Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Nón ngựa Gò Găng

TTO - Không hiểu sao một chiếc nón được làm công phu và đẹp một cách kiêu kỳ lại mang một cái tên không đẹp chút nào: nón ngựa.
Nón được làm từ Gò Găng, một tiểu thị trấn trên quốc lộ 1, gần thành Đồ Bàn, Bình Định - nơi cách đây trên 500 năm, một cuộc hôn nhân vương giả giữa Chế Mân và Huyền Trân đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực và những giọt nước mắt.
Nón ngựa Gò Găng

Không mỏng nhẹ như nón bài thơ xứ Huế, cũng không nặng nề như nón quai thao, nón ngựa Gò Găng thanh mà không mảnh, dày mà không nặng. Nón được làm bằng những phiến lá kè rất nhỏ lấy về từ đỉnh Cù Mông, xếp thật khéo, san sát bên nhau cùng đồng quy trên đỉnh như ngàn muôn tia nắng ấm áp phát ra từ mặt trời. Có lẽ vì vậy nên màu nón không trắng mà vàng như lụa.
Nhưng công phu và đẹp nhất phải là sườn nón. Không đơn sơ như nón bài thơ hay thô cứng như nón quai thao, sườn nón ngựa không chỉ gồm những vành tròn từ to nhỏ lần lên đỉnh, mà còn đan nhau bởi những nan chéo chuốt mỏng hơn cây tăm, lớp nọ chồng lớp kia, cứ như đòn tay, rui, mè trong một ngôi nhà rường, mà lớp lá lợp bên ngoài trông như ngói úp.
Từ vành nón đến chỉ khâu đều bằng cước trong vắt như cước cá. Thay vì lồng giữa hai lớp lá mỏng vài câu thơ, hình ảnh chùa Thiên Mụ, cầu Tràng Tiền như nón Huế, nón ngựa Gò Găng thêu bên trong những con rồng, con phượng, tuy với những đường nét đơn sơ nhưng vẫn gợi lên vẻ quyền quý cao sang. Chính vì vậy mà nón ngựa rất hợp cho các bà hoàng, bà chúa, các mệnh phụ hay các cô gái ngày xưa trong lễ vu quy.
Hãy hình dung một người đẹp đội trên đầu một chiếc nón vàng như đồng lúa chín, đeo đôi bông tai và mang một chiếc kiềng bằng vàng sáng chói, mặc áo gấm vàng rập rờn những đuôi chim phượng dài đà đuột, ngồi trên chiếc kiệu sơn son thếp vàng, có chú rể cưỡi một con ngựa trắng như tuyết đi bên cạnh mới thấy chiếc nón ngựa Gò Găng đẹp kiêu kỳ và đài các đến ngần nào. Tiếc là không còn những cặp vợ chồng vương giả như thế.
Các quý bà giờ thường bước xuống từ xe hơi bóng loáng nên chiếc nón ngựa chẳng những kềnh càng mà còn làm cho họ sợ hơi già nếu không muốn nói là sợ bị chê nhà quê!
Nhưng không quê đâu. Tôi đã từng thấy những cô đầm đội nón ngựa, đẹp và sang không ngờ. Tôi cũng trông thấy những ông Tây nâng niu món quà quý về cho vợ, cho mẹ. Các Việt kiều từ Mỹ, Úc, Pháp khi về nước thường mua nón ngựa, cho dù không đội nhưng treo trong phòng vẫn đẹp như một tác phẩm nghệ thuật.
Thật ra nón ngựa Gò Găng bây giờ vẫn rất hợp cho những người từ 50 tuổi trở lên. Các cụ bà mặc áo dài nhung, đi hài thêu, đội lên mái đầu đã bạc chiếc nón ngựa còn đẹp hơn nữa, một nét đẹp trang nghiêm quý phái khiến cháu con càng yêu kính.
Điều lạ là cả nước chỉ có đất Gò Găng mới đủ tinh xảo để làm ra chiếc nón ấy. Tiếc là bây giờ, chiều theo yêu cầu của một số khách hàng, người làm nón lại bọc bên ngoài một lớp nilông. Theo tôi như vậy là làm mất vẻ đài các của nón ngựa. Đó là một kiểu nón để “chơi” chứ không để “đội”. Muốn dãi nắng dầm mưa, muốn ăn chắc mặc dày hay muốn tiết kiệm thì hãy mua nón lá thường dùng xếp từng chồng cao ở các chợ.
Người sành điệu phải lặn lội tới Gò Găng, mua chiếc nón từ những nhà làm nón giữ được nghề từ mấy trăm năm, xem từng chiếc nan, từng mối cước, từ những con rồng con phượng cho đến cái chóp bạc trên đỉnh nón. Mua chiếc nón mà bâng khuâng tưởng chừng như mua một món cổ vật gia bảo. Người bán nhìn người mua đội thử, ngắm một lần nữa tác phẩm phải mất cả tháng mới làm xong, lòng rưng rưng vừa ý, trước khi cầm tiền vẫn không quên dặn cách trân trọng giữ gìn. Chính họ gửi đến người mua một nụ cười biết ơn vì đã có con mắt tinh đời nhận ra món hàng độc đáo của họ.
Giờ đây tôi mới hiểu tại sao lại gọi là nón ngựa, phải chăng như người phương Tây, con ngựa được cho là con vật đẹp nhất trong các con vật. Nón ngựa, đúng là đẹp nhất trong các kiểu nón.
KHUẤT ĐẨU

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét