Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

3 quán ăn nổi tiếng "không nhanh chân là hết phần" ở Sài Gòn

Không bảng hiệu hoành tráng, không bàn ghế sang trọng vậy mà những quán ăn này có tốc độ bán hàng nhanh đến mức bất kì ai kinh doanh hàng ăn cũng phải ganh tị.


Bánh canh Nguyễn Phi Khanh
Cả trăm tô bánh canh chỉ bán đúng trong một tiếng không hơn không kém (từ 15 đến 16 giờ), chậm chân là hết, quán bánh canh bác Huối trên đường Nguyễn Phi Khánh khiến những hàng ăn khác phải ganh tị vì mức độ đắt hàng chóng mặt của mình.
Khoảng gần 15 giờ, bác Huối đã sẵn sàng "ra trận"

Tuy chỉ dùng loại bánh canh bột lọc thông thường và độ ngon của nước dùng chỉ ở mức vừa phải, nhưng bánh canh bác Huối ghi điểm hoàn toàn ở chất lượng từng khoanh giò heo. Thịt giò heo được bác Huối lựa chọn rất kĩ, đem về làm thật sạch, luộc 3 lần với nước sôi, đến lần thứ 3 thì lấy làm nước dùng. Đó là bí quyết giúp giò heo đảm bảo chất lượng thơm ngon mà không bị bay mùi hay cảm giác quá béo ngậy

Nồi nước dùng chất lượng được ninh từ chân giò.
Những khoanh giò heo hấp dẫn được hầm vừa tới nên giữa được độ chắc mà ăn vào vẫn mềm vừa miệng. Nhiều người thậm chí còn mua giò ăn thêm hoặc mua giò không mang về nên đến muộn là chỉ còn bánh canh với nước dùng.

Nước mắm ăn kèm được pha sẵn kèm với chút chanh, ớt và tiêu làm tăng thêm hương vị đậm đà sẵn có của giò heo.

An toàn và sạch sẽ là tiêu chí hàng đầu đối với quán bánh canh này và đây cũng là bí quyết lớn nhất để thu hút khách. Giá bán cho 1 tô bánh canh không là 13.000 đồng, có 1 miếng giò heo thì 25.000 đồng, còn 2 miếng giò nạc và giò gân là 40.000 đồng. Quán tuy đông, nhưng thực khách đều được phục vụ theo thứ tự không có cảnh xô bồ, giành giật, đến trước mà phải ăn sau, và cũng chẳng bao giờ phải chờ đợi quá lâu.
Tô bánh canh...

Với phần chân giò chất lượng.
Khách trong nhà chưa ăn xong, khách mới đến đã khấp khởi đứng chờ bên ngoài.
Quán bánh canh này bán từ đầu những năm 2000, đến nay đã mười mấy năm trôi qua nhưng vẫn luôn được thực khách yêu mến bởi cách chế biến cẩn thận cùng thái độ phục vụ chu đáo nhiệt tình. Hơn nữa, mức mức độ tiêu thụ chóng mặt của nồi bánh canh cũng đã khiến thực khách an tâm, tin tưởng về độ tươi mới của các loại nguyên liệu.

Địa chỉ: 12C Nguyễn Phi Khanh

Bánh đúc Phan Đăng Lưu 

Quán bánh đúc bà Hồng trên đường Phan Đăng Lưu, Sài Gòn còn được nhiều thực khách gọi bằng bằng biệt danh "bánh đúc chảnh". Dù nằm tụt sâu vào trong con hẻm nhỏ tại nhưng nhờ hương vị tuyệt hảo đúc kết qua gần 40 năm trong nghề, mỗi ngày bà bán được vài trăm phần bánh đúc trong vỏn vẹn 3 tiếng, từ khoảng 15h đến 18h. Có nhiều người đến ăn chỉ vì tò mò biệt danh “bánh đúc chảnh”, nhưng khi thử một lần rồi thường sẽ bị mê hoặc ngay bởi hương vị trứ danh không lẫn vào đâu được.
Khi có khách ăn, bánh đúc nóng hổi có màu vàng mơ sẽ được múc vào chén, rải bên trên hành phi giòn rụm nhà làm, thịt băm xào với ít gia vị, mộc nhĩ, hành tây, hành phi và một ít đậu xanh, cuối cùng chan thêm nước mắm ngọt cho ngập bánh. Mỗi thành phần trong chén bánh đúc của bà Hồng đều được chăm chút tỉ mỉ, từ hành phi giòn, thơm, độ mềm mịn của đậu xanh cho đến hương vị nước mắm ngọt dịu được pha chế theo công thức riêng mấy chục năm nay. Nhiều người cho rằng đó là lý do mà khách đã ăn bánh đúc nhà bà là nghiện.
Mỗi phần bánh có giá từ 17 nghìn đồng/ chén; ngoài bánh đúc quán còn có bánh ít trần và ốc len xào dừa.
Một lý do khác khiến quán bánh đúc Phan Đăng Lưu "nổi như cồn" chính là vì thái độ phục vụ “chảnh” đã được thừa nhận bởi chính những khách quen. Ở đây, muốn ăn khách phải xếp hàng để có ghế ngồi, rồi sau đó lại phải đợi thêm 20, 30 phút nữa mới đến lượt là chuyện bình thường - nhất là có khi ai đó “mạnh tay” đặt một lần mấy chục phần bánh mang về. Còn nếu muốn chụp ảnh check in, tốt nhất đừng để chủ quán nhìn thấy nếu không muốn bị tỏ thái độ không hài lòng. Sự “chảnh” của quán khiến nhiều người không thích, nhưng đối với nhiều người thì đó lại là một trải nghiệm mới lạ giữa bao hàng quán phục vụ nhiệt tình và thân thiện giữa lòng Sài Gòn hiếu khách.

Địa chỉ: 116 Phan Đăng Lưu.

Xôi cadé quận 5
Xôi cadé ở quận 5 nổi tiếng không chỉ vì độ hiếm của thứ quà này ở Sài Gòn, mà còn vì khung giờ bán độc đáo: từ 20h đến 2h sáng. Đã vậy, sẽ có những ngày khách dù thèm mòn mỏi một gói xôi nhỏ mà chạy đến mua lại phải ngậm ngùi đi về tay không vì ông chủ cao hứng nghỉ bán... đi du lịch. Bí quyết của ông chủ người Hoa đối với món xôi này chính là ở hỗn hợp cade vô cùng thơm ngon và mịn màng khó nơi nào bắt chước được.
Một phần xôi cade giá 14 nghìn đồng trông thật đơn giản gồm xôi nếp dẻo thơm nấu vừa tới được phủ một lớp cade vàng óng mang vị béo ngậy của trứng và một lớp nước cốt dừa mỏng. Dàn đều cade và cốt dừa để chúng ngấm đều vào xôi rồi từ từ xúc từng thìa nhỏ, bạn sẽ được thưởng thức món xôi bùi béo với hương vị tuyệt hảo.
Xôi cadé ăn khi còn nóng hoặc hơi lạnh mới là cách thưởng thức đúng điệu.
Xôi mang về thường được gói vào lá chuối.

Cadé béo ngậy có màu vàng ươm chính là thứ ghi điểm của xe xôi này.
Xe xôi cadé này thuộc dạng quán ăn nổi tiếng ở Sài Gòn, vậy mà bao năm qua vẫn không thấy chủ quán lên đời mở tiệm. Xe xôi nằm trước tiệm mì Giai Ký trên đường Trần Phú, không bàn ghế, không bảng hiệu, muốn ngồi ăn xôi phải qua xin nhờ tiệm mì cho ngồi ké. Vì thế nên khách quen đến đây thường mua về hoặc mang đi nơi khác chứ hiếm khi ngồi lại.
Những gói xôi được gói một cách khéo léo, đẹp mắt, hai mép lá chuối được đính bằng một chiếc tăm.
Ngoài món xôi cadé độc đáo, bạn có thể thưởng thức thêm các loại bánh da lợn, bánh khoai mì và các loại rau câu với giá 4 nghìn đồng/ cái. Tuy là đồ bán kèm và không đặc sắc bằng xôi cadé nhưng những món này cũng rất ngon miệng.
Bánh da lợn.
Các loại rau câu nhiều màu sắc.

Đừng quên thử món rau câu trứng và rau câu nhãn nhục rất đặc biệt của quán nhé. 

 Địa chỉ: 451 Trần Phú

Theo Ngọc Huyền / Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét