(Baohatinh.vn) - Dù không phải là nghề gia truyền nhưng với vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương (thôn Hoa Thành - Thạch Kim - Lộc Hà, Hà Tĩnh), làm bánh dày vẫn là nghề vô cùng thân thuộc. Hơn 10 năm gắn bó với nghề, bà Phương xây dựng và khẳng định thương hiệu bánh dày Phương Bé tại địa phương và các vùng lân cận.
Bà Phương kể, trong một lần ra thủ đô chơi, bà bắt gặp những hàng bánh dày bày bán trên phố rất đẹp mắt. Tò mò nên bà mua ăn thử và bị hấp dẫn bởi vị ngon của chiếc bánh. Cũng từ đó, bà nảy sinh ý định phải học bằng được cách làm loại bánh này để về lập nghiệp tại quê hương.
Năm 2007, bà quyết tâm khăn gói ra tận Nam Định tìm người học nghề làm bánh. Vì cảm lòng yêu nghề, sự quyết tâm của bà mà thầy dạy đã vào tận quê bà để truyền nghề. Sau khi học thành nghề, vợ chồng bà đầu tư mở cơ sở sản xuất bánh dày Phương Bé tại xã Thạch Kim.
Nhìn những chiếc bánh dày, hẳn nhiều người sẽ nghĩ cách làm đơn giản, không có bí quyết gì nhiều. Nhưng có tìm hiểu mới thấy đó là cả một quá trình mất nhiều tâm sức. Một chiếc bánh dày giá chỉ vài nghìn đồng nhưng phải trải qua đến gần hai mươi công đoạn khác nhau.
Bà Phương cho biết: “Bánh dày là thứ kén nguyên liệu, vì thế mà nếp để làm bánh phải chọn nếp Thái trắng, mười hạt óng như một thì bánh mới dẻo thơm được. Xôi sau khi đồ chín, phải giã ngay lúc còn nóng, có như vậy bánh mới mềm, mịn và dẻo. Ðỗ làm nhân bánh là đỗ xanh lòng vàng, khi nấu lên thì bở tơi, thơm ngọt.
Ngoài hai nguyên liệu chính là nếp và đỗ xanh, còn cần thêm một số nguyên liệu để trộn vào nhân bánh như dừa, đường kính, vừng… Tất cả đều phải chọn lựa kỹ càng, sơ chế sạch sẽ để bánh dẻo ngon, không bị thiu”.
Cũng theo bà Phương, vỏ bánh là khâu khó và kỳ công nhất. Người giã thì phải giã sao cho vừa độ quánh mịn, người ra vỏ thì phải thật khéo léo để lấy lượng vừa đủ, nặn sao cho mười cái tròn đều cả mười.
Ngày xưa, công đoạn giã bánh cần sức vóc trai tráng. Giờ có máy móc hỗ trợ nên cũng đỡ tốn sức, nhưng làm bánh dày vẫn đòi hỏi công phu và sự tinh tế, khéo léo. Chiếc bánh thành phẩm đạt chất lượng phải dẻo vừa độ, hòa với nhân đậu xanh bùi bùi, dừa tươi béo ngậy, vừng trắng thơm như là sự hội tụ hương vị của mùa màng, đồng ruộng, khó lẫn với bất kỳ một loại bánh nào khác.
Theo phong tục truyền thống, người ta vẫn thường đặt làm các đĩa, mâm bánh dày kích thước lớn cùng bánh chưng để dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên, như một cách hướng về cội nguồn với lòng thành kính vào những dịp lễ, tết, ngày rằm. Ngày nay, món bánh dày còn được đóng gói để phù hợp cho các bữa tiệc cưới, hỏi, liên hoan…
Tiếng lành đồn xa, bánh dày Phương Bé không chỉ được nhân dân trên địa bàn ưa chuộng mà còn được đông đảo khách hàng trong huyện, trong tỉnh tìm mua. Những ngày đầu mới sản xuất bánh, lúc cao điểm, gia đình bà Phương sản xuất gần 1 vạn chiếc/ngày. Bà phải thuê 7 nhân công làm liên tục mới kịp. Hiện nay, học theo gia đình bà, có nhiều cơ sở sản xuất bánh dày ra đời nhưng Phương Bé vẫn là thương hiệu được ưa chuộng nhất bởi chất lượng sản phẩm.
Như một cơ duyên, dù việc làm bánh khá vất vả nhưng vợ chồng bà Phương vẫn theo nghề hơn 10 năm nay. Cuộc sống gia đình ổn định, khấm khá, con cái học hành thành đạt là nhờ lò bánh này nên bà Phương luôn muốn gìn giữ, trao truyền cho con cháu…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét