Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Đào Xá: Làng nghề làm đàn dân tộc độc nhất



dao_xa_medium.jpgNghề làm nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu. Để ra được một cây đàn như ý phải trải qua không biết bao nhiêu công đoạn cùng với sự tỉ mẩn và tài hoa của bàn tay người thợ.
Hiện nay trên cả nước có lẽ chỉ còn duy nhất làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa là còn giữ được nghề làm đàn dân tộc. Cả làng hiện có khoảng 20 hộ làm tất cả các loại đàn truyền thống. Đàn của Đào Xá làm ra đã nổi tiếng trong Nam, ngoài Bắc.
Không cuộc thi hay buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc nào mà lại vắng mặt nhạc cụ do làng Đào Xá làm ra. Chính vì vậy, những đơn đặt hàng từ khắp nơi trên cả nước liên tục đến với những người làm đàn nơi đây không những góp phần bảo tồn giá trị truyền thống mà còn giúp người dân nơi đây nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Nghề làm nhạc cụ truyền thống cũng lắm công phu. Để ra được một cây đàn như ý phải trải qua không biết bao nhiêu công đoạn cùng với sự tỉ mẩn và tài hoa của bàn tay người thợ.
Nguyên vật liệu chủ yếu để làm đàn là gỗ trắc, vông. Từ khâu chọn gỗ, ra gỗ, phơi gỗ cho đến công đoạn chắp, ghép, bịt da trăn, đánh bóng, trau chuốt, khảm trai và hoàn thiện... tất cả đều được làm theo phương pháp thủ công đúng với kỹ thuật của ngày xưa để lại. Trên nền gạch xám là những chiếc phôi đàn bầu, đàn tam, đàn nguyệt nên trông vẫn còn có phần thô mộc giản đơn. Những chiếc thân đàn bầu làm bằng gỗ nhãn đỏ au, những cái mặt cộng hưởng của đàn tam được bịt bằng da trăn vẫn còn nguyên cả đai chằng phơi nắng để hong khô chờ vào công đoạn mới.
Dõi theo từng ngón tay của người thợ, sau cái ấn mạnh tay của ông lão, một tiếng “khụp” chắc gọn vang lên, hai mép đầu của thanh gỗ mỏng ép khít vào nhau tưởng chừng như không còn một khe hở. Thấy lạ, tôi lân la dò hỏi mới biết đó là công đoạn ép khuôn thành bầu cộng hưởng của loại đàn nguyệt, thứ đàn mà dân miệt vườn sông nước miền Nam vẫn thường gọi là “đờn kìm”.
Sản phẩm của làng kể cũng khá đa dạng, từ cây đàn bầu, đàn tam, thập, lục, đàn đáy, đàn nguyệt, đàn tỳ bà... cho đến những cây nhị, cây hồ, cây líu... đều có cả. Những ai đã theo nghề này thì đều có thể làm được tất cả các loại đàn dân tộc một cách thuần thục. Thế nhưng điều làm chúng tôi ngạc nhiên hơn cả là không một người làm nghề nào có kiến thức về âm nhạc mà cùng một loại đàn nhưng mang những âm hưởng khác nhau như âm thổ, kim thì họ làm rất chính xác, ít khi bị khách hàng trả về.
Tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi tìm gặp ông Đào Văn Soạn, một người làm nghề lâu năm ở đây, ông cho biết: Nghề làm đàn đã gắn bó từ đời ông nội của ông. Từ xưa đến nay, những người làm nghề chỉ biết dựa vào những kiến thức của cha ông truyền lại để làm ra những loại đàn mang những âm sắc khác nhau chứ không một người nào làm nghề ở làng mà biết nhạc lý hay đánh đàn cả. Để xác định xem làm đàn mang âm sắc nào thì dựa vào kinh nghiệm để tìm loại vật liệu làm cho phù hợp, không hề có một công thức hay sách vở nào để dựa vào làm theo.
Qua quan sát trong nhà ông Soạn, các loại nhạc cụ từ nhị, thập, tam đến tỳ bà, bầu loại gì cũng có. Ngoài sân ông Soạn đang miệt mài làm nốt chiếc đàn bầu để buổi chiều còn kịp giao hàng cho khách đem ra Hà Nội bán. Trái với vóc dáng gầy gò, đôi bàn tay thoăn thoắt như thanh niên đang phết keo, ép đàn. Ông tâm sự với chúng tôi, nếu công việc đều thì mỗi tháng thu nhập cũng được khoảng 2 - 3 triệu đồng. Đó cũng là khoản thu nhập khá cao với những người nông dân như chúng tôi. Nhưng hình như bây giờ lớp trẻ ở làng không còn say mê với nghề này nữa, chúng bỏ nghề làng đi làm ở các thành phố lớn hay những khu công nghiệp hết cả rồi. Cách đây chỉ vài năm thôi, làng này có khoảng 50 hộ làm nghề nhưng bây giờ thì còn chưa đầy một nửa.
Cũng theo lời ông Soạn thì để học được thành nghề, mỗi người cũng phải mất từ 2 - 3 năm, trong khi đi làm công nhân ở các khu công nghiệp chỉ mất 1- 2 tháng là có thể kiếm được tiền. Bên cạnh đó, nhạc dân tộc bây giờ không được nhiều người ưa thích nữa nên số lượng đàn bán ra cũng giảm nhiều. Ở làng bây giờ chỉ còn những người yêu nghề mới có thể tiếp tục làm.
Đứng trước nguy cơ nghề truyền thống bị mất dần, ông Soạn cũng như nhiều người làm nghề ở làng đã quyết tâm tìm ra hướng đi mới nhằm giữ gìn nghề truyền thống của làng. Thế nhưng, mọi cố gắng của họ gần như không đem lại kết quả. Các hộ làm nghề cũng phải bỏ dần vì không có người làm. Chính vì vậy, làm thế nào để giữ gìn được nghề truyền thống vốn có gần 200 năm, tạo được việc làm cho bà con nơi đây sẽ luôn là vấn đề nan giải với những người dân đã gắn bó cả cuộc đời với nghề, nếu như thiếu sự quan tâm của các cấp, các ngành.
Tạ Đình Dũng
Vietbao (Theo: itaexpress)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét