(Emdep.vn) - Hẻm là một nét văn hóa đặc trưng ở Sài Gòn mà bất kỳ ai đặt chân đến đây đều nên thong thả ghé thăm, để khám phá những điều bí mật mà từng con hẻm giấu kín trong đó.
Nếu như ngõ là đặc sản của Hà Nội thì với Sài Gòn các con hẻm đã trở thành một nét đặc trưng, vô cùng lôi cuốn với bất kỳ du khách nào ghé thăm. Tại đây, gần như toàn bộ nét sinh hoạt của cuộc sống đô hội hiện ra rõ nét hơn bao giờ hết.
Đến Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh), du khách sẽ thật thiếu sót nếu chỉ mải mê với những không gian rộng rãi, thoáng đãng của những trục đường chính, trung tâm thương mại với cuộc sống đô thị náo nhiệt của một thành phố trẻ, mà quên đi những con hẻm ẩn mình đằng sau sự phồn hoa đó. Đây mới chính là thứ làm nên linh hồn của Sài Gòn mấy trăm năm tuổi.
Trong những con hẻm ngoằn nghèo, cuộc sống diễn ra bình yên và nhẹ nhàng, đối lập hoàn toàn với không khí vội vã bên ngoài. Đang chen chúc nhau bởi một trận kẹt xe căng thẳng, lao vào con hẻm hòng tìm một lối thoát thì thấy lòng nhẹ bẫng đi biết bao nhiêu, cứ ngỡ mình vào một thế giới khác vậy.
Không vồn vã, xô bồ, người ta thảnh thơi nghe nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát của Khánh Ly trong chiếc băng cát-xét đã cũ, bàn chuyện nắng mưa và ngắm hoa nở trên khung cửa sổ. Tiếng trẻ con cười đùa vang rồi ào ào chạy ra vây quanh chiếc xe bán đồ ăn vặt ầm ĩ góc hẻm. Thi thoảng lại nghe người ta thốt lên vài câu: “Chà, mưa dữ ha!”. Giọng nói sao thân thương và mộc mạc.
Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng, nhưng hẻm Sài Gòn lại có cả bốn mùa. Đó là mùa của những câu chuyện của tình làng, nghĩa xóm, là câu chuyện ái ố hỉ nộ vô thường của cõi nhân gian, là câu chuyện mưu sinh của chị Tư từ miền Tây, hay là câu chuyện của những chàng sinh viên ngày ngày ôm cây đàn guitar hát nghêu ngao cho quãng đời tuổi trẻ.
Đi vào trong hẻm là đi vào không gian Việt nhưng đậm chất Sài Gòn. Sài Gòn đã trải qua nhiều biến động và chính những con người sống trong hẻm là nhân chứng sống cho toàn bộ câu chuyện lịch sử của thành phố này. Dân Sài Gòn thường nói giờ không còn người Sài Gòn gốc nữa, phần lớn vì đã di tản ra nước ngoài, nhường chỗ cho lớp người tứ xứ về định cư. Tuy nhiên, dù là ai thì vô hẻm là sẽ đều trở thành người… Sài Gòn cả.
Hẻm không rộng nên người trong hẻm gần gũi, thân tình. Vì giá cả sinh hoạt đều rẻ hơn ngoài mặt phố, đồ ăn lại đa dạng nên trong hẻm không khi nào là không có người qua lại. Khi thì nhởn nha uống cốc bạc xỉu tán gẫu chuyện mưu sinh, khi thì xuýt xoa trước nồi nước lèo thơm phức, tròn mắt với miếng tôm tươi mịn trong bát sủi cảo… Hẻm Sài Gòn thức giấc từ sớm với tiếng rao “Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ…” hoặc “Bò viên, cá viên chiên, bắp xào đê…” và đến cuối ngày, khi tiếng rao đó dứt hẳn thì hẻm mới bắt đầu chìm vào giấc ngủ, chuẩn bị cho những giờ phút mưu sinh tiếp theo.
Tôi mê các con hẻm Sài Gòn cũng như thích thú với ngõ, ngách của Hà Nội. Hình ảnh về một không gian be bé, gần gũi đến mức đi lướt qua nhà nhau cũng biết là nhà hàng xóm đang ăn món gì, xem phim gì và cuộc sống của họ ra sao. Người đi xa muốn tìm lại cảm giác xưa thường vô hẻm để thấy rằng Sài Gòn của họ không đổi sau từng ấy thời gian, vẫn má Năm nhẹ nhàng hỏi han, chị Ba chăm chỉ chuyên cần chăm sóc cho đàn con ăn học, hay anh Sáu sáng chạy xe Honda, chiều về phụ vợ bán bún riêu gánh…Nơi đây như một chiếc hộp ký ức, sẵn sàng chào đón bất cứ ai và cứ thế lặng lẽ, âm thầm góp nhặt những giấc mơ Sài thành.
Sài Gòn…đi và nhớ…
Huy Tùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét