Thứ Năm, 9 tháng 7, 2015

Những tập tục đẹp ở vùng cao khiến dân thành thị phải 'ghen tị'

(iHay) Nhiều bản làng của đồng bào vùng cao trên khắp mọi miền Tổ quốc đang vẫn lưu giữ các tập tục độc đáo, nhằm đảm bảo cuộc sống luôn được nề nếp, an toàn và bình yên. Những tập tục ấy được người vùng cao áp dụng rốt ráo và hiệu quả từ lâu, trong khi người thành thị nỗ lực thực hiện mà chưa thấy kết quả.


Ngôi làng 'sạch như Singapore’ giữa rừng già Trường Sơn
Những tập tục đẹp ở vùng cao khiến dân thành thị phải 'ghen tị'  - ảnh 1Ảnh: An Dy
Bất kỳ ai từng đến với làng Aur (xã A Vương, huyện Tây Giang, Quảng Nam) đều phải bất ngờ với vẻ bình yên, thanh sạch, tuyệt nhiên không có lấy một cọng rác hay một chiếc túi ni lon ở ngôi làng giữa rừng già Trường Sơn này.
Già làng A Lăng Zèng (70 tuổi) cho biết: “Trẻ trong làng từ nhỏ đã được dạy về cái xanh, cái sạch, nên chẳng ai vứt rác bừa bãi bao giờ. Nếu có ai vi phạm thì sẽ bị làng phạt dọn vệ sinh trong khuôn viên làng và cả 21 nóc nhà”.
Phóng viên An Dy của iHay.vn từng đến đây cho biết, người Cơ Tu ở làng Aur dùng dòng nước ngọt lành, trong veo dẫn từ trên thượng nguồn suối về đến tận làng. Gia súc được nuôi chung ở khu vực cách làng đến nửa cây số nên con suối đẹp chảy qua làng cũng không bị ô nhiễm. Ruộng lúa được chia thửa vuông vức, đều tăm tắp… gợi nên vẻ trù phú, dư dả.
Những tập tục đẹp ở vùng cao khiến dân thành thị phải 'ghen tị'  - ảnh 2Làng không một cọng rác - Ảnh: An Dy
Điều đặc biệt hơn nữa của làng Aur đó là tục đãi khách lạ chu đáo như người nhà. Ngay khi bước chân vào làng, bạn sẽ được mời đến một ngôi nhà xinh đẹp. Dù bạn là ai, ở đâu, nhưng đã đến được với làng thì bạn là “người nhà trời”, bạn sẽ được người làng tiếp đãi trọng thị, được chăm sóc từ miếng cơm, chén nước, chỗ nghỉ… cho đến tận khi rời làng.
Uống rượu say thì không đi xe máy
Thôn A Rầng 1 (xã A Xan, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) có 37 nóc nhà. Trước cổng làng có một tấm bảng nhỏ ghi rõ: “Xe máy chạy qua làng hạn chế tốc độ!”. Vào những ngày lễ, ngày tết, tất cả các hộ dân trong bản làng nếu có xe máy đều tự nguyện giao nộp chìa khóa xe cho già làng.
Những ngày đó, xe máy được dắt vào nhà gươl giữa làng có người canh giữ. Và nhiều năm nay dân làng có vui say lễ hội đến ngất ngưởng không về nhà được thì ngủ luôn tại nhà gươl, tai nạn giao thông vẫn chưa bao giờ xảy ra. Không ai phàn nàn và đều tự nguyện tuân theo lời kêu gọi của làng.
Ngoài ra nếu người ngoài làng chạy qua đây mà phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm và không chấp hành tốt giao thông cũng có thể bị làng phạt vạ đến 1 triệu đồng. Già làng Blong Jim cho biết làng dọn về đây ba năm rồi, từng ấy năm chưa có một vụ tai nạn nào xảy ra. Dân làng thấy hạnh phúc và ý thức tham gia giao thông rất cao.
Ấn tượng bữa sáng chờ cơm
Những tập tục đẹp ở vùng cao khiến dân thành thị phải 'ghen tị'  - ảnh 3Người rừng  Hồ Văn Lang đang chuẩn bị nắm cơm lên rẫy - Ảnh: Trác Rin
Tháng 8.2014, phóng viên Trác Rin của iHay.vn có dịp ghé thăm căn nhà của cha con “người rừng” Hồ Văn Thanh và Hồ Văn Lang ở thôn Trà Nga, xã Trà Phong, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, từng gây sốt khắp làng báo.
Sáng sớm hôm đó, không khí ở ngôi làng vùng cao thật lạnh lẽo, sương mù bao trùm khắp mọi nơi. Trên rừng, cành lá cây cối như được mặc thêm chiếc áo mới long lanh của những giọt sương. Lúc này, trong căn bếp nhỏ, anh Hồ Văn lang đang gói ghém cẩn thận nắm cơm cho một ngày đi rừng. 
Mọi ngày, cứ khoảng 6 giờ 30 phút là “người rừng” Hồ Văn Lang đã tay xách nách mang lên đường. Riêng hôm đó, mấy đám cỏ gần nhà đã trụi, anh Hồ Văn Tri (anh của Hồ Văn Lang) phải dắt con trâu đi ăn tận bãi cỏ ngoài đồng xa. Vậy là anh Lang cùng cả nhà phải ngồi đợi, đến khi anh Tri về thì mới cùng ăn. Trong gia đình nghèo ấy có kỷ cương khiến người thành thị phải suy ngẫm: chưa đủ thành viên thì không một ai ăn trước. Điều này làm chúng tôi thật sự ấn tượng.
Bản làng người Mông không có trộm cắp, xin ăn
Những tập tục đẹp ở vùng cao khiến dân thành thị phải 'ghen tị'  - ảnh 4Bản làng Huồi Tụ - Ảnh: Khánh Hoan
Bản làng Huồi Tụ của người Mông nằm cách huyện lỵ Kỳ Sơn (Nghệ An) hơn 20 km. Từ xa xưa, luật của bản làng đã quy định rõ ràng: không được lấy trộm của người khác. Một quả chuối, quả dứa trên rừng đã có chủ rồi thì không được tự tiện hái ăn. Trường hợp đói quá, lỡ ăn rồi thì sau đó phải gặp chủ nhân của nó để xin được tha lỗi.
Ở đây, mỗi nhà có một kho lúa để trong rẫy. Lúa là tài sản rất quý của người dân nhưng không cần ai trông coi, không cần khóa cửa vẫn không bị mất một hạt nào. Trâu, bò, heo, gà cứ thả rông thoải mái trong rừng nhưng cũng không bị ai bắt trộm. Xe máy của dân đi rừng, đi rẫy, để hai ba ngày bên đường cũng còn nguyên.
“Ở đây, con cái từ nhỏ đã được cha mẹ, ông bà dạy rằng ăn trộm là hành vi rất xấu xa, không được làm. Ai trộm cắp sẽ bị dòng họ từ mặt cho đến khi thực sự biết hối cải mới cho gia nhập trở lại. Một người ăn trộm bị bắt thì cả bản, rồi lan ra cả xã, cả vùng biết và đều lên án”, già làng Giờ của bản nói.
Nếu ai ăn trộm mà bị bắt thì bản sẽ buộc người đó phải trả lại tang vật cho chủ và bị phạt tiền gấp đôi giá trị tài sản trộm được. Sau đó, người ăn trộm phải thế chấp một tài sản có giá trị hoặc món tiền rất lớn cho bản, do già làng giữ, đến khi nào người đó thực sự ăn năn hối cải, hứa từ bỏ thói trộm cắp thì mới được hoàn lại và được cộng đồng xóa án tích.
Những tập tục đẹp ở vùng cao khiến dân thành thị phải 'ghen tị'  - ảnh 5Những tập tục đẹp giúp cuộc sống đồng bào vùng cao thêm thanh bình - Ảnh: Mai Thanh Hải
Luật tục ở đây còn quy định cha con, anh em, người thân trong dòng họ và cộng đồng phải có trách nhiệm đùm bọc, giúp đỡ nhau. Người không may mắn, gặp hoạn nạn, đói kém thì anh em trong dòng họ và cộng đồng phải giúp đỡ, chia sẻ. Con cháu mồ côi thì ông bà, anh em ruột thịt phải cưu mang. Ai không làm được việc này sẽ bị lên án và bị dòng họ, dân bản bỏ rơi cho đến khi họ nhận ra lỗi và xin được tha thứ. Chính nhờ quy định rất nhân văn này nên ở nơi đây không ai rơi vào cảnh cùng đường khi gặp hoạn nạn để phải đi xin ăn. Ai ai cũng tâm niệm xin ăn là điều xấu hổ, cho cả người đi xin lẫn dòng họ của người đó.
Trộm tôm, phạt vạ phải mổ heo khao làng
Người dân ấp Hoàng Minh A (xã An Trạch, H. Đông Hải, Bạc Liêu) được ăn thịt heo miễn phí đến no nê mỗi khi bắt được trộm tôm ở các vuông tôm. Cái lệ này có từ mấy năm nay, ai trong ấp cũng phải thực hiện. Cụ thể kẻ trộm phải nộp phạt 5 triệu đồng cho chủ tôm và một con heo để đãi bà con lối xóm.
Thêm nữa, kẻ trộm phải đứng lên xin lỗi người bị trộm và bà con lối xóm về hành vi trộm cắp của mình; cam kết không bao giờ tái phạm nữa. Bà con mỗi người góp một lời, tha thứ rồi... nâng ly! Bữa tiệc rôm rả như ngày hội làng, người bị phạt, kẻ được phạt và bà con lối xóm hòa hợp trong tiếng cười, câu hát... Để rồi sau đó, xóm làng trở về với cái vẻ tĩnh lặng vốn có, như chưa hề có vụ mất trộm và cũng không có ai là kẻ trộm.
Ông Huỳnh Nghị Quyết (Trưởng ấp Hoàng Minh, xã An Phúc) cho biết do có quy ước với mức xử phạt khá nặng nên nạn trộm cắp ở đây giảm hẳn. Các tệ nạn khác như cờ bạc, số đề, đánh lộn... cũng giảm theo. Làng xóm yên bình, tình làng nghĩa xóm càng thêm thắt chặt.
Nguyên Minh
(tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét