Sài Gòn có những nhà hàng sang trọng nhưng cũng có những gánh hàng ăn vặt đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.
Sài Gòn luôn là nơi xuất phát của những món ăn thời thượng. Nơi đây cũng là chốn để lưu giữ những điều xưa cũ. Sài Gòn là như thế! Sài Gòn có những nhà hàng sang trọng nhưng cũng có những gánh hàng ăn vặt đã tồn tại hơn nửa thế kỷ.
Thưởng thức xôi chè giữa lòng Sài Gòn
Nếu đã nhắc đến những gánh hàng bán hơn nửa thế kỷ thì lẽ nào lại không nhắc đến gánh xôi của bà cụ Nguyễn Thị Kiệm nằm ở ngã tư Lê Thánh Tôn - Pasteur.
Được biết, giờ đây gánh xôi giờ đã được truyền cho con cháu của bà. Theo lời kể thì gánh xôi của gia đình bà Kiệm có mặt ở Sài Gòn từ 60 năm trước. Bỏ mặc sự phát triển của xã hội, gói xôi ở đây vẫn giữ nguyên mùi vị từ ngày xưa và dĩ nhiên xôi bắp, xôi vò ở ngã tư này luôn vẫn được bọc trong lá chuối mà thôi.
Bạn Thùy Trang, nhân viên văn phòng tại Q.1 cho biết: “Tôi thích nhất xôi bắp tại đây. Xôi không chỉ dẻo mà còn có hương vị khác xa với những nơi khác. Đã mang tiếng là người thích ăn vặt thì không thể không một lần nếm qua xôi ở đây”. Người ghiền ăn xôi còn có thể tìm đến gánh hàng xôi nằm ở góc đường Sương Nguyệt Ánh - Cách Mạng Tháng Tám. Gánh xôi không tên không tuổi này đã tồn tại ở Sài Gòn hơn 25 năm nay. Gánh xôi chỉ bán từ khoảng 2 giờ trưa đến khi nào hết hàng thì thôi.
Cô chủ hàng cho biết: “Món nổi tiếng nhất ở chỗ tôi là xôi trứng non. Nhưng muốn ăn trứng non thì phải đi sớm vì món này được khá nhiều người yêu thích. Tôi không dùng nước tương như tại một số hàng xôi khác, mà chan thêm nước béo, thịt gà đậm đà nên vừa lòng thực khách”. Xôi ở đây được gói trong lá chuối chứ không phải gói bằng giấy bóng như các nơi khác, vì theo cô chủ: “Lá chuối không chỉ giữ hơi ấm mà còn giúp gói xôi thơm hơn và không độc hại”..
Một gánh xôi khác cũng đã có mặt ở Sài Gòn gần nửa thế kỷ là xôi nhà xác. Sở dĩ được gọi là xôi nhà xác vì đầu tiên gánh xôi gần nhà tang lễ của Bệnh viện An Bình. Hiện tại, xe xôi này nằm ở đường Trần Phú, Q.5 được 10 năm. Xôi ở đây được bán từ 4 giờ chiều đến khuya. Nếu ghiền ăn xôi, cũng nên thử qua xôi Tám Cẩu ở góc ngã tư Cao Thắng - Điện Biên Phủ.
Được biết, đây là xe xôi gia truyền của gia đình chị Hà Thị Lượng. Xôi ở đây khá dẻo lại có hương vị nước dừa nên rất béo. Thay vì ăn xôi với thịt gà, hay pate... thì xôi ở Tám Cẩu được ăn cùng với thịt heo luộc. Bên cạnh xôi Tám Cẩu thì thực khách có thể thưởng thức xôi Bình Tiên nằm ở đường Minh Phụng. Quán xôi này cũng đã hơn 30 tuổi.
Ngoài xôi, người Sài Gòn còn mê ăn chè. Đã ăn chè thì không thể nào không đến quán chè mâm Khánh Vy, nằm bên hông chung cư Sư Vạn Hạnh. Quán chè được thành lập từ sau năm 1975 và đã truyền qua ba đời, quán bán từ khoảng thời gian từ 5 giờ chiều đến tối. Một mâm chè có khoảng 16 loại chè khác nhau như chè bà ba, chè táo xọn, chè mè đen, chè bắp, chè đậu trắng...
Bên cạnh quán chè Khánh Vy thì quán chè Kỳ Đồng là một trong những quán chè đã có mặt từ lâu đời ở Sài Gòn, được nhiều người biết đến. Quán mở cách đây 35 năm khi gia đình chủ quán di cư từ Hà Nội vào. Món chè làm nên danh tiếng của chè Kỳ Đồng là chè thập cẩm. Giá một ly chè tại đây dao động từ 15 - 25.000 đồng với các loại như chè bạch quả, chè cốm, chè thập cẩm, chè thưng...
Ngoài món chè, quán còn có các món ăn mặn khác như súp cua, xôi mặn, xôi xiêm, bánh bèo, bánh bột lọc, bánh thập cẩm.
Quán chè Hiển Khánh là một trong những quán chè lâu đời nhất tại Sài Gòn, Quán nổi tiếng với món nước đường cát thả hoa lài. Ngày xưa, quán chè nằm ở khu Đa Kao, sau chuyển đến đường Nguyễn Đình Chiểu cho đến bây giờ. Các món chè như thạch sen nhãn, sâm bổ lượng, chè thạch sen, chè vải lạnh đều được ướp cùng hoa nhài để tạo hương thơm đặc trưng của quán. Ngoài ra, quán còn bán thêm bánh đậu xanh, bông lan, phu thê, bánh gai, giá dao động từ 30.000 đồng trở xuống.
Thiên đường bánh là đây!
Hầu như người mê ăn vặt nào ở Sài Gòn cũng đều biết đến quán bánh đúc vỉa hè hơn 40 năm tuổi này. Quán nằm trong một con hẻm nhỏ trên đường Phan Đăng Lưu, đoạn gần ngã tư với đường Thích Quảng Đức. Quán được rất nhiều người biết đến bởi chất lượng ngon mà giá cả rất bình dân. Tuy nhiên vì quán nổi tiếng nên khá đông, thực khách phải thật kiên nhẫn thì mới được thưởng thức tô bánh đúc nóng thơm ngon.
Nếu không thích ăn bánh đúc thì thực khách có thể lót dạ bằng bánh mì. Sài Gòn là thiên đường của bánh mì. Một trong những tiệm bánh bán bánh mì đã có mặt Sài Gòn từ trước năm 1975 là bánh mì Hòa Mã nằm ngay góc ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu.
Bánh mì ở đây khác biệt với những nơi khác với 2 trứng ốp la đổ chín tới cùng hành tây, trên là jambon, chả hoặc ba rọi muối. Thêm một tiệm bánh mì lừng danh khác mà hầu như ai cũng biết là bánh mì Bảy Hổ nằm ở đường Huỳnh Khương Ninh. Tiệm bánh mì đã có ở đây hơn 80 năm, tiệm ngày một nổi tiếng bởi hương vị pate ăn một lần là nhớ mãi.
Mặc dù có tuổi đời khá trẻ nhưng tiệm Bánh Quê, có 2 chi nhánh tại đường Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận và đường Trần Khắc Chân, Q.1 khá được lòng người mê ăn hàng. Bởi khi đến đây, thực khách tha hồ được thưởng thức các món bánh từ khắp nơi như bánh tét lá cẩm Cần Thơ đến món bánh bò nướng lá dứa rễ tre, bánh khoai mì, xôi vị, bánh đậu xanh nướng, da lợn, khoai mì viên, bánh bò thốt nốt, bánh bò bi.
Ngoài bánh ngọt, một số loại bánh mặn của Huế như bánh bột lọc, bánh mận, bánh ít trần cũng được phục vụ từ các nhà hàng sang trọng đến các quán ăn bình dân, từ ngoài vỉa hè đến trên... mạng xã hội. Chỉ cần lân la ở khu chợ Bến Thành, Bàn Cờ hay Vườn Chuối là thực khách đã no bụng với các món ăn vặt... chỉ có tại Sài Gòn.
Nhật Cát
Ảnh: D.T
Ảnh: D.T
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét