Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Nghề dệt lĩnh Bưởi


Lĩnh Bưởi, mặt hàng dệt độc đáo ở kinh thành Thăng Long xưa và duy ở Việt Nam mới có. Nghề dệt lĩnh ở nước ta có tuổi khoảng 10 thế kỷ. Bây giờ, tuy không ai dệt nữa, nhưng lĩnh Bưởi còn lưu mãi trong ca dao, tục ngữ trong lịch sử ngành nghề thủ công ở Việt Nam.
Tổ nghề lĩnh Bưởi
Tương truyền đầu xuân năm 1011, sau khi định đô ở Thăng Long, Lý Thái Tổ đi thuyền trên sông Tô đến bến sông gần chợ Bưởi ngày nay, thấy có căng một tấm lĩnh dệt hình con rồng uốn khúc. Người dừng lại hỏi mới biết dân xóm Dâu và xóm Bãi đã dệt tấm lĩnh này để đón mừng nhà vua. Qua đó có thể thấy nghề dệt lĩnh đã có từ rất lâu, muộn nhất cũng phải là thế kỷ 11.
10.jpg

Làng Trích Sài xưa nổi tiếng về nghề dệt lĩnh
Về tổ nghề lĩnh Bưởi có rất nhiều truyền thuyết khác nhau. Có chuyện nói rằng cuối thời Bắc thuộc, họ Thái ở phương Bắc sang nước ta làm ăn đã đem nghề dệt lĩnh truyền dạy cho dân. Lúc đầu dân làng chỉ dệt được lĩnh trơn, về sau nghề dệt lĩnh được truyền rộng sang các làng lân cận bên kia sông Thiên Phù và sông Tô Lịch như làng Tiên Thượng, làng Trung Nha, làng Vạn Long... tất cả đều thuộc vùng Bưởi.
Lại có thuyết khác cho rằng lĩnh Bưởi từ lâu đã nổi tiếng ở kinh đô Thăng Long và khắp cả nước là nhờ công ơn tổ nghề Phạm Thị Ngọc Đô. Tương truyền vào thời Hậu Lê, nhà vua đi đánh dẹp ở phương Nam toàn thắng trở về. Trong số người về theo có một cô gái xinh đẹp là Phạm Thị Ngọc Đô. Nàng được nhà vua yêu quí không chỉ vì vẻ đẹp sắc nước hương trời mà còn vì tài canh cửi có một không hai. Phạm Thị Ngọc Đô đã được vua xây cung điện và cho ở cùng 24 nữ tỳ cũ của nàng. Đồng thời lại cấp cho khoảnh đất rộng 80 mẫu thuộc địa phận làng Trích Sài (vùng Bưởi- Nghĩa Đô ngày nay) đặt tên là Thiên Niên trang. Bà đã chiêu tập dân những làng xung quanh cùng với các nữ tỳ của mình, để dạy cho họ nghề dệt lĩnh. Ít lâu sau bà mất, nhớ ơn bà, nhân dân lập miếu thờ gọi là miếu Bà chúa dệt lĩnh. Hàng năm, cứ vào ngày mùng 5 tháng Giêng dân làng lại tổ chức tế lễ để tưởng nhớ công lao của bà để lại cho con cháu muôn đời sau. Trong bài hát chầu khi người làng Bưởi tế bà có đoạn:
“Nhờ đức thiên tôn dạy nết cửi canh 
Chân giày tay dệt đã nhanh
Văn chương có chữ rành rành bởi ai
Việc cung chức thiên tài đủ vẻ
Dạy nữ công văn nghệ cho tường
Quay tơ lựa chỉ nhiều đường
Dọc theo dậm mắt, dệt ngang có mành...
Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về”
Một nghề biết mấy công phu
Cho dù những câu chuyện về tổ nghề còn khác nhau nhưng chắc chắn dân chúng vùng Bưởi - Nghĩa Đô vốn có nghề dệt lĩnh từ lâu đời bởi dân gian có câu hát: “Nhắn ai trẩy chợ kinh thành/ Mua em tấm lĩnh hoa chanh gửi về”.

Theo nhà nghiên cứu Đỗ Thị Hảo, lĩnh hoa chanh là hàng dệt bằng tơ rất công phu của vùng Bưởi, cầm vuông lĩnh đen ta thấy dầy dặn nhưng không thô cứng. Một mặt đen mờ còn mặt kia bóng láng có điểm những chấm hoa mịn màng tinh tế.
Cũng theo bà Hảo, mặc dù vẫn phải trải qua các công đoạn quay tơ, mắc cửi, làm hồ, đánh suốt, dệt, nhưng dệt lĩnh nhất là lĩnh hoa đòi hỏi nhiều công phu. Chỉ tính riêng số sợi dọc trong một tấm lĩnh cũng đã có 5.400 sợi dặm mắc (là sợi tơ vừa phải, khác với dặm mảnh là sợi tơ nhỏ) và dặm mốt son (là sợi tơ to nhất). Người thợ phải đếm đủ số sợi, rồi mắc lên khung cho thật đủ, không bị rối, không bị đứt...
Trong quá trình làm nghề người thợ đã đúc rút được những kinh nghiệm và luôn nhắc nhở nhau:
“Hồ trơn ngang nhỏ dệt đan 
Thân mình cũng sướng như quan phủ Hoài
Hồ to ngang sấn dệt dày
Cũng bằng cha mẹ bắt đày biển Đông”.
Dệt lĩnh trơn đã khó, dệt lĩnh hoa còn khó hơn. Ở mỗi khung dệt lĩnh hoa phải mắc thêm go hoa và thêm một thợ cài hoa. Họ phải ngồi trên khung dệt để kéo go hoa phối hợp với người dệt ngồi ở dưới.
Lĩnh dệt xong mới chỉ là hàng mộc, việc nhuộm thâm cũng đòi hỏi kỹ  thuật và công phu. Lĩnh mộc trước hết phải đem chuội cho thật trắng, rồi nhuộm chàm. Sau đó mỗi ngày phải nhuộm nước lá bàng 5 lần, trát bùn rồi phơi khô, cứ như thế trong 7 ngày liền. Vậy là tấm lĩnh đã trải qua “35 thâm 7 thổ”.
Nhưng thế vẫn chưa xong bởi  muốn tăng độ bền của sợi, phải đem hồ, rồi cuộn cả tấm lĩnh lại, lấy chày gỗ ghè cho thật mềm, làm thế lĩnh mới đen bóng và mềm mại. Lĩnh mộc vùng Bưởi thường được mang vào Huế, hay Sài Gòn nhồi tía (nhuộm màu tía) rồi mới đem bán. Người ta gọi đây là lĩnh tía.
Hiện nay, một vài gia đình thợ dệt lâu năm ở vùng Cầu Giấy, Bưởi đã nghiên cứu cải tiến khung dệt có khổ to hơn, dùng mô - tơ để thay thế việc kéo bằng tay. Đặc biệt họ đã làm được máy cài hoa khi dệt. Với khung dệt cải tiến, người thợ không cần dùng hai tay lao thoi như trước mà chỉ dùng một tay giật dây cho thoi vào con chuột, còn tay kia dập khổ, nhịp độ vừa nhanh vừa đỡ tốn sức.
Việc cải tiến này cho phép dệt được những tấm lĩnh khổ rộng hơn, trước kia khổ 45 phân thì nay có thể rộng 80 phân. Máy cài hoa đặt trên nóc khung cửi thay thế bớt hẳn một người ngồi kéo  như ngày xưa, năng suất lại tăng gấp 3-4 lần so với trước. Dù số người làm nghề cũ ở Bưởi không còn nhiều nhưng họ đã cố gắng cải tiến trên cơ sở nghề tổ để dệt những mặt hàng mới đủ sức cạnh tranh với thị trường.
Vietbao (Theo: quehuongonline.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét