Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2017

Nhà văn nào sáng tác truyện 'Đồng hào có ma'?

Là nhà văn tiêu biểu của trào lưu hiện thực trước năm 1945, ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng như Đồng hào có ma, Kép Tư Bền, Bước đường cùng...


nha-van-nao-sang-tac-truyen-dong-hao-co-ma
Bìa một ấn phẩm truyện ngắn "Đồng hào có ma".Nguyễn Công Hoan (1903-1977) là một trong những nhà văn tiêu biểu của trào lưu văn học hiện thực tiến bộ những năm đầu thế kỷ 20. Mảng truyện ngắn trào phúng là sở trường trong sự nghiệp sáng tác của ông.
dung-day-la-sang-tac-cua-nha-van-nguyen-cong-hoan
Nhà văn Nguyễn Công Hoan.
Là nhà văn am hiểu sâu sắc xã hội phong kiến, Nguyễn Công Hoan đã khắc họa nổi bật tính cách những viên quan lại chuyên ăn hối lộ, đục khoét, ăn bẩn... Một trong những viên quan mà ông miêu tả là huyện Hinh trong truyện ngắn Đồng hào có ma (năm 1937).
Theo nhiều nhà phê bình văn học, nhân vật trong truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan là nhân vật của sân khấu hài kịch. Để làm nổi bật tính chất hài hước, ông sử dụng triệt để và tài tình biện pháp phóng đại.
Trong truyện ngắn, diện mạo của huyện Hinh được mô tả bằng đoạn văn:
Chà! Chà! Béo ơi là béo! Béo đến nỗi giá như có thằng dân nào vô ý buột mồm nói ra một câu sáo rỗng nhờ bóng quan lớn là ông tưởng ngay nó nói xỏ ông... Nguyên cái da mặt ông nhỏ, mà có lẽ vì ông béo quá nên lỗ chân lông căng ra, căng thẳng quá đến râu không có chỗ nào lách ra ngoài được. Và trên cái bộ mặt béo đến quái thai ấy là hai hàng lông tơ đứng ở hai bên miệng ông, nó hình thành hai cái dấu chua nghĩa.
Nguyễn Công Hoan đã công thức hóa khi khắc họa diện mạo, hình thức của quan lại tham lam, thích ăn bẩn khi đó, là béo đến dị hình dị dạng. Song cái tài của ông chính là ở chỗ kết hợp biện pháp phóng đại với lối so sánh độc đáo tạo nên được những nét rất riêng, gây buồn cười trong từng nhân vật.
Truyện Đồng hào có ma kể  "con mẹ Nuôi" đi trình việc mất trộm hôm trước lên quan. Trước khi lên quan, bà ta chạy vạy vay mượn một đồng hai hào, vì nó biết được "thông lệ gặp quan".
Ở cổng quan, bà ta phải hối lộ cho cậu lính lệ hai hào để nhờ anh này vào bẩm quan. Trước mặt quan, bà ta lúng túng đánh rơi tiền, năm đồng hào đôi rơi xuống đất, vương vãi khắp nơi.
Bà ta tìm mãi mới được bốn đồng hào, còn đồng thứ năm tìm mãi không thấy. Người đàn bà tưởng đồng hào có ma, tự dưng biến mất.
Không đủ tiền hối lộ quan, bà này lủi thủi ra về. Huyện Hinh chờ người đi khuất đưa mắt xuống chân dịch chiếc giày ra một tí, thò tay nhặt đồng hào, thổi những hạt cát còn bám và bỏ tọt vào túi.
Tiểu thuyết Bước đường cùng được nhà văn Nguyễn Công Hoan viết năm 1938, độ dài hơn hai trăm trang. Cuốn sách từng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường và được ghi nhận như một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của dòng văn học hiện thực phê phán giai đoạn 1930-1945.
Bước đường cùng là câu chuyện về nhân vật anh Pha, một nông nhân nghèo khổ, bị áp bức trong xã hội phong kiến. Anh Pha cùng Trương Thi và San là những người cùng chung một số phận, cùng bị Nghị Lại tịch ký mất ruộng.
Vì không trả được nợ, cả ba đã đoàn kết chặt chẽ, không cho thợ gặt của tên địa chủ ấy xuống gặt lúa của mình. Khi hắn đưa lính khố xanh về hộ vệ cho thợ gặt cướp lúa của anh, anh đã hăng tiết lên vớ được một chiếc đòn càn, xông vào Nghị Lại, phang một cái thật mạnh vào đầu.
Anh bị đám lính ôm ghì lây, đè ngửa ra và trói gô lại, khiêng đi trình quan. Kết thúc, nhà văn đã mô tả tâm trạng ấm ức, nghẹn ngào của nhân vật này.
Pha giơ hai cánh tay bị trói lên trời, nắm chặt bàn tay run run vào ngực để tỏ nỗi căm hờn, nghiến răng, rồi nhắm nghiền mắt lại, kệ cho hai dòng lệ nó tuôn ra, và kệ cho ba anh em theo mình, không biết đến đâu mới trở lại...
Trong khi đó, truyện ngắn Kép Tư Bền được nhà văn viết năm 1927, xuất bản năm 1935 từng là đề tài cho cuộc bút chiến giữa hai quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh lúc bấy giờ.
Kép Tư Bền là nghệ sĩ có tài, nhưng cũng là con người của số phận đầy bi kịch. Trong khi người cha đang hấp hối trên giường bệnh thì anh vẫn phải mua vui cho thiên hạ trên sân khấu.
Truyện ngắn Người ngựa, ngựa người viết năm 1931, lấy bối cảnh ngày cận Tết. Nhà văn đã sắp đặt để anh phu kéo xe đêm ba mươi Tết chạy gắng kiếm tiền nuôi vợ rước khách là một người đàn bà, trông bên ngoài là quý bà nhưng lại là một cô ả "ăn sương". Diễn biến tâm lý của câu chuyện dẫn hai người đến sự thấu cảm bởi nhận ra chung số phận cùng đường trong xã hội.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan quê ở làng Xuân Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Từ nhỏ, ông được nghe và thuộc rất nhiều câu thơ, câu đối và những giai thoại có tính chất trào lộng, châm biếm, đả kích tầng lớp quan lại. 
Năm 1926, ông tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, làm nghề dạy học ở nhiều nơi như Hải Dương, Lào Cai, Nam Định. Ông viết văn từ sớm, tác phẩm đầu tay Kiếp hồng nhan (viết năm 1920, được xuất bản năm 1923) là đóng góp cho nền văn xuôi Việt Nam bằng chữ quốc ngữ.
Có một giai thoại về ông, khi nhà chức trách hỏi về học vấn để bổ sung vào hồ sơ lý lịch, Nguyễn Công Hoan nhận mình là người chỉ đọc thông, viết thạo.
dung-que-ong-o-hung-yen
Minh họa cho truyện ngắn "Người ngựa, ngựa người".
Nhiều tác phẩm của ông gây tiếng vang trong dư luận một thời, có tác phẩm trở thành kinh điển của dòng văn học hiện thực như Người ngựa, ngựa người (truyện ngắn, 1931), Thế là mợ nó đi Tây (truyện ngắn, 1932), Tắt lửa lòng(truyện dài, 1933), Lá ngọc cành vàng (tiểu thuyết, 1934), Kép Tư Bền (tập truyện ngắn, 1935), Oẳn tà roằn (truyện ngắn, 1937), Bước đường cùng (tiểu thuyết, 1938), Tinh thần thể dục (truyện ngắn, 1939), Cái thủ lợn (tiểu thuyết, 1939)…
Sau Cách mạng tháng tám năm 1945, ông làm giám đốc kiểm duyệt báo chí Bắc Bộ, kiêm giám đốc Sở Tuyên truyền Bắc Bộ. Sau đó ông gia nhập Vệ quốc quân, làm biên tập viên báo Vệ quốc quân, giám đốc trường Văn hóa quân nhân, chủ nhiệm và biên tập tờ Quân nhân học báo.
Năm 1951, Nguyễn Công Hoan làm việc ở Trại tu thư của ngành giáo dục, biên soạn sách giáo khoa và sách lịch sử Việt Nam hiện đại từ Pháp thuộc đến năm 1950. Từ sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954, Nguyễn Công Hoan trở lại nghề văn.
Khi Hội nhà văn Việt Nam thành lập  năm 1957, ông là chủ tịch đầu tiên của hội sau đó tham gia với cương vị ủy viên thường vụ Ban Chấp hành nhiều khóa. Ông còn là Tổng biên tập đầu tiên của báo Văn nghệ, khi ấy gọi là Chủ nhiệm báo Văn.
Nguyễn Công Hoan được giới phê bình đánh giá là một trong số ít nhà văn hiện đại Việt Nam viết nhiều nhất với hơn 200 truyện ngắn, gần 30 truyện dài, tiểu thuyết và nhiều tiểu luận văn học.
Nhà văn Nguyễn Công Hoan có ba người em trai đều tham gia hoạt động cách mạng và từng giữ các cương vị quan trọng là Nguyễn Công Miều (Lê Văn Lương), nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Công Bồng, nguyên Phó tổng giám đốc Nha công an; Nguyễn Công Mỹ, nguyên Tổng giám đốc đầu tiên Nha bình dân học vụ.
Nguyễn Công Hoa mất ngày 6/6/1977 tại Hà Nội. Tên ông được đặt cho một con phố ở quận Ba Đình (Hà Nội), đoạn giữa hai phố Ngọc Khánh và Nguyễn Chí Thanh.
Từ điển bách khoa Việt Nam đánh giá nhà văn Nguyễn Công Hoan là ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam, đến với chủ nghĩa hiện thực bằng văn học trào phúng.
"Từ những truyện đầu tiên, ông đã tìm đề tài trong những người nghèo khổ, cùng khốn của xã hội. Đa số nhân vật phản diện của ông đều thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và quan lại, cường hào. Toàn những cảnh xấu xa, bỉ ổi, những chuyện bất công, ngang ngược, những con người ghê tởm, đáng khinh bỉ. Nguyễn Công Hoan tạo ra những tình huống bất ngờ, rồi phá lên cười và làm cho người khác cười theo, nhưng ngẫm lại thật thương tâm đau xót".

Mạnh Tùng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét