Thứ Ba, 31 tháng 7, 2012

Làng nghề đan lát của người Khơ-Mú



danlat.jpgĐan lát đã từ bao đời nay là nghề thủ công có truyền thống lâu đời và rất nổi tiếng của người Khơ Mú. “Đã là người Khơ Mú ta thì ai cũng biết đan, chỉ có điều là đan đẹp hay chưa đẹp mà thôi...” và ở bản Đỉnh Sơn I thuộc xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nghề đan lát đã phát triển tới mức “nhà nhà đan, người người đan”.

Trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, dân tộc Khơ Mú có khoảng 57.000 người, trong đó hơn 27.000 người cư trú ở các huyện Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương và Quỳ Châu thuộc miền tây tỉnh Nghệ An, số còn lại sống chủ yếu ở các tỉnh Sơn La và Lai Châu. Người Khơ Mú được sinh ra và lớn lên trong khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nơi bản làng được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ, những cánh rừng xanh ríu rít tiếng chim và những dòng suối trong vắt ngày đêm róc rách hát ca. Cũng có lẽ vì thế, tâm hồn của người Khơ Mú luôn chất phác, mộc mạc và thật gần gũi với thiên nhiên, ngay cả trong cách thể hiện các sản phẩm đan lát của mình.

Người Khơ Mú tạo ra được rất nhiều loại sản phẩm đan lát, từ đồ đựng, phương tiện vận chuyển, công cụ sản xuất, dụng cụ đánh bắt cá đến một số vật dụng để thực hành nghi lễ... Các sản phẩm đều được những người thợ ở đây làm rất công phu, được ken hay được quấn bằng mây rất độc đáo thể hiện đặc trưng dân tộc tương đối rõ nét như như gùi lúa, mâm, ghế, hòm đựng quần áo, hộp đựng xôi, hộp đựng kim chỉ... Gùi lúa của người Khơ Mú (yăng) thuộc loại sản phẩm đặc sắc nhất. Miệng gùi loe rộng được quấn mây rất đẹp, gùi có dây quàng qua trán và ách tỳ vào gáy người đeo. Gùi vừa là đồ đựng vừa là phương tiện vận chuyển. Những người đến lứa tuổi đi làm rẫy đều có chiếc gùi của riêng mình. Bộ ép xôi của người Khơ Mú có thể được coi là một trong những kiệt tác của nghệ thuật đan lát sử dụng chất liệu cật tre, có sức cuốn hút đặc biệt đối với bất kỳ một khách hàng khó tính nào.

Tùy từng loại sản phẩm, người Khơ Mú sử dụng những kỹ thuật đan lát cổ truyền khác nhau. Đan mâm dùng kỹ thuật xâu xiên (teleho) là kỹ thuật phức tạp và khó đan, rất ít người làm được, còn đan gùi dùng kỹ thuật lóng đôi (lai xoong) và lóng ba (lai xam)... Người Khơ Mú tin rằng, khi đan gùi lúa và hộp đựng xôi phải áp dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để tạo thành hoa văn thì người sử dụng chúng mới “ăn nên làm ra”. Không chỉ có những kỹ thuật đan lát cổ truyền, người Khơ Mú cũng sở hữu các kỹ thuật chế biến nguyên liệu rất phong phú, chẳng hạn như chỉ khai thác tre nứa vào những ngày cuối tháng, không có trăng vì “tre đầu tháng thân chứa nhiều nước nên dễ bị mọt”. Mây thì chỉ lấy dây già, leo trên cây cao, có màu vàng hoặc xanh để đảm bảo độ dẻo và không bị mọt. Và cũng không biết từ bao giờ, người Khơ Mú luôn chẻ tre, nứa từ ngọn xuống gốc còn chẻ mây lại từ gốc lên ngọn.

Mặc dù chỉ là nghề phụ trong gia đình, nhưng đan lát đã đem lại thu nhập đáng kể cho đồng bào Khơ Mú. Điều rất dễ nhận ra là sản phẩm đan lát của người Khơ Mú tại Kỳ Sơn đã trở thành vật dụng hết sức phổ biến cho sinh hoạt hàng ngày không chỉ của đồng bào Khơ Mú mà còn là các vật dụng không thể thiếu của đồng bào các dân tộc anh em đang sinh sống nơi đây như H’mông, Thái, Lào... Đặc biệt chiếc mâm của đồng bào Khơ Mú đã được rất nhiều khách hàng Nhật bản ưa chuộng. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ cũng ngày một quan tâm đến tính độc đáo của hàng đan lát ở Đỉnh Sơn, coi đây như một cơ hội mới để giới thiệu nét văn hóa truyền thống đan lát Việt Nam với bạn bè trên thế giới.

Mời các bạn đến với những người Khơ Mú ở Đỉnh Sơn để được chiêm ngưỡng chất thiên nhiên nơi đây, để gặp gỡ những con người cần cù, chân chất và rất thành thạo kỹ năng đan lát. Câu chào hàng trong phiên chợ vùng cao của chàng trai Khơ Mú dường như là lời giới thiệu đầy đủ nhất, còn mãi lắng đọng cho bất kỳ ai đã đến mảnh đất này “Anh chị hãy mua cái mâm này đi, chỉ 50.000 đồng thôi mà có thể dùng được 50 năm đấy”./.
Vietbao (Theo: hrpc.com.vn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét