Ông là một trong những nhà văn tiêu biểu nhất Việt Nam thế kỷ 20 với nhiều tác phẩm nổi tiếng như Chí Phèo, Đôi mắt, Đời thừa...
Tạo hình nhân vật Chí Phèo trong phim "Làng Vũ Đại ngày ấy".
Nam Cao (1915-1951) là một trong những nhà văn Việt Nam tiêu biểu nhất thế kỷ 20. Ông tên thật Trần Hữu Tri, quê ở làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, tỉnh Hà Nam (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Bút danh của ông được ghép từ hai chữ của tên tổng và huyện.
Nhiều truyện ngắn của ông được xem như là khuôn thước cho thể loại này. Đặc biệt một số nhân vật của Nam Cao trở thành những hình tượng điển hình, được sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày.
Nam Cao từng làm nhiều nghề, chật vật kiếm sống và đến với văn chương đầu tiên vì mục đích mưu sinh. Năm 18 tuổi vào Sài Gòn, ông nhận làm thư ký cho một hiệu may, bắt đầu viết các truyện ngắn Cảnh cuối cùng, Hai cái xác.
Ông gửi in trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, trên báo Ích Hữu các truyện ngắn Nghèo, Đui mù, Những cánh hoa tàn, Một bà hào hiệp với bút danh Thúy Rư. Có thể nói, các sáng tác "tìm đường" của Nam Cao thời kỳ đầu còn chịu ảnh hưởng của trào lưu văn học lãng mạn đương thời.
Trở ra Bắc, sau khi tự học lại để thi lấy bằng Thành chung, Nam Cao dạy học ở Trường tư thục Công Thành (Hà Nội). Ông đưa in truyện ngắn Cái chết của con Mực trên báo Hà Nội tân văn và in thơ cùng trên báo này với các bút danh Xuân Du, Nguyệt.
Năm 1941, tập truyện đầu tay Đôi lứa xứng đôi, tên trong bản thảo là Cái lò gạch cũ, với bút danh Nam Cao do NXB Đời mới Hà Nội ấn hành được đón nhận như là một hiện tượng văn học thời đó. Sau này khi in lại, Nam Cao đã đổi tên là Chí Phèo.
Với tác phẩm này, Nam Cao xứng đáng là một trong những tên tuổi lớn của trào lưu văn học hiện thực giai đoạn trước Cách mạng tháng tám 1945 như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Nhân vật Chí Phèo đã để lại dấu ấn khó quên và nỗi day dứt, ám ảnh không nguôi trong lòng người đọc
Truyện ngắn Chí Phèo lấy bối cảnh của làng Vũ Đại. Trên thực tế làng được lấy nguyên mẫu từ làng Đại Hoàng, thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - quê hương của nhà văn Nam Cao.
Chí Phèo là đứa con hoang bị bỏ rơi từ lúc mới lọt lòng, được cưu mang, rồi lớn lên trở thành một thanh niên đi làm thuê hiền lành, chất phát. Sau đó, Chí bị giam giữ do Bá Kiến ghen tuông, đẩy vào tù.
Ra tù, Chí trở thành tay sai cho Bá Kiến, ngang ngược, hung ác. Chí Phèo bị loại ra khỏi đời sống của dân làng Vũ Đại.
Mở đầu tác phẩm, Chí Phèo và làng Vũ Đại được Nam Cao giới thiệu:
Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời, có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: Đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: "Chắc nó trừ mình ra!". Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này! A ha! Phải đấy hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo? Mà có trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết.
Nếu như các nhà văn khác đi sâu vào phản ánh phong tục hay đời sống cùng cực của nông dân dưới thời thực dân phong kiến thì Nam Cao lại chú trọng đến việc thể hiện nỗi đau đớn của những tâm hồn, nhân cách bị xúc phạm, bị hủy diệt. Khi cả làng Vũ Đại quay lưng với Chí Phèo, Thị Nở lại đánh thức bản tính lương thiện trong con người anh ta.
Khi tỉnh dậy sau những cơn say triền miên, Chí đã trở lại với cuộc sống tự nhiên. Bát cháo hành Thị Nở nấu cho Chí đã làm anh ta thấy cô là người tốt bụng, đầy trách nhiệm và hai người đem lòng yêu nhau.
Trong truyện có đoạn miêu tả cảnh Chí Phèo ăn cháo:
Thị Nở giục hắn ăn nóng. Hắn cầm lấy bát cháo đưa lên mồm. Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm. Hắn húp một húp và nhận ra rằng: những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo rất ngon. Nhưng sao lại mãi đến bây giờ hắn mới nếm vị mùi cháo?
Lần đầu tiên sau bao năm, những âm thanh quen thuộc của cuộc sống vọng đến tai Chí Phèo khiến anh ta thèm được làm một con người bình thường như bao người khác. Chí khấp khởi hy vọng Thị Nở sẽ mở đường cho cuộc sống mới của mình.
Nhưng cánh cửa cuộc đời vừa mới hé mở đã bị đóng sập lại trước mặt Chí Phèo khi bà cô Thị Nở - đại diện cho dân làng Vũ Đại đã dứt khoát không chấp nhận Chí Phèo. Từ hy vọng, Chí Phèo rơi xuống vực thẳm tuyệt vọng, lần đầu tiên trong đời hắn ý thức sâu sắc về số phận bất hạnh của mình.
Nhận ra kẻ thù chính của cuộc đời mình là Bá Kiến, Chí Phèo đâm chết ông ta và tự kết liễu cuộc đời mình. Cái chết của Chí Phèo nói lên sự bế tắc của người nông dân bị tha hóa trong xã hội u ám, khiến Chí rơi vào bước đường cùng.
Đoạn đối thoại của hai người trước khi Chí Phèo đâm chết Bá Kiến:
Hắn dõng dạc:
- Tao muốn làm người lương thiện!
Bá Kiến cười ha hả:
- Ồ tưởng gì! Tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.
Hắn lắc đầu:
- Không được! Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này? Tao không thể là người lương thiện nữa. Biết không? Chỉ có một cách... biết không! Chỉ có một cách là... cái này biết không?
Lão Hạc được Nam Cao viết năm 1943, là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, phản ánh hiện trạng xã hội Việt Nam trước Cách mạng tháng tám.
Lão Hạc là nông dân chất phác, hiền lành. Ông góa vợ và có một con trai nhưng vì quá nghèo nên không thể lấy vợ cho con.
Người con trai rời bỏ quê hương để đến đồn điền cao su làm ăn. Lão Hạc ở quê kiếm sống bằng nghề làm vườn, luôn trăn trở, suy nghĩ về tương lai cho con trai.
Lão Hạc có một con chó tên Vàng do con trai để lại, ông coi nó như người thân. Song, vì quá nghèo đói, không nuôi nổi nó nên ông đành bán đi.
Từ đó, lão Hạc luôn dằn vặt mình là kẻ có tội, lừa một con chó. Lão sống khép kín, lủi thủi một mình, rồi tìm đến cái chết bằng bả chó để giải thoát sau những tháng ngày cùng cực, đau khổ.
Người nông dân nghèo là một trong những mảng đề tài lớn nhất của Nam Cao. Ông đã dựng lên bức tranh chân thực về nông thôn Việt Nam trước 1945 nghèo đói, xơ xác với những thân phận bần cùng, bị chà đạp, hắt hủi.
Nhà văn không hề bôi nhọ người nông dân, trái lại đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để khẳng định nhân phẩm và bản chất lương thiện của họ.
Thời gian đầu lúc mới cầm bút, Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Dần dần, ông nhận ra thứ văn chương đó xa lạ với đời sống lầm than của người lao động nên đoạn tuyệt với nó và tìm đến con đường nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa.
Trong truyện ngắn Trăng sáng (1943), Nam Cao viết: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối. Nghệ thuật có thể chỉ là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ những kiếp sống lầm than".
Đây có thể coi là tuyên ngôn nghệ thuật của trường phái hiện thực, dứt khoát từ bỏ chủ nghĩa lãng mạn. Bằng phát biểu này, Nam Cao muốn khẳng định nghệ thuật chân chính phải bắt rễ trong đời sống hiện thực, phản ánh chân thực đời sống của con người, đấu tranh với bất công xã hội.
Từ năm 1943, Nam Cao gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc và là một trong số thành viên đầu tiên của tổ chức này. Ông hoạt động cách mạng, đi khắp nơi trên đất nước, sức sáng tác ngày càng dồi dào.
Trên đường đi công tác tháng 11/1951, ông bị Pháp phục kích và bắn chết. Nhà tưởng niệm Nam Cao được thành lập năm 2004 tại tỉnh Hà Nam.
Làng Vũ Đại ngày ấy được đạo diễn Phạm Văn Khoa chỉ đạo sản xuất năm 1982 dựa trên các tác phẩm Chí Phèo, Lão Hạc, Sống mòn của nhà văn Nam Cao. Sống mòn là truyện dài, được Nam Cao viết năm 1944, ban đầu có tên Chết mòn, mãi đến 1956 mới xuất bản.
Phim gây tiếng vang vào thập niên 1990 khi khắc họa cuộc sống nông thôn trong xã hội phong kiến, nửa thuộc địa của Việt Nam trước Cách mạng tháng tám. Qua sự chứng kiến của ông giáo Thứ (NSƯT Hữu Mười thủ vai), nông thôn Việt Nam hiện lên với sự mâu thuẫn giai cấp gay gắt với những số phận cùng khổ của người nông dân Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc...
Cùng với phim Chị Dậu (1980), Làng Vũ Đại ngày ấy được đánh giá là một trong số ít tác phẩm điện ảnh Việt Nam đạt được thành công lớn về nhiều mặt khi khắc họa cuộc sống nông thôn cũng như nhiều tầng lớp trong xã hội thực dân nửa phong kiến trước năm 1945.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét