(NTD) - Văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên thể hiện không chỉ ở những bộ trang phục thổ cẩm hay bộ chiêng, trống... mà còn qua mỗi món ăn của từng dân tộc. Đặc biệt, đối với người Ê Đê, món ăn phản ánh phong tục, lối sống phóng khoáng, gần gũi giữa con người với thiên nhiên thông qua cách chọn nguyên liệu, chế biến theo phong cách dân dã, đậm chất núi rừng.
Chủ nhà và khách cùng thưởng thức bữa cơm đầm ấm. |
Từ bao đời nay, để thích ứng với thiên nhiên, người Ê Đê đã biết tận dụng các loại rau rừng để chế biến thành những món ăn đặc trưng của họ. Ngày nay các món dân dã ấy đã trở thành đặc sản riêng mang đậm hương vị của núi rừng. Với mong muốn khám phá “Trải nghiệm Văn hóa - ẩm thực của đồng bào Ê Đê”, tìm hiểu lịch sử nhà dài, cồng chiêng, rượu cần và món ăn truyền thống đầy hấp dẫn, tôi đã có một ngày tuyệt vời đầy ý nghĩa tại buôn Êcăm, thị trấn Buôn Trấp, Krông Ana (Đắk Lắk).
Lá mì xào. |
Tiếng chiêng ngân dài phát ra từ nhà Amí H’Nen - chủ nhà, đồng thời là đầu bếp chính như lời mời mọc đầy mê hoặc lòng người. Các chị em phụ nữ không phân biệt tuổi tác, đang khẩn trương chế biến món ăn, người nhặt rau, kẻ nướng thịt. Không cần ai phân công, ai nấy cũng góp tay vào, tạo nên không khí rôm rả, náo nhiệt như ngày hội. Amí H’Nen vừa nấu vừa giới thiệu cho khách về thực đơn các món như: Canh môn rừng, vách (ruột non) bò, cá lóc suối, gà nướng, cà đắng, gỏi chuối non... Và không quên nhắc khéo kèm nụ cười bí ẩn: “Với các món này tí nữa nồi cơm sẽ hết veo”.
Amí H’Nen cho biết: “Hầu hết các món ăn của người Ê Đê từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến quy trình chế biến đều rất công phu và tốn khá nhiều thời gian, trong đó, có thể kể đến món canh môn rừng, lá mì xào, canh cà đắng... Đặc biệt, đối với món canh môn rừng: Để canh có vị ngon và chín đều, phải vào rừng hái đúng loại môn ngứa bẹ nhỏ, lá xanh; chọn vách bò, thịt tươi ngon nhất. Khi nấu, phải ninh hơn tiếng đồng hồ cho môn, đu đủ thật nhừ rồi mới bỏ thịt, vách bò vào - tất cả đều thẩm thấu hương vị, làm cho món ăn vừa cay vừa mặn. Quan trọng nhất, để món này chín đều và có hương vị đặc trưng, không thể thiếu bột gạo và lá “yao”.
Canh cà đắng khô. |
Thường các món ăn của người Ê Đê luôn có vị đắng - cay - chát đặc trưng. Với họ, càng cay, càng đắng thì càng ngon, bởi thế, hầu hết các món ăn truyền thống không thể thiếu ớt. Món ăn của người Ê Đê rất phong phú, đa dạng, luôn có sự kết hợp nhiều loại nguyên liệu với nhau thể hiện tính đoàn kết trong cộng đồng. Nguyên liệu chủ yếu lấy trong tự nhiên như cà đắng, lá tàu bay, lá bép, đọt mây, măng le, cá suối, thịt thú rừng nhưng nay rất khan hiếm, khó tìm. Cũng bởi thế, thịt heo đen (heo nuôi tự nhiên thả rông) được dùng để thay thế thịt rừng và có vị ngon không kém. Còn các loại rau, được người dân mang giống từ rừng về trồng trong rẫy hoặc vườn nhà, vì chúng ngày càng trở nên khan hiếm theo thời gian.
Khi thức ăn vừa chín, chủ nhà sẽ trải chiếu mang ra giữa nhà dài để đãi khách. Trước khi dùng bữa, gia chủ sẽ trình bày lý do và không quên mời già làng giới thiệu, nói về truyền thống của đồng bào Ê Đê. Trong gian nhà dài, cả khách lẫn chủ hàn huyên tâm sự, vừa nói về văn hóa phong tục tập quán của đồng bào mình, vừa dùng cơm thân mật. Chị Huỳnh Thủy cho biết: “Tôi đã từng thưởng thức món ăn của đồng bào Ê Đê ở các địa phương khác nhau, mỗi nơi đều có hương vị đặc trưng nhưng luôn có vị cay nồng hấp dẫn. Vốn có nhiều bạn bè Ê Đê nên mỗi lần thèm ăn các món dân dã như cà đắng giã, lá mì xào, cá lóc nấu kiến vàng,... tôi lại rủ chúng bạn về buôn làng để cùng làm, và nhất định sau này tôi sẽ tự làm để đãi lại bạn bè của tôi ở tỉnh khác, giới thiệu cho họ về ẩm thực của người Ê Đê”.
“Văn hóa của đồng bào Ê Đê chúng tôi được thể hiện qua nhiều góc cạnh: Từ ngôi nhà dài, cồng chiêng đến lễ hội và cả trong ăn uống hàng ngày cũng phản chiếu lối sống gần gũi thiên nhiên, tính đoàn kết cộng đồng dân tộc. Ngày nay, văn hóa Ê Đê đang dần bị mai một. Hình ảnh người phụ nữ Ê Đê mang gùi đầy ắp trái bầu khô đựng nước suối, mai này chỉ còn thấy trong phim tư liệu. Nhà dài dần dần được thay thế bằng nhà xây mái kiểu Thái. Số lượng chiêng, ché chỉ đếm trên đầu ngón tay, các lễ cúng truyền thống không được duy trì thường xuyên, cả những món ăn thân quen một thời cũng dần thưa vắng” - Già làng Y Guk Êcăm tâm sự.
BELLA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét