Khách tới ăn rồi tự đặt tên luôn cho quán: bánh canh chờ (do chờ lâu quá), bánh canh lau, bánh canh ruộng (gần ruộng lau), bánh canh cá chiên…
Không đặc sắc, không cầu kỳ, nguyên liệu chính là bột gạo và cá ngừ nhưng món ăn đằm vị biển ở xóm chài ven sông này lại hút khách với kiểu "có răng nấu rứa" mà vị ngọt lành không lẫn vào đâu được.
Không bảng hiệu, hơn hai thập kỷ qua, quán ăn quen thuộc vẫn nép mình bên ruộng lau nơi chân cầu Thuận Phước (trên đường Lê Văn Duyệt, quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng). Từ nồi bánh canh bên bờ sông bán cho ngư dân trong xóm. Giờ nói không quá, gần cả triệu dân Đà thành biết đến quán này.
Quán bánh canh vô danh thật sự đông trong khoảng 5 năm trở lại đây, nhờ những cây cầu mọc lên nối quận Sơn Trà gần hơn với trung tâm thành phố. Bà chủ quán tên Cúc ngoài 50 tuổi chia sẻ, khi đó nấu bánh canh cá này vừa mất công vừa ít lãi nên người ta bỏ dần, tui lại gắn bó miết vì “thương” món ăn ký ức từ những ngày người dân Đà Nẵng còn cơ cực. Được đánh bắt từ những con thuyền cập bến Thọ Quang mỗi sớm, hơn 20 năm qua, nắm bột gạo, con cá đã làm ấm bụng những người dân lao động nghèo trước những chuyến ra khơi. Từ hồi mở bán cho tới nay, bánh canh cá đã gắn với bao thế hệ đi biển của, phần vì ăn cá không thấy ớn, phần vì rẻ hợp với túi tiền.
Chưa tới ba giờ chiều, quán đã gần chục vị khách tới đợi sẵn. Ngoài 3 giờ chiều cho đến tối đêm, từng đoàn khách đứng chen chân để chờ tới lượt mình rồi tự bưng bê, tự phục vụ để ăn bằng được tô bánh canh làng chài. Người bán tay múc một lần bốn, năm tô để sẵn rồi thêm rau, chả một lượt. Chỉ việc ngồi một chỗ múc thôi mà cũng không kịp.
Chia sẻ về cách chế biến món bánh canh này thì được biết công đoạn làm bột là vất vả nhất, bột gạo nấu nên nồi bánh canh do tự tay những người thợ khỏe mạnh làm tại nhà, từ khâu xay và nhồi bột. Bột được ngâm từ đêm, đến sáng đem xay rồi cho lắng nước, lấy bột đem luộc, nhồi, cán thành từng tấm, cắt sợi. Xong cá, xong bột, có sẵn nước luộc cá, chỉ cần nêm thêm chút gia vị rồi cho bột gạo lên, sôi sục lại lần nữa là chín tới.
Giờ đây các quán bánh canh không còn giữ phương thức truyền thống mà liên tục biến tấu đủ kiểu, nấu nước dùng trước, luộc bột riêng rồi chan lên, hoặc nấu từng tô khi khách tới. Riêng quán của bà Cúc vẫn chọn cách nấu nguyên thủy, nấu một lần cả nồi to.
Cách nấu truyền thống “chém to kho mặn” đỡ mất thời gian của dân miền biển lại làm nên sự lôi cuốn hấp dẫn trong hương vị ở nét chân chất, mộc mạc ấy. Khách hàng thích quán vì nhìn cách nấu vụng vụng, thật thật mà vẫn có vị ngọt lành không lẫn vào đâu được. Khách ăn nói họ thích cách nấu đơn giản, “có răng nấu rứa” của quán bà, như một khác biệt trong vô vàn lựa chọn.
Hơn hai thập kỷ qua, ngư dân quanh đây không ai không biết tới món bánh canh cá này. Đó không chỉ là món ăn đơn thuần của những người đi biển, mà còn là đặc sản của làng chài. Khi cá đánh bắt từ biển khơi về được nấu thành bát bánh canh bình dân, rẻ tiền nhưng lại rất đặc trưng, không nơi nào có được.
LT (TH)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét