Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Ngô Thì Nhậm - bản lĩnh trí thức trong buổi nhiễu nhương

Ngô Thì Nhậm là một trí thức có tầm nhìn tiến bộ và đa tài... Trịnh Sâm khen ông: Tài học không ở dưới người. Quang Trung ca ngợi ông: thuộc dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời. Riêng về thơ văn trước tác, ông viết đủ loại: nghiên cứu (sử địa), bình luận (văn hoá xã hội), thơ phú...
 Ngô Thì Nhậm (1746-1803), tự là Hy Doãn, hiệu là Đạt Hiên, người làng Tả Thanh Oai (làng Tó) huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông là con trai cả của Ngô Thì Sĩ. Ông sinh ra lúc thân phụ Ngô Thì Sĩ chưa đỗ đạt gì, nên tuy con nhà gia thế, ông vẫn phải trưởng thành trong thiếu thốn. Ông thông minh , học giỏi, sớm có những công trình về lịch sử. Năm 1775, ông đỗ tiến sĩ tam giáp (cùng khoa với Phan Huy Ích) làm quan ở bộ Hộ. Năm 1778 làm Đốc đồng Kinh Bắc và Thái Nguyên.



 Ngô Thì Nhậm (1746-1803)

Khi đó cha ông làm Đốc đồng Lạng Sơn. Cha con đồng triều, phụ tử thế khoa, nổi tiếng văn chương trong thiên hạ...
Năm 1788, Nguyễn Huệ ra Bắc lần hai, xuống lệnh cầu hiền tìm kiếm quan lại của triều cũ. Ngô Thì Nhậm đã nhận biết tính chất tiến bộ của khởi nghĩa Tây Sơn và tài năng, đức độ người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, nên ông sớm mang tài năng mình đến với Tây Sơn, góp công lớn trong chiến công đại phá quân Thanh và sau đó duy trì hoà bình với triều đình Càn Long. Quang Trung mất, ông không còn được tin dùng, quay về nghiên cứu Phật học. Năm 1803, sau trận đòn thù ở Văn Miếu, ông tạ thế.
Ngô Thì Nhậm là một trí thức có tầm nhìn tiến bộ và đa tài... Trịnh Sâm khen ông: Tài học không ở dưới người. Quang Trung ca ngợi ông: thuộc dòng văn học Bắc Hà, thông  thạo việc đời. Riêng về thơ văn trước tác, ông viết đủ loại:  nghiên cứu (sử địa), bình luận (văn hoá xã hội), thơ phú...
Thơ Ngô Thì Nhậm ẩn chứa những suy nghĩ tiến bộ về thời thế và cách ứng xử của kẻ sĩ lấy lợi ích dân nước làm trọng. Ông ca ngợi bản lĩnh cá nhân, đề cao sự nỗ lực của con người và chống chủ nghĩa lý lịch: Xưa nay khanh tướng đâu dòng giống. Ông quan niệm việc học không có chỗ cho sự thoả mãn:
 Một bằng trăm, trăm phải bằng muôn
 Núi cao thêm đất bồi lên nữa.

 Cách nghĩ việc đời của Ngô Thì Nhậm tiêu biểu cho những trí thức tự tin, lấy nội lực mà thắng những đảo điên nhất thời. Đêm nằm nghe sóng biển ầm ào, ông tự liên hệ:
Chở nhiều mà vẫn không hờn giận
Ở thấp lo chi chẳng vững vàng (...)
Còn nơi sâu thẳm ai lường được
Thu nước muôn sông vẫn sẵn sàng.

Mười ba năm làm quan dưới triều vua Lê chúa Trịnh, lắm nỗi nhiễu nhương, nhân dân đói khổ, tài năng bị hãm hại, Ngô Thì Nhậm có cái lặng lẽ trí tuệ. Lặng nhìn, ngẫm lẽ trời xoay chuyển để tìm quy luật: Đây lõm thì kia ắt phải lồi. Ông thấu hiểu nỗi đời trái khoáy: ngựa hèn thì thường nhàn, ngựa hay thì vất vả.. Nhưng ông không cầu an nhàn. Coi công danh là chuyện nhất thời ngắn ngủi, chưa đủ chín một nồi kê, nhưng lại cổ vũ sự cố gắng, thúc đẩy sự chuyên cần! Đi vội vã, ngủ qua loa. Ngay đến việc trông nồi kê chín cũng phải mở con mắt Tuệ mà trông chứ không phải ngủ khì để nằm mơ như Lư sinh trong truyện cổ.. Ông tự rèn luyện để coi nhẹ công danh nhưng không coi nhẹ việc nhập thế giúp dân nước. Ông từng tự hỏi: Nhân dân áo rách, mình gày vì đâu?
Ngô Thì Nhậm làm quan nổi tiếng liêm khiết. Kẻ sĩ trong thời nhiễu nhương nhiều nông nỗi buồn phiền ghê gớm lắm, phải có cách nghĩ cao hơn để vượt trở ngại hiện thực. Cách nghĩ của Ngô Thì Nhậm là tìm sự thanh thản trong quy luật của thiên nhiên, của lịch sử. Đến được với Nguyễn Huệ giữa một đám cựu thần ngu trung lạc hậu, câu nệ thời đó phải là kết quả của một tầm nghĩ vượt qua giáo điều hạn hẹp của Nho gia, một tầm nghĩ xuất phát từ lợi ích của người dân áo rách, mình gày. Chữ Trung, với Ngô Thì Nhậm, đã mang một nội dung mới có tính cách mạng. Đấy là chỗ vượt thời đại của Ngô Thì Nhậm. Ngay cả lúc thất thế, sau khi Quang Trung mất, quay về nghiên cứu Phật học, suy nghĩ những quan hệ triết học giữa bản thể và hiện tượng, giữa Nho và Phật, ông vẫn luôn luôn đề cao thái độ nhập thế tích cực.
Đến thăm một thiền viện mang tên Yết tâm xứ, ông viết: Nhà Nho chúng ta lấy chữ tồn tâm làm việc cần thiết nhất, chứ chưa từng biết đến cái cái gọi là yết tâm. Yết nghĩa là dừng lại... Tôi e rằng chữ yết chưa bao quát được chữ tồn. Tâm yết ở chỗ này mà tồn ở chỗ khác. Ngô Thì Nhậm chưa thành công khi muốn dùng đạo Phật để cứu đạo Nho suy thoái, nhưng ông lại có đóng góp khi hướng Thiền học vào việc giúp đời. Ông được tôn là vị tổ thứ tư của dòng Thiền Trúc Lâm. Ông xa lạ với mọi biểu hiện trốn đời, thoát tục. Nhìn  sương giăng mờ che nửa núi, Ngô Thì Nhậm nhận xét:

Núi cả dường che bao khéo léo
 Không khoe cao vút để người kinh.

Thơ Ngô Thì Nhậm đôn hậu, đạo lý là từ những quan niệm hoà với người đời như vậy. Ông quan niệm thơ: Cái có thể làm phấn chấn lòng người, cảm phát tình người thì không gì  lớn hơn thơ. Về phương pháp nghệ thuật, ông đòi thơ phải đẹp như gấm vóc mà không bay bướm, bền chắc như vải lụa mà không quê mùa.
Vũ Quần Phương (Đại đoàn kết) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét