Quán Cô Huyền nằm tại số nhà 183/3 Trần Kế Xương (P.7, Q.Phú Nhuận) vốn được nhiều người Sài Gòn biết đến là nơi bán món mì gói trộn muối ớt "cực kỳ cay và mắc tiền"
55.000 đồng là cái giá không hề rẻ cho một tô mì gói trộn… muối ớt. Thế nhưng, suốt 25 năm qua, chưa bao giờ món ăn này thôi 'gây thương nhớ' trong lòng nhiều người Sài Gòn.
Với những người dân sống trong con hẻm 183 Trần Kế Xương (phường 7, quận Phú Nhuận) thì việc chứng kiến lượng khách vào ra tấp nập tại quán ăn Cô Huyền mỗi chiều đã không còn quá lạ lẫm.
“Tui không rõ quán này mở hồi nào, nhưng mà cũng không dưới 20 năm đâu. Tên quán là tên bà chủ luôn đó, bán bún nước với mì gói trộn muối ớt kiểu Bình Định. Khách tới đây ăn đông ghê lắm, có mấy người tới ăn trúng giờ cao điểm còn phải đứng ngoài đợi để có bàn nữa”, ông Xuân, một người dân sinh sống tại khu vực này cho biết.
Quán Cô Huyền nằm lọt thỏm trong căn nhà cấp bốn, khoảnh sân trống trước nhà được chủ quán tận dụng để sắp xếp bàn ghế cho khách ngồi ăn.
Ngay góc trái của quán là khu vực bếp nấu nướng bao gồm một nồi nước lèo lớn, một nồi nước sôi để trụng mì. Kế bên là chiếc bàn gỗ nhỏ, đủ để chủ quán sắp lên những nguyên liệu và các loại gia vị chế biến món mì trộn muối ớt.
Nói về bí quyết tạo ra hương vị riêng biệt của món ăn, bà Huyền vui vẻ nói: “Thật ra tui cũng không có bí quyết hay bí kíp gì ghê gớm. Chẳng qua là nguyên liệu như hành củ, da heo, chả tôm gì cũng tự nhà mình làm. Quan trọng nhất là ớt sa tế, làm từ ớt hiểm ngoài Bình Định đem vào đây.
Muối ớt cũng là loại muối hột to, mình giã nhỏ rồi bỏ thêm một số gia vị khác, sau đó rang khô lại thôi. Nói chung là một phần cũng do mình bán lâu, quen nghề, cộng thêm cái món này làm đúng y nguyên công thức ngoài quê mẹ nên người ở đây ăn thấy nó lạ lạ, hay hay”.
Quán Cô Huyền mở bán từ sáng đến tầm 5 – 6 giờ chiều, riêng ngày thứ sáu thì đóng cửa. Nhiều người thắc mắc sao lựa ngày nghỉ không giống ai như vậy, bà chủ cười giòn tan, thật thà nói: “Thì bán cả tuần mệt rồi, tới bữa đó nghỉ xả hơi. Hai ngày cuối tuần khách đông mình ráng mở bán cho người ta ăn chứ sao nghỉ được”.
Chị Minh Thương (27 tuổi, nhân viên văn phòng) nhận xét: “Thật ra cái giá 55.000 đồng cho một tô mì trộn ở đây hoàn toàn không hề cao. Mình cảm thấy xứng đáng với chất lượng của món ăn. Đầu tiên là nói về sợi mì, nó dai dai chứ không bị mềm bở. Sau đó phải nói đến tô nước súp gồm rất nhiều thịt, chả tôm rồi bò viên, trứng lòng đào. Giá trị còn nằm ở tô nước súp này chứ không phải từ tô mì với muối ớt không thôi đâu”.
Mỗi phần mì trộn muối ớt ở đây sẽ gồm có hai vắt mì. Mì sau khi trụng qua nước sôi sẽ được cho vào một cái tô sứ trắng, chủ quán lần lượt cho vào đó tiêu, bột ngọt, đường, mắm, ớt sa tế, tương ớt, muối ớt … và dùng đũa trộn cho đến khi sợi mì thấm đều gia vị.
Tiếp theo đó, bà Huyền sẽ cho lên trên tô mì chút hành phi, hành lá cắt nhỏ, thêm nhúm da heo chiên giòn và một cây chả heo. Kèm với mỗi phần mì trộn khô là một tô súp nóng hổi với thành phần khá “chất”, bao gồm thịt bò tái, chả tôm, bò viên và rất nhiều hành lá nhằm tạo vị the mát khi ăn.
Khi đem thức ăn ra cho khách, chủ quán cũng không quên để thêm một chén muối ớt và mấy lát chanh tươi bên cạnh, nhằm giúp những vị khách “khó tính” có thể tự nêm nếm thêm cho vừa với khẩu vị riêng.
Gắp một đũa mì sợi dai dai, cắn miếng da heo giòn rụm và cảm nhận hương vị chua chua, cay cay, độ ngọt vừa phải của món ăn tan trên đầu lưỡi, lan dần xuống cổ họng. Có người ăn một miếng mì thì húp một muỗng nước súp, cũng có người ăn hết nửa phần mì khô rồi cho luôn tô nước súp vào ăn như mì nước…
Song, dù ăn theo cách nào đi nữa thì thực khách cũng sẽ khó lòng cưỡng lại được sự quyến rũ của món ăn mang đậm dấu ấn của những người con Bình Định.
Lưu Trân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét