiền thân của Đảng Cộng Sản Việt Nam ở Nam kỳ. Người đứng ra thành lập tổ chức ấy là thầy giáo Châu Văn Liêm. Cuộc đời và sự nghiệp của ông là tấm gương sáng: nhà giáo mẫu mực, nhà cách mạng tiên phong, gần dân, đi đầu phong trào.
Quê hương hun đúc anh tài
Thầy Châu Văn Liêm sinh ngày 29-6-1902, tại ấp Rạch Tra, thôn Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là ấp Thới Bình B, xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Cha ông là Châu Khắc Chấn làm nghề dạy học và hốt thuốc Bắc, mẹ Trần Thị Tơ làm ruộng.
Từ nhỏ, Châu Văn Liêm được cha dạy chữ Nho. Năm 10 tuổi (1912) ông học chữ Quốc ngữ ở trường làng. Năm 13 tuổi, ông được cha gởi cho thầy giáo Lâm Văn Phận (một nhân sĩ nổi tiếng, cha ruột của Thiếu tá tình báo Lâm Thị Phấn) học ở trường Internat Can Tho (trường tiểu học nội trú- nay là THPT Châu Văn Liêm). Ông học giỏi nên được học bổng toàn phần, mỗi tháng 4 đồng Đông Dương (tương đương 20 giạ lúa). Ông đỗ kỳ thi tiểu học (Certifica d’ études primaires Franco-indigènes) vào ngày 17-1-1918. Năm 20 tuổi (1922) ông đỗ Thành Chung (Diplôme de complémentaire étude Franco-indigènes). Sau đó ông lên Sài Gòn học Sư phạm 2 năm.
Vùng Ô Môn, Bình Thủy, Cần Thơ đầu thế kỷ XX là trung tâm phong trào Đông Du ở Nam kỳ. Nam Nhã Đường ở Bình Thủy là trụ sở chính của hệ phái Minh Sư, do ông Giác Nguyên, học trò cụ Bùi Hữu Nghĩa sáng lập, là nơi liên lạc của phong trào Đông Du. Những năm học ở Cần Thơ, Châu Văn Liêm đã tiếp xúc với phong trào. Lại thêm thầy Lâm Văn Phận giúp Châu Văn Liêm tiếp xúc với phong trào Đông Du, cuộc vận động Minh Tân của Trần Chánh Chiếu, tư tưởng yêu nước của Nguyễn An Ninh và những tài liệu yêu nước của Nguyễn Ái Quốc.
Dạy học trò làm cách mạng
Cuối năm 1924, Châu Văn Liêm về dạy trường Nữ Tiểu học Long Xuyên. Năm sau ông kết hôn với bà Phạm Thị Các, người cùng làng. Tại đây ông dạy học trò cách học thực tiễn, tư tưởng tự do, bình đẳng, bác ái. Nhà cầm quyền không vừa lòng, nên năm học 1926-1927 ông bị thuyên chuyển về xã Long Điền, quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên, dân gian gọi là trường Chợ Thủ.
Thủ bút bài thơ của Châu Văn Liêm gởi cho vợ.

Ở đây ông sáp nhập hai đội bóng Mỹ Luông và Long Điền vì trước đó chính quyền gây chia rẽ. Ngày 24-2-1926, từ lực lượng này ông tập hợp thanh niên tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, qui tụ hàng ngàn người thuộc 3 xã Mỹ Luông, Long Điền, Long Kiến về cột dây thép Long Điền. Cùng lúc này, các bạn học của ông ở trường Nội trú Cần Thơ cũng đấu tranh và bị đuổi học như Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Cung, Trần Văn Thạnh… tụ họp về Long Xuyên, ông tổ chức "Hội ái hữu học sinh và giáo viên".
Ông Nguyễn Khắc Thận, cán bộ cách mạng tham gia Nam kỳ khởi nghĩa 1940, hiện đang nghỉ hưu tại thành phố Long Xuyên, là học trò của thầy Châu Văn Liêm ở Chợ Thủ. Ông nhớ lại: thầy Liêm có nuôi học sinh đến ở trọ, nhà cách cầu Kinh Chợ Thủ vài căn hướng chợ Mỹ Luông. Học trò gọi vợ thầy là Thím. Ông kể: "Năm 1926, lúc học lớp Ba trường Chợ Thủ, 5 giờ sáng, tôi chợt thức giấc, thấy thầy ngồi in ấn tài liệu bằng sương- sa (rau câu). Sau đó là cuộc truy điệu Phan Chu Trinh thật trọng thể tại Cột Dây Thép Long Điền. Thầy tôi dõng dạc đọc diễn văn. Trong lớp thầy cho chúng tôi chép những bài thơ lấy từ "Đạo Nam kinh" (sách Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc ngụy trang), những bài học thuộc lòng Nữ hạnh ca, Công nhân ca, Thanh niên ca...".
Ông Thận nói thêm: "Thầy dạy chúng tôi "Một trăm câu chuyện lạ trên đời" viết theo thể song thất lục bát kể chuyện sưu cao thuế nặng, áp bức bóc lột cùng nỗi thống khổ dân Nam. Sau này tôi mới biết, những tác phẩm ấy được viết lại từ tác phẩm "Bản án chế độ thực dân Pháp". Hải ngoại huyết thư của Phan Bội Châu thầy cũng chuyền tay cho chúng tôi đọc. Lên trung học, tôi lên Long Xuyên. Năm 1930, tôi có tìm đến nhà thầy. Thím nắm tay tôi dàn dụa nước mắt mà không nói một tin tức nào. Sau này tôi đi theo con đường thầy dạy, mãi sau Cách Mạng Tháng 8, tôi mới biết thầy tôi là người cộng sản đầu tiên ở Nam kỳ".
Người thành lập An Nam Cộng sản Đảng
Kỳ nghỉ hè năm 1926, Châu Văn Liêm cùng 8 đồng chí họp nhau thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Phục quốc tại một ngôi chùa ở Ô Môn, theo tư tưởng của Nguyễn An Ninh. Ông mở tiệm thuốc Bắc, tiệm tạp hóa ở Thới Lai (hồi ấy cũng thuộc quận Ô Môn) để gây quỹ. Hội hoạt động mạnh ở 3 tỉnh Cần Thơ, Long Xuyên, Sa Đéc. Hội gởi 9 thanh niên sang Trung Quốc bắt liên lạc với Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, được dự lớp tập huấn do chính Nguyễn Ái Quốc giảng dạy.
Tháng 8-1927, Nguyễn Ái Quốc cử Nguyễn Ngọc Ba về Long Xuyên hoạt động, kết nạp Châu Văn Liêm và Ung Văn Khiêm vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội ở Nam kỳ. Tháng 2-1928, Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tại Long Xuyên. Hội vận động để ông về dạy ở Long Xuyên, nhưng chính quyền thuộc địa lại chuyển ông về Sa Đéc.
Đến Sa Đéc, ông vận động thành lập Sa Đéc học đường đặt cuối đường Mé sông, Sa Đéc (nay là số 112/9 đến 113/4 đường Nguyễn Huệ, phường 2, thị xã Sa Đéc), với qui mô 9 phòng học, 300 học sinh. Đồng thời, mở một tiệm thuốc Bắc (cạnh trường) để vừa làm cơ quan tài chánh, vừa làm đầu mối liên lạc với các cơ sở cách mạng trong tỉnh và của cả vùng trước khi có tổ chức cơ sở Đảng.
Tháng 2-1929, ông được Kỳ bộ điều về hoạt động tại Sài Gòn. Tháng 3-1929 ông được bổ sung vô Kỳ bộ và được cử đi dự Đại hội Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội tại Hương Cảng từ ngày 1 đến 9-5-1929. Khi trở về nước, ông nằm trong "Ban trù bị" thành lập An Nam Cộng Sản Đảng.
Trung tuần tháng 8-1929, tại Phong Cảnh khách lầu, góc đường Bonard-Filipini, Sài Gòn (nay là Lê Lợi-Nguyễn Trung Trực) tổ chức Đại hội thành lập An Nam Cộng Sản Đảng được tổ chức, Châu Văn Liêm là Bí thư đầu tiên.
Hy sinh oanh liệt
Tháng 3-1930, sau khi hợp nhất 3 tổ chức đảng thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Châu Văn Liêm xin đi làm xí nghiệp để vô sản hóa. Cuối cùng ông về làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Chợ Lớn- Gia Định. Ông về Đức Hòa để xây dựng phong trào. Ông xây dựng ở làng Hựu Thạnh, quận Đức Hòa một chi bộ 8 đảng viên do đồng chí Nguyễn Văn Chiêu làm bí thư, ở làng Mỹ Hạnh một chi bộ 27 đảng viên, thành lập Quận ủy Đức Hòa do Võ Văn Tần làm bí thư.
Trong tháng 5-1930, nhiều cuộc biểu tình diễn ra khắp Nam kỳ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, qua đó chống sưu cao thuế nặng, củng cố phong trào. Nhiều nơi bị thực dân đàn áp đẫm máu như Long Xuyên, Vĩnh Long. Châu Văn Liêm tổ chức một cuộc biểu tình tại Đức Hòa để chia lửa.
Ngày 4-6-1930, Châu Văn Liêm trực tiếp lãnh đạo và dẫn đầu đoàn biểu tình 5.000 người, từ các xã Hựu Thạnh, Bình Tả, Bình Hữu, Mỹ Hạnh, Đức Hòa, Hòa Khánh, Tân Phú, Lương Hòa… kéo về dinh quận. Từ 7 giờ sáng, đoàn biểu tình kéo cờ búa liềm với khẩu hiệu chống thuế thân, giảm xâu, chống khủng bố... Chủ quận Huỳnh Văn Đẩu trốn về Sài Gòn, cho binh lính án binh bất động. 4 giờ chiều quân Pháp từ Bà Hom kéo xuống đàn áp. Tên cò Dreuil (Đrơi) ra lệnh giải tán, nếu không sẽ nổ súng. Châu Văn Liêm dẫn đầu, giương cao cờ hô to: "Đừng sợ chết! Chục này còn chục khác! Trăm này còn trăm khác!" rồi hùng dũng đứng trước mặt tên cò Đrơi đòi yêu sách. Tên cò ra lịnh nổ súng, lúc ấy là 21 giờ 5 phút, Châu Văn Liêm hy sinh anh dũng ở tuổi 28. Ba năm vào Đảng, từ người đứng đầu An Nam Cộng sản đảng, đến Bí thư Liên Tỉnh ủy… ông là người đi tiên phong trên các mặt trận.
Ký ức của gia đình
Tôi đến thăm gia đình ông Châu Văn Liêm tại số 23 Võ Thị Sáu, phường An Hội, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cách trường THPT Châu Văn Liêm, tức Collège de Can Tho xưa, vài trăm mét.
Bà Phạm Thị Các vợ ông Châu Văn Liêm đã mất từ lâu. Người con cả Châu Thị Hằng sinh năm 1926 cũng đã mất. Người con thứ tên Châu Kim Y sinh năm 1928 già yếu đang theo con định cư ở Hoa Kỳ. Giữ nhà thờ là ông Phạm Minh Châu, sinh năm 1944, là con riêng của bà Các với một chiến sĩ cách mạng.
Ông Châu cho biết, ông nghe về người chiến sĩ cách mạng Châu Văn Liêm qua lời kể của mẹ. Mẹ ông thường đọc bài thơ mà Châu Văn Liêm để lại trước khi thoát ly:
"Đêm khuya nguyệt xế non Tây
Anh ơi hãy tỉnh, say chi nữa mà !
Giang san nước Việt Nam nhà
Truy hoan mê mệt, anh nỡ bỏ qua sao đành
Một chữ tình biết làm sao cho được
thân hình nam nhi với đời
Cái kiếp tu mi làm sao cho được biết lấy gì
ngó với non sông
Anh ơi hãy lặng mà trông
Kìa quân canh trống gióng cờ dong họ
lên đường
Đuốc văn minh sáng rực bốn phương
Ngọn đèn tiến hóa nén hương phú cường".
Những vấn đề cần lưu ý về tư liệu
Nhiều tài liệu chính thống về đồng chí Châu Văn Liêm chưa thống nhất:
* Tên của song thân Châu Văn Liêm: Địa chí Long An ghi là Châu Văn Thân và Trần Thị Lệ. Địa chí Cần Thơ ghi là Châu Khắc Chấn, không có tên mẹ. Có sách ghi cha Trần Khắc Trấn, Trần Khắc Chuẩn, mẹ Trần Thị Tơ, Trần Thị Tơi. Bài viết theo tư liệu của gia đình.
* Về nơi học tập: Các tài liệu thống nhất rằng ông học trung học tại Collège de Can Thơ. Trường thành lập năm 1917, nhưng là chi nhánh của Collège de My Tho. Năm 1924 trường mới chính thức được công nhận. Như vậy Châu Văn Liêm học ở trường Collège de Can Thơ, nhưng trên danh nghĩa là học sinh Collège de My Tho, thi lấy bằng Thành Chung ở Mỹ Tho.
*Về số lượng đoàn biểu tình tại Đức Hòa, do Châu Văn Liêm dẫn đầu có 3 số liệu khác biệt: 3.000 người, 5.000 người và 7.000 người. Người viết chọn con số trung bình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét