Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Ðánh thức vẻ đẹp thần thánh Brăh Yàng

Brăh Yàng (theo tiếng Kơ Ho) của người dân tộc bản địa có nghĩa là nơi ở của Trời (Yàng) và thần thánh rất linh thiêng.
Núi Brăh Yàng thuộc địa phận thôn Ka La (xã Bảo Thuận, Di Linh, Lâm Ðồng) hiện còn rất hoang sơ, một địa chỉ du lịch dã ngoại lý tưởng chưa được khai thác...
Núi Brăh Yàng gắn với một truyền thuyết đã từ bao đời ăn sâu trong tâm tưởng, tâm linh của người Kơ Ho, Mạ… thuộc địa bàn xã anh hùng Bảo Thuận. Ngọn núi có độ cao gần 1.800m so với mặt nước biển và cao nhất cao nguyên Di Linh (sau cao nguyên Lâm Viên của Đà Lạt).
Núi Brăh Yàng hiện còn nguyên thủy với những dãy núi cao thẳng đứng, bao quanh là rừng xanh. Đường lên đỉnh chỉ có một lối đi nhỏ (do nhân dân địa phương phát) chằng chịt gai nhọn. Từ chân núi lên đến đỉnh dài chừng 3 km nhưng rất khó đi, nhất là đoạn hơn 1 km gần tới đỉnh.
Chuyện kể rằng, Brăh Yàng trước đây là nơi cư trú của vị thần sức khỏe có tài quy phục dã thú và bệnh tật bảo vệ con người và vạn vật. Ai đến được đỉnh núi cao và hiểm trở này là chinh phục được niềm tin và có sức khỏe vô biên trong vùng…Núi Brăh Yàng trước nay thử thách sức khỏe, niềm tin và ý chí của con người, đặc biệt đối với nam nữ thanh niên.
Núi Brăh Yàng hiện ra trong nắng sớm.
Đứng nhìn ngọn núi Brăh Yàng cao ngất và khung cảnh thôn Ka La nên thơ hiện ra trong nắng sớm, bên dưới chân núi là dòng thác nước như thể chạy ra từ đá và rừng xanh, ta có cảm nhận nơi đây một vùng đất ẩn chứa nhiều tiềm năng.
Từ năm 2007, chính quyền huyện Di Linh đã cho xây một con đập lớn ngăn dòng suối tạo thành một hồ nước lớn - hồ Ka La (dưới chân núi Brăh Yàng) rộng 300ha để lấy nguồn nước tưới cho cây trồng và vùng lúa các xã Bảo Thuận, Gung Ré…
Trại truyền thống của Đoàn Thanh niên huyện Di Linh hằng năm được tổ chức tại chân núi Brăh Yàng.
Con đập được xây rất cao, dài chừng 500 m nối giữa hai dãy núi (một đầu đập gối lên chân núi Brăh Yàng, còn đầu kia gối lên một sườn núi đối diện); bề mặt con đập rất rộng (chừng 5 m) và được trải nhựa sạch bóng tạo thành con đường đi lại của nhân dân trong vùng và là nơi hò hẹn thơ mộng của đôi lứa trong những đêm đẹp trời. Đứng từ hạ nguồn nhìn lên, con đập nước như một chiếc cầu mây bắc ngang dải ngân hà. Mùa này, nước hồ Ka La xanh trong in bóng dãy núi Brăh Yàng lung linh rất đẹp.
Cuối con đập là dòng mương được xây kiên cố (cao hơn mặt đất chừng 1m) dẫn dòng nước xanh mát từ hồ Ka La chảy cuồn cuộn xuôi về với những cánh đồng lúa của bà con xã Bảo Thuận, Gung Ré và các vùng lân cận... Khung cảnh hồ Ka La, núi Brăh Yàng và một thung lũng xanh dưới chân núi hiện ra như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Cá tầm - loại cá nước lạnh có giá trị kinh tế cao bắt đầu được
nuôi thả trong hồ Ka La.
Người dân sống trong thôn Ka La cho biết, từ khi xây dựng hồ Ka La ngoài cung cấp nguồn tưới cho nông nghiệp đã tạo ra cho Ka La một bộ mặt mới, người ta bắt đầu chú ý đến vùng đất này. Hơn nữa, Quốc lộ 28 - nối huyện Di Linh với Bình Thuận (đi qua xã Bảo Thuận) nên có nhiều đoàn khách trong và ngoài nước đã tìm đến nơi đây, đặc biệt bơi thuyền trên hồ thưởng ngoạn cảnh núi non, trời nước Ka La...
Nói về tiềm năng du lịch dã ngoại, sinh thái của núi Brăh Yàng và khu du lịch Ka La, lãnh đạo UBND huyện Di Linh cho biết, chính quyền huyện đã và đang tập trung đầu tư khai thác lợi thế về địa hình để phát triển loại hình du lịch leo núi, dã ngoại, vừa kết hợp mở các dịch vụ du lịch vui chơi giải trí lành mạnh.
Để thực hiện mục tiêu này, chính quyền địa phương đang xây dựng dự án, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền quảng bá, kêu gọi đầu tư và làm tốt công tác quy hoạch để núi Brăh Yàng thực sự trở thành điểm du lịch mới được nhiều người biết đến, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương…
Núi Brăh Yàng nằm trong cụm liên hoàn (núi cao, hồ đẹp và thung lũng xanh) hùng vĩ, rất nên thơ và giàu tiềm năng du lịch… Nếu làm tốt công tác quy hoạch, khai thác dựa vào lợi thế của tự nhiên, một ngày không xa khu du dịch mới Brăh Yàng trên cao nguyên Di Linh sẽ được đánh thức…   
Theo Thanh Dương Hồng
SKĐS
Núi Langbiang 
Vị trí: Núi Lang Bian nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 12km về phía bắc.
Đặc điểm: Đây là địa điểm thích hợp cho các nhà dân tộc học, cho các du khách yêu văn hoá truyền thống đến nghiên cứu văn hoá của các dân tộc Nam Tây Nguyên.

Núi Lang Bian còn được gọi là Núi Mẹ, gồm 2 ngọn, có độ cao 2.167m. Chuyện xưa kể rằng có một đôi trai tài gái sắc yêu nhau tha thiết - chàng K'lang và nàng Hơ Bian. Do lời nguyền thù hằn của hai bộ tộc mà hai người đã phải chia lìa. Nàng sau khi chết đã hóa thân thành dãy núi mà người dân tộc Hơ Ho-lạch gọi là Núi Mẹ và sữa từ bộ ngực của nàng đã tuôn tràn thành những dòng suối, dòng thác tươi mát cho đời. Từ đó hai ngọn núi được đặt tên là Lang Bian.
Tỉnh Lâm Ðồng có địa hình không bằng phẳng với 3 cao nguyên: Lang Bian-Ðà Lạt, Ðran-Liên Khương, Blao-Di Linh và một bình nguyên Ðạ Huai-Cát Tiên. Cao nguyên Lang Bian vào đầu thế kỷ 19 vẫn còn là một vùng đất thưa dân, hiểm trở. Người bản địa tập trung trong một số làng, đông nhất là Dankia. Qua một thế kỷ, diện mạo của cao nguyên Lang Bian thay đổi nhiều, trừ một vài nơi như vùng đồi Cù chống hạn. Từ trung tâm thành phố Ðà Lạt, sau 15 phút đi bằng xe máy hoặc xe ôtô, du khách đã có thể đến chân núi Lang Bian huyền thoại nơi có những bản của đồng bào dân tộc Tây Nguyên như: dân tộc Lát, Chil (Cơ Ho)...Ngày nay người Lạch đến định cư ở đây nên buôn làng gắn bó với ngọn núi này. Từ tháng 11/1999, khu vực này đã được giao cho Công ty du lịch tỉnh Lâm Ðồng, với tên gọi là khu du lịch Lang Bian. Ðịa hình của Lang Bian rất thích hợp cho kiểu du lịch dã ngoại để tìm một chút hơi lạnh của miền sơn cước. Tại chân núi có nhiều khu đón khách. Ngoài những cơ sở nghỉ ngơi cao cấp, còn có khu cắm trại và nhiều dịch vụ cần thiết cho du khách. Họ dừng lại đây để nghỉ dưỡng tham quan thắng cảnh. Một số cắm trại qua đêm, quây quần  bên ánh lửa với ché rượu cần, nghe những khúc hát cùng những âm thanh của nhạc cụ cổ truyền người Lạch. Họ ăn uống, ca hát, nhảy múa suốt đêm. Ban ngày xem các cô gái Lạch ngồi dệt thổ cẩm, du khách có thể mua những đặc sản của họ như chiếc gùi, những vóc thổ cẩm nhiều màu sắc. 

Một số đoàn gồm những thanh niên trẻ, khỏe, thích những trò chơi mới lạ, leo núi, chinh phục đỉnh Lang Bian, dù lượn... Ðối với họ, chuyến đi còn là một thử thách của những người tham gia để vượt qua chính mình. Có ba cách lên tới đỉnh-nơi đặt logo Du lịch Ðà Lạt: đi xe Uoát, đi bộ hoặc leo bằng dây. Ngoài ra còn có một đường xuyên rừng khoảng 2km cũng lên tới đỉnh. Vài năm gần đây, trên đỉnh Lang Bian có loại hình dù lượn, xuống núi bằng dây. Cảm giác thú vị nhất của du khách là được ngự trị trên đỉnh đồi Rađa cao hơn 2.000m, thả hồn theo những đám mây đang bồng bềnh trôi. Ðứng ở đây có thể ngắm trọn vẹn thành phố Ðà Lạt mộng mơ, hiện ra như một bức tranh thủy mặc, phía tây là hồ Dankia-Suối Vàng trông như một tấm lụa đào khổng lồ nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của núi đồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét