Chủ Nhật, 2 tháng 7, 2017

TÍN NGƯỠNG THỜ CỌP Ở ĐÌNH BÌNH THỦY

ĐBSCL là vùng đất mới khai phá. Ngay từ buổi đầu đến vùng đất mới này, các bậc tiền nhân đã phải đối mặt với rừng rậm hoang vu đầy thú dữ. Trong đó, cọp trên bờ và sấu dưới sông là hai con vật nguy hiểm nhất, để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân Nam Bộ:
Cà Mau khỉ khọt trên bưng
Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um.
Ở châu thổ Cửu Long, vào thế kỷ XVII- XVIII, cọp nhiều vô kể. Chúng sống rải rác ở khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm, như Sài Gòn, Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long… Thức ăn chủ yếu của cọp là heo rừng, nai và các loài ăn cỏ khác. Dần dần, các thú mồi của cọp tìm cách lẩn tránh, tản sang các địa bàn khác sinh sống. Thức ăn của cọp ngày càng trở nên khan hiếm. Vì lẽ đó, cọp mò về những nơi có dân cư sinh sống để tìm người ăn thịt. Chính vì quá khiếp sợ nên ai cũng tìm cách diệt cọp. Nhưng khi diệt cọp xong, người ta lại lập miếu thờ. Điều này cho thấy sự phức tạp trong tâm lý của các lưu dân và đồng thời cũng cho thấy tín ngưỡng thờ cọp đã có từ buổi đầu khai hoang, lập ấp.
Từ buổi đầu khai hoang, sự tương quan giữa con người và tự nhiên- nói riêng ở đây là giữa người và cọp, còn chưa nghiêng hẳn về bên nào nên những lưu dân tiên phong một mặt sợ cọp và mặt khác, phải diệt cọp để làm chủ vùng đất mới. Sự phức tạp trong tâm thức của họ do sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi tất yếu của lịch sử và việc chưa đủ khả năng thực tế để thỏa mãn những đòi hỏi ấy. Do sợ cọp mà họ lập miếu thờ Sơn quân chi thần, thờ Chúa xứ sơn lâm, thờ Thần Hổ và bầu cọp làm Hương Cả của thôn làng. Do vậy mô típ Ông Cả Cọp là một mẫu đề dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng lề luật giang hồ: chúng tôi đến đây khai hoang lập nghiệp, nhưng chúng tôi biết rừng nào cọp ấy nên không dám xưng hùng xưng bá. Chúng tôi lập nghiệp ở đây, xin ông cứ làm cả, làm chủ và chúng tôi chỉ dám là bậc dưới của ông mà thôi(1).
Tuy nhiên, đối với người dân Cần Thơ nói chung, dân làng Bình Thủy nói riêng, cọp- đặc biệt là cọp bạch, không phải là con vật gây hại mà trái lại cọp giúp người bảo vệ mùa màng, giữ gìn cuộc sống bình an cho người. Các giai thoại về cọp được sưu tầm ở Cần Thơ đều phản ánh rõ tâm thức này. Trong cuốn Đình thần Long Tuyền (quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ), ông Nguyễn Tứ Di lý giải việc lập miếu thờ thần Bạch Hổ trong khuôn viên đình Long Tuyền như sau:
Đời xưa, đầu năm cấm việc phá rừng hay làm ruộng trong 7 ngày tết. Tục lệ cấm nhặt, không ai được phép đốn một nhánh cây để cho yên tịnh rừng núi. Người xưa tin rằng trong 7 ngày tết, Thần Bạch Hổ bảo vệ dân làng, giữ gìn bờ cõi, không cho heo, nai phá hoại mùa màng.

 Miếu thờ cọp trong khuôn viên đình Bình Thủy.
Nhớ ơn ân huệ ấy, dân làng cất miễu sơn quân thờ thần Bạch Hổ. Di tích đến nay hãy còn(2).
Có ý kiến còn cho rằng, vị Thành Hoàng làng được thờ ở đình Bình Thủy chính là ông Cọp và đình Bình Thủy hiện nay chính là được nâng cấp lên từ miếu cổ Long Tuyền thờ thần Hổ. Giai thoại kể rằng:
Ngày xưa, ở vùng này có một con cọp tu lâu năm, tánh linh như người. Ở vàm ngã tư có một phụ nữ tên Bé sống một mình. Chồng đăng lính triều Nguyễn đi trấn giữ vùng biên cương Cao Miên. Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành Hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông ta yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Một con cọp đã tu lâu năm, tính hiền, nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn.
Một đêm nọ, con cọp nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ đẻ đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con cọp sợ quá ngất xỉu. Cọp tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé. Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và phát hiện bà Bé cần cứu giúp. Bà mụ đã giúp bà Bé vượt cạn thành công trong cơn thập tử nhất sinh.
Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa ra, bà mụ đã trông thấy một con heo rừng nằm chết trong sân. Trên thân heo đầy vết móng cọp. Sực nhớ diễn biến đêm qua, bà mụ biết, con cọp đã bắt heo trả lễ. Cho rằng đó là hổ thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ. Ngoài ra, cư dân địa phương còn truyền tụng rất nhiều giai thoại khác liên quan đến việc Thần Hổ cứu người khi gặp hoạn nạn. Khi hổ chết, dân làng tiếc thương lấy thi thể làm tượng cốt đặt trong miếu thờ(3).

Cọp được thờ trong chánh tẩm đình Bình Thủy.
Ở đình Bình Thủy hiện nay có hai khu vực thờ cọp. Một ở khuôn viên đình. Ở đây cọp được thờ trong miếu; một ở chánh tẩm, được thờ bởi bộ da. Đây là trường hợp đặc biệt ít thấy ở các ngôi đình Nam Bộ. Bộ da cọp thờ trong chánh tẩm được cúng bằng vật phẩm tam sên; còn miếu thờ cọp được cúng bằng một con heo trắng và xôi bánh trong các dịp Kỳ Yên.
Khi tế lễ, Hương lễ và một cặp học trò lễ đứng xướng nghi, ông từ làm chấp sự coi nhang đèn, rượu trà theo nghi lễ. Nhạc và Hương chức tân cựu chuẩn bị đứng trước cửa miếu chờ tế. Khởi tế, cặp học trò lễ xướng nghi cho ba người hương chức tân hương thân, xã trưởng, hương hào lạy, đến khi đọc văn tế, ba hương chức quỳ xuống. Hương lễ và một cặp học trò lễ ngồi trước bàn thờ. Hương lễ đọc văn tế:
Duy
Tuế thứ… niên…
Chủ tế: Chánh bái, Bồi bái, Đông hiến Tây hiến,
Hương chức: Đại tiểu cập binh đinh nhơn điền đẳng.
Cẩn dĩ: Cang lạp tư thạnh hương đăng thanh chước thứ phẩm chi lễ.
Cảm chiếu cáo vu
Cao nhai chủ tể lý lâm quân bách thú độc tôn chi vị.
Sơn đầu tối dã thinh xuất thái bình quần cầm chủ tể phụng hoàng độc tôn chi vị.
Cung kỵ
Tam sơn ngũ hồ khai hoa kết quả từ huệ linh hóa cảm ứng tôn thần chi vị.
Võ mao, lân giáp biến hóa thông linh hiển ứng phát đạt tôn thần chi vị.
Thảo mộc thạch kim biến hóa đạt ứng ích huệ từ tường tôn thần chi vị.
Đồng lai cảm cách.
Viết:
Lẫm lẫm hùng oai, lăng lăng mãnh khí, long chi lử, khí đối tương thù, biến báo chi ban, văn chương tịnh mỹ, cứ cao nhai dĩ tinh thông giới, dũng dược xưng bách thú chi quân, phát trường nhi đề ứng liệt phong, linh cảm khởi vạn phú úy, lượng oai đức kỳ thạnh hồ, tín tế tự duy thành nhi kỷ, nguyện kỳ chiếu lâm giám tư thành ý, ngưởng lại anh linh tứ dĩ phước phục.
Ngưỡng lại Tôn thần chi gia huệ giả.
Phục duy, cẩn cáo.
Tạm dịch(4):
Giềng mối trong làng
Năm… tháng… ngày…
Chủ tế: Chánh bái, Bồi bái, Đông hiến, Tây hiến
Hương chức lớn nhỏ, cùng binh sĩ, thanh niên và nông dân.
Cung kính dâng phẩm vật: đèn nhang, rượu trà, xôi bánh làm nghi.
Dọn bày phẩm vật kính dâng.
Trên sườn núi cáo chỉ có một mình ta làm chúa tể, sửa trị cả trăm ác thú trong rừng.
Trên chót núi có tiếng kêu thái bình chỉ có chim phụng hoàng xuân làm chúa tể loài chim.
Kính dâng:
- Ba núi năm hồ, cây cối đơm bông nở trái, người trên trước cho ơn. Còn trời đất biến đổi. Nay xin đáp lại kính trọng người thần đó vậy.
- Lông chim lông thú, vảy cá, thay đổi biến hóa hiển đạt rõ ràng, đáp lại sự mở mang, kính trọng ngôi thần đó vậy.
- Cây cỏ vàng đá biến đổi thông suốt thêm nhiều tốt đẹp, kính trọng nơi thần đó vậy.
Đồng thời cảm động.
Đáng sợ oai hùng, trải qua dữ tợn, rồng bay theo bè bạn đối lẫn nhau đặc biệt, thay đổi loại beo là hàng thứ.
Văn chương đặc ra bày, ngồi cao trên sườn núi, gồm suốt qua cảnh vật. Nhảy nhót làm vua bách thú.
Ống sáo thổi dài ứng theo như gió nóng. Thiêng liêng động tình người hay sợ hãi. Xét tình cho uy đức thửa thịnh vậy thôi.
Tinh khiết cúng tế tưởng nhớ thành thật như vậy. Những điều mong mỏi soi xét ấy thật trong lòng. Ngưỡng lên ỷ lại thiên tư trời sinh cho nói phước. Cúi đầu tưởng nhớ, xin thần cho ơn huệ.
Cúi đầu tôn kính.
Tóm lại, tín ngưỡng thờ cọp là tín ngưỡng dân gian của người dân ĐBSCL nói chung, dân làng Bình Thủy nói riêng, nhằm mục đích tạo niềm tin cho con người trong buổi đầu khai hoang mở cõi. Đồng thời, tín ngưỡng thờ cọp còn thể hiện nét đẹp của con người trong việc ứng xử với tự nhiên: tôn trọng tự nhiên và đối xử với tự nhiên như đối xử với con người mà giai thoại về Ông Cả Cọp ở đình Bình Thủy đã chứng minh cho đạo lý này.
Bài, ảnh: Trần Phỏng Diều
............
1 Huỳnh Ngọc Trảng (1998), Truyện kể về cọp ở Nam Bộ, Kiến thức ngày nay số ra ngày 01.01.
2 Nguyễn Tứ Di (1973), Đình thần Long Tuyền, Tài liệu in roneo, tr.5.
3 Nông Huyền Sơn (2016), Giai thoại về bộ cốt "Ông Cả Cọp" ở đình Bình Thủy, An Ninh Thế Giới Online. Ngày truy cập: 25/02.
4 Bản dịch của ông Nguyễn Tứ Di.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét