Điểm du lịch đền Đồng Xâm và làng nghề chạm bạc Đồng Xâm có thể coi là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách thích trải nghiệm vẻ đẹp cổ kính của làng quê Việt Nam cũng như mua sắm các sản phẩm thủ công mĩ nghệ đẹp, độc đáo với mức giá hợp lý.
Đền Đồng Xâm nằm trên địa bàn xã Hồng Thái huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đền thờ Triệu Vũ Đế, Trình Thị hoàng hậu (vợ vua Triệu Vũ Đế, từng là ca nương sinh sống tại làng Đồng Xâm) và thờ Nguyễn Kim Lâu (tổ nghề làng chạm bạc truyền thống).
Đền là một quần thể di tích có quy mô rộng lớn, đồ sộ gần 10.000 m2 với nhiều công trình kiến trúc: Thủy tọa, hoành mã, sân tế, tòa Tiền tế, phương đình, tòa điện thờ, hậu cung, nhà thờ tổ nghề chạm bạc....
Thủy tọa là một ngôi nhà hình hình lục lăng sáu cửa vòm, từ đây du khách có thể ngắm được toàn cảnh sân tế và các đoàn thuyền đua tấp nập trên sông vào ngày lễ.
Tòa tiền tế là một tòa đại đình 5 gian, có chiều cao tới 13 mét, kiến trúc bề thế ít gặp ở các di tích khác. Nối liền tòa tiền tế tới hậu cung là tòa trung tế, kiến trúc theo kiểu phương đình.
Tòa Hậu cung được cấu trúc thành hai bộ phân liên hoàn, phía hiên ngoài được bài trí hài hòa bằng đại tự, cuốn thư, câu đối cùng hệ thông y môn gỗ chạm. Hệ thống cánh cửa khay soi ở ba gian trung tâm của tòa hậu cung được chạm thủng với đề tài bát bửu, hoa văn, dây lá, chữ triện trên 12 ô cửa. Khám gian đặt tại hậu cung là một tác phẩm độc đáo mang nét đặc thù của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm. Không gian được phong kín bắng những lá đồng chạm thủng với các đề tài khác nhau: tứ linh, tứ quý...Trong khám thờ đặt tượng Triệu Vũ Đế, Hoàng hậu Trình thị đúc bằng đồng, khảm vàng, bạc, thiếp bạc.
Có thể xem đền Đồng Xâm như một tập đại thành của nghệ thuật khắc gỗ, đá, kim loại, đắp vữa của Việt Nam thời Nguyễn.
Sau khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đền Đồng Xâm, du khách có thể ghé thăm các xưởng sản xuất của làng nghề chạm bạc nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Khoảng đầu thế kỷ 15, ông Nguyễn Kim Lâu người làng Đồng Xâm đã lên Châu Bảo Lạc (nay thuộc Cao Bằng) học nghề kim hoàn, trở về làng ông đã truyền nghề lại cho dân chúng. Trải qua nhiều thế kỷ, nghề vẫn được duy trì và ngày càng phát triển. Để tỏ lòng biết ơn, dân làng đã tôn ông là sư tổ nghề, lập đền thờ, trong am đặt tượng Nguyễn Kim Lâu bằng đồng. Từ xưa đến nay, những người thợ Đồng Xâm đều được đánh giá cao về tay nghề, độ khéo léo. Những sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm vừa có dáng thanh thoát, chạm trổ tinh xảo, nét chuốt chuẩn mực đến từng chi tiết. Nghề chạm bạc Đồng Xâm phát triển vào khoảng cuối thế kỷ 19, hiện được xuất sang các nước như Anh, Pháp, Bỉ, Trung Quốc, Thái Lan, Lào..../.
Theo: thaibinhtourism.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét