Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Huyền thoại làng địa đạo Vịnh Mốc

Làng địa đạo Vịnh Mốc - một huyền thoại trong thời chống Mỹ, cứu nước - đã trở thành nơi giáo dục truyền thống yêu nước sinh động cho các thế hệ trẻ, là điểm du lịch kỳ thú, hấp dẫn, độc đáo cho khách tham quan. Có một du khách nước ngoài đã ghi lại: "Ðịa đạo Vịnh Mốc như một tòa lâu đài cổ nằm im lìm trong lòng đất, giấu kín bao điều kỳ lạ của những người làm ra nó và thời đại mà nó được sinh ra".
Ðịa đạo Vịnh Mốc là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê nằm sát bờ biển, cách cửa Tùng (sông Bến Hải) sáu km về phía bắc, được xây dựng và kiến tạo trong lòng đất, với chiều sâu từ 20 đến 28 m. Vịnh Mốc có ba địa đạo chính được nối thông nhau thành một hệ thống liên hoàn, khép kín với quy mô lớn. Hệ thống đường hầm có tổng chiều dài 2.034 m, trục đường chính dài 769 m, cao từ 1,5 đến 1,8 m, rộng từ 1,1 đến 2 m.
Vĩnh Linh (Quảng Trị) có 20 xã thì ba xã miền núi, ba xã đồng bằng không đào được địa đạo, còn lại 14 xã và một thị trấn đã có 114 làng hầm địa đạo với độ nối dài đến 40 km. Trong những làng hầm địa đạo đó, chỉ có làng địa đạo Vịnh Mốc được bảo tồn nguyên vẹn, là công trình tiêu biểu cho hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh.  
Từ trục chính địa đạo được cấu tạo thành nhiều nhánh, mỗi nhánh thông với một cửa hầm (lối ra vào). Ðịa đạo có tất cả 13 cửa, bảy cửa thông ra biển, sáu cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm coi như một lỗ thông hơi. Tại các cửa hầm đều có làm khung gỗ chống sập và thường xuyên được gia cố để chống sụt lở.
Hai bên trục đường chính cách nhau từ ba đến năm mét lại khoét lõm sâu vào thành một ô nhỏ, dùng làm nơi sinh hoạt của một gia đình. Ðịa đạo được cấu tạo thành ba tầng. Tầng một sâu cách mặt đất từ 12 đến 15 m, là nơi sinh sống của nhân dân.
Tầng hai sâu 18 m là nơi đóng trụ sở của Ðảng ủy, UBND và Bộ Chỉ huy quân sự. Tầng ba sâu 22 m dùng làm kho chứa hậu cần cung cấp cho đảo Cồn Cỏ và phục vụ chiến đấu của quân dân Vịnh Mốc.
Ðể bảo đảm cho hàng trăm con người ăn, ở, sinh hoạt an toàn, tiện lợi, dọc hai bên đường hầm người ta xây dựng rất nhiều căn hộ, mỗi căn hộ đủ chỗ cho ba đến bốn người ở. Trong lòng địa đạo có ba giếng nước, hội trường với sức chứa 50 người, bệnh xá, nhà hộ sinh, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại...
Ðịa đạo là nơi ở của nhân dân trong những năm chiến tranh ác liệt, lúc đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống trong địa đạo. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, trong lòng địa đạo không một người nào bị thương và đã có 17 em bé chào đời, đủ nói lên giá trị và ý nghĩa của địa đạo Vịnh Mốc, đồng thời là sự tích kỳ diệu về mảnh đất và con người nơi đây.

Cổng vào địa đạo.
Bên ngoài địa đạo.
Du khách tham quan.


Làng hầm địa đạo không chỉ để tránh bom đạn, bảo toàn mạng sống, những người dân nơi đây còn tổ chức đánh địch ngay trong lòng đất  quê hương, tập kết vận chuyển vũ khí, cấp cứu thương binh và vận chuyển hàng trăm chuyến hàng cảm tử cho đảo Cồn Cỏ (cách bờ 28 km). Ðảo Cồn Cỏ đứng vững và được Nhà nước tuyên dương Anh hùng hai lần trong đó có sự đóng góp xứng đáng của quân và dân làng địa đạo Vịnh Mốc. 
Làng địa đạo Vịnh Mốc đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích Quốc gia và đưa vào danh mục các di tích đặc biệt quan trọng. Từ đó đến nay, địa đạo Vịnh Mốc đã được trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị.
Du khách trong và ngoài nước đến đây ngày càng đông không chỉ để chiêm ngưỡng kỳ tích độc đáo này, mà còn có dịp cảm nhận, thán phục tài năng, ý chí và nghị lực phi thường của con người Vĩnh Linh cũng như của nhân dân Việt Nam.

Theo Tin tức Du lịch

Ngôi làng ba tầng nằm sâu trong lòng đất 22 m

17 đứa trẻ đã được sinh ra tại địa đạo Vịnh Mốc (Vĩnh Linh, Quảng Trị) trong chiến tranh chống Mỹ.

Địa đạo Vịnh Mốc tọa lạc trên quả đồi đất đỏ bazan, ở độ cao hơn 28 m so với mực nước biển. Hệ thống làng hầm trong lòng đất hình thành và phát triển kéo dài khắp 70 làng của 15 xã, thị trấn và Vịnh Mốc là tiêu biểu nhất. Cấu trúc của địa đạo Vịnh Mốc dài 1.701 m, kết nối thông của 3 địa đạo khác là: Địa đạo của quân dân thôn Vịnh Mốc; địa đạo của quân dân thôn Sơn Hạ và địa đạo của lực lượng Công an vũ trang đồn 140. Gần 2.000 ngày đêm tồn tại, có những lúc trong lòng địa đạo chứa khoảng 1.200 người. Hiện trung bình mỗi năm đón gần 80.000 lượt khách.
Từ 1965 đến 1972, mảnh đất chưa đầy 820 km2 nhưng tính trung bình mỗi người dân phải chịu 7 tấn bom đạn. 
Chiếc giếng thông khí cho địa đạo. Đây cũng là một trong những nơi vận chuyển 6.000 m3 đất ra ngoài tạo nên công trình xóm làng kỳ vĩ dưới lòng đất.
Địa đạo Vịnh Mốc được đào từ năm 1965-1967 được coi là pháo đài kiên cố, tác phẩm của máu và nước mắt cùng ý chí kiên cường của người dân. Địa đạo chia làm 3 tầng, có hệ thống 13 cửa ra vào, trong đó 7 cửa thông ra biển và 6 cửa đi lên đồi.
Trong địa đạo có không gian sinh sống của người dân, kho vận vũ khí đạn dược, lương thực, cơ quan của Đảng và chính quyền, quân sự, các công trình công cộng.
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, Vịnh Mốc là tiền đồn của miền bắc và cũng là điểm tập trung chi viện cho đảo Cồn Cỏ. Hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng trong việc án giữ vùng biển Vĩnh Linh.
Địa đạo có 3 giếng nước để duy trì sinh hoạt cho tất cả người dân trong 3 tầng hầm.
Trong đường hầm có hội trường (đủ chứa cho 60 người) tham gia hội họp, xem phim, vị trí đặt bản tin, trạm phẫu thuật, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm đặt máy điện thoại.
Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu và tạo ra những căn hộ đủ cho khoảng 2 đến 4 người sinh hoạt rộng khoảng gần 2 mét vuông.
Đường hầm có dạng hình vòm kết hợp với tính đàn hồi, chịu lực của vùng đất đỏ bazan. Chiều cao của đường hầm 1,2 x 1,8 m, vừa phải để đi lại và cắt lớp những không gian để phân chia cho các hộ gia đình làm nơi sinh hoạt tạm thời.
Nhà hộ sinh nơi 17 em bé đã chào đời.
Tháng 3/2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu, tập hợp tư liệu lịch sử, khoa học để lập hồ sơ Di tích quốc gia đặc biệt đối với hệ thống làng hầm Vĩnh Linh và địa đạo Vịnh Mốc.
Ngọc Thành

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét