Trong vô vàn những đặc sản miền Tây có một loại bánh dân dã nhưng lại khiến người ăn vương vấn hương vị, bánh cống.
Miền Tây với biết bao loại bánh thơm ngon, lưu giữ hương vị của đồng quê sông nước dân dã. Ngoài những cái tên quen thuộc như bánh xèo, bánh khọt, … thì bánh cống cũng là một đại diện tiêu biểu cho ẩm thực nơi đây.
Có nguồn gốc từ Sóc Trăng, bánh cống được “khai sinh” bởi đồng bào người Khmer từ nhiều năm trước. Nhưng ngày nay, chiếc bánh này đã “chu du” qua nhiều vùng đất và mang đậm nét mộc mạc của hương vị miền Tây.
Tên gọi bánh cống hay bánh cóng bắt nguồn từ chính hình dạng của món ăn. Bánh được đổ trong khuôn có dạng như chiếc cống, hình ống, tựa như phin cà phê với lòng khá sâu. Và cũng chính cách gọi thú vị này mà bánh cống lại tạo ấn tượng gây chú ý cho thực khách.
Gần gũi và quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết tạo ra những thành phẩm thơm ngon. Bánh cống không khó làm nhưng mọi công đoạn từ nguyên liệu, chế biến, canh lửa, chiên bánh, … cũng đòi hỏi sự kết hợp hài hoà giữa bí quyết và kinh nghiệm.
Nguyên liệu cần thiết cho một chiếc bánh cống thơm ngon sẽ là bột gạo, đậu xanh, thịt băm và tôm. Khâu quan trọng tạo nên sự thành bại của chiếc bánh là phần pha bột. Thao tác này đòi hỏi người thợ phải khéo léo canh đều tỉ lệ, đó là ba phần gạo và một phần nếp, sau khi ngâm trong nước muối loãng qua đêm thì đem, gào và nếp được xay thành bột. Cuối cùng thêm ít bột mỳ, nước, hành lá vào, quậy đều, thế là xong lớp ngoài của chiếc bánh.
Nhân bánh là sự kết hợp giữa vị bùi bùi của đậu xanh đã đãi vỏ trộn cùng thịt heo băm nhuyễn được nêm gia vị vừa miệng. Một chiếc bánh cống đúng chuẩn không thể thiếu vị ngọt của tôm.
Hấp dẫn nhất là lúc chiên bánh, chảo ngập dầu được bắt lên cho sôi từ trước, bột bánh và nhân đổ đều vào chiếc khuôn nhôm cho vừa đủ và để ngập trong dầu chiên. Đôi bàn tay thoăn thoắt của người bán phải đều tay để bánh vừa đủ lửa, chín vàng đều thì vớt lên cho ráo dầu. Thành quả là những chiếc bánh cống giòn toả mùi thơm lừng.
Cũng giống như những món bánh khác của người Nam, vỏ và nhân của mỗi chiếc bánh cống là sự hoà trộn của vị bùi của đậu, vị béo của thịt hay chút ngậy của dầu ướm ngoài vỏ bột giòn tan ngay đầu lưỡi khi vừa nếm vào. Một hai chú tôm đỏ tươi chễm chệ trên mặt bánh tiếp thêm vị ngọt tươi cho bánh.
Bánh cống ăn đúng điệu phải kèm thêm rau sống, chén nước mắm chua ngọt thơm ngon chấm cùng. Món đồ chiên có vài lát rau sẽ tiếp thêm tươi mát và thơm ngon cho món ăn đỡ ngấy. Gói gém bánh trong lớp rau xanh, chấm thêm chút mặn chút chua ngọt từ nước mắm tỏi ớt. Hương vị dân dã và đồng quê lan toả khắp khuôn miệng. Chỉ là món bánh ăn chơi mộc mạc nhưng không kém phần bắt vị và đậm đà nét ẩm thực của người miền Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét