Thứ Ba, 24 tháng 7, 2012

Đi tour quan họ có tinh mới tường…


Muốn tiếp thu được phần cốt lõi của tour du lịch nghe canh hát quan họ, du khách phải có sự tham gia tích cực, nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội xâm nhập, khám phá một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại  



Quan họ “chơi” là chính
Có một miền quê quan họ bắc ninh mà cách đây hàng nghìn năm đã sản sinh ra những làn điệu dân ca và hình ảnh quan họ làm say đắm lòng người. Nghe một lần lại muốn nghe nữa, nghe nữa là lại muốn ở lại nghe mãi không thôi.
Người nghe bị mê hoặc bởi những lời hát quan họ ngọt ngào, tình tứ của những con người sinh ra và lớn lên cùng những câu dân ca quan họ quê mình. Sau mỗi vụ mùa bận rộn hay khi những hội xuân về những chàng trai trong trang phục quan họ đầu đội khăn xếp mặc áo the dài, quần trắng ống rộng và những cô gái mặc áo tứ thân nhiễu điều nép bên hoa lý muôn chùm, đầu đội nón quai thao đó là các liền anh, liền chị hẹn gặp nhau trong những câu hát đối đáp giao duyên, những câu hát về quê hương đất nước. Cứ như vậy những câu hát được truyền đi truyền lại qua bao thế hệ.



Cho đến bây giờ, chẳng ai biết là Quan họ có bao nhiêu bài, chỉ biết các bà các chị hát cả  ba bốn ngày hội mà vẫn chưa cạn ý, cạn lời. Phận làm gái thời xưa làm gì biết đến cái chữ, học hát thì phải học từng câu, từng dòng rồi nhập tâm.
Từ khi biết hát những câu đầu tiên cho đến năm 15,16 mới có thể nhập bọn đi chơi, đi hát. Xưa kia, tổ chức quan họ cơ sở được gọi là bọn quan họ chứ không gọi là tổ hay đội quan họ.
Khác với loại hình dân ca khác lấy hát là chính thì ở văn hoá quan họ người ta lại quan tâm đến những hành vi ứng xử giao tiếp, đối đãi với nhau trong cuộc sống. Đó được gọi là cách chơi quan họ.
“Người quan họ không “hát” quan họ mà người quan họ “chơi” quan họ”. Với người quan họ, nếu nói “hát” quan họ tức là chưa biết đầy đủ về văn hóa quan họ, về con người quan họ. Người “hát quan họ” có khi chỉ biết dăm bảy bài “nghe quen quen trên đài.”. Người biết chơi quan họ chí ít cũng phải biết vài chục “câu”, người giỏi có khi biết hàng trăm “câu”, có thể ứng khẩu đối đáp đúng lề đúng lối, biết phép tắc ứng xử của quan họ. Người thạo quan họ, đi chơi quan họ nhiều chỉ cần nghe qua là biết “bọn” này ở làng nào vì trên cái nền chung, mỗi làng quan họ lại có những nét riêng, những cách hát, những “câu” hát đặc trưng của mình. Cũng nhân tiện nói thêm, người quan họ không gọi là “bài” quan họ mà họ nói: “câu” quan họ, mỗi “đoạn” họ gọi là một “trổ”…

Nghề chơi cũng lắm công phu
Ngày xưa, quan họ đón khách là đón người quan họ của làng kết chạ với mình đến chơi và hai bọn hát cho nhau nghe thường là thâu đêm đến sáng. Canh hát thường tổ chức tại nhà người đứng đầu bọn quan họ (gọi là ông/bà trùm) của làng đó, vào dịp lễ hội mới ra đình. Tuy cũng có dân làng đến xem nhưng đối tượng thưởng thức trước tiên vẫn là hai bọn quan họ với nhau.
Ở Bắc Ninh ngày nay, ngoài  "xuân thu nhị kì," hai đợt lễ hội chính, thì các liền anh, liền chị vẫn ngồi hát cho nhau nghe vào những đêm trăng thanh gió mát hay lúc nông nhà.


Tuy nhiên, để có một canh hát ra trò thì cũng phải cần nghệ nhân của 2-3 làng cùng hợp sức lại. Vì người có giọng lại biết hát lối cổ không nhiều, đặc biệt là các liền anh lại càng hiếm. Hình thức vẫn là đối đáp nhưng thật ra là biểu diễn, vì hai bên đã có tập dượt và biết trước bài nào sẽ đối với bài nào. Tất nhiên từ vài chục năm nay đã không còn có chuyện sáng tác mới một bài quan họ để thách đối.
Hai giọng hát chập lại, một người dẫn một người luồn, một người chuyên giai điệu, một người tập trung nảy hạt. Để có thể hát với nhau thật ăn ý đến từng chữ, đòi hỏi cặp hát phải thường xuyên tập luyện.
Thưởng thức quan họ nếu chỉ dừng lại ở giai điệu, kể cả lời hát, rất dễ dẫn đến nhàm chán vì nghe một hồi thấy bài nào dường như cũng giống bài nào. Phải thật tập trung theo câu hát mới thấy vẻ đẹp ở từng chi tiết kỹ thuật, từng chỗ nảy hạt, ngắt giọng... đều tăm tắp.
Quan họ theo lối cổ quả là một thách thức với tai nghe hiện đại; khi khán giả đã quá quen với việc nghe phải đi đôi với nhìn, với những hiệu quả âm thanh, ánh sáng của sân khấu. Vì thế không có gì ngạc nhiên nếu đa số du khách bày tỏ muốn có những giọng hát trẻ hơn, trong khi số khác lại ước ao giá còn nhiều nghệ nhân cao niên để được thưởng thức đúng chất quan họ cổ. Điều thú vị của quan họ là càng cao tuổi, giọng của các liền chị lại có độ vang và rền, kỹ thuật càng chắc, hát với nhau càng quyện.
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, muốn tiếp thu được phần cốt lõi của tour du lịch nghe canh hát quan họ, du khách phải có sự tham gia tích cực, nếu không muốn bỏ lỡ cơ hội xâm nhập một truyền thống mà người trong cuộc phải mất nhiều công gìn giữ.
Minh Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét