Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

KHÁM PHÁ CỘNG ĐỒNG NGƯỜI MÔNG MIỀN TÂY NGHỆ AN

Rồng Trắng, Rồng Xanh và người Mông họ Lầu


(Baonghean) - Chuyện kể, trước kia người Mông họ Lầu chưa biết dùng sợi dệt vải che thân. Hai anh em bàn nhau đi hỏi cha mẹ mình là Rồng Xanh và Rồng Trắng thì được bày vẽ rằng họ phải lên trời xin hạt cây lanh về trồng lấy vỏ, tước sợi dệt thành vải. 
 
Tổ tiên người Mông
 
Người Mông cư trú trên địa bàn các huyện Quế Phong, Tương Dương và đông đảo nhất là huyện Kỳ Sơn. Tại địa bàn này, người Mông chủ yếu cư trú tại các xã Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ, Tà Cạ, Na Loi...; trong đó có những xã thuần người Mông như Mương Lống, Huồi Tụ, Tây Sơn, Đoọc Mạy, Nậm Càn... Người Mông cư trú ở vùng đồi núi cao khoảng 1000m, khí hậu khá đặc biệt vì thế mà văn hóa, lối sống của cộng đồng này cũng có những nét riêng khó trùng lặp với những cộng đồng thiểu số khác như người Thái, Khơ mú trên địa bàn.
 
Ông Lầu Xái Phia (phải) kể chuyện về họ Lầu.
Ông Lầu Xái Phia (phải) kể chuyện về họ Lầu.
 
Cũng như các cộng đồng thiểu số khác, lịch sử của người Mông gắn liền với những huyền thoại, với quá trình thiên di của họ từ phương Bắc xuống Việt Nam vào quãng thời gian từ 300 năm đến khoảng 100 năm về trước. Đó là những cuộc đấu tranh để gìn giữ địa bàn cư trú cũng như trên đường đi tìm địa bàn sinh tồn mới. Những cuộc tranh đấu này đã được huyền thoại hóa qua chuyện kể và huyền thoại về người Mông họ Lầu ở bản Nậm Khiên (Nậm Càn - Kỳ Sơn) là một điển hình mà chúng tôi đã được nghe trong một chuyến thâm nhập thực tế gần đây.
 
Đó là một buổi chiều tháng Tư đầy nắng, chúng tôi tìm gặp già bản Lầu Xái Phia. Biết chúng tôi sẽ chở nhau bằng xe máy vào bản, già Xái Phia đã nhắc nhở một cách hài hước về những con dốc cao vào bản rằng: Lên dốc muốn ngồi gần nhau đã khó, còn lúc xuống dốc muốn ngồi xa ra lại càng khó hơn. Đó quả là một cách nghiền ngẫm chỉ có ở người Mông mà phải đi trên chính con đường từ trung tâm xã Nậm Càn xuống bản Nậm Khiên mới thấu được. Cụ ông từng trải ngót ba chục năm làm bí thư đảng ủy xã biên giới này. Trong căn nhà truyền thống người Mông ở bản Nậm Khiên, già Xái Phia đã kể cho cúng tôi nghe truyền thuyết về cộng đồng dân tộc mình hệt như một diễn giả đầy đam mê...
 
Truyền thuyết kể: Xưa kia, người Mông ở đất của nước Trung Quốc bây giờ. Khi ấy người ta còn ăn lông ở lổ, trời mới sinh ra một cặp Rồng Xanh và Rồng Trắng. Rồng Xanh là con cái, phận em còn Rồng Trắng là con đực, phận anh. Lúc này mặt đất hãy còn mấp mô hỗn độn lắm. Trời mới sai Rồng Trắng và Rồng Xanh xuống san bằng làm chốn cho con người sinh cơ lập nghiệp. Rồng Xanh là phận nữ yếu ớt nên được giao san phần đất bằng phẳng và ít đá núi hơn, còn Rồng Trắng san chỗ đồi núi cao, lèn đá. Rồng Xanh chăm chỉ làm lụng lại sẵn tính cẩn thận nên đã san đất rất bằng phẳng, còn Rồng Trắng ham chơi lại làm ẩu cho xong chuyện nên mấp mô lồi lõm. Đấy là lý do bây giờ có vùng đồng bằng và đồi núi. 
 
Khi kỳ công hoàn thành, hai người gặp nhau ở một ngọn núi có ghềnh thác cao giáp ranh giữa 2 nước Việt - Trung ngày nay. Lúc này, Rồng Trắng cưới Rồng Xanh làm vợ và trở về phương Bắc ở trong một hang động. Sau 7 năm chung sống, đôi rồng sinh một bào thai. Sau 7 tháng, cặp vợ chồng bàn nhau đem bỏ bào thai ngoài trời để cho hư hoại. Nhưng kỳ lạ thay, qua 7 tháng, bào thai vẫn tươi như khi mới sinh ra. Một đêm nàng Rồng Xanh thấy trời báo mộng rằng bào thai chính là cội nguồn của dân tộc Mông và sai cắt bào thai thành 15 phần bỏ vào mỗi cửa hang khác nhau bởi sau này sẽ trở thành 15 dòng họ người Mông.
 
3 tháng sau, vợ chồng nhà Rồng thấy tất cả 15 hang động đều có khói lửa bốc lên. Rồng Trắng mới bảo vợ: Nàng hãy đi xem tại sao lại có khói lửa khắp nơi thế này, ông trời đốt thứ gì đó chăng? Rồng Xanh liền bắc cầu vồng lên trời nhìn xuống thấy mỗi cái hang đều có một cặp trai gái. Đó là những người đầu tiên của 15 dòng họ người Mông, con của Rồng Xanh và Rồng Trắng. 15 dòng họ ấy bao gồm: Lầu, Xồng, Vang, Già, Mùa, Hạ, Lỳ, Vừ, Cử, Thò, Dềnh, Cha, Si, Lò, Khùa.
 
Họ Lầu, con của hổ
 
Truyền thuyết cũng kể, người Mông họ Lầu ở hang thứ bảy. Ở đó có 2 người là Lầu Tu Vàng (anh trai) và Lầu Gủa Pà (em gái). Hai người lúc này vẫn đang ăn lông ở lổ. Họ ở vậy suốt 17 năm trời. Lúc này Lầu Tu Vàng đã khôn lớn nên đi hỏi cha mẹ lấy gì để mặc che thân. Vợ chồng nhà Rồng liền bảo phải lên trời xin hạt cây lanh về trồng rồi tước sợi dệt vải may quần áo. Khi đã biết tước sợi, dệt vải, anh em nhà họ Lầu còn biết ghè đá mài thành dao, cuốc rồi biết rèn đồng, rèn sắt. Khi đã có cây lanh, Lầu Tu Vàng biết dùng sợi lanh đi đánh bẫy bắt thú rừng về làm thức ăn và thuần hóa thành vật nuôi. Người anh còn dùng sợi lanh làm dây nỏ đi săn. Hai anh em đi xin hạt kê về trồng để lấy cái ăn. 
 
Bản Nậm Khiên của người họ Lầu.
Bản Nậm Khiên của người họ Lầu.
 
Một hôm, lúc đi đặt bẫy trong rừng, Lầu Tu Vàng bị hổ vồ rồi ăn thịt. Hổ lấy áo quần rồi cải trang thành người anh và trở về nhà chung sống bình thường cùng cô gái. Cô em sinh nghi liền hỏi. Lúc này, hổ thú thực đã ăn thịt người anh và muốn hỏi Gủa Pà làm vợ, nếu cự tuyệt cô sẽ phải chung số phận với anh trai. Cô gái sợ hãi đành chấp nhận làm vợ hổ. Sau 3 năm, cặp vợ chồng sinh được 2 con trai. Người anh là Lầu Pha, em là Lầu Dờ. Ba mẹ con chuyên việc phát nương làm rẫy. Những lúc lên nương rẫy, vì không phải là người nên hổ rất e ngại không dám đi cùng ba mẹ con mà chỉ đi theo hai bên đường để bảo vệ họ. Một ngày nọ, trên đường đi rẫy về cậu trai cả nghịch ngợm nhặt đá ném vào bụi rậm hai bên đường. Đang theo bảo vệ gia đình, chẳng may hổ bị ném trúng vào đầu liền ngã lăn ra chết. Ba mẹ con không thấy hổ về bèn đi tìm thì thấy hổ đã chết. Họ đem hổ đi chôn cất chu đáo. 
 
Từ đó, người Mông họ Lầu đều căn dặn con cháu khi đi đường không được ném đá vì trước đó đã làm chết tổ tiên của mình. Cũng từ đó, hễ mổ bò để cúng là phải dành một chân cho hổ. Người ta chụm 3 que củi cháy dở lại với nhau, đặt lên trên một chiếc ghế làm giá để chân bò. Người họ Lầu nhớ về tổ tiên mình là con của hổ, nên hễ mổ bò cúng lễ là phải chia phần cho hổ. Họ cũng kiêng ăn thịt hổ như những họ người Thái là Lữ, Lộc, Lương, Quang.
 
Vào dịp lễ, Tết, người họ Lầu bỏ đồ cúng gồm lòng bò, lòng lợn trong 7 chiếc bát, treo 7 bộ quần áo lên vách gồm 3 bộ quần áo nữ và 4 bộ quần áo nam. Điều này, tượng trưng cho vị trí cái hang thứ bảy, nơi Rồng Xanh và Rồng Trắng sinh ra người Mông họ Lầu!

Nét độc đáo ở bản người Mông

(Baonghean.vn)- Nằm trên đỉnh núi cao, bản Huồi Giảng 1, Tây Sơn (Kỳ Sơn) là nơi cư trú của đồng bào Mông. Bà con nơi đây lưu giữ được những phong tục độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Bản Huồi Giảng 1 nằm cách trung tâm xã khoảng 3km, cách trung tâm huyện trên 10km, với độ cao trên 1.300m so với mực nước biển. Điều kiện thời tiết ở đây có những nét khác biệt, nhiệt độ thấp hơn so với các xã trong vùng. Cư dân ở vùng núi cao và dốc này có những nét đặc trưng trong đời sống và sinh hoạt.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Nghệ An ghi lại được tại bản Mông Huồi Giảng 1:
Hầu hết các ngôi nhà ở Huồi Giảng 1 đều được lợp bằng gỗ sa mu- một nét đặc trưng trong kiến trúc nhà ở của người Mông. Tuy nhiên, hiện nay số lượng bản Mông giữ được mái gỗ sa mu như Huồi Giảng 1 không còn nhiều.
Hầu hết các ngôi nhà ở Huồi Giảng 1 đều được lợp bằng gỗ sa mu - một nét đặc trưng trong kiến trúc nhà ở của người Mông. Tuy nhiên, hiện nay số lượng bản Mông giữ được mái gỗ sa mu như Huồi Giảng 1 không còn nhiều.
Ở đây, gia đình nào cũng treo bùa trừ tà trước cửa. Đây là một nét riêng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Mông.
Ở đây, gia đình nào cũng treo bùa trừ tà trước cửa. Đây là một nét riêng trong đời sống văn hóa tâm linh của người Mông.
Người Mông ở Huồi Giảng 1 vẫn còn duy trì nghề làm giấy, nguyên liệu chính là cây rừng được giã nhỏ rồi nấu nhuyễn.
Người Mông ở Huồi Giảng 1 vẫn còn duy trì nghề làm giấy, nguyên liệu chính là cây rừng được giã nhỏ rồi nấu nhuyễn.
Sau khi nấu nhuyễn, nguyên liệu được rải ra phơi khô và trở thành những tờ giấy mỏng, được dùng vào việc thờ cúng.
Sau khi nấu nhuyễn, nguyên liệu được rải ra phơi khô và trở thành những tờ giấy mỏng, được dùng vào việc thờ cúng.
Với độ cao và độ dốc lớn, bản Huồi Giảng 1 không có nhiều đất bằng để trồng rau, bà con phải tận dụng mái nhà hoặc chái cất đồ đạc để trồng rau xanh.
Với độ cao và độ dốc lớn, bản Huồi Giảng 1 không có nhiều đất bằng để trồng rau, bà con phải tận dụng mái nhà hoặc chái cất đồ đạc để trồng rau xanh.
Trên mái nhà, bà con thường đặt chậu cây hoa, thể hiện sự gần gũi và gắn bó với thiên nhiên.
Trên mái nhà, bà con thường đặt chậu cây hoa, thể hiện sự gần gũi và gắn bó với thiên nhiên.
 Hồ Phương- Công Kiên

Chiếc khèn Mông

(Baonghean) - Hiện nay, giới trẻ các cộng đồng dân tộc thiểu số không mấy mặn mà với âm nhạc truyền thống. Tuy nhiên đối với các bạn trẻ người Mông. Họ vẫn nghe nhạc Mông hát những làn điệu dân ca truyền thống và tiếng khèn Mông vẫn vang lên trên những bản nhỏ… 
 
Truyền thuyết khèn Mông
 
Bất cứ người Mông nào ở vùng núi cao đều coi cây khèn như một vật thiêng. Đàn ông trưởng thành thường sắm một vài cái khèn, nhỏ to tùy lúc vui hay buồn đều đem ra thổi. Tiếng khèn thường vang lên trong những ngày hội Xuân, lúc rỗi việc nương rừng. Trong đám tang, tiếng khèn là thứ âm nhạc đặc biệt quan trọng. Theo quan niệm của người Mông, thì phải có cái khèn mới làm được đám tang. Tiếng khèn là lời nói và người chết theo những bài khèn đó mà ăn cơm sáng, cơm chiều và về cõi trời. Không có tiếng khèn, ma sẽ không hiểu được lời nói của người.
 
Ông Xồng Già Sâu - bản Nậm Càn (Nậm Càn - Kỳ Sơn) thổi khèn Mông.
Ông Xồng Già Sâu - bản Nậm Càn (Nậm Càn - Kỳ Sơn) thổi khèn Mông.
Về chiếc khèn Mông, có một số sự tích liên quan. Trong rất nhiều điều chia sẻ cùng chúng tôi suốt một buổi chiều, già bản Lầu Xái Phia ở bản Nậm Khiên xã Nậm Càn (Kỳ Sơn) kể câu chuyện sau đây… Chẳng còn ai nhớ 6 anh em nhà nọ thuộc dòng họ gì nữa. Chỉ biết, họ không còn cha mẹ. Vì mồ côi nên mấy anh em thương yêu nhau như ngón chân, ngón tay. Một lần đi rẫy về, cả 6 người cùng lội qua một khúc suối lớn. Lúc ấy đang mưa gió và nước lũ đổ về. Đến giữa quãng thì tất cả đều bị lũ cuốn đi. Bốn người trong số họ chết đuối, còn 2 anh em thì dạt vào phía bên bờ sông không một bóng người, những bụi nứa bên sông thì ngổn ngang xác người chết đuối.
 
Sau khi tìm được cái ăn, hết cơn đói, 2 anh em than thân trách phận đã mồ côi trời còn chia cắt khiến họ âm dương ly biệt. Họ lấy xương người dạt vào bờ sông mài làm dao cắt nứa khoét ống sáo, rồi thổi lên vang động khắp núi rừng. Sau đó, hai người nghĩ về những người anh em xấu số của mình mà xót xa lòng. Họ bàn nhau đi kiếm 6 ống sáo ghép lại, cây lớn ngắn nhất là ống sáo anh cả. Cây nhỏ nhất là em út. 6 cây sáo tạo thành một loại nhạc cụ được đặt tên mới là chiếc khèn, khi ngân lên có tiếng bổng tiếng trầm, tiếng to tiếng nhỏ. Cây sáo giúp họ chuyện trò được với những người anh em đã mất đang ở cõi trời.
 
Nghe thấy tiếng sáo, tiếng khèn, tất cả các con vật ở rừng cũng hiểu được tâm sự của 2 anh em. Chúng tìm đến để nghe họ. Sau rồi các loài vật thèm muốn những nhạc cụ của hai anh em. Lúc này, hai người mới nói với chúng rằng ai giúp họ vượt sông sẽ thưởng cho ống sáo hay nhất. Trong số các loài vật trong rừng chỉ có vượn và diều hâu dũng cảm nhận lời. Vượn lần lượt cõng từng người bơi qua sông, còn diều hâu thì bay phía trước để dẫn đường và hỗ trợ ở những quãng khó khăn. 
 
Sang sông rồi, hai anh em người Mông mừng rỡ đi tìm lại bản mường của mình. Họ cũng không quên công ơn của vượn và diều hâu. Vượn được tặng ống khèn kêu hay nhất còn diều hâu công cán ít hơn nên chỉ được cái ống khèn bình thường. Chính vì thế mà ngày nay tiếng hót của loài vượn còn hay hơn tất cả các loài chim muông. Ấy là nhờ được 2 anh em người Mông tặng cho chiếc ống khèn tốt nhất. Còn diều hâu chỉ được chiếc khèn có thanh âm bé nên giọng hót của nó chỉ ở mức bình thường…
 
Âm điệu vui ở bản Phà Nọi
 
Chính vì câu chuyện của già Xái Phia nên khi đến những bản Mông, chúng tôi thường lắng tai để tìm tiếng khèn. Thế rồi, trong một buổi chiều cuối ngày chúng tôi tới bản Phà Nọi xã Mường Típ (Kỳ Sơn). Trước đó, Phó chủ tịch xã Hạ Bá Thái đã giới thiệu rằng bản này đông vui, đời sống cũng khấm khá nhất xã. Cái bản nhỏ chẳng mấy khi ngớt tiếng khèn, tiếng sáo. 
 
Quả vậy, khi chúng tôi vào bản cũng vừa đến giờ bầy trẻ dong trâu từ bãi chăn thả ven những ngọn đồi về bản. Từ căn nhà gỗ bên đường cái vọng ra tiếng nhạc trầm đục lúc tỷ tê tâm tình lúc lại ngân lên hồn nhiên. Khi nhòm qua khe cửa thấy một ông bố trẻ tay cầm khèn ngồi thổi. Nép vào vai anh là 2 chú bé con đứa khoảng lên 2, đứa lên 4. 
 
Nhà có khách lạ, ông bố trẻ ngừng tiếng nhạc, ngó lên cất lời chào bằng một gióng tiếng Kinh lơ lớ. Người bố trẻ ấy là Và Bá Dì, năm nay 30 tuổi. Anh là một trong 2 người thổi khèn giỏi nhất bản. Bá Dì cho biết chiều nay mấy đứa trẻ nhà anh quấy khóc nên ông bố trẻ phải dỗ chúng bằng tiếng khèn. Sau này, khi hỏi chuyện những người dân ở xã Na Ngoi mới biết rằng Và Bá Dì ở bản Phà Nọi là người trẻ thổi khèn giỏi nhất vùng.
 
Trong những cuộc giao lưu văn hóa vùng 4 xã Nậm Càn, Na Ngoi, Mường Ải, Mường Típ, anh chàng này luôn giành giải nhất. Vốn là một người đam mê khèn Mông, lúc nào trong nhà Bá Dì cũng có 2 chiếc khèn. Người Mông ở miền Tây đất Nghệ chẳng còn mấy ai biết cách chế tác khèn Mông như ở các tỉnh miền núi phía Bắc nên họ phải mua khèn từ những người bán rong người Lào, thậm chí phải sang tận bên nước bạn mới mua được cái khèn như ý. 
 
Rồi như một nghệ sỹ say sưa, Và Bá Dì kể về những điệu múa khèn. Theo anh, người Mông có khá nhiều những điệu múa khèn. Một người được cho là giỏi ít nhất phải biết thổi và múa 6 điệu khèn. Điệu khèn đơn giản nhất gọi là “tờn đí”. Để học được điệu khèn này không hề đơn giản bởi đó là bài tập đầu tiên. Trong khi việc làm chủ được cái khèn và những nốt nhạc đã là cả một việc gian nan đối với người mới tập thì việc để thổi ra bản nhạc lại càng khó khăn. Một khi đã làm chủ được cây khèn và bài tập đầu tiên thì việc học khèn trở nên đơn giản hơn. 
 
Một người thổi khèn giỏi chưa hẳn đã múa đẹp. Những điệu múa nhìn qua tưởng như đơn giản, nhưng để tập được nó cũng phải tốn công và chịu khó lắm. Ngày mới tập múa khèn, chỉ với điệu múa vừa thổi khèn vừa đá chân ra sau hay về phía trước cũng đã khiến Và Bá Dì mất hẳn một mùa trăng. Sau rồi anh cũng đã vượt qua được 6 điệu khèn. Có bài chỉ tung tẩy chân tay theo tiết tấu của bản nhạc, có bài vừa tung chân vừa phải đi vòng tròn. Những điệu múa khèn đòi hỏi người tập phải vừa khéo léo lại phải có sức khỏe, bởi lẽ trong khi nhảy múa thì những âm điệu của bản nhạc vẫn phải ngân lên không được đứt quãng. Nếu tiếng nhạc ngừng thì coi như điệu múa này đã trở nên vô nghĩa, thậm chí nó còn làm cho ma không còn hiểu được lời của người nếu là múa khèn trong đám tang. 
 
Những người dân trong bản bảo với chúng tôi rằng điều khiến chưa có người trẻ nào trong vùng vượt qua được tài năng múa khèn của Và Bá Dì là bởi anh đã thực hiện được điệu múa khó nhất. Điệu múa này được coi là bài cuối cùng mà người luyện tập phải đạt tới, trong đó có động tác vừa thổi khèn vừa lộn vòng về phía trước và ra phía sau. Và Bá Dì cho biết, nếu múa thành công trong điệu múa này người tập phải biết cách chịu đau, đặc biệt là né tránh tai nạn…
 
Dẫu chỉ có một buổi chiều ngắn ngủi trong khi dùng chân trên cuộc hành trình, nhưng anh bạn trẻ mê khèn Mông Và Bá Dì đã cho chúng tôi biết được khá nhiều điều thú vị về cây khèn có 6 ống trúc, không chỉ là một nhạc cụ mà còn là vật thiêng, để lại nhiều xúc cảm nhất đối với chúng tôi, trong hành trình khám phá cộng đồng người Mông ở miền Tây Nghệ An!

Đi cưới đừng để mất ô

(Baonghean) - Người Mông tin rằng những chiếc ô không chỉ giúp che nắng mưa, nó còn có thể giúp gìn giữ con người thoát khỏi quỷ dữ. Hơn thế nữa, đó là nơi nương tựa của hồn vía phu thê. Chính vì thế chiếc ô không thể thiếu trong tục cưới của cộng đồng này.
Chiếc ô trừ ma
 
Phó Chủ tich xã Na Ngoi (Kỳ Sơn), ông Xồng Xái Xo không chỉ biết làm cán bộ ăn lương nhà nước như dân bản vẫn thường gọi. Tiếng khèn của ông vẫn vang lên vào ngày hội ở bản, ở xã. Những khi có tang ma, dân bản vẫn mời ông đi thổi khèn đưa linh hồn người về cõi trời. Thỉnh thoảng có gia đình trong dòng họ còn xin làm “ông mối” để đại diện cho họ trai đi hỏi vợ cho con cháu. Chính vì thế mà ông rất tường tận về tục cưới của cộng đồng.
 
Trong một chiều muộn, khi ấy hầu hết các cán bộ trong cơ quan đã về nghỉ, ông Xái Xo vẫn ở lại cùng chúng tôi. Ông lấy làm thú vị khi Báo Nghệ An đang viết hẳn một chuyên đề dài kỳ về văn hóa người Mông: Chúng tôi hỏi điều gì thú vị nhất trong đám cưới người Mông? Sau một hồi suy nghĩ, ông Xái Xo cho biết: Đó là chiếc ô, nó mang linh hồn chú rể từ nhà đến đón linh hồn người con dâu về nhà. Nhưng đó là khi tổ chức đám cưới, còn trước đó, vào những ngày xuân, trai gái Mông vẫn đội ô đến hội ném pao. Trong khi lên rẫy, xuống chợ, phụ nữ Mông cũng thích đội ô. Vì vậy có thể nói rằng chiếc ô không hề xa lạ trong cuộc sống của cộng đồng người Mông.
 
Phụ nữ Mông mang ô đi chợ biên giới xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Phụ nữ Mông mang ô đi chợ biên giới xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn).
Về sau này trong một cuộc chuyện trò khác, tôi nghe một thầy giáo tiểu học ở xã Na Ngoi tên là Lầu Bá Cồ kể một câu chuyện cổ xưa để giải thích rằng vì sao chiếc ô lại quan trọng đối với người Mông đến vậy. Thầy giáo Cồ kể rằng: Ngày xưa, người Mông không chỉ phải đánh nhau với người Tàu để giữ gìn cộng đồng, họ còn phải chiến đấu với ma nữa. Giặc còn dễ lẩn trốn chứ ma thì người trốn đi đâu nó cũng tìm thấy để làm hại. Ban ngày lo đối phó với giặc giã, đêm về thì ma quỷ. Ma là linh hồn người mình và cả giặc chết trận, chết vì hổ ăn thịt. Linh hồn của hổ khi chết cũng hóa thành ma. 
 
Người sống trốn chạy giặc đã khó, trốn chạy ma càng khó hơn. Người ta dùng lá cây, dùng dao, kiếm, cung tên để trước nhà để cho ma sợ mà không về hại người. Không vào nhà được, ma tìm cách hại người khi họ đi lên nương rẫy. Vậy là người ta phải nghĩ cách đối phó với ma để ngăn chặn chúng, lại vừa đảm bảo được công việc hàng ngày. Người ta họp bàn rồi đưa ra nhiều cách nhưng chẳng hiệu quả.
 
Cho đến một ngày nọ có người đi rẫy thì bị con ma trong vùng bám theo ám hại. Người này biết được liền bỏ chạy thật nhanh. Bước chân người thì chạy sao kịp với sự truy đuổi của ma. Trong lúc không biết trốn vào đâu thì anh này gặp bụi cây củ ráy chẳng mấy rậm rịt. Anh ta ngồi thu lu trong đó lâu mà con ma không thể nào tìm được nên cứ quanh quẩn mãi. 
 
Khi con ma đã bỏ đi rồi, người này mới đi ra và ung dung lên rẫy. Hôm sau lại qua quãng rừng nọ, con ma hôm trước đã phục sẵn ở đó để chờ bắt. Lần này người nông dân liền chạy vội đến núp vào bụi ráy khiến con ma không tìm ra. Anh ta liền nảy ra một ý hay, chặt một cái lá cây ráy che lên đầu đi ngang qua trước mặt con ma mà nó không hề nhìn thấy. Người nông dân cả mừng về nhà bày cách “tránh con mắt ma” cho cả bản. Từ đó mỗi lần đi rẫy họ liền ngắt một chiếc lá cây ráy để che lên đầu cho ma không nhìn thấy người nữa.
 
Lúc nào cũng mang theo cái lá cây ráy thì thật bất tiện. Với lại mỗi chiếc lá chỉ dùng được nửa ngày là nó khô héo người ta lại nghĩ cách cải tiến nó. Về sau có người dệt vải lanh hoặc lấy giấy thờ kết thành cái ô giống hình chiếc lá cây ráy để che đi rừng. Cách làm này cũng giúp người Mông trong bản tránh được “con mắt ma”. 
 
Nơi nương tựa của hồn vía vợ, chồng
 
Chiếc ô ngày nay là hình mô phỏng chiếc lá cây ráy trừ ma ngày nào. Có lẽ chính vì thế mà chiếc ô trở thành một vật không thể thiếu trong tục cưới của người Mông. Trở lại với câu chuyện của ông Xồng Xái Xo. Ông bảo rằng người Mông phải có cái ô mới làm đám cưới được. Trước kia người ta dệt vải lanh nhuộm đen đi rồi may thành chiếc ô chỉ dùng trong lễ cưới. 
 
Trước giờ lên đường đến nhà gái, người dẫn đầu đám cưới, thường là ông mối trưởng. Trong đám cưới người Mông có 2 ông mối gọi nôm na như ngày nay là có một trưởng và một phó. Cha mẹ chú rể không được phép sang nhà gái đón dâu. Ông mối “trưởng” sẽ cầm theo chiếc ô đã gấp lại bên ngoài có buộc một chiếc khăn để giữ linh hồn chú rể. Khi đến nhà gái, chiếc ô được treo gần không gian thờ cúng của gia đình. Đến khi đón dâu, người đứng đầu đại diện cho nhà trai lại cầm theo chiếc ô này dẫn theo hồn vía của cả đôi vợ chồng đi về nhà. Chiếc ô này vẫn buộc khăn và gấp lại. Nó được treo trên vách suốt 3 ngày liền mới mở ra. Người ta tin rằng lúc này hồn vía cô dâu đã quen với nhà chồng, có mở ô ra thì cũng không chạy về nhà cha mẹ đẻ nữa.
 
Ông Xồng Xái Xo cũng cho rằng: Trong tục cưới của người  Mông, chiếc ô quan trọng đến nỗi nếu nhà trai không mang ô đến thì nhà gái sẽ không cho phép tổ chức đám cưới. Bởi chưa có cái ô thì hồn vía của cô gái vẫn ở cùng mẹ đẻ mặc dù nhà trai đã đón dâu về. Chính vì thế chiếc ô được trông chừng, gìn giữ cẩn thận suốt đám cưới. Nếu lỡ để mất ô thì nhà trai không thể đón dâu về được. Vì vậy có chuyện nhà gái “kiếm cớ” giấu ô đi để nhà trai đi tìm. Đây chỉ là một hoạt động tạo vui nhộn trong đám cưới. Nhà trai tìm mãi không được nhà gái mới cử người đứng ra hát ghẹo: Hôm qua anh đến ô còn/ Hôm nay anh về, sao ô mất?... Lúc này nhà trai phải tìm được một cách đối đáp vừa hợp lẽ lại hóm hỉnh. Nếu nhà gái cảm thấy “vui lòng” sẽ trả lại ô.
 
Cũng có trường hợp đại diện nhà gái, nhà trai đều là người giỏi ứng khẩu thế nên tiếng hát “xin ô” cứ diễn ra suốt cả buổi cưới. Khi vãn cuộc vui, nhà gái sẽ trả lại ô để họ trai cầm về và qua đó tình nghĩa giữa hai nhà càng thêm bền chặt. Có những trường hợp, nhà trai không đối đáp lại đành phải chấp nhận uống rượu phạt để nhận lại ô.
 
Cũng theo ông Xồng Xái Xo, tục cưới của người Mông ngày nay đã có nhiều đổi mới, dẫu rằng trước kia nó vốn dĩ đã đơn giản hơn những cộng đồng thiểu số khác. Đám cưới của Mông thường không đặt nặng chuyện thách cưới. Tuy vậy nó vẫn còn kéo dài 2 hoặc 3 ngày kể cả hai bên họ trai và họ gái. Chiếc ô trong tục cưới ngày nay cũng vậy, nó có thể là chiếc ô vẫn được bán trên thị trường ngày nay. Nhưng trước khi mang đến nhà gái, nó đã được cúng  vía và buộc khăn phía ngoài. Vì thế nó vẫn có “chức năng” mang hồn vía của cô dâu chú rể về nhà. “Dù có thay đổi về hình thức cho tiện với thời đại mới nhưng thủ tục cưới thì vẫn không thay đổi”, ông Xái Xo cho biết thêm.
 
Hữu Vi - Đào Thọ

Nghề rèn và chuyện "rèn" nghề

(Baonghean) - Nghề rèn đã theo người Mông từ phương Bắc vào những nơi định cư, để rồi những sản phẩm rèn trở thành đặc trưng trong văn hóa cộng đồng. Hơn thế nữa, những chiếc dao, chiếc cuốc bền và sắc còn thể hiện phần nào phẩm chất của người Mông.
Mặt trời đã gác núi nhưng anh Phó bản Phà Nọi (Mường Típ – Kỳ Sơn) Và Bá Dì vẫn kịp dẫn chúng tôi thăm một lò rèn đang hoạt động. Anh cho biết, những ngày này đã qua kỳ phát nương nên số lò rèn hoạt động thường xuyên còn khá ít. Cả bản hiện giờ cũng chỉ có 5 lò rèn thường xuyên đỏ lửa. Mùa phát rẫy, có hàng chục nhà rèn nông cụ làm rẫy, chủ yếu là cuốc, dao. 
 
Nhà ông Lầu Nềnh Hùa ở bên rìa bản, dưới chân một ngọn núi đá. Chúng tôi đến nơi thấy ông Hùa và một anh thợ phụ nữa đang rèn dao Mông. Ông thợ rèn đã 65 tuổi, đã có gần nửa số năm sống trên đời gắn bó với bễ lò. Chìa bàn tay chắc nịch như khúc gỗ nghiến cho tôi, ông Hùa lại quay về với việc chính. Trên lò than đỏ rực là một thanh sắt rộng bản. Nghe bảo nó được cắt từ chiếc ô tô cũ, ông mua lại từ một người bán sắt vụn ở Thị trấn Mường Xén, cách nhà gần sáu chục cây số. 
 
Một tay đẩy chiếc bễ thổi hao hao chiếc bơm xe đạp cỡ lớn, tay còn lại cầm đôi đũa lật trở miếng sắt rực đỏ. Đôi đũa cũng được cắt từ 2 que thép nhỏ. Ông Nềnh Hùa cho biết, chiếc bễ hình bơm xe được chế tạo từ thân cây gỗ nghiến, bên trong có nhồi lông gà làm pit tông để hơi không thoát ra ngoài. Ông nói rằng cái pit tông nhất thiết phải làm từ lông gà chứ không phải cao su hay vải. Chất liệu này vừa bền, chịu ma sát tốt và dễ thao tác hơn chiếc pit tông làm bằng cao su hay vải. Ngoài ra hệ thống dẫn khí và lò than đều được đắp bằng đất sét.
    
Rèn dao ở bản Phà Nọi (xã Mường Típ - Kỳ Sơn).
Rèn dao ở bản Phà Nọi (xã Mường Típ - Kỳ Sơn).
Tuổi đã lớn, mắt quen nghề, tay cũng đã nhiều năm đi phụ giúp các nhà trong bản rồi Lầu Nềnh Hùa mới dựng riêng cho mình một lò rèn. Đó là khi ông ra ở riêng, phải đi phát rẫy nuôi con, cần nông cụ. Đàn ông người Mông ai chẳng thế, biết đi phát rẫy là biết đúc lò rèn! Từ khi bắt tay vào làm nghề, nông cụ làm ra hầu như chỉ để phục vụ nhu cầu gia đình. “Bố làm để dùng thôi. Không bán cho ai. Mà có bán thì ở đây cũng chẳng có ai mua vì người ta đều biết rèn mà”. Người Mông khi đã có tuổi thường tự xưng mình là “bố”. Nếu có được một người phụ giúp hợp ý, mỗi ngày ông Nềnh Hùa có thể vừa cắt sắt vừa rèn được hoàn chỉnh 2 con dao Mông. Tiến độ như vậy chẳng phải thợ giỏi nào cũng đạt được. 
 
Anh thợ phụ bấy lâu chỉ đứng quai búa, chợt góp chuyện: “Nếu chỉ cắt sắt, nung một hồi, đập một tí rồi dùng máy doa (máy mài) làm một buổi cũng được gần chục cái dao. Loại này hay bán ở chợ nhưng người Mông mình thì không dùng được”. Anh thợ đánh trần bên lò rèn muốn nói đến những chiếc dao làm theo kiểu dáng của người Mông bán ở chợ Mường Xén (Kỳ Sơn), chợ Hòa Bình (Tương Dương), mỗi chiếc chỉ độ dăm bảy chục nghìn. Còn chiếc dao phát do người Mông ở Mường Típ rèn ra cũng phải có giá lên đến 200.000 đồng. 
 
“Đắt vậy nhưng dùng được nhiều năm, mài đi mài lại nhiều lần đến khi cái dao mỏng dẹt, gãy rồi mới phải vứt đi”, anh Phó bản Và Bá Dì cũng góp chuyện. Té ra cái anh chàng có vẻ ít nói này cũng lắm tài ra phết. Thổi khèn giỏi, biết xem lịch để chọn ngày tốt, lại còn là một anh thợ rèn cũng vào loại khá trong bản Phà Nọi. Anh chia sẻ: Dao và cuốc của người Mông bền lại sắc là vì những thợ rèn ở đây không dùng máy mài. Từ khâu cắt sắt cho đến khi con dao hoàn thành chỉ có nung và gõ búa. “Đập búa làm lưỡi dao, đập búa để uốn cong mũi dao quắm. Nói chung là chỉ có nung và đập. Thợ miền xuôi thường tôi sắt bằng nước muối và dầu nhớt thải. Nhà mình chỉ dùng nước suối và thân cây chuối làm nguội sắt”, Và Bá Dì cho biết và cũng theo anh thì đó là bí quyết khiến những sản phẩm nghề rèn của người Mông sắc bén như chúng ta vẫn thấy.
 
Đến xã Nậm Càn cũng là một “xứ” Mông khác ở huyện Kỳ Sơn thấy mỗi bản đều có một vài lò rèn. Những hộ dân này giữ nghề phục vụ nhu cầu gia đình và dân bản. Những con dao, cái cuốc làm ra còn là mặt hàng giúp các gia đình kiếm thêm thu nhập. Còn với ông Và Cháy Xa ở bản Liên Sơn thì khác, cái lò rèn của ông và còn lại duy nhất trong bản chủ yếu để phục vụ nhu cầu gia đình và bà con lối xóm. Cứ vào mùa nương rẫy, lò rèn của ông cháy đỏ cả ngày và vang lên tiếng búa nện xuống đe. Tiếng quai búa của ông Cháy Xa đã trở thành âm thanh quen tai trong bản.
 
Ông Và Cháy Xa cho biết, ông duy trì lò rèn cốt để giữ lấy cái nghề của cha ông. Theo ông thì biết nghề mà không giữ lấy nghề là một cái tội. Lòng quyết tâm giữ nghề rèn của ông Và Cháy Xa đã giúp bà con bản Liên Sơn có nơi đến sửa cái cuốc, cái dao đã cùn mòn sau một mùa rẫy.
 
Nhìn mồ hôi của người thợ rèn trên bản Liên Sơn nhễ nhại trong cái nắng tháng Năm bên lò đang hừng hực lửa mới thấu nỗi vất vả nhưng cũng đầy niềm tự hào của họ khi cho ra đời một sản phẩm ưng ý. Ông Và Cháy Xa cho biết: Muốn có một con dao, cái cuốc tốt người thợ rèn phải chuẩn bị kỹ mọi công đoạn. Ngày xưa không có nguyên liệu tốt, người thợ phải lấy thau sắt đập bỏ hết lớp sơn bên ngoài đem nấu. Bây giờ loại sắt được ưa dùng nhất là nhíp ô tô. 
 
Cũng theo ông Và Cháy Xa, khi nung sắt phải dùng loại than củi cứng mới đảm bảo độ nóng. Một người thợ giỏi là người thợ có con mắt tinh tường, biết nhìn vào độ nóng của sắt để tôi. Nếu tôi non sản phẩm hay bị quằn, ngược lại tôi già quá lại dễ mẻ. Nhìn đôi tay đập búa từng tiếng chát chúa trên thanh sắt mới thấy được niềm đam mê của ông đối với nghề rèn. Mắt hầu như không rời thanh sắt, ông ngắm nghía kỹ càng để từng nhát búa giáng xuống không sai một điểm. Chiếc cán bằng sừng trâu bóng loáng được ông chuẩn bị từ trước tra vào cái dao sáng láng đã làm xong trông thật bắt mắt. Vậy là một con dao Mông đã được hoàn thiện.
 
Chúng tôi lặn lội hỏi về nguồn gốc nghề rèn của người Mông nhưng người cao niên nhất ở các bản đều không thể biết được nó có tự bao giờ. Con trai Mông chỉ biết rằng khi sinh ra đã có nghề rèn. Đời này sang đời khác người ta cần con dao để đi rừng, cái cuốc để đào rẫy nên phải có nghề rèn vậy thôi. Tuy nhiên, một số người cũng khẳng định rằng, nghề rèn dao của người Mông có nguồn gốc từ thời chiến tranh với người Hán. Cụ Và Pà Dênh ở bản Liên Sơn năm nay đã hơn 90 tuổi kể rằng: Ngày xưa, khi chiến tranh với người Hán, người Mông có một loại vũ khí rất lợi hại khiến người Hán khiếp sợ, đó là cây nỏ. Người Hán liền đến bảo rằng cứ mỗi con gà họ đổi lấy một lẫy nỏ. Người Mông nghĩ lẫy nỏ thì dễ làm, gà mới khó nuôi. Chỉ trong một đêm, toàn bộ lẫy nỏ bị lấy đi hết. Sáng hôm sau, người Hán tấn công, người Mông không còn nỏ để chống cự đành bỏ chạy. Trong lúc vừa chạy vừa chống địch, người ta nghĩ ra cách phải làm ra một loại vũ khí khác đánh lại người Hán. Và chiếc dao Mông có hình thù nhọn như cây kiếm ra đời từ đó.
 
Như vậy, có lẽ người Mông đến với nghề rèn bởi một yêu cầu cấp thiết của những cuộc đấu tranh để sinh tồn. Bằng sự kỹ càng vốn đã thành bản tính,  những thợ rèn người Mông làm ra những con dao, cái cuốc hiếm khi sứt mẻ, có chăng chỉ mòn lõm bởi thời gian và bàn tay lao động. 
 
Ông Và Cháy Xa bảo rằng: “Người Mông làm dao, làm cuốc không chỉ là làm cho xong chuyện. Người Mông đi lên nương rẫy hay về nhà đều phải mang theo con dao bên mình.” Con dao đã gắn bó máu thịt đối với mỗi người. Vì vậy, làm được một sản phẩm tốt để mang theo suốt đời không phải dễ dàng chút nào. Chính vì điều đó mà nhiều năm nay ông Và Cháy Xa luôn trăn trở tìm người nối nghiệp giữ nghề. Ông đang kỳ vọng điều này vào những cậu con trai, những thế hệ kế cận sẽ tiếp tục gìn giữ nghề rèn.
 
Hữu Vi - Đào Thọ

Giấy thờ và chiếc "xử ca"

(Baonghean) - Ngoài chiếc khèn ra thì còn một thứ gắn bó với đời sống tâm linh của người Mông, đó là những tờ giấy do chính tay bà con sản xuất. Chiếc “xử ca” là vật thờ chính của hầu hết các dòng họ cũng được làm từ những tờ giấy này.
Phụ nữ Mông làm giấy thờ
 
Đặt chân đến bất cứ gia đình người Mông nào cũng thấy rằng, nhà nào cũng dán ở bàn thờ, cột nhà hay bàn ghế những vuông giấy trắng. Quan sát kỹ thì đó không phải là loại giấy thường được sử dụng trong đời sống hàng ngày của chúng ta. Hỏi ra mới biết, loại giấy này do người Mông tự sản xuất để thờ cúng thần linh. Dẫu không sành sỏi tiếng Kinh nhưng chị Lầu Y Mái, bản Buộc Mú (Na Ngoi – Kỳ Sơn) vẫn giải thích với chúng tôi rằng: “Con người sinh ra ai cũng có hồn, có vía và cần phải có giấy để cúng vía. Vì thế mà phụ nữ Mông, ngoài trồng lanh, tước sợi, ai cũng thạo việc làm giấy thờ”. 
 
Giấy thờ trang trí trên bàn thờ của người Mông ở Nậm Càn - Kỳ Sơn.
Giấy thờ trang trí trên bàn thờ của người Mông ở Nậm Càn - Kỳ Sơn.
 
Cách làm giấy thờ của người Mông cũng cực kỳ đơn giản. Chị Y Mái cho biết nguyên liệu chính là cây nứa, tre, hoặc cây giang non. Độ tuổi của cây lúc ấy không còn là cây măng nữa cũng chưa thành tre. Người ta chặt về chẻ nhỏ, bỏ lớp vỏ ngoài, chỉ giữ lại phần cật bên trong rồi cho vào chiếc chảo lớn. Cứ sau một lớp tre, nứa non lại rải lên phía trên một lớp tro. Sau đó đổ nước vào rồi đun trong vòng nửa ngày. Khi nguyên liệu đã mềm, người ta vớt ra rồi đem rửa sạch và giã nhuyễn.
 
Để tăng thêm độ bền cho tờ giấy, người ta còn cho một thứ nhựa cây rừng vào bột giấy rồi cho thêm nước, khuấy đều lên. Lúc này những thứ nguyên liệu ban đầu trở thành một thứ dung dịch đặc sánh. Sau đó, múc thứ nước sền sệt ấy đổ vào những tấm vải rồi tráng mỏng. Sau khi phơi nắng, người ta có thể bóc lấy những từ giấy và chuẩn bị mẻ tiếp theo. Cứ thế công việc diễn ra cho đến khi gia chủ nhận thấy số lượng giấy đã đủ dùng mới ngừng lại.  
 
Xử ca và hình ảnh về không gian  tâm linh của người Mông.
Xử ca và hình ảnh về không gian tâm linh của người Mông.
 
Tại những bản Mông, cứ vào mỗi độ tết đến xuân về và mùa mưa đến, cây măng bắt đầu mọc, bà con lại nô nức rủ nhau lên rừng lấy giang, tre, nứa về làm giấy. Có một điều lạ là, nghề làm giấy của người Mông có tự xa xưa và không ai bảo ai, cứ đời này sang đời khác người ta sinh ra đã biết làm giấy, những tờ giấy không bao giờ được viết, không bao giờ được dùng để gói đồ mà đơn thuần chỉ để thờ cúng. Gia đình nào cũng vậy, tết đến phải có giấy như người Kinh phải có bánh chưng để thờ vậy.
 
Trong các lễ cúng của nhiều dòng họ đều phải dùng đến thứ giấy này. Theo anh Xồng Tồng Chò, trú ở bản Buộc Mú, là chồng chị Lầu Y Mái, thì trong đám tang, người Mông họ Xồng phải cúng đến 200 xấp giấy thờ. Những tập giấy được xếp chồng lên nhau cho người chết mang về trời dùng mà không phải mất công làm nữa.
Huyền thoại về “xử ca”
 
Chúng tôi đi tìm hiểu về nguồn gốc của nghề làm giấy và những tấm “xử ca” trên bàn thờ người Mông. Đây là một vật thờ của hầu hết các dòng họ người Mông ở miền Tây Nghệ An. Nó cũng được làm từ những tờ giấy thờ và được trang trí bằng những hình vẽ chủ đạo là gam màu đỏ, thể hiện không gian tâm linh của người Mông. Chẳng còn mấy ai có thể biết được xuất xứ của chiếc “xử ca” và những tờ giấy thờ. Chỉ biết rằng những tấm giấy đó là cha ông truyền lại, con cháu chỉ biết theo đó mà làm. Bỏ làm giấy thờ cũng đồng nghĩa với việc bỏ quên nguồn cội.
 
Tuy nhiên, về tấm “xử ca” dán trên bàn thờ thì chúng tôi được nghe cụ Và Xếnh Lù ở bản Thăm Hín (Nậm Càn) kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em rất đỗi tài giỏi. Người anh tên là Xử Ca, người em tên Lò Rê. Họ giúp dân bản trồng trọt chăn nuôi nên đời sống dân bản đời đời ấm no, hạnh phúc. Sự ấm no ấy đã khiến các bộ lạc bên ngoài dòm ngó để xâm chiếm. Một ngày nọ, giặc kéo lên rất đông, dân làng chống đỡ không nổi phải rút về núi cao. Trong tình thế nguy cấp, chàng trai Xử Ca đã xông ra cản đường để dân bản kịp chạy thoát. Chàng hy sinh anh dũng dưới mũi tên bọn giặc, còn dân làng cũng tìm được một vùng đất mới trù phú hơn.
 
Từ đó, để nhớ ơn người anh cả Xử Ca đã có công cứu giúp dân làng, cứ mỗi dịp tết đến, người ta lại dán lên bàn thờ tấm giấy mang tên người anh hùng. Tấm “xử ca” vừa có ý nghĩa để nhớ ơn người có công với bản làng vừa để thờ cúng cầu mong cho người anh luôn luôn đi theo giúp đỡ, bảo vệ các thành viên trong gia đình và cũng là sự báo hiệu một năm mới sắp tới. 
 
Bởi vậy, vào nhà người Mông đều thấy trên bàn thờ có tấm giấy cắt theo hình răng cưa, ở trên có gắn ba cái lông gà trống. Cụ Và Xếnh Lù bảo rằng: ba cái lông gà ấy là ba con mắt nhìn xuyên ba cõi của người anh Xử Ca để theo dõi mọi việc trong gia đình. Ai làm việc tốt hay xấu đều không qua được mắt Xử Ca. Tấm xử ca có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông nên mỗi khi chuyển nhà đi đâu họ cũng không quên mang theo tấm xử ca. Chỉ có người đứng đầu trong gia đình mới được quyền chạm vào tấm xử ca ấy, người nào cố tình đập vào xử ca sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề do gia chủ và dòng họ quy định.
 
Với các bản người Mông, mùa vui nhất là vào thời điểm tháng 9, tháng 10 âm lịch. Lúc đó khắp bản làng đều rộn lên tiếng đập giang quen thuộc. Những người phụ nữ Mông trên vai nặng trĩu những cây giang vừa đến độ không non không già. Nếu chọn cây non quá sẽ không đảm bảo độ dai của giấy, ngược lại già quá sẽ thiếu bột không đủ độ kết dính. Không chỉ nấu một mình cây giang mà người Mông còn trộn vào đó tro của cây lanh và vôi bột. 
 
Thầy cúng Lầu Vả Tu ở bản Nậm Khiên (Nậm Càn) cho biết: “Năm mới, người Mông chỉ được dùng loại giấy do chính mình tự làm mới chứng tỏ được tấm lòng thành đối với thần linh, tổ tiên. Chỉ có loại giấy này mới xin được các bậc thần linh phù hộ cho gia đình, dòng họ một năm mới an lành, mưa thuận gió hòa”. Bởi vậy, trong ngôi nhà người Mông, vào năm mới người ta thay các tấm giấy cũ trên bàn thờ bằng những tờ giấy mới. Ở các cột nhà, cửa phòng hay bàn ghế đều được dán các tấm giấy nhỏ cầu mong sự may mắn trong năm mới. Như vậy, có thể thấy rằng, với mục đích rất riêng của mình, những tấm giấy do người Mông chế tạo ra có tầm quan trọng rất lớn trong đời sống tâm linh của dân tộc. Nó thể hiện một nét đẹp trong văn hóa người Mông đối với tổ tiên mình.
 
Hữu Vi – Đào Thọ

 Những điều kiêng kỵ

(Baonghean) - Mỗi dòng họ người Mông có một điều kiêng kỵ riêng bắt nguồn từ những câu chuyện xảy ra trong dòng họ mình từ thuở xa xưa. Từ đó hình thành một nét riêng truyền từ đời này qua đời khác để giáo dục con cháu không được phạm vào những điều cấm ấy.
Cột cái và chiếc cầu thang
 
Một tối, chúng tôi ngồi trong nhà ông Và Xếnh Lù ở bản Thăm Hín (xã Nậm Càn), chợt thấy một cột nhà nhỏ nằm ngay giữ ngôi nhà như lung lay sắp gãy. Chiếc cột chỉ to bằng nắm tay người nhưng được ông Xếnh Lù dán lên tấm giấy thờ của người Mông. Tò mò, tôi định lại gần chiếc cột sờ xem sao thì được gia chủ ngăn lại: “Cái cột này tuy nhỏ thế nhưng là cột cái trong nhà của người Mông ta đấy. Khách ở ngoài vào không được đụng vào đó đâu. Đây là điều kiêng kỵ nhất của người Mông, họ nào cũng vậy thôi”. Lời cảnh báo của cụ Xếnh Lù khiến chúng tôi giật mình, hóa ra những đồ vật nhìn bề ngoài có vẻ tầm thường như vậy lại có một ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh của người Mông đến thế.
 
Cụ Và Xếnh Lù bảo: Cột cái ấy là nơi nương náu linh hồn của tổ tiên người Mông nên ngoài chủ nhà ra thì không ai được phép đụng vào nó. Kể cả con cái hay phụ nữ trong gia đình nếu vô tình đập phải chiếc cột ấy cũng phải thắp hương, thịt con lợn, con gà làm cúng để mong ông bà, tổ tiên mình thứ lỗi cho hành động vô lễ ấy. Vì vậy, bất kể ai là người ngoài nếu đập vào cột cái nhà hay chiếc xử ca đều phải chịu sự trừng phạt theo quy định của gia đình và dòng họ. Cụ Xếnh Lù cũng cho biết thêm, những cây cột hay bất kỳ chỗ nào trong ngôi nhà người Mông đều có thể đóng đinh nhưng riêng cột cái thì phải bất khả xâm phạm. Người Mông có một điều cấm kỵ lớn nhất là xúc phạm tổ tiên mình qua hành động đập vào cột cái nhà hay xử ca.
 
Cột cái trong nhà ông Và Lìa Nênh ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn).
Cột cái trong nhà ông Và Lìa Nênh ở xã Nậm Càn (Kỳ Sơn).
Mang theo những gì ít ỏi đã biết, chúng tôi tới nhà ông Bí thư xã Nậm Càn – Và Lìa Nênh. Ở cương vị Bí thư xã đã hơn 10 năm nhưng ông vẫn chân chất là một người Mông với những nét rất riêng chỉ có ở dòng họ Và. Qua câu chuyện, ông Và Lìa Nênh cho chúng tôi biết thêm, ngoài điều cấm kỵ về cột cái nhà và xử ca thì họ Và của ông còn có nhiều điều cấm kỵ khác so với các dòng họ người Mông trên địa bàn này. 
 
Chuyện kể rằng, ngày xưa dòng họ Và có một gia đình cưới về được một cô con dâu rất xinh đẹp. Ban đầu mọi chuyện diễn ra êm thấm, họ sống quây quần, hạnh phúc bên nhau như bao gia đình người Mông khác. Nhưng qua một thời gian, giữa bố chồng và cô con dâu xinh đẹp kia nảy sinh tình cảm. Và chuyện gì đến đã đến. Một ngày nọ, khi mọi người trong gia đình đều lên rẫy, ở nhà chỉ có ông bố chồng và con dâu, họ rủ nhau lên gác xép phía trên nhà làm chuyện loạn luân, phá hủy đạo lý tốt đẹp bao đời của dòng họ Và. 
 
Chuyện lặp đi lặp lại nhiều lần khiến bà chị của ông bố chồng sinh nghi, phát hiện. Từ đó dòng họ có lệ kiêng con dâu trong dòng họ Và không bao giờ được bước chân qua chiếc cầu thang lên gác xép trên nhà và không được bước vào buồng ngủ của bố mẹ chồng, bố chồng cũng không được đặt chân tới phòng ngủ con dâu. Ai làm trái điều này sẽ bị mù mắt.
 
Quả chua trên núi và tim động vật
 
Trong chuỗi chuyện kể của cụ Lìa Nênh, chúng tôi thấy có một điều thú vị là việc ăn uống của dòng họ Và. Cụ Lìa Nênh cho biết, dòng họ Và có thể ăn bất cứ thứ gì lúc đói để có thể sinh tồn nhưng dù đói thế nào cũng không bao giờ ăn một thứ, đó là quả chua ở trên rừng. Người nào thuộc dòng họ Và vô tình ăn thứ quả này vào sẽ bị nôn thốc nôn tháo, phải cách mấy ngày sau mới ăn lại được cơm. Nếu cố tình ăn thứ quả này sẽ bị mù hai con mắt.
 
Không biết điều cấm kỵ này có đúng với tất cả các trường hợp của người Mông họ Và hay không nhưng câu chuyện mà cụ Lìa Nênh kể cho chúng tôi nghe thì quả thật là một điều thú vị. Câu chuyện rằng: Có một năm nọ, trời làm hạn hán, khắp nơi xảy ra mất mùa, đói khát. Dòng họ Và cũng chịu chung cảnh ấy nên mọi người rủ nhau lên rừng tìm bất cứ thứ gì về để có thể chống chọi lại cái đói trước mắt. Có hai cha con nhà họ Và lang thang trên rừng ròng rã hai ngày trời mà vẫn không tìm ra được một chút gì cho vào bụng. Đang đi, chợt đứa con gái kêu lên: “No chi, no chi” (ăn quả chua, ăn quả chua). Nhưng thật trớ trêu, đang cơn đói, người cha thần hồn nát thần tính nghĩ rằng, chẳng lẽ đói quá nên con ta muốn ăn thịt ta sao? (Trong tiếng Mông, “chí” là cha, còn “chi” là một loại quả chua trên rừng, cách phát âm gần giống nhau). Nghĩ xong ông quay lại lấy một khúc cây ven đường đánh chết đứa con gái tội nghiệp.
 
Sau khi đứa con gái chết đi, ông ngửa mặt lên trời kêu than cho số phận bất hạnh của mình. Nhưng ông thật không ngờ, phía trên đầu ông là một chùm quả chua đang độ chín mọng ngon lành. Ông hiểu rằng mình đã sát hại đứa con vô tội. Về nhà, ông quỳ xuống trước mặt anh em họ hàng để xin chịu sự trừng phạt. Nhưng biết ông nhầm, vả lại cũng đã chịu sự trừng phạt quá lớn của tòa án lương tâm nên ai cũng cảm thông và tha thứ cho ông. Nhưng cũng từ đó, dòng họ Và có một quy định trong lúc ăn uống là không bao giờ được ăn quả chua trên rừng.
 
Chúng tôi vào Na Ngoi, vượt qua con đường nhỏ khúc khuỷu đến với bản Huồi Xài, nơi có dòng họ Già đang sinh sống. Tại đây, chúng tôi được nghe con cháu dòng họ Già nói rằng, dù trong trường hợp nào người họ Già cũng không bao giờ ăn tim động vật. Theo Trưởng bản Già Bá Bì, khổ nhất là những lúc đi ăn cỗ ở các nơi khác, người lớn tuổi có thể nếm một tí hay ngửi mùi là biết thức ăn này có tim động vật hay không để tránh nhưng những người trẻ tuổi thì rất khó phân biệt. Nếu người họ Già nào vô tình ăn phải tim động vật sẽ bị nôn thốc nôn tháo, mấy ngày sau mới chỉ uống được nước chứ chưa ăn được cơm. Bởi vậy, người họ Già rất sợ ăn uống chung với các dòng họ khác.
 
Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa về điều này, chúng tôi được nghe câu chuyện từ Già Bá Bì như sau: Ngày xưa, khi họ Già còn định cư bên vùng đất của Trung Quốc, đời sống ấm no nên nhân dân trong họ thường tổ chức cúng bái để tạ ơn tổ tiên. Một ngày nọ, dòng họ Già làm lễ cúng, cả họ mổ một con trâu rất to. Thông thường, khi cúng họ lấy lục phủ ngũ tạng (chỉ trừ lại ruột và dạ dày) của các loài động vật dâng lên bàn thờ. Tuy nhiên, khi cho tim con trâu vào nồi nấu, họ để lẫn vào với các bộ phận khác nên khi đưa ra cúng thì thấy thiếu mất một miếng. Nghi cho đứa trẻ đứng gần nồi lấy ăn, cả họ tức giận vì đứa bé dám xúc phạm đến ông bà, tổ tiên họ Già. Mọi người bàn nhau giết đứa trẻ lấy tim để cúng, thay cho tim con trâu bị mất. Nhưng khi đứa trẻ bị giết xong, một người trong họ kêu lên hoảng hốt: “Tim đây rồi, tim đây rồi”. Hóa ra, miếng tim trâu nằm sát tận đáy nồi nên họ không thấy, và thế là đứa trẻ bị chết một cách oan ức. Cả họ Già xấu hổ, không ai nói được câu nào. Họ họp lại với nhau tuyên bố, từ nay trở đi, người họ Già không được ăn tim động vật, người nào phạm vào điều cấm sẽ bị mù cả hai mắt.
 
Câu chuyện này tương tự câu chuyện chúng tôi được nghe về dòng họ Lỳ ở Mường Lống. Chỉ khác một điểm là người họ Lỳ kiêng không ăn lá lách của động vật. Như vậy, có thể nói rằng, những kiêng kỵ của người Mông trong đời sống hiện nay đều có nguyên nhân sâu xa của nó. Điều này thể hiện một quan niệm hết sức đặc trưng của người Mông là giữ gìn sự trong sáng cho dòng họ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét