Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Quai Thao Triều Khúc


Làng Triều Khúc xưa thuộc Tổng Đơ, phủ Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Đây là một làng ven đô có nhiều nghề thủ công truyền thống, từng nổi tiếng với nghề làm quai thao. Bởi vậy, Triều Khúc còn có tên cổ là làng Đơ Thao.
Ai làm nón thúng quai thao
Để cho anh thấy cô nào cũng xinh.
Một số nghề nay đã mai một như nghề làm dây đàn tơ tằm cho các loại nhạc cụ dân tộc, nghề làm hoa bằng lông vịt, nghề dệt bấc đèn, nghề làm dây thắng ngựa... Nhiều nghề vẫn đang làm như nghề khâu chổi lông gà, nghề làm độn tóc, nghề dệt khăn go (khăn tắm kỳ lưng)... Cũng có nghề nay đã được cơ giới hóa như nghề dệt thổ cẩm, nghề làm dây giày.
5.jpg
Trong làng có cụ Nguyễn Thị Dằng, tức cụ Trí Đằng, là người làm được nhiều mặt hàng thủ công. Năm nay cụ đã 78 tuổi. Cụ là người cuối cùng của thế hệ chót trong nghề dệt thủ công Triều Khúc. Cụ theo nghề từ thời con gái, trong một gia đình có truyền thống đan dệt lâu đời. Ngay từ những năm 1956-1957, cụ đã cùng gia đình nghiên cứu và nhuộm dệt thành công các loại mẫu quân hàm, cầu vai, huân chương... của Nhà nước và quân đội. Nghề này sau được nhân ra để cả làng cùng làm.
Những tấm chân chỉ hạt bột, chân chỉ quả chữ thọ, loại hàng kỹ để đính vào y môn, vào tàn vào tán của các nhà làm đồ thờ có tiếng ở phố Hàng Quạt, Hà Nội, đều phải đặt cụ làm. Triều Khúc cũng có nhiều hộ làm hàng chân chỉ, y môn, nhưng hàng thật, hàng đẹp thì chỉ có nhà cụ Đằng mới làm được.
Trong làng nay cũng chỉ còn có cụ là biết làm quai thao. Xưa, quai thao được đan dệt hoàn toàn bằng tay, gọi là dệt thao. Dụng cụ dệt thao gồm có 2 phần: phần dưới là một cái giỏ tre có miệng, cao chừng 50 cm. Phần trên nắp làm bằng gỗ tiện tròn, đậy khít vào miệng giỏ thao và hơi loe ra một chút. Đây là bàn thao, rộng khoảng 15cm. Chính tâm bàn thao gắn cố định một chiếc kim nhỏ bằng nan hoa xe đạp cao chừng 10 cm, gọi là cọc thao. Sát cọc thao khoan thủng một lỗ đường kính 1cm. Sợi lõi dây thao to như chiếc đũa được quay chập nhiều sợi, cuộn thành lọn rồi để vào trong giỏ thao. Một đầu sợi lõi chui qua lỗ trên mặt bàn thao rồi kéo lên trên. Chung quanh cọc thao có 16 quả chỉ cuộn tơ tằm đã được nhuộm mầu. Đó là quả thao, người dệt để bàn thao trước mặt, hai tay lùa hất những quả thao qua lại theo một quy luật đan tròn, Khiến cho sợi tơ đan dệt chéo nhau thành hình chữ nhân để tạo thành vỏ ngoài ôm lấy sợi lõi bên trong. Xưa, các bà, các cô dệt thao nhanh và khéo lắm. Họ không cần nhìn vào bàn thao, miệng vẫn chuyện trò, cười nói mà dây thao dệt ra cấm có lỗi nào. Sợi thao bằng tơ tằm chắc, bền lại mềm mại, cầm vào thấy mát tay.
Quai thao có hai loại. Loại nhuộm đen dùng cho các bà, các chị. Loại để mầu trắng ngà nguyên khai của tơ tằm dùng cho các cô còn son rỗi. Quai thao có hai dây gọi là quai kép. Nhiều đoạn được tết thắt lại tạo thành những họa tiết vừa đẹp mắt vừa làm cho dây thao thêm chắc chắn. Mỗi bên đầu quai thao có 2 quả cù to bằng ngón tay cái, được đan móc công phu rồi rủ xuống thành tua dài chừng 30cm. Quả tua được cắt bằng, có thể để song song hoặc so le tùy ý. Công đoạn cuối là đính quai thao vào nón thúng, để khi mặc với áo tứ thân, váy lĩnh tía, lưng đeo xà tích, trên đầu đội nón quai thao có tua rua rủ xuống bờ vai làm cho các bà, các chị, các cô tăng thêm vẻ đài các và duyên dáng.
Triều Khúc vốn chỉ chuyên làm quai thao, còn nón thúng lại phải đặt mua tận làng Chuông, thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây hiện nay. Dây thao bây giờ có thể làm bằng máy, nhưng để hoàn chỉnh một chiếc quai thao thì vẫn phải làm bằng tay.
Vietbao (Theo: quehuongonline.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét