Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Chợ trâu bên núi

Trông từ xa, cả khu chợ Cán Cấu (Lào Cai) như những thửa ruộng bậc thang men theo sườn núi.
"Ngược ngàn Cán Cấu theo nhau/ Chợ bên hông núi - chợ trâu ngàn đời", câu hát đồng dao cứ líu ríu mãi theo bước chân chúng tôi trên đường xuống chợ trâu Cán Cấu (xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, Lào Cai).
 
Dù nhu cầu của người bán, người mua thay đổi ra sao thì chợ trâu cũng chỉ họp mỗi tuần một lần vào sáng thứ Bảy.
 
Hỏi chợ bao nhiêu tuổi, những người già trong bản bảo đã từ xưa lắm người Mông, người Dao, người Giáy, người Tày và cả thương lái ở bên kia biên giới đã đem trâu đến đất này buôn bán.
Chợ trâu Cán Cấu
Ngày trước, người ta đến chợ chỉ đơn thuần là mua bán trâu, ngựa để phục vụ cày kéo, làm giống, thồ hàng chứ chẳng ai nghĩ sẽ có ngày chợ trở thành phiên chợ trâu lớn nhất vùng biên viễn xa xôi của Tổ quốc này.
Ngóng đợi cả tuần mới đến chợ phiên, người bán ở bản xa phải dắt trâu đi từ lúc con gà rừng còn chưa thức giấc.
 
Mọi quá trình mặc cả, ra giá giữa hai bên đều dựa trên cảm nhận trực quan chứ không qua một công đoạn cân đo nào.
 
Với đồng bào dân tộc ở đất này, phương thức mua bán trong chợ đã được duy trì từ bao đời đến nay vẫn không thay đổi.
 
Chợ trâu Cán Cấu bây giờ, thương lái các miền tìm đến đông không kém người địa phương. Mỗi phiên, họ đưa hẳn ô tô tải lên chợ để gom trâu đi bán khắp nơi, có khi đưa sang tận Lào và Trung Quốc.
 
 Còn trong tâm thức của đồng bào Mông, Dao, Giáy, Tày nơi đây thì đến chợ không phải chỉ để bán mua mà còn là để rộn ràng áo váy vui chơi, gặp bạn tâm tình sau một tuần lao động vất vả.
 
Theo Dân Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét