Được xây dựng từ thời Pháp, cây cầu đá đường sắt trên phố Phùng Hưng, Gầm Cầu đã trở nên quen thuộc, gắn bó với nhiều thế hệ người dân Hà Nội, tuy nhiên ít ai biết rằng trước khi được bịt kín những vòm cầu này mang trong mình nhiều bí mật như một chứng nhân lịch sử của Thủ đô.
Cây cầu đường sắt bằng đá hộc nối phố Phùng Hưng tới ga Long Biên được xây từ thời Pháp đến nay đã có tuổi đời cả trăm năm. Cây cầu có chiều dài khoảng 1km với 131 ô vòm, trong đó có 4 ô để thông làm lối đi lại. 127 ô còn lại đã được bịt kín trong thời bao cấp.
Hàng chục năm qua, con phố chạy dọc hai bên vòm cầu tưởng chừng vắng vẻ, thưa thớt người qua lại với cái tên Gầm Cầu, thế nhưng lại chứa đựng nhịp sống ồn ào, tấp nập như bao con phố trung tâm khác của Thủ đô.
Những ngày gần đây khi có thông tin các vòm cầu này sắp được đục thông, biến thành không gian văn hoá cộng đồng hay phục vụ đi lại, đã khiến không ít người xôn xao, háo hức.
Căn nhà của gia đình chị Đặng Thị Thanh Hương (ngõ Hàng Hương, Hoàn Kiếm) được xây dựng sát vòm cầu đã hơn 40 năm qua. “Vòm cầu này trước đây là nơi mẹ chồng tôi buôn bán quán nước, kiếm tiền nuôi sống cả gia đình. Đến thời bao cấp thì bị bịt lại vì liên quan đến vấn đề vệ sinh môi trường, an ninh trật tự. Nay thành phố có chủ trương mở lại, gia đình tôi háo hức lắm, mong được thuê lại 1 ô vòm để kinh doanh phục vụ cuộc sống”.
Bên cạnh nhà chị Hương còn có 4 hộ gia đình khác sinh sống sát vách vòm cầu. Dù không gian sống chật hẹp, thường xuyên bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn và độ rung của tàu hoả nhưng khi được hỏi ai cũng mong muốn được chính quyền tạo điều kiện thuê ki-ốt để mưu sinh khi nhà chức trách đục vòm cầu.
Ông Thắng (người dân sinh sống lâu năm trong ngõ Hàng Hương) nhớ lại: “Từ những năm 70 của thế kỷ trước, những vòm cầu rỗng này là nơi tá túc thường xuyên của người dân mỗi khi mùa lũ về nước sông Hồng dâng cao hay trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, vòm cầu cũng được người dân ẩn nấp như một căn hầm tránh bom".
Ngày nay, khi chiến tranh đã đi qua, sông Hồng cũng không còn lũ lớn, các vòm cầu được bịt kín cũng đã được hơn 30 năm thì nơi đây lại trở thành địa điểm buôn bán sầm uất. Dọc phố Nguyễn Thiệp phía trước các mặt vòm cầu xuất hiện hàng chục ki-ốt lớn nhỏ.
“Tấc đất, tấc vàng" nên mỗi m2 trên phố đều được người dân tận dụng triệt để. Không chỉ dựng ki-ốt bán hàng mà nhiều người kinh doanh còn cơi nới thêm tầng 2 để làm nơi chứa đồ.
Nhiều tiểu thương cho biết, họ khá lo lắng khi đã dựa vào vòm cầu để buôn bán hàng chục năm nay, nếu đục thông sẽ không còn chỗ để bán hàng.
Một xóm trọ dựng sát vách vòm cầu đã tồn tại khoảng 20 năm và có thể bị giải toả khi chính quyền đục thông các vòm cầu.
Dọc phố Phùng Hưng phía trước mặt các vòm cầu được tận dụng làm nơi trông giữ xe.
Khi đục thông vòm cầu thì những bãi đỗ xe này sẽ được dẹp bỏ.
Tuy mới chỉ là đề xuất thế nhưng ý tưởng đục thông các vòm cầu trăm tuổi khiến nhiều người dân háo hức khu vực này sẽ trở nên thông thoáng, sạch sẽ, sầm uất và là điểm nhấn mới của Thủ đô.
Theo Dân Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét