Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2017

Khám phá Mường Quàng

Thần thợ săn lập mường

(Baonghean) - Khu vực các xã Quang Phong, Cắm Muộn (huyện Quế Phong) từng tồn tại một mường cổ của người Thái với tên gọi Mường Quàng. Ngày nay dấu vết của mường cổ này chỉ còn lại trong những câu chuyện kể và những ngọn núi, hang đá, khúc sông nhưng lại chứa đầy những điều thú vị về một vùng văn hóa độc đáo. Báo Nghệ An xin giới thiệu về những điều lý thú này qua chuyên đề “Khám phá Mường Quàng”.

Người ta tin rằng thần thợ săn Mo Phan và nàng Vi Xốm chính là những người đầu tiên lập nên Mường Quàng. Nơi cư trú của họ là cái hang đá có tên Thằm Mẹ Mọn ở bản Chiếng (Quang Phong - Quế Phong) ngày nay.
Nơi trời rộng, sông dài
 
Tính cả 2 xã Quang Phong và Cắm Muộn thì Mường Quàng có 25 bản người Thái và 1 bản người Khơ mú, số dân ngót nghét vạn người. Ấy vậy mà khi mới hình thành, Mường Quàng mới chỉ có 8 bản. Đó là thông tin từ già bản Lang Văn Ngọ trú bản Mỏng 3, xã Cắm Muộn (Quế Phong) nguyên là cán bộ Tỉnh đoàn Nghệ An rồi Huyện ủy Quế Phong nghỉ hưu từ năm 1978. Năm nay đã  65 tuổi đảng, 85 tuổi đời nhưng ông Ngọ vẫn còn rất minh mẫn, ưa nghiên cứu, viết lách. Ông thực sự là một kho tư liệu về vùng Mường Quàng vốn còn đầy những bí ẩn. 
 
Bản Chiếng nhìn từ hang núi Thằm Mẹ Mọn.
Bản Chiếng nhìn từ hang núi Thằm Mẹ Mọn.
Trong một buổi sáng mát dịu chớm thu, ngồi giữa  gian khách trên căn nhà gỗ ở bản Mỏng 3, ông Lang Văn Ngọ kể cho chúng tôi nghe về Mường Quàng xưa. Ông bắt đầu bằng vị trị địa lý của vùng đất: Vùng Mường Quàng ở khu vực Tây Nam huyện Quế Phong, nằm giữa vùng thung lũng  dãy Pù Huống của huyện Tương Dương và Pù Kẹp của các xã Châu Kim, Mường Nọc huyện Quế Phong, một mặt giáp xã Tri Lễ và Nậm Nhoóng. Bao quanh Mường Quàng là 27 ngọn núi đá vôi dựng đứng với nhiều hang động đẹp ăn sâu vào lòng núi. Nhìn từ xa những mạch đá vôi tựa hồ tấm thảm khổng lồ bằng cẩm thạch. 
 
Dưới thời Pháp thuộc, Mường Quàng gọi là tổng Quang Khẩn sau đổi thành tổng Quang Phong gồm 3 xã Bàng Nghệ, Quang Phong và Phú Thành.  Sau Cách mạng Tháng Tám tổng Quang Phong đổi thành xã Cắm Muộn. Tên gọi Cắm Muộn để nhớ về nguồn gốc xa xưa của những người lập mường (Khăm Muộn – Lào). Cái tên này còn được hiểu là lời nói vui tai. Người Thái có câu thành ngữ tạm dịch là nụ cười đẹp, lời nói vui tai để chỉ những người con gái đẹp người, đẹp nết.
 
Mường Quàng trải dài trên lưu vực con sông Quàng bắt nguồn từ dãy núi có tên gọi Pha Cà Tún giáp biên giới Việt – Lào. Cạnh dòng sông là những bản người Thái khá trù phú. Thay vì trồng lúa rẫy như nhiều địa phương khác, từ lâu người Thái ở Mường Quàng đã biết canh tác lúa nước. Những cánh đồng lúa xanh tươi gợi lên vẻ thanh bình. Tên gợi Mường Quàng gợi về một vùng trời rộng, sông dài.
 
Mo Phan lập Mường Quàng
 
Chuyện lập mường của người Thái ở miền Tây Nghệ An hầu hết chỉ còn trong những câu chuyện kể nửa hư nửa thực. Những nhân vật anh hùng lập nên Mường Quàng cũng vậy. Trong những câu chuyện mà ông Lang Văn Ngọ cố công sưu tầm từ nhiều năm nay có chuyện về Mo Phan, thần thợ săn đến từ vùng Khăm Muộn (Lào) lập nên Mường Quàng.
 
Về lai lịch, thần thợ săn Mo Phan cũng khá đặc biệt. Ngày xưa xứ Do Chi vùng miền Tây Nghệ An ngày nay rất nhiều hổ. Hổ ngang nhiên đến bắt người mà không ai chống lại được. Vua Âu Lạc sai Xử Thảo có phép thuật thần thông đến giúp dẹp nạn hổ. Trong cuộc diệt trừ hổ dữ, Xử Thảo cứu được nàng Tiên rồi lấy làm vợ. Vua Do Chi giao cho Xử Thảo làm quan cai quản những cùng đất mà chàng đã đánh đuổi được nạn hổ dữ. Sau đó con gái út của Xử Thảo là nàng Quàng được gả cho Tạo Khun ở Khăm Muộn (Lào) và sinh ra Mo Phan. 
 
Vốn thích săn bắn nên chàng Mo Phan và đội thợ săn tràn đến vùng đất trù phú sản vật, muông thú dồi dào. Tại đây Mo Phan trở nên giàu có bởi nhiều nhung hưu, gạc nai, sừng tê giác, ngà voi. Ông Phò Vi Thong là cha của nàng Vi Xốm ở mường Ca Da muốn chiếm lấy gia sản nên tìm cách cho con gái kết hôn với Mo Phan. Ngày ấy vùng Mường Quàng chưa có người ở. Vợ chồng Mo Phan đưa nhau về sống trong hang có tên Thằm Phá Chiếng. Hai vợ chồng yêu thương gắn bó. Khi nàng Vi Xốm mang bầu, Mo Phan luôn ở bên túc trực chăm sóc. Hai vợ chồng sống với nhau đến trăm tuổi và mất tại hang núi này. Về sau trai gái người Mường Quàng ai cũng mến mộ mối tình gắn bó của Mo Pha và nàng Vi Xốm. Tết đến trai gái lại hội tụ về đây giao duyên để mong tìm được một mối lương duyên gắn bó cả đời. Xuân về nơi đây luôn vang lên tiếng ca hát của trai gái vì thế có tên là Thằm Mẹ Mọn với ý nghĩa là nơi của tiếng hát nhuôn chứ không phải hang con tằm như nghĩa thông thường người ta vẫn hiểu. Hiện hang núi này ở bản Chiếng, Xã Quang Phong. Đây cũng là bản trung tâm của Mường Quàng ngày trước.
 
Mo Phan có 3 con trai là Hún Quang Học, Hún Quang Phong và Hún Quang Thành. Mỗi người lập thành một bản riêng ở vùng rừng núi Mường Quàng. Thế nhưng khi ấy vẫn chưa thành tổ chức, mường chưa có người đứng đầu. Về sau những người thợ săn khác tìm đến và mâu thuẫn xảy ra. Có người bắn nhầm vào nhau nhưng không có ai đứng ra giải quyết. Nàng Vi Xốm bàn với chồng cho họp các con và những toán thợ săn lại tại hang Phá Chiếng. Tại đây mọi người cử Mo Phan, người tài giỏi nhất là người đứng đầu tất cả các bản. Mo Phan lấy tên của mẹ mình là nàng Quàng để đặt cho tên mường mới. Con sông chảy qua mường cũng gọi là sông Quàng.
 
Mở rộng mường và những cuộc đấu tranh
 
Sau khi Mo Phan qua đời, người con trưởng Hún Quang Học không biết có được cử làm tạo mường hay không nhưng ông liên quan đến những biến cố của vùng đất. Theo tư liệu của ông Lang Văn Ngọi thì ông Hún Quang Học có 2 con gái đẹp vô song, trong đó có nàng Ón Quang Piếng kết duyên với Tạo Lo Nghệ. Vốn có sức vóc hơn người nên Lo Nghệ đã mở mang được nhiều đất đai. Lo Nghệ ở rể trong nhà ông Hún Quang Học về sau nảy sinh tư tình với mẹ vợ và bị phát giác. Ông Hún Quang Học bỏ về bản Chiếng ở với em trai là Húng Quang Thành. Từ đó ông đặt ra lệ không cho phép con dâu ngồi chung mâm cơm với bố chồng, con rể không ăn chúng với mẹ vợ. Tập tục này hiện vẫn thấy ở nhiều cộng đồng dân tộc ở miền Tây Nghệ An.
 
Tạo Lo Nghệ về quê đón em trai là Tạo Lo Páng đến ở cùng. Về sau ông Lo Páng lấy vợ và khai khẩn nên những cánh đồng lúa nước. Người dân Mường Quàng tin rằng chính ông Lo Páng là người đã dạy người dân làm lúa nước. Ngày nay ở Mường Quàng có những cánh đồng lúa mang tên Lo Páng. Sau này khi người Hán kéo đến khai thác vàng, Lo Páng cũng học cách làm theo và chuyển về bản Cắm, nơi có nhiều vàng sa khoáng cư trú. 
 
Về sau, chẳng nhớ là dưới triều đại nào, người Hán ở phương Bắc lại đến khai thác vàng và bạc ở Mường Quàng. Bị xâm lấn đất đai, người Mường Quàng dưới sự đứng đầu của tạo mường Lo Ngán đứng lên đấu tranh. Mường Quàng tồn tại đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, chính quyền phong kiến, thực dân bị lật đổ và tổ chức mường cũng tan rã.
 
Những câu chuyện về Mường Quàng của ông Lang Văn Ngọ dẫu rằng nửa hư, nửa thực nhưng nó phản ánh một cách chân thực một thời kỳ đã lùi vào quá khứ của một vùng đất giàu truyền thống văn hóa cũng như lịch sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ cộng đồng.
 

 Kỳ thú những hang động

(Baonghean) - Ở xã Quang Phong huyện Quế Phong, tức Mường Quàng xưa có những hang động đẹp gắn với lịch sử lập mường của người xưa. Cách đây 66 năm có một chi bộ đảng của miền Tây Nam huyện Quỳ Châu đã được thành lập trong hang đá.

Lâu đài hóa đá
 
Trong những ngày rong ruổi khắp hơn hai chục bản ở Mường Quàng, tôi có nhiều ấn tượng về bản Chiếng xã Quang Phong. Nghe đâu xưa kia đây là trung tâm, nơi ở của người đứng đầu Mường Quàng. Từ trụ sở xã vào bản chỉ có một con đường độc đạo. Một mặt có núi Phá Chiếng, một mặt là sông Quàng bao bọc lấy bản làng, địa thế khó công, dễ thủ. Tôi thầm khen cho người xưa khéo chọn vùng đất dễ bảo vệ bản mường trước giặc giã. Khi nguy cấp, dân bản có thể trốn vào các hang núi, trong đó có Thằm Mẹ Mọn. Có lẽ nhờ vị trí đặc biệt vậy mà nơi đây vẫn còn nguyên một nếp sống cổ xưa. Những câu hát nhuôn, một điệu dân ca mà người Thái Mường Quàng khá yêu thích. Về đây tôi mới biết rằng trong bản có không ít người thuộc những bài hát về hang đá huyền thoại Thằm Mẹ Mọn..
Phiến đá Choong Nang, nơi truyền thuyết cho là giường ngủ của nàng Vi Xốm.
Phiến đá Choong Nang, nơi truyền thuyết cho là giường ngủ của nàng Vi Xốm.
Nghe hỏi chuyện bằng tiếng Thái lại biết rằng nhóm chúng tôi muốn thăm thú Thằm Mẹ Mọn, một phụ nữ hát cho tôi nghe mấy bài về hang núi này, trong đó có bài ngắn gọn chỉ 3 câu hát nhuôn vừa để răn dạy con gái đã đến tuổi lấy chồng, vừa nói lên sự cuốn hút khó cưỡng lại của hang núi cũng là chốn vui chơi của trai gái bản:
 
Bảo đi rẫy mày bảo đau mắt
Bảo ra ruộng mày nói bị ốm
Bảo vào Thằm Mẹ Mọn mày nhanh nhẹn như hươu.
 
Nghe xong bài hát, đôi chân tôi cũng chợt nhanh nhẹn hẳn lên. Sau một lúc leo núi, Thằm Mẹ Mọn đã hiện ra trước mắt. Hang đá ở ngay lưng chừng núi. Nhìn lên cửa hang không có vẻ gì đặc biệt vì lối vào chỉ đủ cho hai người cùng sánh bước. Tôi mỉm cười với ý nghĩ đây quả là một sự sắp xếp khéo léo của thiên tạo cho những người thích sự riêng tư. Vừa bước qua cửa hang, anh cán bộ văn hóa xã Quang Phong ngăn tôi lại chỉ lên nhũ đá giống hình người trên cửa hang. Người dân Mường Quàng gọi nhũ đá là Mẹ Man, nghĩa là người đàn bà mang bầu. Bên cạnh tượng Mẹ Man là một người đàn ông lực lưỡng đứng bảo vệ. Người ta tin rằng đó là thần thợ săn Mo Phan và nàng Vi Xốm. Hai người chung sống cho đến khi già và chết đi rồi hóa thành nhũ đá. 
 
Ông Lang Văn Liêm kể chuyện thành lập chi bộ đảng
Ông Lang Văn Liêm kể chuyện thành lập chi bộ đảng
Người ta tin rằng hàng nghìn người có thể thoải mái vào hang vui chơi mà không sợ chật chội. Bởi hang đá có 5 buồng đá rộng rãi, mỗi buồng đá lại có một cái tên khác nhau. Buồng ngoài gọi là Phông Nọc, nơi có 2 bức tượng đá, họ là một cặp vợ chồng chung thủy. Trong khi người vợ mang bầu, người chồng luôn ở bên chăm sóc. Phông Cuông là buồng có giường ngủ của nàng Vi Xốm. Buồng Mò Nin là nơi có nhũ đá hình cái chạn là nơi nàng Vi Xốm nhuộm vải may trang phục cho gia đình. Buồng Pành Hàn (bánh rán – tiếng Thái) với những nhũ đã hình chiếc bánh rán, một thứ đồ cúng vẫn gặp trong một số ngày lễ của người Thái. Ngoài ra có có buồng Thằm Bình trước kia là nơi cư ngụ của loài dơi.
 
Người Mường Quàng kể cho nhau nghe rằng, trong thời gian cư ngụ trong hang đá, nàng Vi Xốm dùng phiến đá lớn ở buồng Phông Cuông làm giường ngủ. Hiện nay người ta còn có thể nhìn thầy một đôi gối đá và những thớ đá buông xuống chân giường trông mềm mại như vải lụa. Phông Nọc, nơi có 2 bức tượng đá được Mo Phan dùng để họp bản. Phông Thằm Bình cao ráo, kín đáo để cất giữ tài sản, vũ khí… 5 căn buồng đá tựa hồ một không gian sinh sống xa xưa  khiến người ta dễ liên tưởng về tòa lâu đài bị phù phép và hóa đá trong những câu chuyện cổ tích. Theo anh Lang Văn Tuấn, cán bộ văn hóa xã Quang Phong thì mỗi nhũ đá buông thõng xuống lòng hang đều có thể tạo nên những nốt nhạc thú vị khi gõ vào. Trong lúc cao hứng, anh Tuấn cầm hòn đá gõ vào những nhũ đá tạo ra tiếng cồng chiêng vang động khắp lòng hang. Chúng tôi như được kéo vào không khí những ngày hội vui nhộn từ thuở xa xưa nào.
 
Anh Lang Văn Tuấn chia sẻ: Ngày trước, vào những ngày xuân bản Chiếng lại mở hội Thằm Mẹ Mọn. Vào ngày này, dưới bản trên hang đều nhộn nhịp người đi hội. Trai vác khèn bè, sáo khắp, sáo nhuôn lên hang thổi gọi con gái bản lên vui hội để chọn bạn đời. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, hội Thằm Mẹ Mọn dần đi vào quên lãng. Anh Tuấn cho biết: Ngày nay giới trẻ chỉ ham mê chốn thị thành hơn những hang núi nên không ai đi chơi hội Thằm Mẹ Mọn nữa.
 
Vào hang lập chi bộ Đảng
 
Có một hang đá khác ở bản Tả (xã Quang Phong) ở dưới chân núi Phá Tả. Cửa hang ngoảnh mặt ra cánh đồng lúa thơ mộng. Theo tư liệu của ông Lang Văn Ngọ, lão thành cách mạng ở bản Mỏng xã Cắm Muộn thì hang núi còn có tên là Thằm Phá Tả. Trông xa hang đá như người khổng lồ đầu đội khăn, mặt quay về hướng Đông Bắc.
 
Hang đá ở khá gần đường cái, lối lên rậm rì cây cối. Người dẫn đường bảo trước kia người dân ở bản Tả vẫn lên đây lấy phân dơi bón ruộng. Lòng hang hẹp và kín đáo. Hang có 2 lối vào chính. Theo truyền thuyết, đây là thần núi Phú Tả chọn làm nơi hội họp của dân bản. Từ đây người ta cũng có thể quan sát cảnh làm lụng của người dân trên đồng lúa, qua đó học hỏi kinh nghiệm cấy lúa nước. 
 
Hang đá Thằm Chán còn gắn với một thời kỳ cách mạng của một phần huyện Quỳ Châu (cũ) nay là khu vực Tây Nam huyện Quế Phong. Theo ông Lang Văn Liêm, con trai của ông Lang Văn Quốc, Bí thư chi bộ đầu tiên của Chi bộ xã Cắm Muộn thành lập ngày 10/6/1949, thì chi bộ khi ấy có 4 đảng viên. Người về gây dựng phong trào đảng ở khu vực này là một cán bộ ở Tỉnh ủy Nghệ An khi ấy là ông Nguyễn Quốc Sủng. Ngày ấy mỗi xã chỉ có 1 chi bộ đảng, ông Lang Văn Quốc được bầu làm Bí thư chi bộ, kiêm Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Cắm Muộn. Đây là chi bộ đảng đầu tiên của khu vực Tây Nam huyện Quế Phong. 
 
Chi bộ thành lập trong hang động nhưng sau đó chuyển ra sinh hoạt ở những trụ sở bí mật tại nhiều làng bản khắp Mường Quàng. Ngày ấy, nhờ sự che chở của bà con làng bản nên dẫu bị sự kìm kẹp của giặc nhưng vẫn giữ được an toàn. Đây là một thời kỳ gian lao nhưng rất đáng tự hào của người dân Mường Quàng. 
 
Ông Lang Văn Liêm cho biết: Hang đá Thằm Chán thực sự là một di tích cách mạng có ý nghĩa đặc biệt đối với địa phương. Tuy nhiên, nhiều người thế hệ trẻ ngày nay không hề biết đến. Qua hỏi chuyện một số người trẻ trong ban quản lý thôn bản, thậm chí họ không hề biết đến sự kiện thành lập chi bộ đảng vào năm 1949 ở Thằm Chán.

Gò tế trâu và mỏm đá kén vợ

(Baonghean) - Một điều lạ ở Mường Quàng là những gò đất rất đỗi bình thường hay một hòn đá mồ côi giữa đồng ruộng cũng có thể gắn với một huyền thoại đầy lãng mạn và nhân văn. Trong số rất nhiều những gò đất mỏm đá truyền thuyết đó phải kể đến gò đất, có tên là Pom Mỏng, Pom Lắc Quai và mỏm đá Mộng Chụ.
Pom Mỏng
 
Có người giải thích tên gọi bản Mỏng xã Cắm Muộn (Quế Phong) là bản “thính”, bản “vang”. Người ta bảo rằng ngày trước các bản trong Mường Quàng truyền tin cho nhau bằng tiếng trống. Cái trống của bản Mỏng vang xa nhất nên mới có tên như vậy. Từ một bản Mỏng nhỏ bé ngày nào giờ đây cư dân đã đông đúc, chính quyền chia thành 3 bản Mỏng 1, Mỏng 2 và Mỏng 3. Thế nhưng, dù ở bản nào thì người dân vẫn chỉ quen gọi mình là dân bản Mỏng. Chia tách như thế cốt để dễ quản lý mà thôi.
 
Một ngày đến bản Mỏng ngồi tại trụ sở UBND xã Cắm Muộn khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về Mường Quàng, Chủ tịch UBND xã Lữ Thanh Bình bảo rằng nơi đặt trụ sở xã từng là một gò đất huyền thoại gọi là Pom Mỏng. Ngày xưa nơi đây là một gò đất cao ráo từng ngự trị 2 ngôi đền, một ngôi đền nhỏ, môt ngôi đền lớn hơn. Thế nhưng, theo thời gian và có một thời việc thờ cúng bị hạn chế, cấm đoán những ngôi đền vốn dĩ chỉ được làm bằng gỗ đã mục nát và không còn dấu tích. Rồi theo kế hoạch xây dựng trụ sở xã người ta đã san ủi cái gò đất. Giờ đây chẳng còn ai có thể hình dung ra vị trí của những ngôi đền thiêng ấy nữa. Cái gò Pom Mỏng cũng chỉ còn là một khuôn viên bằng phẳng.
 
Bản Mỏng (xã Cắm Muộn) từng được xem như điểm trung tâm của Mường Quàng.
Bản Mỏng (xã Cắm Muộn) từng được xem như điểm trung tâm của Mường Quàng.
 
Chúng tôi lại tìm đến ông Lang Văn Ngọ, một người cao niên hiếm hoi còn nhớ được những chuyện cũ ở Mường Quàng. Ông Ngọ kể rằng gò đất đã bị san ủi cách đây gần ba chục năm. Vốn dĩ nó nằm ở vị trí trung tâm Mường Quàng. Trước đây trên gò đất có ngôi đền nhỏ thờ 3 anh em kết nghĩa là Hủn Quang Oi, Quán Vi Xiếng và Quán Vi Phan. Theo người dân nơi đây thì đó chính là những người đầu tiên đến sinh sống và xây dựng nên bản Mỏng như ngày nay. Cách đây hàng trăm năm, 3 anh em kết nghĩa đã khai phá nên vùng đất này.
 
Cũng theo tìm hiểu của ông Lang Văn Ngọ, vào đầu thế kỷ XIX, đền Chín Gian ở Mường Cắm Lứ ngừng hoạt động. Người “đầu têu” việc này là Lý Noọng ở Mường Hín. Ông này mới vừa theo đạo Thiên Chúa nên không tin vào sự linh thiêng của ngôi đền. Sau khi Lý Noọng tẩy chay hội đền Chín Gian lại nhận thấy việc thờ cúng tốn kém lại phải đi xa nên nhiều mường đã dựng đền thờ của riêng mình. Mường Quàng đưa những hoạt động thờ tự ở đền Chín Gian về bản Mỏng gọi là ngôi đền thờ Thiên. Từ đó Pom Mỏng ngoài ngôi đền thờ 3 anh em có công lập bản còn có thêm một ngôi đền mới có gốc gác từ đền Chín Gian. Cũng như hội đền Chín Gian, cứ 3 năm 1 lần người bản Mỏng lại tổ chức mổ trâu khai hội. Sau hội, mỗi nhà dù giàu hay nghèo đều được chia một miếng da trâu đem về để trong nhà để cầu may mắn.
 
Gò đất Lắc Quai
 
Cách Pom Mỏng chừng 3 km là bản Cắm cũng thuộc xã Cắm Muộn, nơi có gò đất Lắc Quai (Pom Lắc Quai). Đây là một gò đất nhỏ nhưng được coi như một chốn linh thiêng ở Mường Quàng. Ngày nay, gò đất nằm nhỏ nhoi ngó xuống con suối Khe Quỷa đổ ra sông Quàng. Trên gò cao có thể ngắm cả toàn cảnh bản Cắm với ruộng lúa xanh biếc bao quanh.
 
Mỏm đá Mộng Chụ.
Mỏm đá Mộng Chụ.
 
Trước đó trong khi vui chuyện, ông Lang Văn Ngọ kể cho chúng tôi nghe sự tích về gò đất. Bằng một giọng kể khúc chiết và đầy truyền cảm, ông Ngọ bảo rằng: Trong tâm thức dân gian của người Thái ở Mường Quàng, Pom Lắc Quai được coi như là nơi giáp ranh giữa đất và trời. Từ nơi đây người ta, cụ thể là những thầy mo, có thể đến được chỗ của Pỏ Pu Căm, vị thần tối linh trong tín ngưỡng dân gian của người Thái miền Tây Bắc xứ Nghệ. Pỏ Pu Căm là người đứng đầu ở trên trời, sau đó là các Pỏ Then. Riêng Then Na có 9 bà vợ, họ sinh ra các linh hồn. Người ở trần gian muốn có con cái nối dõi phải làm lễ vật dâng lên Then Na. Sau khi nhận lễ vật, vị này dâng lên Pỏ Pu Căm và cho một linh hồn xuống trần làm con cái của người.
 
Sau khi người chết, linh hồn phải được trả về cho các Pỏ Then. Lúc đó người phải mổ trâu để thầy mo tiễn đưa linh hồn người đến Pom Lắc Quai và lên trời. Trước khi mổ trâu, người ta đem trâu xuống rửa sạch ở vực nước trên khúc suối gần đó có tên gọi Văng Áp Quai. Sau đó trâu được buộc vào chiếc cọc đóng sẵn trên gò đất gọi là “lắc quai”. Các thầy mo gọi những thần linh trên trời xuống xem có vừa ý với vật phẩm của người dâng lên hay chưa. Nếu đã vừa ý thì các Then sẽ nhận về. 
 
Theo ông Ngọ, gò Lắc Quai là nơi người dân Mường Quàng cúng trâu cho trời. Trong một đời người, một dòng họ phải “trả thuế” bằng một con trâu cho nhà trời để đổi lấy một cuộc sống khỏe mạnh, ăn nên làm ra. Khi dòng họ nào có điều kiện “trả thuế”, họ sẽ đến gò đất này làm lễ chém trâu. Một cụ cao tuổi, người dẫn đường cho chúng tôi đến gò đất cho biết: Trước đây, khi ông còn trẻ có đôi lần được chứng kiến lễ hiến trâu, thế nhưng cũng đã từ lâu, tục lệ này bị bãi bỏ. 
 
Mỏm đá Mộng Chụ
 
Trên con đường đất dẫn vào bản Cắm giữa cánh đồng lúa có một mỏm đá lớn. Nó cao vượt lên so với những mỏm đá bên cạnh. Người dân Mường Quàng gọi mỏm đá là Con Mộng Chụ tạm gọi là mỏm đá ngóng người yêu. Những chàng trai, cô gái yêu nhau trong bản cứ chiều chiều lại ra ngồi trên mỏm đá chờ người yêu đi làm ruộng để cùng về. Ngồi trên mỏm đá có thể quan sát toàn cánh đồng nên những chàng trai chưa vợ cũng chọn mỏm đá này ngồi ngắm nhìn con gái trong bản làm lụng. Từ đấy những chàng trai sẽ biết được cô nào siêng năng, khéo léo nhất để đêm về tìm đến nhà “tìm hiểu”.
 
Theo ông Lang Văn Ngọ thì mỏm đá có cái tên nghe lãng mạn này thực ra lại nói lên một thực tế. Con trai trong bản ngày trước cứ sáng ra lên rừng săn bắt, hái lượm, chẳng còn thời gian theo chân các cô gái mà tán tỉnh. Muốn tìm con gái ngoan chỉ còn cách đến mỏm đá Mổng Chụ để ngắm nghía, kén chọn. Ai cần cù làm lụng, không đứng chơi, làm việc nhanh là có thể cưới làm vợ. Ngày trước người ta chuộng sự siêng năng hơn là sắc đẹp. Thậm chí người con trai mới chỉ cảm mến đã có thể về nói lại với cha mẹ để hỏi về làm vợ. Thế nên có thể gọi nôm na đây là mỏm đá kén vợ.
 
Người ta tin rằng nếu ai đến mỏm đá Mộng Chụ với ước mong chân thật thì sẽ tìm thấy hạnh phúc lứa đôi thực sự. Họ sẽ tìm thấy người tâm đầu ý họp để chung sống trọn đời. Thế nên trai gái trong bản đều đến đây với sự thành tâm và khối đá này được coi như cầu nối của tình yêu
.

Hội "Cắng Kím" và chuyện tình nàng Nguộc

(Baonghean) - Truyền thuyết kể rằng xưa, nàng Nguộc ở bản Cu (Quang Phong – Quế Phong) có làn da trong suốt như nước suối ban mai. Còn ở bản Tỉn Pu có đồi sim ghi dấu sự kiện nàng Đỏn bị con trăn bắt. Chồng nàng là Tạo Hiền từ đó không chịu lấy ai nữa. Sau này trai gái lên đồi sim mở hội “Cắng Kím” với mong muốn có một mối tình chung thủy như nàng Đỏn, Tạo Hiền.

Bản Cu nơi có miếu thờ nàng Nguộc.
Bản Cu nơi có miếu thờ nàng Nguộc.
Hẹn nhau vào mùa sim chín
 
Những chuyện tình đẹp bao giờ cũng có sức sống bền lâu và mối tình của Tạo Hiền và nàng Đỏn cũng vậy. Người Mường Quàng vẫn truyền tai nhau rằng: Ngọn đồi sim ở bản Tỉn Pu là nơi năm xưa nàng Đỏn bị con trăn lớn ăn thịt, chàng Tạo Hiền chờ mong thương nhớ trong nỗi cô quạnh.
 
Đó là văn tắt câu chuyện của ông Lô Văn Quỳ ở bản Tỉn Pu, xã Quang Phong kể cùng chúng tôi trong một ngày chớm sang thu. Ông bảo rằng trên ngọn đồi tên gọi Tẻn Nêu là nơi ngày trước trai gái Mường Quàng và những mường lân cận tụ tập mở hội ném còn, múa sạp vào mùa sim chín. Người bản địa gọi ngày này là Cắng Kím, hội hái sim để tưởng nhớ nàng Đỏn và chàng Tạo Hiền trong câu chuyện xưa nghe vừa hư, vừa thực.
 
Chuyện kể rằng, ngày xưa ở bản Tỉn Pu, Mường Quàng có nàng Đỏn đẹp người, tốt nết. Nàng có nước da như trứng bóc nên mới có tên gọi như vậy. Đến tuổi lấy chồng, trai mường xa, bản gần đến cầu hôn, nàng chẳng ưng ai. Cho đến này nàng gặp Tạo Hiền là con quý tộc ở mường Cắm Lứ, tài năng hiền hậu mới chịu xiêu lòng. 
 
Tạo Hiền cho ông bà mối đến hỏi nàng Đỏn làm vợ. Cha mẹ nàng lại không dám ưng thuận vì lo ngại con gái mình không biết làm dâu quý tộc. Tình cảm giữa nàng Đỏn vào Tạo Hiền thì ngày càng thắm thiết. Thương con, cha mẹ nàng liền chấp nhận cho Tạo Hiền đón nàng Đỏn về làm vợ mà không cần sính lễ, chỉ yêu cầu chàng phải vượt qua thử thách cõng nàng vượt qua ngọn núi Pù Kẹp cao nhất Mường Quàng. Tạo Hiền vui vẻ nhận lời và cõng nàng Đỏn tức tốc vượt núi. 
 
Trước khi lên đường, nàng Đỏn lo ngại chồng sẽ khát nước nên đã nhúng ướt mái tóc của mình để lấy nước cho chàng uống. Đến ngọn đồi Tẻn Nêu, nàng bảo chàng dừng nghỉ thì mái tóc đã khô rong vì nắng nóng. Nàng Đỏn bảo chồng ngồi chờ để mình xuống suối lấy nước. Đang múc nước thì con trăn lớn nuốt nàng vào bụng. Tạo Hiền chờ không thấy vợ trở lại mới về bản báo tin dữ. Dân bản đi tìm thấy con trăn nằm ngủ cạnh suối liền dùng tên độc bắn chết mổ lấy xác nàng Đỏn ra. Tạo Hiền đưa vợ lên đồi Tẻn Nêu chôn cất, từ đó ở vậy không lấy ai nữa. Về sau ngọn đồi nơi nàng Đỏn nằm nghỉ mọc lên thứ cây có hoa tím biếc, chính là loài hoa sim.
 
Ông Quỳ nhớ lại: Ngày trước mỗi khi sim trên đồi chín, thường là Rằm tháng Bảy trai gái Mường Quàng lại rủ nhau lên đồi Tẻn Nêu mở hội hát giao duyên và múa sạp… Trai gái ở những bản mường xa cũng chờ đến ngày này về chơi hội với mong ước có được mối tình đẹp như nàng Đỏn và chàng Tạo Hiền. 
 
Chuyện nàng Nguộc
 
Một ngọn đồi khác ở bản Cu (Quang Phong – Quế Phong) có ngôi miếu thờ nàng Nguộc. Ông Lang Văn Ngọ, người cung cấp thông tin chính về chuyên đề này kể rằng: Nàng là con gái của tạo mường tên là Biên Cu, sinh ra đã có sẵn bản chất thông minh, chăm chỉ thêu thùa lại còn đem nghề này truyền dạy lại cho dân bản, nên được nhiều người quý mến. Nàng Nguộc có nước da kỳ lạ, trong suốt như thủy tinh, nên nhiều người vì thế mà yêu thích, muốn cầu hôn. 
 
Ngày ấy trong vùng có một viên tướng Tàu tên gọi Lưu Thông đến vùng Mường Quàng khai thác mỏ. Lưu Thông có con trai tên gọi Lưu Phú. Ông Biên Cu thấy người Tàu khai thác vàng nên tìm cách làm quen cốt để thu lợi. Sẵn mối quan hệ với tạo mường, Lưu Phú thường ghé thăm nhà ông Biên Cu. Những cuộc gặp với nàng Nguộc khiến anh chàng nảy sinh tình cảm. Dù không nói ra nhưng nàng Nguộc cũng thầm cảm mến người con trai phương Bắc tài hoa nhưng không biết tỏ rõ tình ý thế nào. Nàng Nguộc buồn phiền lăn ra ốm, Lưu Phú là người giỏi thuốc thang nên đến chăm sóc từ đó hai người có cơ hội gần gũi.
Lưu Thông biết chuyện tình cảm của con trai với người con gái bản địa, không ngăn cấm cũng không cho cưới hỏi. Ông ta chỉ lao vào việc vơ vét của cải. Lưu Phú không cưới được nàng Nguộc nhưng tình cảm thắm thiết giữa hai người thì ai cũng biết. Của cải vật chất làm ra chàng không đem về nước mà bỏ ra thuê người khai hoang ruộng nước, đào mương máng, đắp đập cho người dân sản xuất nông nghiệp. Lưu Phú được người dân trong vùng nể trọng.
 
Đến ngày nọ, nàng Nguộc bị một trận sốt rét, Lưu Phú lại trổ tài cứu chữa nhưng không qua khỏi. Cái chết của nàng khiến chàng đau buồn rồi cũng lâm bệnh mà chết theo. Người dân thương tình lại nhớ công đức giúp Mường Quàng khai khẩn ruộng đất và truyền nghề thêu thùa của cặp đôi tình nhân. Lưu Phú được chôn cất ở bản Xàn, nay là bản Hủa Khổ còn nàng Nguộc thì chôn cất trên ngọn đồi ở bản Cu. Từ đồi cao, nàng Nguộc có thể trông về chốn yên nghỉ của người yêu.
 
Chúng tôi tìm đến bản Hủa Khổ nhưng chẳng ai còn biết vị trí ngôi mộ của Lưu Phú ở đâu nữa. Ông Lang Văn Lâm trú bản Cu cho biết bản thân là hậu duệ đời thứ 9 của bà Nguộc. Ông kể một giai thoại có nhiều khác biệt so với câu chuyện của ông Lang Văn Ngọ về nàng Nguộc. Ông Lâm kể rằng ngày ấy bà Nguộc có nước da trong suốt nên có “tạo mường” người Kinh yêu thích. Nàng không chấp nhận nên bị người này săn đuổi khắp nơi. Nàng phải chạy lên ngọn núi Kết Lịn nơi có bản của người Khơ mú để sinh sống. Bà còn làm cho mình xấu đi bằng cách bôi tro bếp lên mặt nhưng vẫn lộng lẫy hơn hết thảy gái bản. “Tạo mường” người Kinh cũng không buông tha, nàng Nguộc lại một lần nữa phải trốn chạy cuối cùng chết bệnh ở bản Na Cấn thuộc xã Cắm Muộn ngày nay. Thấy người đẹp chết thảm, vị quan nọ ân hận, đau buồn rồi cũng chết theo.
 
Ông Lang Văn Lâm cho biết hàng năm cứ vào một ngày đẹp đầu tháng Hai âm lịch dòng họ Lang và người dân bản Cu lại tổ chức cúng miếu thờ nàng Nguộc gọi là đền Miếu. Vào ngày lễ đền Miếu dân bản góp tiền mua chung 1 con lợn, mỗi nhà gói 10 cặp bánh chưng đem đến cúng cho bà để gợi nhớ công ơn đã truyền lại nghề thêu thùa cho người dân, cũng là dịp dân bản cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, người và súc vật không bị bệnh tật. Ngày trước cứ 3 năm dân bản lại mổ trâu cúng đền. Nhận thấy việc này gây tốn kém tiền của nên dân bản đã bỏ lệ này từ nhiều chục năm nay. 
 
Vừa kể lại chuyện xưa của dòng họ, ông Lang Văn Lâm vừa dẫn chúng tôi lên ngọn đồi Kết Lịn, nơi có miếu thờ nàng Nguộc. Ngôi miếu được dựng tạm bợ bằng tre nứa nên chỉ sau một thời gian ngắn đã cũ nát. Ông Lâm cho biết hàng năm sắp vào ngày cúng đền người dân mới chặt tre nứa, lá cọ làm lại miếu thờ. Hiện tại con cháu trong dòng họ và dân bản chưa có điều kiện để dựng một ngôi miếu kiên cố hơn nhưng lệ cúng bà Nguộc hàng năm thì chưa bao giờ ngắt quãng. Dù có khó khăn đến đâu thì vào tháng Hai hàng năm người họ Lang và dân bản Cu cũng mổ lợn cúng đền Miếu.
 

Thương nhớ dấu xưa

(Baonghean) - Mường Quàng - cái tên ấy từ lâu không còn được dùng chính thức nữa. Và, có rất nhiều những lễ hội ngày nay đã vắng bóng trong đời sống tinh thần của con người nơi đây
Ngay cả những chốn linh thiêng như một ngôi miếu, ngôi đền thờ cũng nhanh chóng biến mất một khi những nghi lễ tín ngưỡng không còn được duy trì. Đây cõ lẽ cũng là điều đáng quan tâm, khi những giá trị văn hóa tinh thần một thời đứng trước nguy cơ mai một.
 
“Mơ được đi hội”
 
Lại nói về già bản Lang Văn Ngọ ở bản Mỏng 3 xã Cắm Muộn huyện Quế Phong, người rất hiếm hoi còn hình dung được khá đầy đủ bức tranh Mường Quàng xưa. Ông kể rằng: Ngày trước ở Mường Quàng có hội “Hồ xố Phá Pủ” rất đặc sắc vì chỉ có ở mường cổ này. Cũng như những hội cúng bản, đây đơn giản chỉ là một sinh hoạt tâm linh nhưng nó gắn liền với Mo Phan, người lập nên Mường Quàng. Lễ hội này là dịp để người dân trong mường ghi nhớ công ơn của Mo Phan.
 
Có sự tích nửa hư nửa thực rằng khi về già, đôi tai của Mo Phan trở nên nghễnh ngãng. Dân bản mỗi khi muốn báo việc với ngài phải đến hang Mẹ Mọn và nói thật to. Người ta gọi là tiếng “hồ xố”. Đến nay chẳng mấy ai còn hiểu nghĩa của tiếng “hồ xố” là gì mà chỉ nhớ rằng hội này được tổ chức ở bản Nặm Chọc, nơi có Phá Pủ. Cũng theo truyền thuyết dân gian, Mo Phan sau khi mất được người dân trong mường chôn cất tại một trong những ngọn núi cao nhất vùng. Người ta tin rằng, từ ngọn núi này, ngài sẽ nhìn bao quát và vẫn cai quản được toàn khu vực Mường Quàng.
 
Hội “Hồ xố Phá Pủ” được người dân trong mường tổ chức hàng năm để tưởng nhớ Mo Phan và công lao  của ngài với bản mường. Vào ngày hội, dân bản mổ lợn cúng Mo Phan. Theo trí nhớ của ông Lang Văn Ngọ thì hội này thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch.  Cũng như một số lễ hội khác ở miền Tây Nghệ An, sau 3 năm làm hội nhỏ chỉ cúng lợn cả mường lại có một hội lớn cúng trâu.
 
Người chủ lễ trong những ngày hội của mường gọi là ông “đăm” và một người hỗ trợ cúng bái gọi là ông “chà”. Ông “chà” là người thừa lệnh thực hiện bất kỳ công việc nào mà ông “đăm” giao phó. Về căn bản, lễ hội “Hồ xô Phá Pủ” chỉ khác các lễ hội khác về mục đích và bài cúng. Trong khi cúng, ông “đăm” sẽ nói lời “hồ xố”. Có nói vậy thì Mo Phan mới nghe thấy mà về dự hội. Thế nhưng nó có ý nghĩa đặc biệt trong tâm thức người Mường Quàng, có lẽ bởi nó liên quan chặt chẽ đến người sáng lập mường là Mo Phan.
 
Nơi thờ nàng Nguộc, người có công  truyền nghề dệt cho người dân Mường Quàng  giờ đã mục nát.
Nơi thờ nàng Nguộc, người có công truyền nghề dệt cho người dân Mường Quàng giờ đã mục nát.
Cũng như nhiều lễ hội đã nhắc đến trong những bài viết trước của chuyên đề, hội “Hồ xố Phá Pủ” hiện nay không còn xuất hiện trong đời sống tinh thần của người Mường Quàng nữa vì nhiều lý do, trong đó có chính sách bài trừ mê tín dị đoan trước đây. Một lý do khác khiến những lễ hội không còn được duy trì bởi nó quá tốn kém. Có những lễ hội phải giết trâu cúng tế làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế của cộng đồng. Và còn có một nguyên nhân khách quan nữa là xu thế mới của xã hội cũng ảnh hưởng nhiều đến các lễ hội truyền thống nói chung và ở Mường Quàng nói riêng. Ngày nay, giới trẻ đã có những cách tiếp xúc với nhau rất khác so với truyền thống. Sự phát triển của giao thông khiến không gian bản mường trở nên chật chội đối với giới trẻ. Họ đã biết đến và bị cuốn hút bởi những thú vui hện đại. Sự phát triển của công nghệ thông tin, internet khiến khoảng cách địa lý không còn là rào cản nữa. Nhiều bạn trẻ đã biết lên mạng tìm bạn đời và cũng đã có không ít các cặp đôi người dân tộc thiểu số nên duyên nhờ mạng xã hội. Có lẽ chính vì thế mà những lễ hội như “Căng Kím” (đồi sim) và hội Thằm Mẹ Mọn đã mai một từ hàng chục năm nay. Điều này để lại nỗi tiếc nuối đối với những người đã từng gắn bó với những ngày hội đậm chất lãng mạn và hoang sơ này. Ông Lô Văn Quỳ trú bản Tỉn Pu- nơi có lễ hội “Cắng Kím” tâm sự:  Ngày trước mình cứ chờ tết đến là đi hội hang Mẹ Mọn, giữa năm có hội Cắng Kím. Bây giờ hội không còn nữa, thỉnh thoảng mình vẫn mơ thấy được đi hội đấy.” 
 
Tiếc nhớ những lễ hộ xưa cũng là tâm lý chung của những người như ông Lang Văn Ngọ hay anh Lang Văn Tuấn, cán bộ văn hóa xã Quang Phong. Anh cho biết, từng nghĩ đến chuyện đề nghị khôi phục lại một số lễ hội nhưng điều kiện vẫn chưa cho phép.
 
Mờ phai dấu tích...
 
Không chỉ có những lễ hội mà cả các địa danh nổi tiếng vốn được coi như vùng đất thiêng liêng trong đời sống cộng đồng nay cũng mờ phai dấu vết. Trong chuyến ghé thăm bản Cắm gần đây, một già bản dẫn tôi lên Pỏm Lắc Quai và bảo rằng bây giờ chẳng còn ai nhận ra nơi được cho là ranh giới giữa trời và đất này nữa. Cái gò đất và ngôi đền năm nào giờ chỉ còn một khoảng trống và gần như không còn một chỉ dấu nào để người ta nhận ra nó. 
 
Trong tâm thức của người Thái ở Mường Quàng, núi Phá Pủ ở bản Nặm Chọc xã Cắm Muộn là nơi an nghỉ của người lập Mường Quàng. Ông Vi Văn Hội cho biết, trên ngọn núi có cái hang đá người xưa chọn làm nơi tống táng chủ mường Mo Phan. Ngay cửa hang có bức tượng đá chẳng biết do thiên tạo hay chính người xưa đẽo gọt nên. Người ta tin rằng bức tượng là chân dung của Mo Phan. Cũng có người tin rằng tượng đá là hóa thân của Mo Phan. Sau khi ngài mất thi hài đã hóa đá.
 
Trẻ em bản Cắm thêu váy.
Trẻ em bản Cắm thêu váy.
“Ngày trước nhìn lên cửa hang là thấy ngài đang nghiêng đầu ngó xuống bản. Nhưng không biết ai đã phá mất rồi. Buồn lắm.” Theo ông Hội thì khoảng chục năm về trước bức tượng đá đã biến mất khỏi cửa hang. Dân bản cho rằng một người địa phương đã phá bức tượng đem bán cho những người chơi đá cảnh ở địa phương khác. Không chỉ có ông Hội tiếc bức tượng đá, ngày trước khi biết bức tượng đá bị phá, nhiều người trong bản tỏ ra rất bất bình. Ông Lang Văn Ngọ cho biết, bản thân cảm thấy buồn vì người dân đã không bảo vệ được những thắng cảnh như hang đá trên núi Phá Pủ và kể cả Thằm Mẹ Mọn ở bản Chiếng xã Quang Phong. Nhiều nhũ đá đẹp của hang động cũng bị những người kém ý thức phá hủy.
 
Dẫu vậy, khi đến với Mường Quàng hiện nay người ta vẫn còn cảm nhận được khá sâu sắc những nét đặc trưng của một không gian và nếp sống cổ xưa. Theo ghi nhận của chúng tôi ở bản Cắm (xã Cắm Muộn), những em nhỏ mới lên chín, lên mười vẫn chăm chỉ thêu thùa. Ngày chúng tôi ghé thăm bản người Thái này đang giữa mùa hè, các em nhỏ tranh thủ thêu cho mình những chiếc váy truyền thống. Những sơn nữ Mường Quàng vẫn ý thức rằng mình phải chuẩn bị váy đệp để sau này lập gia đình có cái mặc về nhà chồng. Nếu chuẩn bị được chiếc váy về nhà chồng sẽ là niềm tự hào đối với những cô dâu Thái. Những nét chấm phá này cho thấy những nếp sinh hoạt xưa vẫn chưa hẳn đã mất đi ở Mường Quàng. 
 
Hữu Vi - Đào Thọ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét