Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Lạ kỳ lễ Cấp Sắc của người Dao đỏ

Cấp Sắc là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc người Dao đỏ.
Hành trình làm "chứng nhân"
Trong cái gió lạnh của đợt rét đầu mùa vừa rồi, chúng tôi rủ nhau đi Bắc Kạn. Lọc xọc xe máy suốt một ngày đường, trèo đèo vượt dốc, mãi tới khuya chúng tôi mới tới được bản Phiêng Lầm (xã Bản Thi, huyện Chợ Đồn).
Nơi đây đang diễn ra lễ Quá Tăng (tiếng Dao có nghĩa là lễ Cấp Sắc) ở gia đình ông Triệu Tài Long. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo của dân tộc Dao đỏ.
Năm ngày liền chúng tôi ở bản Phiêng Lầm, tại nhà ông Triệu Tài Long năm nay đã 43 tuổi, tham dự trọn vẹn lễ Quá Tăng kéo dài ròng rã bốn ngày đêm. Đây là lần Cấp Sắc thứ hai cho ông Triệu Tài Long, và là lần đầu tiên đối với bốn em trai của ông.
Buổi hành lễ Cấp Sắc linh thiêng đậm chất núi rừng.
Chuẩn bị kỳ công
Việc thực hiện lễ Cấp Sắc là một trong những sự kiện quan trọng của người đàn ông Dao đỏ. Với ông Long và những người em trai của ông, công việc chuẩn bị đã được tiến hành chu đáo từ nhiều ngày trước.
Bảy thầy pháp cao tay nhất được chọn mời tận Tuyên Quang và các vùng lân cận đến. Ngày tháng hành lễ được các thầy xem xét kỹ lưỡng.
Một tuần trước, ông Long cùng bốn người em trai phải ăn đồ ăn không có mỡ, phải kiêng sát sinh và không được quan hệ nam nữ, tránh gây xô xát với người khác.
Gia chủ còn phải mời một người đầu bếp có kinh nghiệm nấu ăn để lựa chọn từng loại thức ăn riêng cho người thụ lễ, thầy cúng, khách và một người đầu chiếu biết cách sắp xếp vị trí ngồi hành lễ.
Những bộ váy áo truyền thống sặc sỡ có hoa văn đẹp được các chị đem hong nắng đã khô. Bảy con lợn tạ đã nhốt sẵn trong chuồng.
Từ sáng sớm của ngày hành lễ đầu tiên mọi người đã tập trung đông đủ tại nhà ông Long, mỗi người một việc răm rắp. 
Người Dao đỏ trong trang phục chuẩn bị làm lễ Cấp Sắc.
Linh thiêng lễ Quá Tăng
Trong một lễ Cấp Sắc có nhiều bàn thờ: Bàn thờ tổ tiên, bàn thờ 36 vị thần tướng (đặt trong nhà), bàn thờ Ngọc Hoàng (đặt trước cửa), bàn thờ thần đất (đặt ngoài đầu nhà).
Trong lễ Cấp Sắc có nhiều nghi lễ, đầu tiên là lễ trình diện. Gia chủ mổ lợn để tế lễ tổ tiên, các thầy cúng phải tẩy uế xong mới đánh trống mời tổ tiên về dự. Sau đó thầy cúng làm lễ khai đàn, nhằm báo cho tổ tiên biết lý do của buổi lễ.
Bên cạnh đó, một thầy sẽ làm phép tập hợp ma quỷ cạnh ngôi nhà đó lại, rồi thỉnh cầu một vị thần tướng xét xử phán quyết tội danh của các hồn ma, những đường múa kiếm làm phép chém ma nhịp nhàng theo tiếng trống kèn rộn ràng, cùng với đèn nến lung linh khiến cho khu vực hành lễ trở nên huyền ảo, linh thiêng.
Tiếp theo là lễ thỉnh mời Ngọc Hoàng xuống chứng kiến lễ Cấp Sắc. Động tác này được thầy pháp chính khấn mời, sau đó gióng lên ba hồi tù và làm hiệu.
Lễ thụ đèn là phần lễ quan trọng nhất. Trước sự chứng kiến của Ngọc Hoàng, các vị thần tướng và tổ tiên, ông Long cùng bốn người em ngồi trên những chiếc ghế được trang trí bằng nghệ thuật cắt dán giấy rất khéo léo, hai tay giữ một cây tre, nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy đốt đèn, đặt nến để làm lễ.
Cả dòng họ Triệu mới chỉ có mình ông Long được làm lễ Cấp Sắc lần hai với bảy đèn, còn các em ông làm lễ lần đầu nên chỉ được cấp ba đèn. Sau đó, mỗi người được nhận một tờ Sắc do thầy cúng trao, tờ Sắc được coi như là bảo bối hộ mệnh và được giữ gìn cẩn thận.
Sau lễ thụ đèn, trong tiếng kèn trống rộn ràng, đèn nến lung linh huyền ảo, là thời khắc người thụ lễ nhập đồng, ban đầu khẽ lắc lư sau đó ngồi im như tượng. Các thầy pháp cho biết, đây chính là giây phút những người nhận phong Sắc sẽ được Ngọc Hoàng gọi về trời để cấp phép trừ yêu, rồi cùng các thầy bắt tà ma, sau đó đi tìm rùa vàng để vượt Đông Hải sang Tây Trúc trao yêu ma cho Phật Tổ Như Lai quản thúc.
Cũng trong thời gian đó, một thầy cúng khác thì lại làm lễ cầu mùa, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, lúa ngô xanh tốt, súc vật đầy bản.
Đặc biệt, trong buổi lễ này, người thụ lễ được cấp Đạo Sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện, tên âm của người thụ lễ cũng được ghi luôn trong đó để khi chết về được với tổ tiên.
Điều quan trọng nhất trong các buổi lễ này là cấp pháp danh cho người thụ lễ. Tại nghi lễ này, người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo từ thầy cả và bố đẻ, sau đó quan sát và học một số điệu múa từ các thầy.
Kết thúc nghi lễ, các thầy múa để dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh. Lần lượt các nghi lễ như vậy được các thầy pháp, các đầu sắc và mọi người tiến hành liên tục, ròng rã suốt bốn ngày đêm mới xong.
Một nhà nghiên cứu văn hoá cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến lễ Cấp Sắc còn giữ được nguyên vẹn bản sắc truyền thống là bởi nhận thức của người dân về những giá trị tinh thần cao quý, là nguồn mạch sâu xa tạo nên sự gắn kết cộng đồng dân tộc. Mặt khác, trên thực tế lễ hội ở nơi đây chưa bị tác động từ mặt trái của ngành du lịch đang được triệt để khai thác và tận dụng ở nhiều nơi.
Sự tích lễ Cấp Sắc


Sửa soạn để chuẩn bị lên
trời xin phép


Ngày xưa, khi tổ tiên người Dao đỏ đang sinh sống yên ổn trên các triền núi. Bỗng đâu ma quỷ xuất hiện.
Chúng giết hại bà con, ăn thịt vật nuôi, phá hoại mùa màng, làm cho cuộc sống dân bản khắp một vùng rộng lớn chìm trong tang tóc thê lương.
Trước cảnh ma quỷ lộng hành dưới trần gian, Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho dân. Suốt ba tháng ròng, bởi ma quỷ quá đông nên giết mãi không hết.
Ngọc Hoàng liền kêu gọi người trần gian cũng phải biết tự cứu lấy mình. Nhưng vì, người trần gian không có phép thuật nên hễ đánh là thua.
Thấy vậy, Ngọc Hoàng lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ gia đình trong bản, rồi cấp cho một đạo sắc chỉ phong thầy để cùng với quân nhà trời xuống trần gian trừ yêu diệt quái.
Nhờ có sự hiệp lực giữa trời và người mà tất cả ma quỷ đều bị tiêu diệt. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh Cấp Sắc (Quá Tăng) cho những người đàn ông đã lập gia đình có lòng muốn giúp dân trừ họa.
Lễ Cấp Sắc ra đời từ đó và lưu truyền đến tận ngày nay.
Theo Đời sống và Pháp luật 

Du khách say hội cấp sắc người Dao Đỏ
TTO - Lên Sa Pa nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, hàng ngàn du khách lần đầu được khám phá tục cấp sắc quan trọng của người Dao Đỏ diễn ra ở “Bảo tàng gia đình” tại Tả Van, cách thị trấn Sa Pa khoảng 12km về phía nam.
Rất đông du khách đến tả Van xem lễ cấp sắc

Người Dao Đỏ ở Sa Pa (Lào Cai) quan niệm người con trai phải trải qua lễ cấp sắc từ ba đèn trở lên mới có tâm, có đức để phân biệt phải trái, mới được công nhận là con cháu của “Bàn Vương” - tổ tiên của người Dao, mới trở thành người lớn. Do vậy, người đàn ông Dao nào cũng phải làm lễ cấp sắc.
Riêng lễ cấp sắc 12 đèn thì không bắt buộc vì muốn lên bậc này thì người đàn ông phải học rất nhiều và có một chức thầy cúng nhất định.
Điều đặc biệt, trong suốt quá trình làm lễ cấp sắc, những người đàn ông được cấp sắc phải ăn ở tập trung một chỗ, không được đi đâu xa. Vợ của những người được cấp sắc cũng phải ở chung một chỗ. Trước mỗi bữa ăn những người được cấp sắc đều phải đến trước bàn thờ thần ăn chay ở giữa gian nhà để vái lạy rồi mới được ăn.
Nghi lễ linh thiêng nhất của lễ cấp sắc 12 đèn, gọi là lễ “đăng quang”. Sau khi kết thúc lễ này, “chẩu chiếu” (thầy cúng) hướng dẫn các trò bái tổ tiên. Như vậy, từ nay các trò đã trở thành con của thánh trời, làm gì cũng phải có tâm, có đức.
Trong lễ kết thúc, thầy cúng dẫn các trò lên "tồ sên" (nghĩa là thiên đình) để các trò nhận dấu ấn của Ngọc Hoàng và văn bằng âm - dương. Đây là bằng cấp cao nhất trong cuộc đời của người đàn ông Dao Đỏ.
Sau khi làm xong lễ thông báo, các trò cùng vợ lần lượt quỳ dưới chân cầu thang nhận dấu ấn và văn bằng do các thầy cấp cho. Đây là thời khắc linh thiêng và quan trọng. Nhận bằng xong, các trò đem một bản đốt đi, còn một bản đem cất kỹ đến khi nào về cõi âm mới được đem đốt để thánh trời nhận ra và thu nạp họ.
Nghi lễ cấp sắc 12 đèn chứa đựng nhiều quan niệm giáo dục, triết lý về nhân sinh quan rất có ý nghĩa giáo dục hướng thiện con người.
TTO ghi lại một số hình ảnh về tục cấp sắc độc đáo này:
Treo tranh các vị thần của Bàn Vương để chuẩn bị làm lễ cấp sắc

Chẩu chiếu (thầy cúng) chuẩn bị áo mũ làm lễ cấp sắc

Các thanh niên xin được cấp sắc mặc trang phục truyền thống của người Dao Đỏ. Họ đặc biệt chú ý sửa sang mũ đội trên đầu, vì theo quan niệm đó là nơi thần linh trú ngụ trong mỗi người được cấp sắc.

Phụ nữ Dao Đỏ phải trùm kín mặt khi cùng chồng đến nhận sắc cấp

Chẩu chiếu và các thanh niên bái lạy Bàn Vương

Nhảy và lắc chuông đồng theo các bài cúng

Thầy cúng “cấp đèn” cho các thanh niên đã đỗ đạt

Những người đàn ông cùng vợ nhận “sắc được cấp” từ “chẩu chiếu”. Từ nay họ mới thật sự trưởng thành trong cộng đồng người Dao Đỏ

Sau khi nhận sắc cấp, họ đốt một bản để báo với Bàn Vương và trở về nhà, hoàn thành tục cấp sắc

HỒNG THẢO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét