Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Tết người Mông ở Mộc Châu

Khi hoa đào, hoa mận chớm nở cũng là lúc đồng bào người Mông ở Mộc Châu, Sơn La đón cái Tết độc đáo của riêng mình.
Tết người Mông đúng vàođầu tháng Chạp âm lịch (năm nay rơi vào ngày 4/1 dương lịch), trước Tết Nguyên đán của người Kinh một tháng.
Vào những ngày này, khắp các bản làng người Mông chuẩn bị ngày Tết rất chu đáo. Mỗi người mỗi việc, đàn bà thì miệt mài hoàn thiện đường thêu, nút chỉ trên bộ váy, áo mới để cho người lớn, trẻ con diện Tết. Đàn ông tất bật đi mua sắm đồ hay thịt lợn thịt gà để làm bữa cơm thịnh soạn cho gia đình. Trẻ con nô đùa bên những vườn cây đào, cây mận hay đánh cù chờ Tết đến.
Để chuẩn bị cho ngày Tết, ngoài thịt lợn, thịt gà, nhà nhà đều phải có rượu ngô và bánh dày.
Rượu ngô được nấu từ trước Tết hàng tháng. Rượu nấu xong đựng vào chum lớn, chum bé, đậy lá chuối rừng khô để giữ được mùi thơm.
Bánh dày làm từ gạo nếp nương, gói lá chuối. Người Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất. Bánh dày là thứ bánh đặc trưng của Tết người Mông, tựa như bánh chưng của người Kinh, người Tày, dùng để cúng tổ tiên và trời đất.
Trong ba ngày Tết, người Mông có tục dán giấy lên các công cụ lao động hằng ngày và đưa lên bàn thờ như một sự tri ân đã giúp con người lao động, sản xuất trong năm cũ. Sau đó, họ đến nhà nhau chúc Tết, thưởng thức rượu ngô, bánh dày.
Tết của người Mông ở Mộc Châu vừa là dịp để trẻ con trong bản chơi các trò chơi truyền thống như đánh tu lu (đánh cù), ném pao… vừa là ngày hội lớn để tất thảy đồng bào dân tộc từ miền xuôi miền ngược tới đây cùng ăn Tết chung vui.
Hoa mận nở báo hiệu mùa xuân đến trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).
Dọc các bản như Pa Kha, Lóng Luông, Pa Phách… những vườn hoa đào lâu năm cũng đã nở rộ.
Phụ nữ người Mông phơi những chiếc váy sặc sỡ nhất để diện vào ngày Tết.
Đàn ông thì đi mua sắm đồ từ sáng ngày 30 Tết…
Họ cũng kiêm nhiệm vụ thịt lợn hay thịt gà để chuẩn bị bữa cơm tất niên cho gia đình.
Cùng quây quần làm thịt lợn nướng, món ăn không thể thiếu trong bữa cơm Tết của người Mông.
Vào ba ngày Tết chính, người Mông kiêng sử dụng các công cụ lao động nên trước Tết sẽ tranh thủ đi lấy nước sạch.
Từ chiều 30 Tết, nhà nhà sẽ bắt tay giã bánh dày để cúng tổ tiên và trời đất.
Bánh dày được bày trong một cái mẹt để đặt bên bàn thờ gia tiên.
Các công cụ lao động sẽ được thu gom chờ dán giấy và đưa lên bàn thờ với ước nguyện cầu năm mới làm ăn phát đạt, cuộc sống ấm no.
Trẻ con đánh tu lu (đánh cù).
Hay leo trèo trên những cành đào, cành mận trước nhà.
Theo Thanh niên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét