Về với Yên Bái, du khách không chỉ được đắm mình vào không khí thanh bình của “nơi quê núi”, cửa ngõ miền Tây Bắc, thưởng ngoạn những cảnh núi non hùng vĩ… mà còn được tìm hiểu những nghi thức phong tục lâu đời của bà con các dân tộc nơi đây. Lễ “Lập tịch” của người Dao là một trong những nghi thức truyền thống đó…
Trong đời sống tâm linh của người Dao Yên Bái, Lễ Lập tịch (Lễ Cấp sắc) là một nghi lễ truyền thống, "bắt buộc" mọi người đàn ông dân tộc Dao đều phải thực hiện. Thậm chí những người đàn ông khi còn sống, vì điều kiện kinh tế chưa thực hiện được lễ Lập tịch thì khi chết đi, con cháu phải làm lễ cho. Đây là nghi lễ truyền thống thể hiện nét văn hóa độc đáo riêng có của dân tộc Dao.
Người Dao ở Yên Bái quan niệm rằng phải trải qua lễ Lập tịch thì mới được cộng đồng, được “Bàn Vương” (tổ tiên của người Dao) công nhận là người trưởng thành; người được Lập tịch làm ăn mới may mắn. Sau lễ Lập tịch, người được Lập tịch sẽ có thêm một tên mới, gọi là “tên âm”, đến khi chết, các thầy cúng sẽ gọi “tên âm” mà không sử dụng tên gọi như cuộc sống thường ngày.
Lễ Lập tịch gồm nhiều bậc: Đầu tiên, người “lập tịch” được cấp 3 đèn và 36 binh mã. Bậc 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã. Bậc 3 được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Tuy nhiên không phải mọi người đàn ông dân tộc Dao đều phải qua đủ các bậc này. Nếu để cộng đồng, xã hội công nhận là người trưởng thành thì chỉ cần thực hiện bậc 1. Còn để trở thành thầy cúng thì bắt buộc phải thực hiện tiếp bậc 2, bậc 3. Cho dù là bậc 1, 2 hay bậc 3 thì nghi lễ đều bao gồm các bước cơ bản là: Lễ đón thầy cúng, lễ khai đàn báo cáo tổ tiên dòng họ, lễ dâng đèn, lễ xuất binh, lễ ăn chay, lễ lên đàn cấp dấu. Các nghi lễ này được thầy cúng tiến hành tuần tự, trong đó lễ lên đàn cấp dấu là nghi lễ quan trọng nhất và là nghi lễ cuối cùng nhằm ghi tên công nhận người được Lập tịch. Trong nghi lễ này thầy cũng sẽ cấp cho người thụ lễ 2 bản “Sắc” (là mảnh giấy viết bằng chữ nôm có ghi lai lịch cá nhân người được Lập tịch, những điều răn dạy và tên thầy cúng tiến hành lễ Lập tịch đó). Một bản được đốt ngay trong quá trình tiến hành nghi lễ để báo với ông bà, tổ tiên, “Bàn vương” chứng kiến và công nhận; một bản sẽ giao cho người thụ lễ.
Với người Dao Yên Bái, bản sắc này có ý nghĩa hết sức quan trong về mặt tâm linh, tinh thần. Nó như một “vật chứng” để khẳng định người đàn ông đó đã trưởng thành, đồng thời đó còn là một “lá bùa hộ mệnh” để mang lại may mắn, bình an, hạnh phúc, bảo vệ con người. Vì vậy mọi người đàn ông dân tộc Dao luôn mang theo nó bên mình. Đến khi chết đi, bản sắc đó được đốt trong đám tang để thánh thần, Bàn vương nhận ra và thu nhận họ.
Trong lễ Lập tịch, ngoài phần “lễ” là các nghi thức cúng bái do thầy cúng thực hiện thì còn có phần “hội”. Đó là các điệu múa được tiến hành song song với các nghi lễ đang diễn ra. Những điệu múa trong lễ Lập tịch rất đặc sắc, tiêu biểu đó là “Múa Rùa”. Đây là điệu múa có sự đan xen, hòa quyện giữa yếu tố lao động trần thế và tôn giáo, thể hiện sự giao hòa giữa hai thế giới trong đời sống tâm linh của người Dao Yên Bái. “Múa Rùa” được bắt nguồn từ câu chuyện dân gian mang đậm màu sắc thần thoại về một con rùa tinh đến phá phách ruộng nương, làng bản, reo rắc bệnh tật và giết hại người dân… Để diệt trừ mối tai họa, những người đàn ông khỏe mạnh đã hợp sức, đồng lòng đánh đuổi rùa tinh. Múa Rùa diễn ra trong không khí vui tươi, phấn khởi. những động tác nhịp nhàng, khỏe mạnh của các trai bản đã miêu tả lại cảnh tìm rùa, đuổi đùa, đánh rùa, bắt rùa, diệt trừ mối hiểm họa.
Khi các nghi lễ kết thúc, bà con, dòng họ, gia đình mổ lợn, mở tiệc ăn mừng người được Lập tịch. Họ mừng vui vì từ đây làng bản có thêm người đàn ông đã “trưởng thành” để sẽ có nhiều đóng góp chung cho sự phát triển của cộng đồng. Bản thân người được lập tịch cũng ý thức hơn trách nhiệm của mình đối với làng bản.
Lễ Lập tịch của người Dao Yên Bái là một nghi lễ dân gian truyền thống vẫn còn giữ được tính nguyên bản cho đến ngày nay, cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy trong kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét