Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Làng mũ nón lá Tri Lễ


Dưới ánh vàng rực rỡ của cái nắng đầu mùa, từng góc, từng khoảng trống đường làng dường như trở nên dịu dàng, lung linh bởi sắc lam trắng của những búp cọ non no nắng. Nắng là nhân tố quan trọng trong việc cấu thành chất lượng sản phẩm làng nghề của người dân Tri Lễ, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai: Nghề làm nón và mũ lá.

Nặng duyên với nghề
Thôn Tri Lễ có khoảng 4000 nhân khẩu thì có tới hơn ba nghìn người biết làm nón, mũ lá. Ngay cả những người thợ xây (ở làng) tay gạch, tay dao, nhưng khi động vào cây kim với chiếc khuôn cùng chít lá cọ cũng thoăn thoắt một cách siêu đẳng. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm làng nghề, ông Trưởng thôn Nguyễn Văn Bộ vừa cho biết khả năng làm nghề của người dân như vậy.
Gọn nhẹ, sạch sẽ nên tất cả các công đoạn để làm nón và mũ lá như: chẻ nan, bứt vòng, vào khuôn, khâu, nức… đều có thể tranh thủ làm ở mọi lúc, mọi chỗ. Bên chiếc khuôn chít lá của các bà, các mẹ; đám trẻ vui đùa bắt chước để rồi thành nghề tự lúc nào chẳng hay. Nghề làm nón, mũ lá của thôn Tri Lễ đến với mỗi người dân nơi đây tự nhiên như người lớn bây giờ biết bật tivi và đi xe máy vậy. Bởi khá đơn giản, nhẹ nhàng, không nhất thiết đòi hỏi phải có vốn nên nghề làm mũ, nón lá rất gắn bó với người nông dân ít ruộng, không có điều kiện kinh doanh, buôn bán. “Từ đứa trẻ tám – chín tuổi đến bà cụ bảy – tám mươi tuổi đều có thể tự kiếm tiền. Vì thế mà dù có già cả, kém sức khỏe nhưng nhiều cụ trong thôn vẫn không hề phụ thuộc con cái” – một cụ bà ở xóm 3 (đã trên 80 tuổi) vừa món mém nhai trầu, vừa lao động, tâm sự
Trong tất cả các công đoạn để cấu thành chiếc mũ, chiếc nón thì phơi lá là khâu chiếm mất nhiều thời gian nhất. Những ngày mùa đông tháng giá, thời gian phơi trung bình khoảng 15 ngày; còn nếu may mắn được nắng liên tục thì ba ngày là có nguyên liệu cho sản xuất. Kỹ thuật phơi, cường độ nắng ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm: Được nắng thì lá đẹp (màu lam trắng), dùng làm mũ Lâm Xung loại to, bán cho các hộ thu gom hàng xuất khẩu sang Irắc, Nhật Bản, thu nhập cũng tạm ổn. Còn thiếu nắng thì màu lá đỏ quoạch, xấu, chỉ có thể làm mũ lá kiểu ngày xưa; hiệu quả kinh tế không được tốt.

Trong tất cả các loại nguyên liệu làm nón, chỉ duy nhất có nắng là “nguyên liệu” tự nhiên, không mất tiền và sẵn có; phần còn lại từ búp cọ, ống giang, thanh nứa đến cây kim, sợi cước… đều phải mua từ các tỉnh khác. Từ Trung du miền núi về vùng “đất trăm nghề”, búp cọ, thanh giang đã sánh “duyên” cùng người Tri Lễ qua hơn thế kỷ và vẫn gắn bó mật thiết, quan trọng trong đời sống của 75% số hộ dân nơi đây.
Tiền công không phải là tất cả
Hầu hết các sản phẩm mũ, nón lá (mũ Lâm Xung, mũ lá truyền thống, nón, nón quoai thao…), người dân Tri Lễ đều làm được và làm tốt, nhưng sản phẩm được đông đảo mọi người quan tâm, sản xuất là mũ Lâm Xung. Tùy từng kích cỡ, từng mối hàng mà giá của mũ Lâm Xung dao động từ 4.200đồng/chiếc đến hơn 6.000đồng/chiếc. Hàng đòi hỏi ít chất lượng thì đầu tư mất khoảng 800đồng/chiếc. Mỗi ngày bà Nguyễn Thị Nhung, xóm 4 tranh thủ làm được 6 cái, trừ chi phí còn lãi gần hai chục nghìn tiền công. “Hơi ít, nhưng công việc nhàn hạ, lại mang tính tranh thủ. Thế là tốt rồi” – bà Nhung hài lòng nói.
Với quan niệm và coi làm mũ Lâm Xung là nghề mưu sinh, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hạnh (xóm 4) sản xuất được khoảng hơn hai chục chiếc/ngày. Tổng thu nhập của cả gia đình chưa được đến 3 triệu đồng/tháng nhưng “sẵn có thóc trong bồ, rau ngoài vườn. Nuôi thêm con gà, con vịt cải thiện. Thu nhập cũng tạm đủ cho các em ăn học” – vợ anh Hạnh tâm sự. Chị còn cho biết: “Nếu là người làm nhanh, chịu khó thì năng suất có khi đạt 15 chiếc (mũ)/ngày”.
Bàn về vấn đề thu nhập, Trưởng thôn Nguyễn Văn Bộ cho biết: Trung bình mức thu nhập của những người hoạt động thường xuyên và sống bằng nghề chỉ ở mức khoảng 700.000đồng/tháng”. Tuy mức sống chưa cao nhưng công việc nhàn hạ và nhiều ưu điểm: Ít phải ra đường nên người dân không tốn tiền xăng, ít hao mòn xe, cộ, đỡ lo tai nạn, bà con có điều kiện hội họp, truyện trò, trao đổi kinh nghiệm cuộc sống. Trẻ con có mục đích trong những giờ nghỉ, ngày nghỉ học, đỡ chơi điện tử, chát chít, đàn đúm. Hơn nữa, do đặc thù công việc không sử dụng đến nước và bất kỳ chất hóa học độc hại nào; khả năng tận dụng nguyên liệu cao (lá to, dài làm nón, mũ to; lá nhỏ làm mũ truyền thống, mũ đồ chơi phục vụ du lịch) nên vấn đề môi trường làng nghề ở Tri Lễ chưa bao giờ được đề cập đến vì quá trong lành.
Vietbao (Theo: vietnamgateway.org:100)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét