Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Về Phú Nghĩa...


Dọc theo quốc lộ 6 cách trung tâm Hà Nội 27 km về phía Tây, làng nghề mây tre đan Phú Nghĩa, hiện được biết đến như một trong những làng nghề truyền thống của Hà Nội nổi tiếng khắp trong và ngoài nước với sản phẩm đa dạng, từ thông dụng như rổ, rá, túi xách….đến các sản phẩm tinh xảo như tranh, tượng, khung ảnh, khay đĩa, lọ hoa, chụp đèn….. hay như những vật dụng phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người là giường, tủ, bàn ghế...

Đến với Phú Nghĩa, du khách như được đắm mình vào không gian bình dị của một làng quê nông thôn Việt Nam. Vẫn còn đó những rặng tre râm mát, những bóng cây xum xuê mát rượi, là nơi tụ tập của chị em làng nghề cùng nhau đan mây tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ tinh tế làm mê đắm lòng người. Theo cụ Giám, một bậc cao niên trong làng, chữ Phú trong phiên âm Hán Việt nghĩa là giàu có, còn Nghĩa là nghĩa tình.
Địa danh xã Phú Nghĩa chưa rõ xuất hiện từ khi nào nhưng ẩn chứa trong cái tên ấy là ý nguyện sâu xa của người dân muốn xã mình ngày một giàu có trù phú hơn với những mặt hàng có tình nghĩa. Bởi vậy,  trong suốt quá trình phát triển gần 400 năm nay của làng nghề, thương hiệu mây tre đan Phú Nghĩa dù có lúc thăng trầm theo dòng chảy của lịch sử và sự phát triển của xã hội nhưng luôn bền bỉ để duy trì và phát triển, để tận dụng khi có thời cơ thì vươn cao, vươn xa và ngày càng nức tiếng hơn với bạn bè trong nước và quốc tế. 
Nghề mây tre đan gắn liền với hầu hết toàn bộ người dân Phú Nghĩa, từ đứa trẻ mới chỉ bắt đầu đến tuổi đi học cho tới các cụ già tóc đã bạc. Thoáng đâu đây có thể bắt gặp vài đứa trẻ túm tụm bên nhau đan những vòng khuyên để tạo bộ rèm cửa hay các chị, các bà chiều chiều ngồi tán chuyện vui vẻ, tay thoăn thoắt đan nan để làm ra những chiếc giỏ ấm, đèn lồng… Đám thanh niên trai tráng trong làng cũng tham gia vào sản xuất mây tre đan với những sản phẩm lớn hơn như đan bàn ghế, va li, kệ giá sách...
Nguyên liệu của nghề này là những cây thuộc họ tre như tre, giang, trúc, vv... và mây rừng gồm mây, song… được khai thác từ các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Quảng Nam… Một số hộ sản xuất nhập nguyên liệu đã qua pha chế, những hộ khác thì nhập cây tươi và tự pha nan. Ông Trần Văn Cửu, Giám đốc Công ty TNHH Mây tre đan Thu Trang cho biết, những nan tre, nan mây làm đồng loạt bằng  máy, qua quá trình vận chuyển về tới làng nghề hay bị dập nát, hơn nữa nan sẽ không có độ bóng như khi được chuốt bằng tay. Bởi vậy, những nghệ nhân lâu năm của Phú Nghĩa, nếu được khách hàng đặt riêng từng sản phẩm thì thường tự tay pha nan chứ không nhập đồng loạt như sản phẩm đóng thùng xuất khẩu.
Cây song khi đem từ trên rừng về thường được luộc sôi trong dung dịch dầu diezel (30% dầu, 70%  nước) khoảng một giờ đồng hồ, sau đó vớt ra phơi cả cây trong khoảng một tuần rồi đem sấy lưu huỳnh.
Sở dĩ phải thực hiện thao tác này bởi trong cây song có hàm lượng đường glucô nên phải luộc qua dung dịch này để chống mối mọt, sau nữa là để chống hiện tượng làm gỉ những cây đinh đóng vào khi hoàn thiện sản phẩm. Nhờ quy trình này, tỉ lệ mốc và mối mọt ở sản phẩm mây tre đan Phú Nghĩa đã giảm tới hơn 70%. Với nguyên liệu mây thì không phải luộc mà chỉ cần sơ chế tách riêng lõi, cật và sau đó sấy lưu huỳnh luôn để giữ trắng và chống ẩm mốc.
phu_nghia1
Thông thường, những sản phẩm sản xuất hàng loạt để xuất khẩu, sau quá trình xử lý nguyên liệu sẽ được giao cho từng đại lý cấp I. Mỗi đại lý sẽ là một đầu mối giao nguyên liệu và mẫu sáng tác cho khoảng 100 hộ. Sau thời gian khoảng một tuần, các đại lý sẽ đi thu sản phẩm thô từ các hộ gia đình và đem về hoàn thiện giai đoạn đầu bằng cách đưa vào đèn khò để đốt các sơ tướp.
Những sản phẩm thô này chưa có độ  cứng do nguyên liệu là các sợi nan, vì thế sau khi chỉnh sửa lần cuối, người thợ sẽ nhúng sản phẩm qua keo sữa để tạo độ cứng. Sau công đoạn cuối cùng phun sơn tạo màu và phun dầu bóng, những chiếc giỏ mây, làn mây hay chiếc đèn lồng và những con thiên  nga…được nghệ nhân tạo nên từ nan mây nan tre bỗng trở nên đẹp đẽ hơn, có da có thịt và sống động lạ thường.
Tới thăm gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tại xóm Gò Đậu, du khách không khỏi thán phục khi được tận mắt chứng kiến bàn tay khéo léo của người ngoại ngũ tuần này. Dưới bàn tay tài hoa của ông Tĩnh, những ống giang, cây mây được kéo nuột ra thành sợi, bàn tay mềm mại di chuyển cùng cây kim để dệt nên những hoa văn đẹp và lạ mắt.
Là một trong những gia đình có ruyền thống làm nghề mây tre đan nổi tiếng, bố ông, cụ Nguyễn Văn Khiếu là người đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân về mây tre đan và cũng là người đầu tiên đan thành công bức chân dung Hồ Chí Minh bằng mây. Được thừa hưởng hoa tay của bố, ông Tĩnh hiện là một trong 14 nghệ nhân của Câu lạc bộ Nghệ nhân thợ giỏi làng nghề Phú Nghĩa, từng giành được rất nhiều giải thưởng và bằng khen cho các sáng tác mẫu độc đáo. Ông Tĩnh cho biết, mặc dù đã có nhiều cải tiến vượt bậc trong các sản phẩm mây tre đan Phú Nghĩa nhưng điểm độc đáo nhất hiện nay của làng nghề chính là cách tạo mầu và họa tiết.
Một số hộ sản xuất hàng tinh xảo của làng nghề đã và đang từng bước quay trở lại ứng dụng công nghệ tạo màu tự nhiên cho sản phẩm như cách thức cha ông đã từng làm chứ không sử dụng màu hóa chất.
Như để tạo họa tiết đen, người nghệ nhân lấy lá sòi, lá bàng, lá ổi và lá thèn đen đem luộc trong vòng 50 phút để tạo ra một thứ nước có màu đen sánh. Cho sản phẩm vào ngâm trong thứ nước này rồi vớt ra, phơi khô, sau đó đem ngâm dưới bùn đen trong khoảng 5-7 ngày.
Những nan tre, mây làm như vậy sẽ có được màu đen tự nhiên, độ bền màu có thể lên tới 50 năm như một số sản phẩm mây tre đan được làm từ thời cha ông hiện được lưu giữ tại cố đô Huế vẫn giữ được màu. Hoặc nếu muốn tạo màu vàng tự nhiên không qua phun sơn, người nghệ nhân sẽ dùng rơm rạ chặt ngắn khoảng 3-5cm, đặt trong một hố có miệng rộng và sản phẩm được đặt bên trên. Người nghệ nhân sẽ đốt rơm sao cho không để bắt mồi lửa mà chỉ tạo ra những làn khói trắng bám trên sản phẩm.
Thời gian đốt sẽ lâu hơn nếu người nghệ nhân muốn tạo màu vàng đậm cho sản phẩm. Bằng cách này, sản phẩm sẽ trở nên vàng óng và không bị mối mọt nếu để lâu ngày.
Nhằm bảo tồn, phát triển và giới thiệu sản phẩm của làng nghề được rộng khắp, người dân Phú Nghĩa tự hào dạy và truyền nghề cho rất nhiều địa phương trên cả nước như Thái Bình, Biên Hòa, Đồng Nai… Rất nhiều du khách quốc tế cũng đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm đan mây tre của người nghệ nhân Phú Nghĩa. Từ những cây tre, cây mây, qua tay người nghệ nhân của làng nghề Phú Nghĩa đã biến thành những vật dụng thiết thực sử dụng trong đời sống thường nhật hay những vật dụng trang trí đẹp mắt. Người Phú  Nghĩa tự hào sản phẩm của họ đã có mặt ở năm châu. Đây là niềm vinh dự, là động lực lớn cho người   dân Phú Nghĩa trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống của quê hương.
Vietbao (Theo: hanoitv.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét