Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2018

Người nói thật...

(Baohatinh.vn) - Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - người con Hà Tĩnh là nhân vật lịch sử độc đáo, kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quân sự cho đến nghệ thuật, văn chương…
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, Hà Tĩnh là một trong những địa bàn chiếm vị trí chiến lược và thường được mệnh danh là “địa linh - nhân kiệt”, bởi hầu như thời nào cũng có những con người, cự tộc, làng xã, sự kiện... đóng góp xứng đáng cho đất nước, quê hương. Đặc biệt nhất là giai đoạn cuối thế kỷ XVIII - đầu thế kỷ XIX, vùng đất này như bừng hẳn lên với sự xuất hiện hàng loạt những danh nhân mà cuộc đời, sự nghiệp của họ sẽ mãi song hành cùng lịch sử văn hóa dân tộc, trong đó, chỉ riêng mảnh đất Nghi Xuân đã đóng góp 2 tên tuổi lớn: Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du và Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ - một nhân vật lịch sử độc đáo, kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quân sự cho đến nghệ thuật, văn chương…
nguoi noi that
Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ
Quê cha làng Uy Viễn, quê mẹ xứ Sơn Nam (nay thuộc địa bàn Hà Nội); lại sinh ra ở Thái Bình, lớn lên bên dòng Lam, dưới chân Ngàn Hống, Nguyễn Công Trứ như là sự kết tinh của văn minh Thăng Long - sông Hồng, văn hóa Hồng Lĩnh - Lam Giang. Sinh thời, ông đã nổi tiếng là một người đa tài, một kẻ sĩ Xứ Nghệ độc đáo. Hăm hở lập danh nhưng mãi đến 42 tuổi, ông mới đỗ đạt; trong 28 năm làm quan – giữ đến trên 50 loại chức vụ và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, lại cũng nhiều lần bị trù dập, giáng chức…
Cách đây hơn 80 năm, khi đánh giá về Nguyễn Công Trứ, Giáo sư Lê Thước nhận xét: “Ở đời có 3 điều bất hủ: Một là lập công. Hai là lập đức. Ba là lập ngôn… Trong 3 điều ấy, có được một vẫn đã khó, mà gồm được cả 3 chưa dễ mấy ai. Thường xét nước ta, có một bậc vĩ nhân. Nói về công thời rất lớn. Nói về đức thời đức rất dày. Mà nói về ngôn thời ngôn luận văn chương rất có giá trị. Nước nhà có được một bậc vĩ nhân như vậy, quốc dân ta há không nên tôn sùng, nên tượng đồng bia đá hay sao?”.
Ngày nay, mặc dù vẫn còn những ý kiến khác nhau, nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn thống nhất đánh giá Nguyễn Công Trứ là một nhà yêu nước, một trí thức lớn và là nhà thơ độc đáo của dân tộc, một người có đầy đủ phẩm cách của con người sáng tạo lịch sử trên 4 phương diện:
Thứ nhất: Đề xuất và giải quyết vấn đề di dân lập ấp, phá thế trói buộc cố hữu hàng ngàn năm của đồng bằng sông Hồng; công lao tiêu biểu nhất là đã khai phá đất hoang, tổ chức hệ thống thủy lợi, giao thông, hình thành nên vùng đồng bằng ven biển nay thuộc 2 huyện Tiền Hải (Thái Bình), Kim Sơn (Ninh Bình) và một số xã ở Nam Định.
Thứ hai: Đề xuất việc rút lui chiến lược ở Chân Lạp để củng cố, phát triển đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ ba: Trong văn học, là người mở hành lang mới vào thi ca quốc âm hiện đại với thể thơ hát nói bình dân và được coi như một ông tổ của nghệ thuật ca trù.
Và thứ tư, bằng chính cuộc đời mình, ông dựng lên một phong cách sống sục sôi hành động, xả thân vì lý tưởng, nói là làm và quyết làm bằng được, rất hùng tâm tráng chí, hồn nhiên, nhưng cũng pha nhiều nét ngông nghênh, phá cách của lớp nhà Nho tài tử…
nguoi noi thatNon nước Nghi Xuân. Ảnh: Quang Vinh
Tại cuộc hội thảo quốc gia do tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào ngày 19/12/2008 để kỷ niệm 230 năm năm sinh của ông, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định: Cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ không chỉ là vấn đề hôm qua, hôm nay, mà còn cả ở mai sau… Trong giờ nghỉ trưa, GS.TS Mai Trọng Nhuận (nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã vui vẻ khởi xướng một cuộc tranh luận “mi-ni”: Hãy nói ngắn gọn nhất bằng một từ về Nguyễn Công Trứ? Người thì cho rằng, đó sẽ là ngông; ngất ngưởng; người lại đưa ra từ phong tình, hành lạc v.v...; GS. Nhuận và nhiều người tán đồng từ thật - ông là người nói thật, làm thật và cũng chơi... thật!
Đối với quê hương Hà Tĩnh, Nguyễn Công Trứ đã gắn bó sâu nặng và có thể nói cũng đã chịu ảnh hưởng, tác động lớn nhất so với nhiều danh sỹ cùng thời. Ngoài 11 năm trẻ thơ ở Thái Bình và 28 năm trải chốn quan trường nay đây mai đó, cuộc đời ông lúc trưởng thành cũng như khi về già đều sống ở quê, chủ yếu là Uy Viễn - Nghi Xuân và Rú Nài – Cảm Sơn, nay thuộc TP Hà Tĩnh. Truyền thống yêu nước, văn hóa, phong tục, tập quán cũng in đậm trong con người ông, nhất là các sinh hoạt nghệ thuật truyền thống như ca trù Cổ Đạm, phường vải Trường Lưu… Phải chăng vì vậy nên nhiều người đã nhận xét cốt cách Nguyễn Công Trứ rất đậm đà chất Nghệ? Lúc tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng nghe tin quân Pháp đánh chiếm Đà Nẵng, ông còn dâng sớ xin ra trận – còn một chút hơi thở, xin được lên đường lập tức... Con cháu ông có nhiều người là thủ lĩnh trong phong trào Cần vương. Nhân dân địa phương thường gọi ông bằng một cái tên nôm na là Cố Lớn và đã thêu dệt huyền thoại cuộc đời ông bằng rất nhiều giai thoại…
Sinh thời, nhân dân Tiền Hải, Kim Sơn cũng đã lập sinh từ thờ ông. Các đền thờ liên quan đến ông ở Thái Bình, Ninh Bình, Hà Tĩnh đều đã được xếp hạng… Quần thể di tích Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân đã được quy hoạch tổng thể và từng bước trùng tu, tôn tạo; trong khu di tích có hẳn một đình ca trù, vừa là địa điểm hoạt động, tập luyện của CLB Ca trù Nghi Xuân, vừa là nơi biểu diễn phục vụ du khách... Tuy nhiên, so với những di sản mà ông để lại, chỉ chừng ấy thôi vẫn chưa tương xứng. Hy vọng, trong dịp kỷ niệm 240 năm năm sinh của Uy Viễn Tướng công (1778-2018), các địa phương nên xem xét triển khai xây dựng thêm các công trình lưu niệm (dựng tượng ông ở núi Nài hoặc công viên TP Hà Tĩnh, hoàn thành nâng cấp đường Nguyễn Công Trứ...) và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa để quảng bá, vinh danh xứng đáng một nhân cách, một tài năng mà càng ngẫm, càng soi, càng thấy sáng...
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh

Theo dấu Tướng công Nguyễn Công Trứ 

(Baohatinh.vn) - Theo sử chép lại thì năm 1828, quan Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ (quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh) khai hoang ở Tiền Hải (Thái Bình) và năm 1829 thì ông tiến hành khai hoang ở Kim Sơn (Ninh Bình).
Dấu tích Kim Sơn
Tôi đã lần theo dấu vết của Tướng công Nguyễn Công Trứ về huyện Kim Sơn (có nghĩa là núi vàng) và huyện Tiền Hải (nghĩa là biển tiền) cùng đoàn văn nghệ sỹ huyện Nghi Xuân nhân dịp chuẩn bị kỷ niệm 240 năm ngày sinh và 160 năm ngày mất của ông.
Sáng sớm, xe chúng tôi xuất phát từ làng Uy Viễn - quê hương của Nguyễn Công Trứ ở Nghi Xuân, gần trưa đến huyện Kim Sơn. Huyện đón tiếp rất nhiệt tình, xem chúng tôi như người con quê hương lâu ngày gặp lại. Chiều đó, chúng tôi đến thăm đền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng tại xã Quang Thiện (Kim Sơn). Tiền thân của ngôi đền là ngôi nhà ba gian của Nguyễn Công Trứ làm tại ấp Lạc Thiện để ông đi về và làm việc ở đây. Năm 1852, nhân dân Kim Sơn xây dựng lại thành ngôi Sinh Từ (đền thờ sống). Hàng năm đến ngày sinh nhật của Nguyễn Công Trứ, nhân dân mở hội mừng thọ ông.
Theo dấu Tướng công Nguyễn Công TrứĐền thờ Nguyễn Công Trứ được xây dựng tại xã Quang Thiện- Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ( Ảnh: Đậu Hà)
Sau khi ông mất vào năm 1858, ngôi đền được tu sửa lần thứ nhất và xây dựng tiền đường năm gian, đổi tên thành Trung Tư Từ. Ngày 14 tháng 11 (âm lịch) hàng năm, nhân dân huyện Kim Sơn đều tổ chức lễ tế tại ngôi đền trong ba ngày. Những ngày lễ đó, các nghệ nhân đến đây với cây đàn đáy, cặp phách và hát những bài ca trù do Nguyễn Công Trứ đặt lời truyền lại…
Trước năm 1829, trước khi Nguyễn Công Trứ về đây, Kim Sơn còn là vùng đất ven biển thuộc phủ Trường Yên với hơn 3.000 mẫu, cây cỏ mọc um tùm. Đây là vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng, phù sa lấn biển, tốc độ bồi tụ của Kim Sơn rất mạnh so với các vùng khác trong tỉnh. Trong quá trình khẩn hoang, Nguyễn Công Trứ cho đào thêm sông Ân nối sông Cái với sông Càn, chiều dài 13,5 km, rộng 15 mét và sâu 3 mét để lấy nước ngọt. Đây là con sông chảy qua tất cả các lý, ấp trại trong huyện khi mới thành lập. Nó như trục xương sống để từ đây, các con sông nhỏ tỏa đi các thôn xóm. Mặt khác, các con kênh nối các làng nhỏ theo hình xương cá được tiến hành xây dựng nhằm dẫn nước tưới, tiêu úng, thau chua rửa mặn để phát triển nông nghiệp.
Tôi gặp một cụ ông gần 90 tuổi là dòng dõi họ Phạm ở thôn Chất Thành. Cụ đưa cuốn gia phả họ Phạm cho tôi xem. Một trong những “cánh tay phải” của Nguyễn Công Trứ đó là Phạm Nhương. Trong cuốn gia phả có mô tả vùng đất này hồi đó là: Phương kỳ sơ lai thủy, diễm mần như lôi, lô cao mạn địa, xa lãng liên thiên, nghĩa là: Lúc đầu mới đến muỗi như sấm, cỏ lau, cỏ lác mọc đầy, đất sóng cát liền trời.
Đất Kim Sơn là loại đất sình lầy nên công cuộc khẩn khoang ở đây rất vất vả. Bên cạnh những trở ngại của thiên nhiên, lúc mới đến đây, dân Kim Sơn còn bị giặc biển, trộm cướp vào quấy rối. Biết thế, Nguyễn Công Trứ đã cho dựng đồn, ngày đêm có người canh gác để kịp báo cho dân làng khi có dấu hiệu cướp phá. Vì thế, đến nay, dân ở đây còn truyền lại câu ca: “Lạc Thiện có chợ có đồn cầm canh”.
Trong lực lượng khẩn hoang ở Kim Sơn năm 1829, trước hết phải kể đến vai trò tổ chức tài tình, độc đáo của Nguyễn Công Trứ trong việc phân công các vị chiêu mộ. Các vị này vừa là những người đứng ra chiêu mộ người, chịu trách nhiệm nhà nước về công cuộc khai hoang, đồng thời cũng là những người trực tiếp tổ chức điều hành công việc khai hoang ở từng lý, ấp trại cụ thể.
Ngoài ra, chiêu mộ cũng chịu trách nhiệm một phần trong kinh phí khai hoang. Nguyễn Công Trứ đề ra chủ trương: “Phàm những đất hoang có thể khai khẩn được cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi làm, mộ những dân nghèo các hạt khác đến khai khẩn”.
Theo dấu Tướng công Nguyễn Công TrứMột góc Khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình ( Ảnh: Đậu Hà)
Thời kỳ Nguyễn Công Trứ ở Kim Sơn, trong dân gian còn truyền lại nhiều câu chuyện mà về đây tôi mới được nghe kể. Thấy Nguyễn Công Trứ từ nơi xa đến làm được nhiều việc, được dân tin yêu, bọn quan lại địa phương nóng mặt bày mưu tính kế để hại ông. Quan trấn Bắc Thành, quan nha huyện Ninh Bình bày mưu đưa đút tiền để bẫy, vu cho Nguyễn Công Trứ ăn hối lộ nhưng ông nhận ra và có cách xử lý thông minh, vạch mặt bọn quan lại. Sau vụ mưu hại Nguyễn Công Trứ không thành, tổng trấn Bắc Thành, trấn thủ Nam Định và tri huyện Giao Thủy dâng sớ về triều đình kết tội Nguyễn Công Trứ.
Chúng cho rằng, Nguyễn Công Trứ bắt lập biên bản kẻ hối lộ làm trò “mua tiếng ngay thẳng cho mình” đều không phải là việc của người quân tử, xin giáng ba cấp, đuổi đi nơi khác. Sớ tâu vua còn vu thêm: “Doanh điền sứ còn bỏ bê công việc, hay bày chuyện hát ả đào, uống rượu”. Nhưng Minh Mạng là ông vua minh triết, ngài rất hiểu Nguyễn Công Trứ nên đã trả lời: “Trong sáu tháng qua, khanh đã làm được điều trẫm giao, không phụ lòng tin cậy của trẫm, khá khen thay! Vậy truyền chỉ nghiêm trách các quan thành, quan trấn còn khanh thì miễn nghĩ”. Cùng với chỉ dụ, vua Minh Mạng còn gửi thưởng cho Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ mấy chục bánh thuốc lào nhưng bỏ vào trong mỗi bánh thuốc lào là một thỏi bạc trắng. Nhìn các thỏi bạc trắng, Nguyễn Công Trứ cười nói: “Thế là ta lại có tiền để đi hát ca trù đây mà”.
Lấn biển, lập huyện Tiền Hải
Năm 1827, trong khi Nguyễn Công Trứ tham gia đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, ông đã nhận ra những kẻ “làm loạn” không phải ai xa lạ mà chính là những người dân đói khổ, lưu vong, không có ruộng đất. Muốn khắc phục triệt để nạn xiêu tán và nổi dậy thì phải giải quyết được nhu cầu ruộng đất và cơm áo cho dân nghèo. Với nhãn quan của một vị quan tài giỏi, Nguyễn Công Trứ nhận thấy những miền bãi bồi ven biển chính là sự hào phóng của thiên nhiên ban tặng.
Bãi biển Tiền Châu (còn gọi là Cồn Tiền) được hình thành từ quá trình bồi tạo của sông Hồng, sông Lân và sông Trà Lý. Lúc đó bát ngát ngàn trùng màu mỡ có thể khai thác thành đất canh tác. Ông đã trình sớ lên triều đình nêu rõ nguyên nhân sâu xa cuộc khởi nghĩa nông dân và đề nghị triều đình tổ chức cho nông dân nghèo tiến hành khẩn đất hoang quy mô lớn ở bãi biển Tiền Châu. Tấu sớ của Nguyễn Công Trứ đã mở ra lối thoát cho tình hình bế tắc nghiêm trọng của cả xã hội đương thời.
Tháng 3/1828, phụng sự triều đình, Nguyễn Công Trứ đến bãi Tiền Châu trực tiếp chỉ huy cuộc đại khẩn hoang với những kế sách độc đáo và táo bạo để yên dân. Tại doanh điền ở Tiền Hải, Nguyễn Công Trứ đặc biệt khuyến khích các làng sở tại. Ngoài việc cấp lương tiền, họ được ưu tiên khai khẩn phần đất giáp ranh với làng cựu, được mộ thêm dân các nơi cho đủ số để lập làng mới mà lý trưởng, ấp trưởng là người sở tại.
Nguyễn Công Trứ chẳng những mộ dân nghèo, ông còn thu hút nghĩa quân của Phan Bá Vành vào cuộc doanh điền với mục đích tránh nguy cơ tái diễn khởi nghĩa nông dân. Những người từ chỗ là lực lượng đối kháng mạnh mẽ của triều đình chuyển thành nhân tố quan trọng của sự phát triển kinh tế và ổn định xã hội…
Theo dấu Tướng công Nguyễn Công TrứTác giả tại Khu tưởng niệm Nguyễn Công Trứ ở Tiền Hải.
Đến tháng 9/1828, công cuộc khẩn hoang hoàn thành. Theo lời tâu của Nguyễn Công Trứ, triều đình nhà Nguyễn đã phê chuẩn lập huyện Tiền Hải thuộc phủ Kiến Xương.
Về đây, chúng tôi được đến thăm khu tưởng niệm Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ có diện tích 20.567 m2 với nhiều hạng mục công trình, hoàn thành năm 2011. Trước đó, dự án khu đình thờ nằm trong quần thể khu di tích Nguyễn Công Trứ với diện tích 949 m2 đã được hoàn thành năm 2006.
Chúng tôi được Chánh văn phòng huyện Tiền Hải đưa đi thăm một vòng theo dấu chân Nguyễn Công Trứ thời xưa. Từ cánh đồng ra đê biển vừa qua bát ngát đồng lúa vàng trĩu hạt với những hệ thống kênh nước vuông vắn đã thấy mênh mông biển Tiền Hải với đường đê bao quanh vững chãi. Hàng trăm ao hồ nuôi tôm, cua và hến cùng với những cái chòi canh trong màn bạc màu biển.
Tôi ngỡ như Doanh điền sứ đang về đây vi hành, vuốt chòm râu bạc, vừa thong thả đi trên đê như vòng tay ôm trọn Tiền Hải vào lòng, vừa ngâm vịnh: “Chí những toan xẻ núi lấp sông/ Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ”. Vâng, lưu danh của ông muôn đời đều tỏ vì ông - con người hiếm có trên thế gian này.

Hà Tĩnh, 19/9/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét