Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Ngôi nhà kỳ lạ ở cực Bắc Tổ quốc

Ngôi nhà hai tầng kiên cố bằng đất sét có tuổi đời cả trăm năm là kiến trúc độc đáo trong đời sống đồng bào dân tộc Nùng nơi cực Bắc Hà Giang.
Xóm Làn Ma, thị trấn Cốc Pài (huyện Xín Mần – Hà Giang) có ba, bốn nóc nhà quay quần ấm áp. Ba, bốn nóc nhà này nguyên là một gia đình.
Theo sự gia tăng nhân khẩu, người lớn lên, nhà chật đi đã nảy sinh nhu cầu xây cất thêm những ngôi nhà mới.
Tất cả các ngôi nhà của người Nùng đều được đặt trên vị trí khá chênh vênh..
Điều đặc biệt trong kiến trúc của những ngôi nhà này, đó là những ngôi nhà hai tầng bằng đất trình, lõi phên tre. Hàng trăm năm trôi qua, bức tường dày tới 40cm đã đặc cứng và chai lại như đá. Giữa không gian yên tĩnh và khoáng đạt của núi rừng, nó là nhân chứng của thời gian…
Những ngôi nhà tường trình hai tầng bằng đất hiếm hoi ở lại Cốc Pài.

“Thủ lĩnh” của xóm nhỏ quần cư người Nùng là ông Ly Quẩy Chúng, 76 tuổi. Bằng bàn tay lao động, ông đã cùng với con cháu của mình ăn đời ở kiếp với vùng đất nghèo nơi cực Bắc tột cùng của Hà Giang.
Lạc bước vào xóm nhỏ, tưởng như đang đối diện với một cuộc sống chưa từng được biết đến… Bình yên, giản dị mà ấm áp kỳ lạ, nó như muốn phản biện lại những nhu cầu dành cho một cuộc sống quá xa hoa…
Cổng vào...
...và nhìn thẳng vào không gian ở chính.
Hai bên là hai nhà phụ để làm nhà kho và bếp...
Bà Nguyễn Thị Minh Lý – nguyên trưởng Phòng Văn hóa huyện Xín Mần cho biết: nhà đất trình là kiến trúc phổ biến hàng trăm năm của người dân tộc Nùng. Thế nhưng, theo sự biến thiên và giao thoa của các vùng văn hóa, bây giờ, người Nùng cũng đã thay đổi kiến trúc sống của mình.
Tường trình khá dày, chừng hơn 40cm...
Những người phụ nữ này đang phơi... phân gia súc để làm phân bón dự trữ.
Những con đường vào các bản làng toả ra như đường vẽ...
Chính vì thế, những ngôi nhà tường trình hai tầng nằm ven thị trấn Cốc Pài là những hình ảnh hiếm hoi còn sót lại đến bây giờ…
Theo Kiên Trung
Vietnamnet

Ngôi nhà trình tường đẹp nhất cực Bắc

Giữa vùng núi đá tai mèo Hà Giang mọc lên một ngôi nhà bằng đất cao hai tầng. Dinh cơ này đã làm nền cho phim nhựa “Chuyện của Pao” do đạo diễn Quang Hải thực hiện, đoạt giải Cánh diều Vàng từ năm 2006.

Không gian ngôi nhà trình tường với cửa gỗ, hiên đá, ngói máng. Ảnh: An ninh thủ đô.
Ngôi nhà đó là của ông Mua Súa Páo ở xã biên giới Sủng Là (Đồng Văn, Hà Giang). Ông Páo từng giữ chức Trung đội trưởng Đội quân của vua Mèo thời trước Cách mạng tháng tám 1945. Do võ nghệ hơn người, lại có sức khỏe phi thường, có thể một mình tay không đánh thắng hổ, ông Páo được vua Mèo tin tưởng giao chức vụ cao nhất trong đội quân tháp tùng.
Có tiền, ông Páo thuê thợ giỏi nhất về xây dựng ngôi nhà trong mấy năm ròng. Tòa nhà trình tường vững chãi 2 tầng với 3 dãy nhà ghép thành hình chữ U để lộ phần sân nhỏ lát đá tảng được đánh bóng cẩn thận. Bây giờ ở bản Lũng Cẩm Trên chỉ còn ông Mua Vản Sấu là còn nhớ được chuyện nhà ông Páo. Ông Sấu bảo: “Ngôi nhà của ông Páo thuộc loại đẹp nhất không đâu sánh được”.
Leo lên một ngọn núi cao phía sau ngôi nhà nhìn xuống sẽ thấy giữa những làn sóng đá vôi xám ngoét, đen kịt dưới thung lũng, bên kia là Trung Quốc, bên này là nhà cổ vững chãi như cột mốc trấn giữ vùng biên. Ngôi nhà trình tường cao hai tầng này được ví như là “điểm tựa” cho bà con dân tộc nơi đây, và là điểm đến không thể bỏ qua của những người ưa khám phá vùng núi đá Hà Giang.
Ông Mua Sín Già và chiếc cối xay cũ. Ảnh: An ninh thủ đô.
Ngôi nhà cổ của ông Páo xếp vào hàng “tứ đại đồng đường”. Năm 1979 con trai ông Páo là Mua Súa Vừ qua đời, một năm sau thì ông Páo cũng về với tổ tiên. Anh Mua Phái Tủa đứng ra gánh vác việc gia đình và lấy chị Ly Thị Chúa làm vợ. Anh Tủa thì cứ đi biền biệt, làm thuê ở vùng biên. Anh làm đủ thứ nghề, từ bốc vác đến thồ hàng, ai thuê gì anh cũng làm để có tiền nuôi vợ con.
Nhà giữa cùng sân với anh Tủa là nơi ở của ông Mua Sín Già. Căn nhà được soi sáng bởi ánh lửa trong bếp ở gian bên cạnh. Ông Già thấy nhà có khách thì cười ha hả lôi chum rượu ra mời. Ông bảo: “Tao có 2 vợ cùng sống chung một nhà, vui lắm. Ở Sủng Là không ai được như tao”.
Theo quan hệ gia tộc, ông Già là cháu gọi ông Páo là bác ruột. Ông Già lấy vợ đã lâu nhưng không có con. Mấy năm vừa rồi, bà vợ cả đã đi tìm vợ hai cho chồng. Bây giờ, con cái đã đề huề, ông Già chỉ còn mỗi việc trông nhà và uống rượu để hai bà vợ lên nương trồng ngô, làm sắn.
Chị Ly Thị Chúa ôm con bên bậu cửa, hình ảnh quen thuộc của phụ nữ người Mông. Ảnh: An ninh thủ đô.
Ông Vàng Mý Tính, trưởng bản Lũng Cẩm Trên cho hay, ngôi nhà cổ của ông Páo là tài sản quý nhất của bản. Khách du lịch dưới xuôi lên, người Tây cũng đến ngắm nghía suốt ngày, nhưng không ai dám vào bên trong vì sợ phong tục, sợ bóng tối, sợ ngôi nhà bị sập, vì xuống cấp quá rồi.

Đứng ngay cạnh bờ rào được xếp bằng đá núi tai mèo bên cổng vào, ông Mai Bá Nin, Phó chủ tịch UBND xã Sủng Là bảo, xã này đang được chọn làm xã điểm để xây dựng nông thôn mới của huyện Đồng Văn, ngôi nhà cổ của ông Páo cũng sẽ được đầu tư, tôn tạo và nâng cấp để kết hợp làm làng văn hóa du lịch các dân tộc.

“Nhà trình tường nói chung là một nét văn hóa đặc sắc của bà con dân tộc vùng cao. Nhà người Mông ở Sùng Là dù to hay nhỏ, dù mới hoặc truyền thống đều được xây 2 cửa, một chính và một phụ. Nhà cổ của ông Páo cũng thế, đó không chỉ là thể hiện kiến trúc của người Mông mà còn mang giá trị tư tưởng, là chỗ dựa văn hóa của bà con dân tộc”, ông Mai Bá Nin nói.
Theo An ninh thủ đô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét