Nuôi cá bè trên Búng Bình Thiên. Ảnh: LỤC TÙNG
Búng Bình Thiên (huyện An Phú - An Giang) - hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nam bộ - không chỉ giữ vai trò điều tiết nước cho một phần châu thổ của dòng Mekong huyền thoại mà hồ nước luôn xanh trong, phẳng lặng này còn là điểm đến đầy hấp dẫn cho du khách thích khám phá sông nước vùng đầu nguồn sông Cửu Long lấp lánh văn hóa Chăm Islam (Chăm Nam bộ)...
Hấp dẫn ngay tên gọi
Từ Châu Đốc, thành phố có vị trí vô cùng độc đáo với “tiền tam giang, hậu thất sơn” (trước mặt là 3 con sông, phía sau lưng là 7 dãy núi), qua cầu Cồn Tiên vắt mình ngang nhánh sông Hậu, rồi men theo tỉnh lộ 956 ra hướng biên giới khoảng 25km là đặt chân tới Búng Bình Thiên. Búng Bình Thiên, còn gọi tắt là Búng, là hồ nước ngọt tự nhiên nằm giữa lòng 4 xã của huyện An Phú, gồm: Quốc Thái, Nhơn Hội, Khánh Bình, Khánh An. TS Nguyễn Trần Thiện Khánh – Chuyên gia về môi trường nước của Đại học An Giang, cũng là người có nhiều thời gian nghiên cứu về hồ nước này - giới thiệu: “Búng Bình Thiên dài khoảng 4.000m và rộng trung bình khoảng 500m (chỗ lớn nhất 1.000m).
Không chỉ là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất Tây Nam bộ, Búng Bình Thiên còn là hồ nước thu hút sự chú ý của giới làm công tác khoa học là diện tích mặt nước ở đây thay đổi theo mùa. Vào mùa khô, Búng chỉ rộng 220 ha, và nơi đây được chia thành 2 khu vực có quy mô khác nhau nên được gọi là Búng Lớn và Búng Nhỏ. Nhưng khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mekong đổ về, con số này nhanh chóng tăng lên 600 ha và nhiều hơn thế”. Theo TS Khánh, thực chất đây đoạn phình ra của nhánh sông tự nhiên nối sông Bình Di và sông Hậu. Thế nhưng kỳ lạ ở chỗ là ngay cả khi cả 2 nhánh sông chính đỏ quạch phù sa, thì nước trong Búng vẫn trong xanh, phẳng lặng như tấm gương thiên nhiên khổng lồ.
Và cũng như sự biến động của mực nước, tên gọi địa danh Búng Bình Thiên cũng hết sức ly kỳ. Cho đến nay, vẫn chưa có giải thích nào thuyết phục nên nảy sinh tình trạng “9 người – 10 ý”. Thậm chí, có người còn gắn vào đây những truyền thuyết huyền bí... khiến cho danh xưng như khoác lên mình chiếc áo đậm màu huyền thoại... Tuy nhiên, theo cách hiểu thông dụng của nhiều người dân bản địa, Búng Bình Thiên có nghĩa là hồ nước bình yên của ông trời ban tặng, hay ngắn gọn hơn là “hồ nước trời” theo lối giải thích chiết tự. Trong đó, “Bình” được hiểu là bình yên, phẳng lặng; còn “Thiên” là Trời.
Nhưng, cũng có ý kiến căn cứ theo Địa bạ triều Nguyễn năm 1832 cho rằng ngay cả chữ Thiên trong “Bình Thiên” có thể là sự biến âm của chữ Tiên trong thần tiên, tức là chốn tiên cảnh bình yên... Riêng từ “Búng” thì có cả rừng ý kiến. Người theo ý của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển (trong “Tự vị tiếng nói miền Nam”), thì cho Búng là biến âm của "bưng" là từ có nguồn gốc từ tiếng Khmer là “trapéang" có nghĩa là “vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ"....
Nhưng cũng có ý kiến chưa đồng tình với cách giải thích mang tính “liên hiệp quốc” này và đề xuất các nhà ngôn ngữ học vào cuộc để sớm đưa ra đáp số chính thức. Vì thực tế ở ĐBSCL khá phổ biến việc dùng từ “búng” để gọi tên vùng đất ngập nước tự nhiên... nhưng không có địa danh nào được giải thích theo cấu trúc từ Hán Việt kết hợp với từ Khmer như địa danh Búng Bình Thiên. Đó là thách thức thú vị không chỉ cho các nhà ngôn ngữ học.
Chiếc túi đa dạng sinh học
Cho ô tô chạy một vòng Búng Bình Thiên, TS Khánh – người vừa hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học về Búng - tự tin giới thiệu: “Thực chất đây là đoạn sông nối sông Bình Di với sông Hậu. Theo thời gian, quá trình bồi lấp ở cả hai đầu nối với hai sông tạo ra một vùng nước có hai đầu thắt lại rồi dần dần lấp hoàn toàn cửa phía sông Hậu. Hiện Búng chỉ còn nhận nước từ sông Bình Di”. Vì vậy theo TS Khánh, nếu nhìn ảnh vệ tinh, Búng Bình Thiên giống như hình chiếc hồ lô mà các vị anh hùng trong phim kiếm hiệp dùng làm bầu rượu.
Hơn thế nữa, đó là chiếc hồ lô kỳ diệu lớn – nhỏ theo mùa trong năm: “Với diện tích “mở” của mình, Búng Bình Thiên được xem như “trái tim” điều tiết nước tưới cho một vùng của châu thổ: Mùa lũ tích nước giảm độ ngập sâu; mùa nắng, xả nước giảm khô hạn”. Tuy nhiên, điều khiến tất cả chúng tôi đều ngạc nhiên và ấn tượng hơn chính là hình ảnh dòng nước luôn xanh trong, phẳng lặng như chiếc gương khổng lồ hướng lên trời xanh tạo ra ánh lấp lánh đến huyền ảo. Ngạc nhiên là bởi vào mùa này, phù sa từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về khiến con sông Bình Di ngầu đục. Vậy mà sau khi chảy vào Búng, thì lập tức xanh trong như vừa được tẩy lọc. Điều này đã tạo cho Búng sức hấp dẫn độc đáo ở du khách.
“Do cửa miệng Búng bị bồi lắng nên dòng nước từ sông Bình Di đổ vào bị giảm tốc độ, trong khi bên trong độ sâu lên đến 10m, cộng với dưới lòng Búng có nhiều loại rong, tảo có thể ngăn dòng nước chảy xiết, đồng thời có tác dụng lọc nước khiến nước hồ cứ trong xanh quanh năm” – lời giải thích của TS Khánh càng kích thích chúng tôi dấn thân vào hành trình khám phá thế giới đầy màu sắc của sự đa dạng sinh học – “Nguồn nước xanh trong, nhưng Búng có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học rất cao...”.
TS Khánh đã mật mí sự đa dạng này, theo kết quả khảo sát năm 2010 - 2013 của Viện Sinh học Nhiệt đới, xác định Búng Bình Thiên có 111 loài cá thuộc 27 họ, 10 bộ. Trong đó có 38 loài cá có giá trị kinh tế, 40 loài có khả năng thuần hóa nuôi làm cá cảnh, 6 loài có mặt trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, với các mức độ bị đe dọa khác nhau, gồm: cá còm, cá hô, cá duồng, cá tra dầu, cá chiên nam và cá mang rổ.
Lung linh sắc Chăm Islam
Ngồi trong căn chòi lá của quán ăn sinh thái ven hồ, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi như mê man theo một Búng Bình Thiên lung linh đến lung lạc lòng. Từ sắc màu vàng rực của bông điên điển, rồi chút biêng biếc của bông rau nhút, xanh mơn mởn của rau muống đồng... Độc đáo hơn, là một Búng Bình Thiên rạng rỡ trong chiều sâu của nền văn hóa đa dạng sắc màu được toát lên từ cộng đồng Chăm Islam sống quanh bờ hồ.
Theo TS Khánh, người Chăm An Giang có nguồn gốc từ miền Trung. Sau khi theo các vị tướng nhà Nguyễn như Lê Văn Đức, Doãn Uẩn, Trương Minh Giảng vào đây, họ định cư dọc theo bên bờ sông Hậu theo xóm (pa-lây) nhằm làm đội tiền trạm bảo vệ biên giới. Riêng xung quanh Búng có đến 3 xóm Chăm thuộc xã Quốc Thái, Nhơn Hội và Khánh Bình. Cũng như phần lớn người Chăm Nam bộ, Thánh đường (Masjid) Hồi giáo không chỉ là trung tâm tinh thần của cộng đồng người Chăm, mà còn là điểm đến kỳ thú đối với du khách. Theo TS Khánh, trong quá trình thực hiện đề tài, tiếp cận nhiều nguồn tin, đã xác định: Ngoài vẻ đẹp của kiến trúc đặc thù Hồi giáo với hình ảnh mái vòm tròn vững chãi bên dưới biểu tượng vầng trăng khuyết vươn thẳng lên trời cao... nơi đây còn có Thánh đường vào dạng đẹp và lớn nhất cộng đồng Chăm Nam bộ. Đó là Thánh đường Jamiul Muslimin ở xã Quốc Thái...
Nhận ra được lợi thế này, từ nhiều năm qua tỉnh An Giang đã và đang đầu tư nhiều công trình nhằm hướng tới phục vụ ngày tốt hơn như cầu khám phá Búng Bình Thiên của du khách. Nếu có dịp đến vào ngày cầu kinh cô – ran tại thánh đường chắc hẳn du khách sẽ bị mê hoặc bởi tiếng ngân nga như buổi hòa nhạc thính phòng đồng vọng dưới mái vòm cong cong đặc thù của kiến trúc Hồi giáo đầy sắc màu huyền bí... Rồi khám phá hoạt động dệt khăn choàng đặc thù, thưởng thức những chiếc bánh, nếm những món ăn đặc trưng mà chỉ cần một lần nghe qua cũng đủ nhớ mãi, như: Tung lọ mọ (lạp xưởng bò) thơm lừng và hấp dẫn với vị chua nhẹ không có loại lạp xưởng nào có được, hay món cơm nị béo ngậy, bùi bùi... Nhưng độc đáo nhất có lẽ là món cà ri dê với thịt dê được nấu theo phương pháp bí truyền và thơm lừng với mùi độc đáo từ lá La Chiên (lá thơm)...
Nhưng quan trọng hơn nữa, sự xuất hiện đậm nét của cộng đồng Hồi giáo này, được xem như nét chấm phá độc – lạ làm nên bức tranh đa dạng sắc màu của những vùng đất nằm dọc dòng Mekong – vốn được mệnh danh là “dòng sông Phật giáo”.
Hãy một lần đến Búng Bình Thiên, ngắm mặt hồ gương trong xanh, phẳng lặng, chắc chắn mọi du khách sẽ trút bỏ được những ồn ào phố thị. Những tiếng gió thoảng nhẹ, tiếng cá đớp mồi... tuy khẽ khàng, nhưng cũng đủ phá tan sự im ắng của không gian tĩnh lặng - đủ để đánh thức góc khuất tâm hồn nào đó thường ngày đã bị chuyện “cơm áo gạo tiền” che lấp – có dịp trỗi dậy đong đưa theo nhịp ngân dài của khúc kinh cô - ran vang vọng từ mái vòm cong cong của Thánh đường Chăm Islam vươn vút lên trời xanh...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét