Giữa cái nắng như thiêu đốt, chúng tôi vượt chặng đường hơn 200km từ TP HCM đến xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước). Nơi đây là vùng rừng cấm giáp biên giới nước bạn Campuchia với khu vườn quốc gia rộng đến hơn 26.000 ha. Lang thang đi vào các buôn làng S'tiêng, chúng tôi tiếp cận với những cụ bà có dái tai dài là hiện thân của tục cà răng căng tai, được ăn một loại rau rừng nuôi quân từng được loài tê giác khoái khẩu, phát hiện nhiều cây thuốc quý và thú vị nhất là lúc lạc vào khu rừng thiên đường với những ché rượu quý hơn trăm năm tuổi huyền hoặc…
Như tộc người M'nông, buôn làng của người S'tiêng ở Bù Gia Mập sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (tổng diện tích 26.032ha, trải rộng trên địa bàn 3 xã: Bù Gia Mập, Đắk Ơ thuộc Bình Phước và xã Quảng Trực, tỉnh Đắk Nông).
Trước khi đến tham quan, tìm hiểu về nơi cư trú thiên đường của người S'tiêng ở nơi này, qua trang thông tin của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập, chúng tôi rất đỗi ấn tượng trước hệ thống sông suối bất tận và những thông số về hệ động thực vật nơi đây.
Ở đây có 724 loài thực vật với nhiều loài quý hiếm như cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc và 278 giống cây dùng làm thuốc. Động vật ở đây có 437 loài, trong đó có 59 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
Có 168 loài chim, hiện có 10 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như gà lôi, hồng hoàng, hồng tía, dù dì phương Ðông, cu xanh, niệc mỏ vằn, chim công, gà tiền mặt đỏ, chim yến hồng xám. Bò sát có 30 loài, trong đó 12 loài ghi trong Sách Đỏ...
Dù rất ấn tượng trước hệ động thực vật phong phú kể trên ở Bù Gia Mập nhưng hành trình của chúng tôi khi đến vùng đất này không phải để ngắm chim xem thú, mà để được hòa mình trong khung cảnh thiên nhiên thuần khiết, đặc biệt để khám phá cuộc sống đời thường nhưng ẩn chứa nhiều điều thú vị lẫn kỳ bí của người S'tiêng nơi đây.
Một góc rừng mộ ché ở Bù Gia Mập.
Và may mắn làm sao, khi đắm mình giữa mênh mang núi rừng Bù Gia Mập, tiếp xúc với những cư dân S'tiêng giữa rừng già, chúng tôi ghi nhận ở họ nhiều điều lạ lẫm và huyền bí, như mong đợi.
Độc đời... rau nướng
Tại thôn Bù Rên 2, chúng tôi gặp một số người vừa trở ra từ rừng với những bó lá xanh mơn mởn được họ cho biết là lá bép. Là tặng vật quý giá của núi rừng Bù Gia Mập, lá bép (người M'nông ở Đắk Nông gọi là lá nhíp) được ngưới S'tiêng bản xứ xem là lá cơm gạo, lá cứu người vì không chỉ thơm, ngon, ngọt, lá bép có rất nhiều dưỡng chất.
Cách đây 3 tháng, gặp huyền thoại sống Điểu Lên ở sóc Bom Bo (xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, Bình Phước), tôi được ông cho biết lá bép từng là món khoái khẩu của loài tê giác (nay gần như đã tuyệt chủng ở vùng này).
Già làng Điểu Lên cũng cho biết lá bép từng nuôi sống nhiều người dân S'tiêng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở vùng căn cứ Nửa Lon, trên đầu trực thăng địch quần thảo, phía dưới, biệt kích bủa vây, lại thêm thú dữ rình rập chẳng có gì để ăn. May mà có lá bép!
Nhờ sự nhiệt tình của anh Ja Ray, 37 tuổi, ở thôn Bù Rên 1, tôi có được cơ hội thưởng thức những món ẩm thực đậm hương núi vị rừng của người bản xứ. Nơi đây, từ lá bép và nhiều loại lá rừng như cà đắng, ớt xanh, đọt trại, rau rừng các loại, lại thêm con cá, con ốc bắt ở suối mà người S'tiêng làm nên những món ăn đặc sắc vô ngần.
Các sơn nhân với tặng vật núi rừng: đọt mây - lá bép.
Cả thảy được Jaray bỏ vào ống lồ ô không quá già không quá non rồi để sát đống lửa cháy bùng chờ cho ống lồ ô xanh chuyển vàng là chín. Trước khi đổ vào chiếc tô được cắt từ bầu hồ lô, Ja Ray dùng cây nhỏ thụt liên tục vào nồi lồ ô cho nát nhừ, tạo thành thứ canh sền sệt thơm ngọt vô cùng.
Kiểu nấu độc đáo này được gọi là canh ống thụt. Canh thụt có vị ngọt của lá bép cùng cá ốc, có vị cay cay của lá ớt, có vị đăng đắng của đọt mây và cà đắng, thật là tuyệt hảo.
Từ lá bép, người S'tiêng ở Bù Gia Mập làm nên nhiều món ăn khác, đặc biệt là món rau nướng ngon lạ. Họ chọn những đọt lá non tơ, dùng lá chuối gói kín, dùng nhánh lồ ô chẻ đôi kẹp chặt rồi đưa lên lửa nướng. Đợi trong khoảng 5 phút, khi lá chuối xanh chuyển vàng, thực khách chỉ việc bày lên tàu lá chuối xanh um, từ từ lần giở và rồi không khỏi ngỡ ngàng trước sắc rau được nướng chín vẫn xanh non, vị ngọt đậm đà, chấm với muối ớt rừng, ngất ngây đến quên cả trời đất.
Món ăn này gợi cho tôi nhớ đến cái lần dự lễ khánh thành nhà dài của người Chơro ở ấp Lý Lịch, xã Phú Lý (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) 2 năm trước. Bận ấy, người Chơro nơi đây đãi khách đồng bằng cũng món rau nướng này, ăn cùng cá suối nướng chấm muối ớt, uống với rượu ịch bí truyền được ủ với chất men làm từ gần 40 loại rễ, lá cây rừng có vị thuốc. Cảm giác thật vi diệu!
"...Lá bép rau rừng thêm thắm tình anh nuôi", trong nhạc phẩm "Nổi lửa lên em", cố nhạc sĩ Huy Du đã nhắc đến lá bép như thế. Một loại rau đi vào âm nhạc đủ để thấy độ phổ biến cũng như tầm ảnh hưởng của nó đến mức nào trong những năm tháng kháng chiến gian lao mà anh dũng. Những năm gần đây, khi đến tham quan Khu du lịch Madagui, Đà Lạt ở Lâm Đồng và một số địa danh khác tại các tỉnh Tây Nguyên, tôi thấy du khách rất thích thực đơn lá bép nấu canh, luộc, xào, nướng... Khách chuộng lá bép vì nhiều lẽ, người ôn lại kỉ niệm chiến trường xưa, người muốn biết loại rau mà cha ông mình kể "nuôi dân nuôi bộ đội" ngon ngọt có đúng như lời? Nhưng phần đông thực khách kết lá bép vì nó ngon, nó ngọt đến lạ với giá trị dinh dưỡng cao.
Nghiên cứu của Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp Lâm Đồng (năm 2008), qua kiểm nghiệm tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cho thấy thành phần của lá bép có đến 7 loại axit amin thiết yếu như aspartic, glutamic... Đây là nguồn dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt giúp gan thải trừ một số độc chất trong cơ thể
Hiện thân sống của tục cà răng căng tai
Đi sâu vào Bù Gia Mập, qua các buôn làng người S'tiêng không thiếu nhiều câu chuyện, hình ảnh ly kỳ đậm dấu ấn rừng hoang. Cũng tại thôn Bù Rên 1, tôi gặp cụ bà Thị Ka, ngoài 70 tuổi lúc bà đang ngồi trước nhà dệt khố váy thổ cẩm. Như nhiều cụ ông cụ bà ở tuổi ngoài 70, cụ Thị Ka có đôi dái tai lòng thòng, lỗ tai được nong rộng có thể nhét vào đấy cả một cuộn chỉ.
Hỏi chuyện cụ Thị Ka, mới biết cùng với đôi dái tai lạ kỳ kia, hàm răng trên được mài cụt đến tận lợi vốn chỉ gặp ở những người già là biểu hiện sinh động một thời của tục cà răng căng tai, đánh dấu sự trưởng thành của cô bé, cậu bé ở làng, đồng thời là dấu hiệu để phân biệt sự khác nhau giữa người và thú: "Đứa nhỏ đẻ ra được xỏ lỗ tai rồi. Nó càng lớn, ông cha bà mẹ nong cái dái tai cho rộng. Lúc đầu nong bằng que nhỏ, rồi dùng que lớn hơn… Khi đứa nhỏ đủ lớn, nó tự nong tai. Ngày trước, ông bà cha mẹ nhìn ai có dái tai càng dài, rộng là người xinh đẹp, có tướng sang".
Theo chia sẻ của cụ bà Thị Ka, hơn 30 năm trước, chỉ cần nhìn vật trang sức là đôi hoa tai của một phụ nữ S'tiêng, người ta có thể biết được gia thế của người ấy giàu nghèo ra sao, hay chỉ đủ ăn hoặc có dư chút đỉnh. Người nghèo trang sức cho đôi dái tai được nong rộng của mình bằng ống lồ ô hay tre già, người khá hơn thì dùng hoa tai bằng sừng con min (bò rừng). Riêng phụ nữ quyền quý, giàu có dùng hoa tai bằng ngà voi được gọi là tuol-la.
Cụ bà Thị Ka đang dệt thổ cẩm.
Bà Thị Ka cho biết tùy lớn nhỏ mà một đôi hoa ngà như thế trị giá bằng một đôi trâu mộng hoặc hơn. Và như người S'tiêng ở xã Tà Lài (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai), có những gia đình người S'tiêng ở Bù Gia Mập gìn giữ các đôi hoa ngà tuol-la qua nhiều đời người, theo kiểu mẹ truyền tặng cho con. Đây là những báu vật đích thực giữa rừng mà không phải ai cũng có duyên được tận ngưỡng khi đến khám phá vùng đất rừng huyền bí này.
Cụ Thị Ka không có đôi hoa tai bằng ngà voi tuol-la. Cụ cho biết số người già còn giữ những đôi hoa ngà như thế ở Bù Gia Mập hiếm lắm. Tìm hiểu mới biết vào thập niên 80 thế kỷ trước, khi cuộc sống mới dần về đến các buôn làng, người S'tiêng đã khép lại tục cà răng căng tai vì nó để lại quá nhiều đau đớn trên cơ thể con người, nhất là tục cà răng, tại một xó vùng cư trú của người S'tiêng đã có người chết do không chịu nổi sự đau đớn dùng đá mài răng và nhiễm trùng, mất máu.
Khi tục lệ ngàn năm khép lại, những di vật truyền đời như toul-la lớp bị thất lạc, lớp bị những người kế thừa trao đổi, bán chác... nên vơi đi rất nhiều! Đây chính là lý do mà dẫu gặp rất nhiều cụ già người S'tiêng ở Bù Gia Mập nhưng chúng tôi đã không có được cơ hội nhìn ngắm những đôi hoa tai bằng ngà voi hơn trăm năm tuổi.
Lạc giữa rừng mộ ché...
Ở Bù Gia Mập, tôi không bỏ qua cơ hội len lỏi qua nhiều cánh rừng đến thăm các thác nước hùng vĩ được tiếp nước từ dòng chảy của các con suối Đak Huýt, ĐalKa, Đak K'me... chảy dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Còn nhớ khi đến gần khu vực suối Đak Ka, chúng tôi được anh Điểu K'ro, chỉ tay về phía rừng bảo đó là nơi cư trú của tổ tiên qua hàng trăm năm. Đó là khu cấm địa mà người bản xứ không dám mạo phạm, không dám đặt chân vào khi không có việc. Đó là khu rừng ma huyền bí!
Phát quang những lùm bụi hoang dại, dùng gậy đi rừng quạt về phía trước để đuổi rắn, sau gần 1 giờ đồng hồ giữa cây rừng u tối, chúng tôi bước chân vào quang cảnh lạ kỳ. Đó là bãi đất trống được phát quang sạch sẽ với vô số chiếc ché quý bị đập thủng đít hoặc đập vỡ toang...
Từng được gia chủ đổi bằng nhiều con trâu mộng, từng là niềm kiêu hãnh của chủ nhân nhưng vì sao những chiếc ché quý ấy bị vứt bỏ, bị đập vỡ nát và bỏ mặc giữa rừng già như thế?!
Sau này khi ra khỏi rừng, gặp ông Điểu Re, nguyên cán bộ Phòng Tổ chức Huyện ủy Phước Long (sau tách ra thành hai huyện Phước Long và Bù Gia Mập) thì được ông cho biết đó là các ché rượu quý Djri, ché Srung... Vì đó là tài sản của người chết, nên gia đình mang trả cho người về với Yang (Giàng=Thần linh), theo tục chia của.
Khó có thể diễn tả được cảm giác của chúng tôi khi lạc giữa rừng mộ ché của người S'tiêng ở vùng biên giới Bù Gia Mập. Nơi đây không có bia mộ như thường thấy ở miệt đồng bằng. Chỉ có vô số ché rượu quý mà có ché theo như tiết lộ của ông Điểu Re có ché tuổi đời đến cả trăm năm... nằm giữa nắng mưa để thời gian, cỏ dại bào lấp. Mỗi chiếc ché như thế là mỗi một mộ huyệt của người S'tiêng.
Cụ cũng cho biết ở Bù Gia Mập có rất nhiều khu rừng ma. Khi khu rừng này đầy mộ ché, các già làng sẽ đi chọn cuộc đất khác để lập rừng ma. Cánh rừng được chọn phải là khoảng đất bằng phẳng, được bao quanh bằng các cây đại thụ, dấu hiệu để người làng nhận biết đó là cấm địa rừng ma đặng không mạo phạm...
Rừng già Bù Gia Mập còn có rất nhiều điều kỳ thú để khám phá, đặc biệt là các cây thuốc, vị thuốc quý được người S'tiêng và tộc người anh em M'nông sử dụng từ hàng trăm năm qua. Ở đây, sau khi sinh, không kiêng cữ như người thị thành, hôm trước sinh con, hôm sau người mẹ đã có thể băng rừng lội suối. Tất cả nhờ bài thuốc gồm nhiều vị thuốc quý giữa rừng già. Nhưng tiếc rằng thời gian có hạn, lại thêm phần trời mưa xối xả, sợ lũ về nên chúng tôi không nán lại vùng rừng cấm này được lâu hơn. Đành chia tay Bù Gia Mập với nhiều nuối tiếc!
Theo An ninh thế giới
Trải nghiệm Vườn Quốc gia Bù Gia Mập
(NLĐO)- Bạn có thể tham quan rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập theo các tuyến khác nhau để cảm nhận hết vẻ đẹp và có những trải nghiệm tuyệt vời nhất ở nơi đây.
Vườn Quốc gia Bù Gia Mập nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Phước. Với diện tích khoảng 25.776 ha nơi đây là khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống đồng bằng Nam Bộ là nơi bảo tồn nguồn ghen quý hiếm của hệ động thực vật, bảo vệ các công trình thủy điện Cần Đơn, Sóc Phu Miêng phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái.
Vườn quốc gia Bù Gia Mập tỉnh Bình Phước
Tham quan phòng tiêu bản động thực vật
Với 1.117 loài thực vật thuộc 475 chi, 127 họ, thuộc 62 bộ của 5 ngành thực vật hiện có tại vườn, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Ngoài các tiêu bản thực vật, du khách còn được tìm hiểu về một số loài động vật tại phòng tiêu bản như bò tót, chà vá chân đen, tiêu bản các loài cá, bướm, các loài lưỡng cư, bò sát…
Một góc phòng mẫu tiêu bản động thực vật
Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật
Với chức năng cứu hộ, bảo tồn các loài động thực vật hoang dã, đến tham quan khu vực này, du khách được tận mắt xem những loài thú, cùng cho thú ăn, chụp ảnh và tìm hiểu tập tính của các loài thú quý hiếm như vượn đen má vàng, chà vá chân đen, khỉ đuôi dài, khỉ đuôi lợn, công, rùa núi vàng, cua đinh, trăn gấm, kỳ đà vân, chồn hương, heo rừng, hươu, nai, cheo...
Tham quan khu cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật
Ngắm những loài lan lạ
Vườn quy tập lan được xây dựng nhằm bảo tồn và nhân giống các loại lan rừng của Vườn Quốc gia Bù Gia Mập. Tham quan vườn lan, du khách cùng ngắm những loài lan lạ, cảm nhận hương thơm tinh khiết của những loài hoa này và đặc biệt được hướng dẫn cách phân biệt, nhận diện một số loài hoa lan.
Những loài lan ở vườn
Dừng chân ở thác Đắk Mai
Thác Đắk Mai nằm cách vườn 6km, là một kiệt tác của thiên nhiên nơi đây. Thác có chiều rộng khoảng 15m, cao khoảng 10m, lòng thác rộng chừng 300m2 là một hồ bơi lý tưởng cho du khách khi dừng chân. Đặc biệt thác có 2 hang động và giữa 2 hang động ấy có một dòng nước xoáy chảy xuống rất đẹp.
Thác Đắk Mai cũng là một di tích lịch sử của tỉnh Bình Phước. Nơi đây từng là căn cứ của Ban an ninh khu 10 vốn là lực lượng tiền thân của Công an tỉnh Bình Phước ngày nay.
Thác Đắk Mai
Bạn có thể tham quan rừng Vườn Quốc gia Bù Gia Mập theo các tuyến khác nhau để cảm nhận hết vẻ đẹp và có những trải nghiệm tuyệt vời nhất ở nơi đây.
Chạy xe xuyên rừng Vườn Quốc gia theo tuyến đường quốc lộ 14c nối liền với đường tuần tra biên giới.
Cùng đi bộ theo các tuyến đường mòn xuyên giữa những cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi, ngắm các loài động thực vật quý hiếm
Tắm suối bắt cá trải nghiệm tuyệt vời
Hòa mình vào thiên nhiên hoang dã
Cắm trại giữa rừng
Trải nghiệm kỹ năng sinh tồn
Còn gì tuyệt vời hơn nữa phải không các bạn. Hãy liên hệ với Ban quản lý Vườn Quốc gia Bù Gia Mập để có những trải nghiệm tuyệt vời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét