Thứ Ba, 11 tháng 1, 2011

Phố cổ trên cao nguyên đá

Khu phố cổ Đồng Văn trên Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) được xem như một di sản kiến trúc, lịch sử và văn hóa. Du khách trong và ngoài nước khi đến đây đã không khỏi ngỡ ngàng, thích thú về một không gian sống, sinh hoạt, kinh tế, xã hội, văn hóa nguyên sơ, mộc mạc như bao đời nay của cư dân bản địa...
Ở độ cao trên 1000m so với mặt nước biển, phố cổ Đồng Văn hiện ra trong sương mù với vẻ bảng lảng, huyền ảo đến lạ kỳ. Nếu so sánh với phố cổ Hội An, phố cổ Hà Nội thì phố cổ Đồng Văn không phải là cổ nhất, về quy mô cũng không lớn. Nhưng đặc biệt, phố cổ Đồng Văn có những sắc thái riêng biệt độc đáo và mang bản sắc riêng của cư dân vùng cao nguyên đá.




Từ sáng sớm phố cổ Đồng Văn đã đông vui tấp nập trong sắc màu thổ cẩm

Các công trình kiến trúc độc đáo như khu chợ được tạo nên từ những phiến đá được tạc đẽo công phu. Khu phố chợ bề thế, vững chãi giữa lòng chảo thung lũng cao nguyên như một nét chấm phá đầy ấn tượng. Công trình chợ Đồng Văn được xây dựng trong khoảng thời gian từ 1925–1928 mang dáng vẻ thâm trầm trên cao nguyên đá Đồng Văn.




Một góc phố cổ Đồng Văn




Một ngôi nhà cổ ở phố cổ Đồng Văn




Mái ngói rêu phong

Đối diện khu chợ ta sẽ thấy một dãy nhà dân san sát nối tiếp nhau dẫn sâu vào trong những con đường nhỏ chạy ven núi hợp thành một quần thể khu phố hiện hữu giữa đất trời cao nguyên. Mái lợp ngói âm dương, nền lát đá, tường trình đất là những gì ta có thể thấy được về một hình thức kiến trúc, xây dựng truyền thống của người dân nơi đây. Trong nhà, cột được làm bằng gỗ nghiến, những hoa văn được trạm trổ công phu trên cột. Được ngồi trong ngôi nhà, chiêm ngưỡng những nét tài hoa của người dân nơi sơn cước như được hòa mình vào một không gian sống vừa bình dị, thô sơ mà cũng rất thơ mộng. Đứng từ trên cao nhìn xuống, với khoảng 18 ngôi nhà trên dưới 100 tuổi, khu phố cổ chạy dọc theo khu chợ tạo thành nét hài hòa mờ tỏ trong sương và núi đá tai mèo. Rất nhiều ngôi nhà cổ lần lượt được thợ người địa phương, thợ người Tứ Xuyên (Trung Quốc) hoàn thành vào hồi đầu thế kỷ 20, tạo nên diện mạo cơ bản của khu phố cổ Đồng Văn hiện nay. Nhìn tổng thể, phong cách kiến trúc của phố cổ Đồng Văn có sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc của cư dân Trung Quốc.



Phút ngẫu hứng với điệu khèn Mông

Cư dân phố cổ sống bằng nghề làm nương rẫy và buôn bán vặt, cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả thế nhưng cứ đến những ngày chủ nhật và các ngày lễ, Tết âm lịch trên phố nhà nào cũng treo đèn lồng. Tiếng bước chân về phố của các chàng trai, cô gái đi chợ, tiếng nói cười, tiếng khèn, tiếng hát đã mang đến một không gian ngày hội cho cả khu phố. Du khách ngỡ ngàng, thích thú với tiếng hát, sắc màu cuộc sống, rồi các sản vật địa phương như thổ cẩm, khèn, mật ong… được bày bán trước cửa mỗi nhà như níu bước chân du khách dạo chơi mua sắm. Quần thể phố cổ với những nét kiến trúc và sinh hoạt văn hóa đặc sắc giống như một nét chấm phá của người họa sĩ tài hoa trên bức tranh muôn trùng về đá.
(Theo BAVN)
Đồng Văn - sau những bờ rào đá

Sau những bờ rào đá Hà Giang, tôi không nghe thấy tiếng đàn môi, chỉ thấy có một sớm mai trong veo ở phố cổ Đồng Văn và những ánh mắt nhìn cũng trong veo của các cô cậu thập thò sau cánh cửa gỗ.
Chúng tôi đến Đồng Văn sau hai ngày trời rong ruổi trên “con ngựa sắt” vượt qua bao đèo dốc bạt ngàn đá và đá. Phố huyện nghèo với hai dãy nhà xây gạch lô nhô dọc theo con phố chính, tường quét vôi xanh, vôi vàng, nhưng vẫn xam xám ám ảnh sắc màu của cao nguyên đá giữa lúc trời chiều chạng vạng.
Sớm mai ở phố cổ Đồng Văn.
Sớm mai ở phố cổ Đồng Văn.
Sáng dậy sớm, chạy ào ra đường tìm khu phố cổ - nơi níu chân chúng tôi đến với thị trấn miền sơn cước heo hút này. Phố vắng tanh, cửa hàng chưa mở. Tò mò, chúng tôi bèn đi theo một vạt váy thổ cẩm đang tung tẩy theo bước chân của cô thiếu nữ má đỏ hồng. Rồi vạt váy ấy biến mất sau một bờ rào đá có những bụi hoa đỏ li ti. Bất giác ngẩng đầu nhìn lên, đã thấy mình lạc vào dãy phố với những mái nhà thâm trầm, cổ kính chìm trong màn sương bảng lảng hoà lẫn ánh nắng mai trong veo từ lúc nào chẳng hay.

Dãy phố cổ nằm ngay trung tâm thị trấn, cạnh khu chợ cũng có những mái nhà lợp ngói thâm trầm, cổ kính chẳng kém. Phố có vài chục nóc nhà bằng gỗ hoặc trình tường, lợp ngói âm dương, chạy sâu vào chân núi. Những ngôi nhà ở đây đều có tuổi đời trên dưới 100 năm, có những ngôi nhà gần 200 năm tuổi. Các bức tường đất đã ngả màu thời gian, những hàng lan can gỗ, bậc cầu thang đã lên nước bóng loáng.

Cái vẻ thâm u, trầm mặc ấy hiện lên giữa làn ánh nắng mai tươi mới khiến phố cổ huyền ảo như trong một bức tranh thủy mặc. Lũ chúng tôi ngày thường vốn ồn ã, mà giờ bỗng trở nên khẽ khàng. Bước chân cũng rụt rè hơn, như sợ sẽ làm vỡ tan bức mành mỏng tang dệt bởi những tia nắng xiên xiên từ trên trời xuống những mái nhà cổ, những bờ rào đá, những bụi hoa.

Lần đầu tiên, tôi thấy màu xám của đá không còn ám ảnh. Những mái nhà xám thâm trầm như đang cựa mình trong ánh ban mai tinh khôi. Hàng ngàn tảng đá xám dựng nên những bờ rào đá như đang nhảy nhót cùng những hạt nắng lấp lánh.

Điểm xuyết vào màu xám ấy là đốm đỏ của những bụi hoa bé li ti rung rinh và những khóm loa kèn ngấp nghé trên bậu cửa, những chiếc đèn lồng đung đưa trước mái hiên. Nấp sau những khóm hoa ấy có ánh mắt trong veo của những cô bé, cậu bé mặt mũi còn lấm lem đang nhìn chúng tôi tò mò, lạ lẫm. Phía xa xa, những nếp váy thổ cẩm tung xòe theo nhịp bước chân của các bà, các mẹ ra chợ. Những đàn trâu lên nương buổi sớm đủng đỉnh gõ móng lộp cộp trên mặt đường hoà trong tiếng mõ trầm ấm.

Chúng tôi cũng khẽ khàng hoà vào bức tranh phố cổ yên bình và lãng mạn giữa ánh ban mai. Đi dọc rồi quay lại, rồi lại đi, không biết bao nhiêu lần, mải mê chụp ảnh, ngó nghiêng qua những cánh cửa gỗ vào sâu trong các căn nhà, vẫy tay vui vẻ với những bàn tay bé xíu cũng đang vẫy vẫy hồn nhiên của những cô cậu bé con có ánh mắt trong veo vẫn ngượng nghịu nấp sau khe cửa.

Tôi rời phố cổ Đồng Văn, mang về theo mình làn nắng mai và những ánh mắt trong trẻo như thế. Những ánh mắt ấy khiến tôi muốn quay lại Đồng Văn, nhưng không phải là một ban mai khác, mà là ban đêm. Bởi tôi nghe nói có lễ hội phố cổ vào ngày trăng tròn. Ngày ấy, những mái nhà cổ sẽ thắp đèn lồng đỏ, các cụ bà sẽ bày bán thổ cẩm, mật ong, các cụ ông quây quần bên nồi thắng cố, các cậu trai trẻ sẽ múa khèn... Tôi sẽ quay lại Đồng Văn, vào một ngày trăng tròn như thế.
Ngân Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét