Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

“Người bên núi” nổi chiêng

Giadinh.net - Từ đời này sang đời khác, đồng bào Pa Kô vẫn lưu giữ bản sắc rất riêng trong cộng đồng các dân tộc anh em trên dải Trường Sơn, phía tây tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong một lần ngược lên miền cao A - Lưới, chúng tôi tình cờ được nghe những câu chuyện ly kỳ, “mục sở thị” những sinh hoạt độc đáo của “người bên núi” - đồng bào Pa Kô.
Và trong ký ức từ người trẻ, đến những già làng Pa Kô đã sống qua hơn 100 mùa lúa mới là những câu chuyện được các thế hệ truyền kể về gốc tích của dân tộc mình.
 
Chuyện cổ tích kể giữa đại ngàn
 
Xuất phát từ nguyện vọng của đồng bào dân tộc Pa Kô muốn được công nhận là một dân tộc riêng, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Ban Dân tộc tỉnh thực hiện đề án “Bổ sung dân tộc Pa Kô vào danh mục các dân tộc Việt Nam”.
 
Đến thời điểm này, Ban dân tộc vừa hoàn thành khảo sát đề án, trong đó xác định nguồn gốc, sự ra đời và phát triển, đồng thời phân biệt dân tộc Pa Kô với một số dân tộc khác sống lân cận.
 
Ban đề án đã tổ chức điều tra, khảo sát 8/12 xã có đồng bào dân tộc Pa Kô (gồm các xã: Hồng Thượng, Đông Sơn, Hồng Trung, Hồng Vân, Hồng Thủy, Hồng Quảng, Hồng Kim, Hồng Bắc) và 4/5 xã có đồng bào dân tộc Tà Ôi (gồm: Hồng Thái, A Ngo, A Đớt, Nhâm) thuộc huyện A Lưới nhằm xác định nguồn gốc, sự ra đời và phát triển của dân tộc Pa Kô.
 
Đồng thời, cuộc khảo sát này cũng làm rõ sự khác biệt giữa dân tộc Pa Kô với dân tộc Tà Ôi để đề xuất Đảng, Nhà nước công nhận dân tộc Pa Kô vào danh mục các dân tộc Việt Nam.
Một trong những người sưu tầm, cũng như được nghe các già trong bản kể chuyện của bản làng mình, ông Hồ Văn Hạnh (dân tộc Pa Kô) - Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung kể: “Ngày xưa, lâu lắm rồi, người Pa Kô làm ăn sinh sống ở một khu vực gần với biển, với ruộng đồng. Nơi đồng bào sinh sống còn có một đồng bào anh em khác nữa. Qua năm tháng, người Pa Kô và người anh em “láng giềng” vẫn sinh sống hòa thuận, nhưng rồi xuất hiện hai người nhà giàu - chủ thể của đất họp bàn để nhường phần đất đang sinh sống lại cho một trong hai người làm kinh đô - lập quốc.
 
Một cuộc thi thố đã được thống nhất giữa hai “người láng giềng” - xây một tòa thành trong vòng một đêm, ai thua thì phải nhường lại “kinh đô” của mình cho “đối phương” và đi tìm vùng đất mới. Sau khi đã thống nhất, tối hôm đó, toàn dân làng được điều động để xây thành.
 
Người Pa Kô vốn thật thà đã huy động dân làng xây một bức tường thành kiên cố. Cả đêm đó, toàn dân làng đi tìm những cây gỗ lớn, những vật dụng chắc chắn nhất để dựng thành, còn “người láng giềng” thì ngược lại - dựng một bức thành tạm bợ bằng những vật liệu dễ kiếm, dễ tìm. 6 giờ sáng, khi mặt trời vừa lên, bức thành của người Pa Kô vẫn chưa được hoàn thành, còn bức thành của “hàng xóm” đã được xây xong, đã dựng cờ trên nóc.
 
Theo giao kèo, người Pa Kô phải rời khỏi vùng đất đang ở. Họ dắt nhau đi về phía tây. Đi mãi, đi mãi, họ tìm đến dựng nhà sinh sống dưới các chân đồi, dưới các đỉnh núi. Tuy ở miền cao, những sinh hoạt của đồng bào Pa Kô vẫn gắn với đồng bằng. Họ sống bên những nơi có nước, có hồ, mua muối ăn của người đồng bằng, mua dụng cụ để dệt áo mặc”... 
 
Trong không gian thâm u của miền sơn cước, trong men say của chén rượu cần, rượu Đoác, ông Hồ Văn Hạnh tiếp thêm một câu chuyện cổ tích khá ly kỳ về sự tích nòi giống, quá trình sinh con đẻ cái của đồng bào dân tộc mình được các thế hệ xưa truyền lại: “Biết được thời điểm trên trái đất bị ngập nước, vạn vật trên không sẽ chết hết; người Pa Kô đã đục những thân cây gỗ đủ sức chứa cho một đến hai người, thả trôi trên biển cả. Trong thân cây gỗ đó, có chứa các dụng cụ, cây giống để khi nước rút đi, tìm kế sinh nhai. Hơn một tuần sống trong khúc gỗ, nước cạn, họ chọc khúc gỗ chui ra tìm đất đai sản xuất.
 
Quá trình sinh sống, làm ăn rồi sinh con đẻ cái. Sinh được chục con, 5 trai, 5 gái (ông trời chỉ cho một trong hai người trong khúc gỗ được sống, nên người được sống phải ghép với một loài vật khác mới có thể sinh con, con sinh ra chỉ có thể sinh toàn nam, hoặc toàn nữ), đến khi trưởng thành thì không biết kết hôn với ai. Cha mẹ bày cho con cứ đi mãi, quanh núi quanh non để tìm bạn đời. Họ đi mãi, đi mãi rồi con trai gặp được những người con gái muốn tìm và ngược lại. Gặp nhau ở một khu rừng, đủ đôi, đủ cặp để thành vợ thành chồng, lập nên làng xóm”...
 
“Tôi là người Pa Kô”
 
Trong cuộc hành trình này, chúng tôi may mắn được gặp già làng Quỳnh Át. Ông cùng sống với người em trai (đã ngoài 90 tuổi) trong một ngôi nhà dài truyền thống của người Pa Kô tại thôn Lê Triên, xã Hồng Trung, A Lưới. Già Quỳnh Át kể: Già được sinh ra vào mùa lúa mới, đến nay già không còn nhớ là mình đã sống qua bao mùa lúa mới nữa - còn với những người lớn tuổi trong làng thì già Quỳnh Át là “báu vật sống” của người Pa Kô (đã ngoài 100 tuổi) và là biểu tượng của sự hào hoa, giàu có của người đồng bào.
 
Vốn là con nhà khá giả, ngày trẻ già nổi tiếng khắp vùng với tài đánh chiêng giỏi, hát rất hay. Tiếng chiêng già đánh ngân vang khắp cả núi rừng, tiếng Ântoong Atục (nhạc cụ gồm 3 thanh gỗ, một ống tre) của già xua đuổi hết những bầy thú dữ. Tiếng khèn Âng Krao, Âng qoại, Ti reel của già đắm hồn biết bao thiếu nữ...
 
Nhà dài truyền thống của người Pa Kô.
Người Pa Kô trên nương.      .
Già Quỳnh Át trên 100 tuổi: “Tôi là người Pa Kô”.
 
Dứt ngang câu chuyện kể, già Quỳnh Át lấy ra chiếc chiêng “biểu diễn”, vừa đánh chiêng vừa múa xoay tròn bên bếp lửa. Những đứa trẻ, thanh niên, đến những thiếu nữ trên nương nghe tiếng chiêng của già Quỳnh Át nổi lên bên ngôi nhà dài, họ hội tụ về, cùng chung thêm điệu nhảy, điệu múa...
 
Dứt tiếng chiêng, mồ hôi lăn dài trên trán, già cười móm mém bảo: “Mệt, già mệt lắm nhưng tiếng chiêng, tiếng khèn là báu vật của núi rừng phải gìn giữ, lâu cũng phải nổi chiêng, nổi khèn lên để đánh thức bản, làm vui cho bản và để con cháu còn học để biết thổi cái khèn Âng Krao, Âng  qoại... gọi bạn tình nữa chứ”.
 
Người PaKô trước đây thường sống trong những nhà dài, trong đó gồm nhiều bếp, nhiều hộ gia đình, thường quây quanh một sân lớn được dùng cho các sinh hoạt chung (của làng). Họ có lễ hội Ada - lễ hội ăn mừng lúa mới để tri ân mùa màng, để tạ ơn đất trời, nắng mưa, dông gió, sông suối, núi rừng, cây cối và cả ma quỷ.
 
Ở lễ cúng Ada, điều mong mỏi nhất là mỗi nhà mỗi bếp cũng như cả làng được bình yên, con người được mạnh khỏe, mùa vụ năm tới bội thu. Người Pa Kô còn có lễ cải táng mồ mả (A riêu ping) được tổ chức với mục đích đem lại sự bình yên, siêu thoát cho những người đã khuất, mang lại cho dân làng một cuộc sống ổn định, không ốm đau, bệnh tật.
 
Để chuẩn bị cho lễ hội, trước đó một tuần, toàn bộ trai làng được huy động để đưa hài cốt của những người đã khuất về tập trung ở giữa làng; 3 ngày sau, những hài cốt đó sẽ đưa đi cải táng. Việc bốc mộ không chỉ riêng lẻ từng gia đình mà được tổ chức bốc theo làng, dòng họ dưới sự chỉ đạo của già làng. Sau khi hoàn thành việc bốc mộ, người Pa Kô nổi chiêng, nổi trống lên cùng nhảy múa, ca hát suốt ngày đêm.
 
Rời miền cao, mang theo những câu chuyện kể của người anh em trên núi chúng tôi tâm đắc câu nói của già Quỳnh Át: “Âng là tikuôi Pakôh” (Tôi là người Pa Kô). Từ thế hệ này qua thế hệ khác, người Pa Kô luôn tự hào mình là một dân tộc, có lối sinh hoạt, ngôn ngữ và bản sắc văn hóa riêng, là con, là cháu Bác Hồ.
 
Theo kết quả khảo sát ban đầu, Pa Kô là dân tộc thiểu số, định cư chủ yếu ở huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) và huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Họ sống xen kẽ với người Cơ Tu, Tà Ôi, Vân Kiều và có nhiều đặc điểm tương đồng với các dân tộc nhóm Môn - Khmer về trang phục, nhà ở, cách thức canh tác. Với 18.000 người, đồng bào Pa Kô hiện chiếm số dân lớn nhất trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Thừa Thiên Huế. Tiếng nói của dân tộc Pa Kô là một ngôn ngữ độc lập.
 
Về mặt tổ chức xã hội, người Pa Kô không phân chia ranh giới giữa làng này với làng khác trong khi làng của người Tà Ôi lại phân chia ranh giới rất rõ ràng. Người Pa Kô xem con voi là vật quý nhất, thể hiện sự giàu sang trong khi với người Tà Ôi, cái quý nhất thể hiện sự giàu có lại là những vòng ngọc có màu trắng ngà.
 
Về dòng họ, nếu người Pa Kô phần đông lấy tên họ mình là Tâng Koal (con chó) thì người Tà Ôi lấy tên họ mình là A Kê, Pê Kê (con chim). Đàn ông trong gia đình người Tà Ôi đảm đang, nấu ăn rất giỏi, còn với người Pa Kô thì công việc nấu nướng chỉ dành riêng cho phụ nữ. Tuy cùng có tập quán ở nhà dài nhưng nhà của người Pa Kô mái xuôi và có vách ngăn riêng biệt cho từng gia đình trong đại gia đình, còn nhà của người Tà Ôi lại có mái thẳng đứng và không chia vách ngăn.
 Đăng Khoa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét