Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

Xanh mát Vực Rêu

TTO - Là một thắng cảnh khá nổi tiếng bên sườn tây Yên Tử nhưng Vực Rêu (còn gọi là Suối Rêu), tên con suối dài 3km nằm gọn dưới khe núi Lòng Thuyền thuộc địa phận thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (Bắc Giang), ít được biết đến. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi lên đường...
Toàn cảnh Vực  Rêu - Ảnh: Tiến Thành

Tháng 11 trở đi, đất trời Hà Nội ngấm dần cái lạnh se sắt của mùa đông. Với niềm hứng khởi muốn thay đổi không khí, từ sáng sớm chúng tôi đã lên đường đến Vực Rêu.
Qua thành phố Bắc Giang, theo quốc lộ 37 hướng đi Sao Đỏ khoảng hơn 30km là đến địa phận xã Cẩm Lý. Từ đây vượt con dốc lởm chởm đầy đất cát, chúng tôi mới đặt chân tới hạ nguồn Vực Rêu.
Nước suối mùa cạn chỉ còn chảy róc rách từng dòng nhỏ, tạo cơ hội cho những tảng đá lớn phô bày hết vẻ đẹp khỏe khoắn pha chút mềm mại. Cũng chính vì thế, tất cả quyết định đi ngược dòng suối để lên thượng nguồn thay vì đi theo đường mòn ven núi. Dẫu biết khá vất vả nhưng càng đi càng gặp nhiều bất ngờ.
Những ghềnh đá, thác nước cao vun vút cứ nối tiếp nhau tầng tầng lớp lớp như những bậc thang khổng lồ, kỳ vĩ. Thi thoảng giữa lưng chừng thác nước lại gặp những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi với bộ rễ chằng chịt bám vào những vách đá. Hai bên triền núi là rừng thông xanh mướt trải dài vô tận. Không khí trong mát và dễ chịu vô cùng.
Men theo những vách đá còn bắt gặp vô số những loài bướm lạ, nhiều màu sắc. Chúng bay lượn tung tăng hoặc tắm mình dưới nắng. Chốc chốc từng đôi bướm lại vụt bay nô đùa rồi hút mật của những bông hoa dại ven suối.
Những nhánh lau trắng muốt hoặc thâm nâu vươn lên tua tủa như những đám mây hòa cùng nền trời xanh ngắt. Mỗi khi có gió thổi qua, những cành lau lay động bật tung bụi phấn khắp không gian.
Tảng đá khổng lồ với những vết lồi lõm mà người dân địa phương cho đó là dấu tích của bàn chân Phật - Ảnh: Tiến Thành
Một con bướm hút mật hoa xuyến chi bên suối - Ảnh: Tiến Thành
Địa hình cheo leo hiểm trở của các vách đá Vực Rêu - Ảnh: Tiến Thành

Hành trình ngược Vực Rêu biến chúng tôi thành những nhà leo núi nghiệp dư: lúc phải bám vào cây rừng, cheo leo trên những vách đá dựng đứng; lúc phải luồn qua những bụi cây rậm rạp, đầy gai. Bù lại, sau chặng đường vất vả là cảm giác hạnh phúc tuyệt vời khi lên tới thượng nguồn Vực Rêu.
Một quang cảnh bao la, hùng vĩ và nguyên sơ trải ra trước mắt với một thung lũng mênh mông những trảng cỏ xanh mướt bao quanh những đồi thông.
Đi sâu vào trong, cả nhóm còn bất ngờ khi gặp vài căn nhà vách đất, bao quanh là những cây đào rừng trụi lá. Chủ nhân của chúng là chị Duyên, 28 tuổi, người Lục Nam. Gia tài của gia đình chị còn có một đàn trâu bò và mấy thửa đất trước nhà đang chờ làm cỏ để trồng hoa màu khi đông về.
Cuộc sống của gia đình chị Duyên cách biệt hoàn toàn với bên ngoài: không điện, không thông tin và cũng không ồn ào nhưng bao phủ lên đấy là một không gian yên ả và bình dị.
Cận cảnh một cây cổ thụ mọc ven suối  - Ảnh: Tiến Thành
Chặng đường tới thượng nguồn Vực Rêu phải vượt qua 4, 5 thác đá như thế này - Ảnh: Ngọc Thắng
Khung cảnh nên thơ với những rặng trúc và cây cổ thụ - Ảnh: Tiến Thành

Theo lời chị Duyên, trên ngọn núi Huyền Đinh còn có ngôi chùa Mã Yên năm xưa Trần Nhân Tông chọn làm nơi tu hành sau khi từ bỏ ngôi vua (1293). Chỉ tiếc qua năm tháng, giờ ngôi chùa chỉ còn lại những dấu tích bằng đá nằm sau bìa rừng.
Quyết tâm tìm ra dấu tích ngàn năm, chúng tôi đi sâu vào núi dù được cảnh báo sẽ không có đường mòn tới đó. Nhưng may mắn cuối cùng cả nhóm cũng tìm ra dấu tích ngôi chùa cổ.
Nằm giữa một vườn vải rộng lớn giờ chỉ còn những bức tường đá thấp đổ nát bị thời gian bào mòn thành đất, một giếng nước giờ đã bị đất đá lấp đầy… Nhưng bấy nhiêu cũng đủ khiến tất cả bồi hồi, lòng dâng đầy thành kính trước cuộc đời thanh bạch của vị sư tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
"Trang trại" giữa chốn núi rừng - Ảnh: Tiến Thành
Dấu tích còn lại của ngôi chùa cổ Mã Yên - Ảnh: Tiến Thành
Ghi lại khoảnh khắc giao mùa - Ảnh: Tiến Thành

Vực Rêu về chiều càng xanh mát. Nắng dát vàng đổ xuống những tán lá thông chuyển sắc thu - đông. Lạ lẫm khi giữa chốn rừng hoang lại có một cây phong hội đủ ba màu lá: đỏ, vàng, xanh. Khoảnh khắc giao mùa hiện rõ trên mỗi chiếc lá.
Chúng tôi mải mê sáng tác những bức ảnh bên cây phong độc nhất vô nhị ấy, cho đến 3 giờ chiều mới chợt nhớ mình còn phải quay về!

NGỌC THẮNG - TIẾN THÀNH
Hoang sơ vực Rêu

Vực Rêu nằm tại khe núi Lòng Thuyền thuộc địa phận thôn Giáp Sơn, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (Bắc Giang) bên sườn tây Yên Tử. Vực Rêu hay còn gọi là suối Rêu, có vẻ đẹp cổ kính của những cây cổ thụ xù xì rễ mọc ôm đá với những dáng thế dị thường và sự huyền ảo của những hồ nước trong veo, xanh biếc màu ngọc bích…
Vạch qua những khóm hải đường rậm rạp, um tùm sẽ đến một con suối cạn bằng đá, trải từ trên cao xuống, với độ dốc khá lớn. Thảm đá này rộng chừng hơn chục mét, dài tới hơn bảy cây số.
Bất kỳ ở đoạn nào trên con suối đá này cũng đều có những cảnh đẹp, có thể mê mải ngắm nhìn không chán mắt. Bất giác ngoái lại thì thấy cảnh vật hoàn toàn mới lạ. Đôi lúc, ta gặp những phiến đá được thiên nhiên đẽo tạc thành những hình thù kỳ quái. Vào mùa nước, những vách đá ấy trở thành những thác nước hùng vĩ, còn mùa khô thì nó lại như phế tích một thành cổ dựng đứng. Leo lên những vách đá này quả thực có phần khó khăn, mạo hiểm, nhưng cũng không kém phần thú vị. Nhưng vẫn còn dễ leo vì có cạnh đá để bám tay, có hốc đá để giẫm chân vào. Gay go nhất là vượt qua những thảm đá nhẵn lỳ, trơn tuột, thoai thoải dài tới cả trăm mét, không cẩn thận sẽ bị trượt tay.

Đôi khi ta lại bắt gặp những khoảng lòng suối nhẵn thín, độ dốc không đáng kể, tạo nên những tấm phản đá lớn đủ chỗ cho hàng chục người ngồi nghỉ sau chuyến leo núi đầy cam go, mạo hiểm. Chỉ cần ngả lưng xuống đó, bao mệt nhọc tan biến và khoan khoái đến lạ thường. Đứng từ trên đỉnh núi cao nhìn xuống, thảm đá này trông giống như một dải lụa màu hồng sẫm vắt dọc triền núi. Trên dải lụa ấy được trang điểm bằng những “viên ngọc bích” lung linh. Đó là các hồ nước nhỏ trong veo, xanh biếc - là những hồ tắm thiên tạo mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho du khách.

Như để hòa đồng thiên nhiên, đôi bên bờ suối vực Rêu là bát ngát những đồi sim. Nếu ai đó đến đây vào cữ tháng 3, thì chắc chắn sẽ ngập trong một biển hoa phớt hồng chạy tít tới tận

chân trời. Vượt qua những đồi sim thì đến những núi cỏ trải dài đến vô tận. Ở đây, bầu trời như đột ngột rộng thêm, không gian hiện ra trùng điệp những triền núi. Những thảm cỏ xanh mướt, non tơ, nối nhau chạy tít lên những đỉnh núi cao, hòa lẫn vào nền trời, không gian như nở ra mênh mang, khiến du khách choáng ngợp trước thiên nhiên bao la. Bất ngờ, chúng tôi phát hiện ra cả hàng trăm con dê trên núi cỏ. Đàn dê này là của gia đình ông Mão quê ở tận Ninh Bình, vì nghe nói vùng rừng núi nơi đây dồi dào nguồn thức ăn cho dê, nên ông đã kéo cả gia đình đến đây lập nghiệp. Thực thích thú khi ngắm đàn dê của ông. Chúng chạy nhảy, nô đùa, cứ choanh choách nhảy từ mỏm đá nọ sang mỏm đá kia trên những vách đá dựng đứng, như những vũ công balê điêu luyện.

Ở vực Rêu còn có một sân chim khá độc đáo với hàng trăm ngàn con cò, vạc, sếu, le le, vịt trời... Cả những loài chim quý như trĩ cũng tới đây quần cư. Mỗi sáng, chúng bay kiếm ăn rợp trời, trông như một “suối chim” tuôn từ trời cao xuống. Hoàng hôn buông, chúng trở về, đậu trắng lóa hàng trăm hécta rừng, tiếng kêu vang vọng...

Vực Rêu thực sự là điểm đến lý tưởng của những du khách ưa thích khám phá vẻ đẹp hoang sơ sơn cước. Không những thế, đến với vực Rêu, du khách còn có cơ hội tìm hiểu các dấu tích sót lại của ngôi chùa cổ tọa lạc trên đỉnh núi Mã Yên. Hiện vẫn còn lại nền móng xây dựng, bậc thềm, giếng nước cổ và đặc biệt là vết tích dấu chân Phật được đục vào một tảng đá lớn. Kiến trúc chùa tháp có quy mô lớn, mà theo sử sách là do nhà sư Pháp Loa Đồng Kiên Cương - vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc lâm (thời Trần) đứng ra xây dựng hồi đầu thế kỷ XIII.
Nguyễn Phạm Bằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét