Đây là một trong những công trình kiến trúc cổ kính nổi tiếng và thân thuộc với người dân Sài Gòn, nhưng ít ai hiểu về lịch sử của nó.
Tòa nhà nay là trụ sở UBND TP HCM được dự định xây dựng từ năm 1871. Năm này đã có một cuộc thi xây dựng đồ án và kiến trúc sư Cordy trúng giải, nhưng đồ án không được sử dụng và hội đồng thành phố đã mời kiến trúc sư Métayer cộng tác.
Ba năm sau, ý định xây dựng rơi vào quên lãng, rồi 5 năm sau được nhắc lại nhưng chẳng có hành động nào. Năm 1880, thị trưởng Blancsubé đã thử phục hồi dự án cũ nhưng bất thành. Đến năm 1888, người ta phát hiện những đồ án xây dựng đều bị sai lệch.
Mãi đến năm 1898-1899, tòa nhà mới được khởi công. Ảnh tư liệu
|
Năm 1893, người Pháp lại họp bàn về việc xây dựng tòa thị sảnh và địa điểm xây dựng, ba năm sau đó vấn đề này lại được mổ xẻ và tổ chức cuộc thi vẽ đồ án khác.
Mãi tới cuối năm 1898, đầu năm 1899, tòa nhà mới được khởi công theo họa đồ của kiến trúc sư Gardès. Công trình có kiến trúc phương Tây, hình dáng mô phỏng theo kiểu lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp.
Năm 1909, tòa nhà được khánh thành và từ đó đến nay, nó được sử dụng làm trụ sở các cơ quan hành chính ở Sài Gòn qua các thời kỳ. Nhiều tòa nhà cổ khác từng làm cơ quan hành chính ở thành phố, sau năm 1975 đã chuyển sang mục đích sử dụng khác.
Dinh Xã Tây thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.
|
Phần trang trí tòa nhà lúc đầu định làm theo bản vẽ của họa sĩ Ruffier, nhưng sau lại được giao cho họa sĩ Bonnet. Ban đầu tòa nhà có tên tiếng Pháp là L'Hotel de ville, người dân gọi đơn giản là Dinh Xã Tây.
Theo tự điển Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ thì đây là "tòa đô sảnh một thành phố đời Pháp: Xã Tây Sài Gòn". Xã Tây theo nghĩa dân gian là làng của Tây, do các viên chức Pháp làm việc, công việc của Xã Tây do một viên thị trưởng người Pháp điều hành, và bên cạnh có một Hội đồng thị xã đều do nhà cầm quyền Pháp chỉ định.
Xã Tây trên giấy tờ gọi là Tòa thị sảnh. Đến thời Bảo Đại thì được đổi lại là Tòa đô sảnh và do các đốc phủ sứ được bổ nhiệm làm thị trưởng. Tòa nhà dùng cho công chức hội đồng điều hành cả vùng Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn.
Ít có công trình nào ở Sài Gòn sánh được về tính cầu kỳ, đa dạng bởi sự kết hợp giữa kiến trúc, điêu khắc và hội họa như Dinh Xã Tây. Phần chính giữa là tháp nhọn nhô cao, hai bên có hai tầng mái cân đối, phía trái và phía phải tòa nhà thấp hơn một chút.
Trung tâm của lầu là một thiết kế hàng cột tròn đặt xen kẽ với các cửa vòm tạo nét khỏe khoắn, thoáng mát cho tòa nhà, đồng thời để trang trí. Cổng chính là hệ thống gồm năm cổng nhỏ liên tiếp nhau, đều được làm bằng sắt uốn hình hoa cầu kỳ, đặt ngay giữa tòa nhà theo dạng cổng vòm.
Bức tượng ở giữa tòa nhà. Ảnh: vietfuntravel.com.vn
|
Phần trang trí, ngoài các họa tiết còn có ba bức tượng đắp nổi. Ở giữa là tượng một phụ nữ và một em bé đang chế ngự bầy thú dữ, hai bên là tượng hai phụ nữ khác trong tư thế cầm gươm. Phía trước tòa nhà là một bãi cỏ rộng có ghế đá và bồn kèn, nơi ban nhạc của hải quân Pháp trình diễn cho công chúng xem
Thời Việt Nam Cộng hòa, tòa nhà trở thành Tòa đô chánh Sài Gòn, là nơi làm việc và hội họp của chính quyền thủ đô, nằm trên đường Lê Thánh Tôn. Đây là con đường thuộc loại xưa nhất Sài Gòn, thời Pháp là đường số 15.
Tòa đô chính Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
|
Tòa nhà là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của người dân Sài Gòn, tiêu biểu là cuộc biểu tình lớn của người dân đòi công ăn việc làm (năm 1937) hay cuộc đấu tranh bãi công bãi thị (năm 1950).
Sau năm 1975, tòa nhà là nơi làm việc của UBND TP HCM, địa chỉ 86 đường Lê Thánh Tôn, quận 1. Ngoài ra, cơ quan HĐND thành phố, Sở Nội vụ cũng làm việc tại tòa nhà này.
Hiện TP HCM có kế hoạch nâng cấp, mở rộng trụ sở UBND TP HCM thành trung tâm hành chính mới, rộng hơn 18.000 m2, được giới hạn bởi các trục đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi (phường Bến Nghé, quận 1).
Đây sẽ là nơi 8 cơ quan làm việc, gồm: Văn phòng UBND TP HCM, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố, Sở Nội vụ, Thông tin Truyền thông, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường, Ban Đổi mới doanh nghiệp. Tổng cộng có 95 phòng ban trực thuộc với khoảng 1.700 người.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ nhìn từ tòa nhà UBND TP HCM. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Khuôn viên UBND TP HCM được bao bọc bởi các con đường Lê Thánh Tôn (trước đây là đường Espagne) - Pasteur (Pellerin) - Lý Tự Trọng (La Grandière, Gia Long) - Đồng Khởi (Catinat, Tự Do), có một vị trí đặc biệt trong không gian đô thị Sài Gòn từ những buổi đầu. Nó là một phần của thành Quy và là điểm cuổi của một con kinh dẫn thẳng ra sông Sài Gòn.
Tháng 4/2015, TP HCM khánh thành công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ có tổng kinh phí 430 tỷ đồng, được đưa vào vận hành với chiều dài 670 m, rộng 64 m. Toàn bộ trục đường từ trụ sở UBND thành phố đến bến Bạch Đằng được lát đá granite với 2 đài phun nước và hệ thống cây xanh.
Tiếp đó, ngày 17/5/2015, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được khánh thành, tạo điểm nhấn cho toàn bộ công trình quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét