Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Nhà rường, ngõ đá xứ Tiên

"Có duyên lấy đặng chồng nguồn / Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui". Câu hát dân gian xưa đó chúng tôi nghe khi về làng Lộc An (xã Tiên Cảnh, Tiên Phước, Quảng Nam).
Được mệnh danh là xứ thần tiên, ngôi làng cổ này nổi tiếng khắp nước bởi vẻ đẹp của những căn nhà rường gỗ hàng trăm năm tuổi, những thửa ruộng bậc thang xếp tầng, những mảnh vườn bòn bon, chuối, tiêu, chè, mít, quế, cau sum suê và những ngõ đá rêu xanh như tạc hình vào vách núi.
Nhà rường cổ ở Lộc An
Con đường duy nhất vào Lộc An uốn lượn theo những chân ruộng bậc thang, chót vót trên đỉnh dốc đá. Đến Lộc An ta sẽ gặp hàng chục ngôi nhà gỗ cổ giấu mình giữa vườn cây trái, với giếng cổ, bể nước bằng đá trong veo, mát lạnh.
Nhà rường truyền thống ở đây gồm 3 gian, 2 chái đầu hồi dựng theo lối "tam đoạn", kèo có ba phần kết cấu là kèo lòng nhất, kèo lòng nhì và kèo lòng ba gối đầu nối tiếp từ cột cái, qua cột quân, rồi xuống cột hiên.
Các quá giang được đẽo khắc uốn lượn, cùng với con đội chạm nổi hình dơi bay xuống, trên hai kèo đầu hồi có trang trí hình cuốn thư cách điệu, mặt dưới kèo lòng ba chạm hình thú rừng thể hiện tài hoa của phường thợ. Những ngôi nhà rường với kết cấu "tam đoạn" và điêu khắc tinh xảo còn lại trong làng đã tạo nên giá trị "độc nhất vô nhị" không một vùng quê nào trên đất nước này có được.
Nhà cổ đã đẹp, đã lạ nhưng chính những ngõ đá xinh xắn, quanh co chạy quanh giếng, men theo sườn đồi, nhiều tầng bậc, đuổi theo tận nhà cổ... mới chính là phần hồn của không gian làng Lộc An.
Lộc An được mệnh danh là xứ sở của những ngõ đá độc đáo. Nhà nào trong làng cũng có ngõ đá. Cuộc sống dù còn khó khăn, khi lập vườn, dựng nhà có thể còn sơ sài, nhưng ngõ đá vẫn được ưu tiên làm trước. Mỗi ngõ đá có một hình dáng khác nhau, chúng đại diện cho tính cách, tâm hồn của từng chủ nhà. Tùy thuộc vào địa hình của khu vườn, hoặc ngôi nhà, dựa vào thế núi mà ngõ đá có thể là thẳng tắp, uốn lượn, hoặc gấp khúc.
Khi đã đặt chân đến chốn tiên cảnh này, bước qua những ngõ đá, ngắm những ngôi nhà cổ mái phủ rêu phong, ta chợt thấy lòng thanh thản, bình yên lạ lùng. Từ bao đời những ngõ đá đã trở thành tình yêu, niềm tự hào rất riêng của đất và người Lộc An.
Theo Dân Việt

Làng cổ Lộc Yên (Quảng Nam): Điểm du lịch làng quê dân dã

Hình ảnh của Làng cổ Lộc Yên (Quảng Nam): Điểm du lịch làng quê dân dã
Làng cổ Lộc Yên với những ngôi nhà cổ bằng gỗ cổ kính nằm ẩn mình dưới những tán cây bốn mùa xanh mướt. Những ngõ đá dài thoai thoải dốc dẫn vào những ngôi nhà cổ xanh mướt những hàng cau, hàng chè tàu đã tạo nên một lối kiến trúc dân dã độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được…
Làng cổ Lộc Yên nằm cách thành phố Tam Kỳ (tỉnh lỵ Quảng Nam) khoảng 35km về hướng Tây, thuộc thôn 4 và thôn 5, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Đây là một ngôi làng còn lưu giữ lại được rất nhiều ngôi nhà cổ có tuổi từ 70 đến 150 năm. Những ngôi nhà cổ nằm dựa lưng vào núi, trên những gò đồi xum xuê cây trái với những sản vật nổi tiếng như hồ tiêu, loòng boong, quế, dâu đất…
Từ UBND xã Tiên Cảnh đi khoảng 500m nữa sẽ đến một con đường bê tông. Từ đây thả bộ dọc theo con đường bê tông rợp bóng tre râm mát, nghe ríu rít tiếng chim muông vui hót hai bên đường, bắt gặp những nụ cười thân thiện làm quen của những người dân quê mến khách, mọi mệt nhọc, nóng bức, ngột ngạt của chuyến đi sẽ bỗng chốc tan biến theo những cơn gió ngan ngát mùi hương đồng nội mơn man theo những bước chân.

Đá được làm hàng rào
Con đường bê tông uốn lượn, chạy dài băng qua những ruộng lúa xanh mơn mởn, những triền bắp ngút ngàn... dẫn chúng tôi đến làng cổ Lộc Yên. Chúng tôi như lạc vào một ngôi làng của đá - loại đá phong vuông vức một cách tự nhiên hiện diện ở khắp nơi. Đá lát đường, đá làm hàng rào bao quanh nhà, đá được sắp thành các bờ tường thẳng tắp che mưa che nắng...
Và điều ấn tượng nhất đối với chúng tôi là những ngõ đá dài thoai thoải dốc được xếp bằng những viên đá phẳng phiu. Người dân nơi đây bỏ công, bỏ sức chăm chút cho từng viên đá; cầu kỳ cắt tỉa những bụi chè tàu để tạo nên một kiến trúc rất dân dã nhưng vô cùng độc đáo. Hai bên lối vào, những hàng cau thẳng tắp tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt không lẫn vào đâu được của miền trung du Tiên Phước.

Ngõ đá làng Lộc Yên
Ngõ đá ở đây như là một biểu trưng văn hoá đặc sắc, là cái hồn của làng quê yên ả, thanh bình. Dẫu chỉ mới lần đầu đặt chân lên những ngõ đá đầy rêu phong nhưng chúng tôi vẫn nhận ra được cái tinh tươm, duyên dáng từ những viên đá lớn nhỏ đủ dạng hình được kè chất lên nhau như một sự gắn kết tuyệt vời, chỉ thế thôi nhưng chúng tôi thấy lòng mình khoan khoái, bình yên một cách lạ thường. Đối với người dân nơi đây, ngõ đá đã từ bao đời nay đã trở thành nỗi yêu, niềm nhớ và là niềm tự hào của họ về quê hương xứ sở dù cho nơi đây vẫn còn khó khăn, nghèo khó:
Có duyên lấy đặng chồng nguồn
Ngồi trên ngõ đá có buồn cũng vui...
Làng cổ Lộc Yên hiện nay còn 5 ngôi nhà cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đó là những ngôi nhà của các chủ nhân: Nguyễn Huỳnh Anh, Đồng Viết Mão, Trần Khiêm, Nguyễn Đình Mẫn ở thôn 4 và nhà của ông Lê Văn Hào ở thôn 5.
Đặc biệt, trong số những ngôi nhà này có một ngôi nhà cổ mà tuổi đời của nó đã ngót nghét hơn 150 năm và nó được xem như là một số ít những ngôi nhà cổ xưa nhất trên đất Quảng Nam, đó là ngôi nhà của cụ Nguyễn Huỳnh Anh (được xây dựng vào khoảng năm 1850). Nhà cụ Nguyễn Huỳnh Anh được xây dựng theo bố cục hai gian ba chái với vật liệu toàn là gỗ mít. Kết cấu kèo, xuyên, trính, gai thu, trỏng quả… được chạm khắc một cách công phu và sắc sảo với nhiều họa tiết như tùng, mai, chim, nai, bướm… và nhiều hoa văn thanh thoát khác.
Trải qua thời gian, những ngôi nhà cổ ở làng Lộc Yên đã không ít lần gia cố và sửa chữa nhưng vẫn còn giữ được gần như nguyên vẹn những cấu kiện gỗ bên trong. Theo các cụ cao niên trong làng thì những ngôi nhà cổ ở đây được tạo tác và dựng nên bởi những đôi bàn tay khéo léo của những người thợ mộc làng Văn Hà xưa kia (nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ mít với lối kiến trúc dân dã nhưng cực kỳ chắc chắn. Nhà vừa là nơi thờ cúng vừa làm chỗ ở, vừa có nhà phụ để làm bếp, chỗ ăn nghỉ, để công cụ sản xuất, chứa lương thực phẩm, lại vừa có sân phơi và vườn cây ăn trái…


Ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Huỳnh Anh
Du khách khi đến tham quan làng cổ Lộc Yên thường được chủ nhân các ngôi nhà cổ tiếp đón trà nước ân cần và sẵn sàng mời dùng bất cứ cây trái nào có trong vườn nhà, khi thì nải chuối, khi thì dăm ba quả ổi, cam, chùm dâu đất, loòng boong…
Hãy thử một lần đến tham quan làng cổ Lộc Yên. Đứng dưới những mái nhà rêu phong cổ kính để được đắm mình trong không gian yên ả, thanh bình của làng quê xứ Quảng; được thưởng thức những cây trái đặc trưng của vùng đất này… du khách như được sống trong thú vui điền viên, tao nhã, như trút bỏ hết những lo âu, vướng bận của cuộc sống thường ngày.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét