Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Ba Son - trăm năm chìm nổi

TT - Tọa lạc giữa ngã ba sông Sài Gòn, ngay khu trung tâm thành phố, có lịch sử đến nay đã 225 năm, nhưng cũng hàng trăm năm nay khu Ba Son vẫn luôn là một bí ẩn với chính người Sài Gòn sau bức tường quân sự...
                        
 
Nghe đọc bài: Xưởng thủy thành Gia Định
Xưởng thủy trên bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học - Ảnh tư liệu
Xưởng thủy trên bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học - Ảnh tư liệu
Kỳ 1: Xưởng thủy thành Gia Định
Tại đây, cách nay 90 năm, ngày 4-8-1925, một sự kiện mang tính biểu tượng của giai cấp công nhân đã diễn ra và thời điểm đó cũng được chọn làm ngày truyền thống Ba Son. 
Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức chép: “Sông Tân Bình (tức sông Sài Gòn - PV), ở đất phủ Tân Bình, trước thành Gia Định, tục gọi là sông Bến Nghé, rộng lớn trong sâu.
Tàu buôn của nước nhà cùng các nước, thuyền biển thuyền sông, ghe xuồng nối nhau, buồm chèo chen chúc, là một nơi đại đô hội...”.
Bước dài của nghề đóng tàu
Đến hôm nay, khu vực bến sông Sài Gòn vẫn nguyên tính chất “đại đô hội”, trên bến dưới thuyền.
Và ngay ở đó, năm 1791, song song với việc xây dựng thành Gia Định, chúa Nguyễn Ánh đã lập một xưởng chu sư, mà người dân thường gọi là xưởng thủy, để phục vụ cho sở trường thủy chiến của mình trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn.
Gia Định thành thông chí chép: “Xưởng chu sư ở phía đông thành, cách một dặm theo bờ sông Tân Bình, quanh sông Bình Trị (tức rạch Thị Nghè - PV), gác và che các đồ thuyền hải đạo. Xưởng giăng dài 3 dặm”.
Trong tập Tư liệu dùng cho lịch sử Sài Gòn, tác giả Jean Bouchot mô tả vị trí xưởng chếch lên phía Thảo cầm viên và cho biết ở đó vẫn còn những dấu vết ụ đóng và sửa tàu khi xưa. Trong gia phả họ Phan vùng Thị Nghè lại cho biết xưởng chu sư được lập ở ngã ba rạch Văn Thánh và Thị Nghè.
Bản đồ tỉnh Gia Định năm 1815 của Trần Văn Học ghi rõ chữ “Xưởng Thủy” và cho thấy xưởng rất rộng, Ba Son ngày nay chỉ là một phần trong khu vực phía đông của xưởng xưa.
Ở xưởng thủy, lần đầu tiên nghề đóng thuyền lâu đời của người Việt được chuyên môn hóa: đội mộc đĩnh chuyên khai thác gỗ sao, kiền kiền để đóng thuyền, đội biệt nạp khai thác lá buông để đan buồm, các nậu khai thác dầu rái, trám, sơn...
Với sự giúp sức của người Pháp, các thợ đóng thuyền giàu kinh nghiệm và khéo léo người Việt đã có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật và trình độ tổ chức, nhiều loại tàu thuyền mới đã được đóng, ngoài các ghe bầu hải sư và thuyền chiến trước đây.
Năm 1792, xưởng hạ thủy năm chiếc thuyền hiệu: Hoàng Long, Xích Nhạn, Thanh Tước, Bạch Yến, Huyền Hạc.
Năm 1793, chúa Nguyễn Ánh mua một chiến hạm cũ của châu Âu về tháo ra từng mảnh để lấy mẫu, đích thân chỉ đạo thợ theo đó mà chế tác ra các loại chiến hạm mới gọi là Tây dương dạng thuyền.
Thủy xưởng đã đóng được chín chiến hạm kiểu châu Âu mang tên Loan Phi, Ưng Phi, Long Ngư, Long Phượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi và Hùng Phi.
Lịch sử nội chiến Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường dẫn lời tác giả Pháp Lelabousse ca ngợi: “Các xưởng thủy quân và quân cảng của ông làm người ngoại quốc ngạc nhiên và chắc sẽ khiến cả Âu châu thán phục nếu Âu châu có thể chứng giám.
Một bên người ta thấy các thứ súng tay, súng lớn đủ mọi cỡ, dụng cụ, giá súng, đạn... phần lớn đẹp đẽ chỉ nhường kiểu mới nhất thôi. Một bên, vô số các thuyền chiến, những chiến hạm đủ mọi cỡ, mọi hình thức rất chắc chắn.
Tất cả là công trình của ông hoàng ưa hoạt động này, được các sĩ quan người Pháp luôn luôn giúp đỡ vì nghệ thuật và công nghệ ở xứ này còn xa mới đuổi kịp châu Âu”.
Tác giả John Barrow ghi: “Một người Anh đã thấy ở Sài Gòn vào năm 1800 một hạm đội chiến thuyền của Nguyễn Ánh bao gồm 1.200 chiếc, do chính ông chỉ huy nhổ neo xuôi dòng theo một đội hình gồm ba đội trong tư thế sẵn sàng ứng chiến, rất có trật tự...”.
Hạm đội với những chiếc tàu chắc chắn, vũ khí dồi dào, hiệu suất cao, kỹ thuật và chiến thuật Tây phương này hẳn nhiên đã đóng góp phần rất lớn vào sự hình thành vương triều nhà Nguyễn, thống nhất Bắc - Nam và hơn thế nữa, chính thức xác lập chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa, Trường Sa.
Một chiếc tàu nhỏ của thủy quân nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu
Một chiếc tàu nhỏ của thủy quân nhà Nguyễn - Ảnh tư liệu
Đưa Long tinh kỳ đến Hoàng Sa
Cuộc chiến với nhà Tây Sơn chấm dứt, Nguyễn Ánh lên ngôi và lập kinh đô ở Phú Xuân (Huế - PV). Xưởng chu sư được giao cho quân thứ Gia Định quản lý, tiếp tục công việc đóng và sửa chữa tàu thuyền, nhịp độ giảm đi nhưng về kỹ thuật lại phát triển.
Xưởng bắt đầu đóng được tàu đồng, phỏng theo thiết kế những tàu đồng thuê của Bồ Đào Nha, nguyên là các tàu buôn được cải tạo vũ trang thành chiến hạm. Việc trao đổi, buôn bán với nước ngoài đã cung cấp nguồn kim loại dồi dào cho việc đóng tàu.
Đặc biệt hơn nữa, xưởng còn đóng và hạ thủy thành công tàu chạy bằng hơi nước không thua kém gì tàu nước ngoài, mở ra bước đột phá quan trọng đầu tiên trong hiện đại hóa kỹ thuật và công nghệ đóng tàu.
Đội hải thuyền ngày một lớn mạnh nối liền đường ra Bắc vào Nam, mở ra chân trời thênh thang về phía Biển Đông. Các đội dân binh Hoàng Sa, Bắc Hải được lập từ các đời chúa Nguyễn, khai thác sản vật tại Hoàng Sa bằng thuyền buồm.
Sau khi thành lập vương triều, vua Gia Long tiếp tục nhiệm vụ này và bằng hải đội mạnh mẽ của mình, mở rộng thêm những hoạt động khác như vãng thám, đo đạc, khảo sát thủy trình, vẽ bản đồ...
Năm 1816, một hải đội hùng hậu xuất phát và đưa vua đích thân đến đảo, làm lễ thượng Long tinh kỳ và cắm mốc chủ quyền Việt Nam.
Trong cuốn Thế giới, lịch sử và mô tả các dân tộc Nhật, Đông Dương, Ceylan (1850), tác giả M.A Dubois de Jancigny ghi chép tỉ mỉ sự kiện này:
“Chúng tôi quan sát thấy rằng từ 34 năm nay, quần đảo Paracels (người An Nam gọi là Cát Vàng), một mê hồn trận thật sự của các đảo nhỏ, các đá hoang dã, đã được người Nam kỳ (Cochinchine) chiếm hữu.
Chúng tôi không để ý liệu họ có tạo nên một công trình nào trên đó không (có thể nhằm bảo vệ nghề cá), nhưng chắc chắn rằng vua Gia Long đã gắn thêm vòng hoa này vào vương miện của người. Ngài đã thân chinh tới đó vào năm 1816 và long trọng kéo cờ của Nam kỳ lên đó”.
Giám mục Jean-Louis Taberd trong Ghi chép về địa lý Nam kỳ cũng xác nhận: “Paracels (bãi cát vàng), mặc dù quần đảo này buồn bã và không có gì ngoài các bãi đá, bãi, độ sâu hứa hẹn nhiều bất tiện, vua Gia Long cũng đã nghĩ tới việc mở rộng lãnh thổ bằng cách chiếm thêm vùng đảo này.
Năm 1816 ngài đã tới đây, long trọng cắm cờ, chính thức chiếm hữu các đảo đá, và không có ai tranh giành cả”.
Tới triều Minh Mạng, nhờ có nhiều tàu thuyền lớn mạnh, thủy quân chính thức được giao các nhiệm vụ tại Hoàng Sa, Trường Sa: vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, dựng bài gỗ để ghi nhớ, trồng cây cho tàu thuyền qua lại dễ nhận biết, ứng chiến với kẻ xâm phạm...
Các loại tàu thuyền sản xuất ở xưởng thủy Gia Định thời kỳ này như hải đạo thuyền, đa sách thuyền, thuyền mông đồng, lâu thuyền... và hình ảnh Biển Đông cùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa được khắc họa rất rõ nét trên Cửu Đỉnh, bảo vật quốc gia, hiện đặt tại Thế miếu - Đại nội Huế.
_

Từ xưởng thủy đến Ba Son


TT - Không phải ai cũng có dịp tham quan Ba Son, nhưng những ai đã đến Ba Son thì không thể không ấn tượng với chiếc ụ tàu chìm dài hàng trăm mét, rộng và sâu, nguyên vẹn từng viên đá được đẽo hình lục lăng, từng đường ghép nối khít chặt.
                        
 
Nghe đọc bài: Từ xưởng thủy đến Ba Son
Ụ tàu trong xưởng Ba Son - Ảnh tư liệu
Ụ tàu trong xưởng Ba Son - Ảnh tư liệu

Cây thước đo mực nước vẫn rõ ràng từng nấc, dòng chữ ghi dấu ngày khởi công, khánh thành hiện mồn một: “1884 - 1888”, và vẫn hoạt động tốt... Ụ tàu là biểu tượng kỹ thuật và công nghệ của ngày xưởng thủy tiếp cận với công nghiệp hiện đại, trở thành Ba Son.
Đóng tàu Albert Sarraut tại xưởng Ba Son
Đóng tàu Albert Sarraut tại xưởng Ba Son
Ụ tàu trăm năm
Năm 1859, quân Pháp và Tây Ban Nha đánh chiếm Sài Gòn lần thứ nhất. Trong tập Ngày Pháp chiếm Nam kỳ có ghi lại tờ trình của đô đốc Rigault de Genouilly với Bộ Hải quân:
“Việc chiếm được thành Sài Gòn và các pháo đài dọc sông đã thu được một số chiến lợi phẩm đáng kể: 200 khẩu đại bác bằng đồng hay sắt, một tàu chiến lớn và bảy, tám thuyền chiến đang đóng trong xưởng. Trong thành có một công binh xưởng đầy đủ...”.
Jean Bouchot chú thích thêm: “Các xưởng này đặt trên rạch Thị Nghè. Trên bờ phải của rạch còn tìm thấy hai ụ tàu đã được đào từ lâu...”.
Sau trận tấn công vào đại đồn Chí Hòa, chiếm hoàn toàn Sài Gòn - Gia Định ngày 25-2-1861, việc đầu tiên quân Pháp thực hiện tại Sài Gòn là khảo sát địa chất để xây dựng xưởng đóng và sửa chữa tàu biển cùng với ụ chìm.
Sau khi hiệp ước Nhâm Tuất (1862) nhượng ba tỉnh miền Đông Nam kỳ được triều đình Huế ký kết, Pháp quyết định chính thức xây dựng arsenal de Saigon (xưởng đóng tàu Sài Gòn).
Vị trí được lựa chọn chính là khu vực thủy xưởng của Nguyễn Ánh năm xưa, nơi còn chiếc ụ đất ghép ván đã được sử dụng tạm những ngày còn chiến sự.
Vì một lý do nào đó, như đọc chệch từ tiếng Pháp, bassin - ụ sửa tàu, hay poissons - nhiều cá (theo Eugène Bonhoure trong Indo-Chine 1900 - PV), hay là tên một ông đốc công Nam bộ (theo học giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn năm xưa - PV), mà ngay từ những ngày đầu, người Việt đã gọi xưởng này là Ba Son.
Lần lượt các công trình được thi công: ụ tàu nhỏ, đốc nổi lớn, xưởng gạch ngói, xưởng nồi hơi, xưởng buồm dây, xưởng vỏ tàu, xưởng tời - mái chèo, xưởng gò - hàn, rèn - đúc, cần cẩu, máy công cụ được lắp ráp liên tục...
Xưởng sửa chữa và đóng tàu Ba Son đã thành hình với những công cụ và hoạt động công nghiệp lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Các tàu nhỏ, tàu lớn, tàu chiến cũng như tàu buôn lần lượt nối nhau vào Ba Son nằm ụ để sửa chữa.
Nhu cầu phát triển kinh tế thuộc địa, mở rộng chiến sự để xâm chiếm thêm đất đai của thực dân Pháp càng thúc đẩy sự lớn mạnh của xưởng.
Các trại xưởng bằng gỗ được thay bằng gạch, máy móc ngày một hiện đại hơn, hàng loạt cuộc thăm dò địa chất được tổ chức để tìm địa điểm xây dựng ụ tàu lớn nhằm phục vụ nhu cầu sửa chữa các tàu lớn, chiến hạm Pháp từ khắp nơi trên thế giới.
Sau nhiều thất bại và hàng loạt biện pháp khảo sát: đào giếng, đóng cọc, khoan sâu, vị trí nơi xây dựng ụ lớn đã được xác định trên mỏm đất giữa kênh Thị Nghè và sông Sài Gòn.
Nơi đây không có lớp đá tự nhiên để làm nền nhưng lại có tầng đất sét dày, sâu tới mấy chục mét, bền vững và không thấm nước.
Kỹ sư Berrier Fontaine cho rằng như vậy là đủ điều kiện để xây dựng một công trình đồ sộ và bền vững. Kỹ sư Pavillier nghiên cứu thiết kế và chỉ đạo thi công.
Một công trường khai thác đá được thành lập ở Biên Hòa. Sắt, thép, ximăng, gỗ được chở từ Pháp sang. Hàng ngàn tấn vật liệu và năm năm thi công liên tục, khẩn trương, năm 1888 chiếc ụ lớn đã hoàn thành dài 156m, rộng 21m, sâu hơn 10m.
Gần 130 năm, phục vụ liên tục cho công xưởng hải quân qua mấy cuộc chiến tranh binh lửa, ụ tàu ấy hôm nay vẫn còn nguyên vẹn như ngày khánh thành.
Xây ụ tàu lớn Ba Son năm 1886 - Ảnh tư liệu
Xây ụ tàu lớn Ba Son năm 1886 - Ảnh tư liệu
Bước đi Ba Son
Năm 1890, các xưởng của Ba Son bắt tay vào đóng chiếc tàu đầu tiên. Đến năm 1894, Ba Son hạ thủy thành công bốn chiếc sà lan và một tàu thủy nhỏ.
Năm 1899, được giao đóng thử một chiếc tàu phóng ngư lôi hạng nhất, xưởng đã nhanh chóng hoàn thành và tiếp tục đóng thêm bốn tàu phóng ngư lôi nữa, được các kỹ sư Pháp nhận xét: “Kết quả rất tốt, đúng quy cách, đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian thi công nhanh và tiết kiệm nhiều so với mua hoặc đóng ở Pháp”.
Ba Son đã thật sự trở thành một xưởng đóng tàu lớn, hiện đại.
Sản xuất, sửa chữa tàu thuyền trong thời đại của giao thông, vận chuyển đường thủy, lại kiêm thêm vai trò binh công xưởng trong thời gian Pháp nỗ lực mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực, Ba Son mau chóng trở thành bộ phận công nghiệp mang tính sống còn với sự hiện diện của người Pháp tại Đông Dương. Chính vì vậy, Ba Son được đầu tư một cách đặc biệt.
Ba Son, sớm nhất Sài Gòn và Đông Dương, được tiếp cận với những thành tựu khoa học kỹ thuật của châu Âu: sử dụng nước máy, máy hơi nước, điện... trong sản xuất.
Sau Ba Son, các nhà máy, cơ sở công nghiệp ở Sài Gòn lần lượt ra đời: năm 1866 - bến tàu Sài Gòn, năm 1869 - nhà máy sợi, máy cưa bằng hơi nước, năm 1877 - nhà máy xay lúa, năm 1885 - nhà máy rượu, năm 1886 - Bưu điện Sài Gòn, năm 1900 - Công ty Nước và điện Đông Dương... Sài Gòn đã trở thành một thành phố thương mại phồn vinh, một thương cảng có sức thu hút đặc biệt.
Trong một cuốn sách hướng dẫn du lịch Đông Dương năm 1913, arsenal de Saigon được quảng cáo: “Vị trí của arsenal hải quân tại ngã ba rạch Thị Nghè và sông Sài Gòn, trên khu vực hải quân công xưởng An Nam cổ.
Cơ quan này là căn cứ chính của hạm đội tàu Pháp ở khu Viễn Đông, có diện tích 22ha, bao gồm ụ tàu 156m. Các xưởng lò rèn và búa máy tại đây được sử dụng để thực hiện việc sửa chữa lớn, thậm chí để xây dựng tàu khu trục. Nhân viên của arsenal de Saigon gồm 1.500 công nhân An Nam và Trung Hoa...”. (Claudius Madrolle, Vers Angkor - Saigon - Phnom Penh, 1913).
Buổi đầu, tham gia đóng, sửa tàu chỉ có những công nhân người Pháp hoặc người Hoa được thuê từ Macau, Hương Cảng, Thượng Hải, Singapore. Nhân công người Việt chỉ được thuê chặt cây, dựng lán trại, đào kênh, đắp đường...
Sau vài năm phát triển, Ba Son đã có những công nhân công nghiệp người Việt đầu tiên. Những người thợ đóng thuyền Việt Nam đã đi từ những kỹ thuật cổ truyền: mộc, rèn, sơn, xảm... đến làm quen với các kỹ thuật mới: điện, tiện, nguội, phay, bào, hàn, lắp ráp động cơ, máy móc...
Hình thức đào tạo nghề cũng ngày một chuyên nghiệp hơn: từ thợ chính đào tạo thợ phụ, Trường Bá nghệ (nay là Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng - PV) được mở ra, trường dạy nghề riêng của xưởng Ba Son cũng được thành lập.
Công nhân kỹ thuật của Ba Son ngày một lành nghề hơn, được đào tạo bài bản hơn, truyền nghề cho nhau không chỉ trong công xưởng mà cả trong gia đình, hình thành nên những thế hệ công nhân truyền đời. Đến nay, ở Ba Son, có gia đình công nhân đã truyền đến đời thứ sáu.
Lịch sử hình thành và đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam cũng khởi đi chính từ xưởng Ba Son này với tiếng tăm của một người thợ: Tôn Đức Thắng.
Tổng công ty Ba Son
Trải qua nhiều đợt chuyển giao sau các biến động lịch sử, hôm nay Tổng công ty Ba Son đã phát triển công nghệ đóng tàu hiện đại, có khả năng sản xuất, hạ thủy thành công những tàu tuần tra tìm kiếm cứu nạn xa bờ, có khả năng cứu nạn hàng trăm người, có sàn đỗ cho trực thăng; đã đóng được những tàu tên lửa tấn công nhanh, tàu pháo hiện đại để Quân chủng Hải quân làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo...
__

Dấu ấn Công hội bí mật

]
TT - Nằm ngay cạnh ụ tàu, gian nhà của xưởng cơ khí 323 được coi là trái tim của Ba Son.
                        
 
Nghe đọc bài: Dấu ấn Công hội bí mật
Xưởng tiện, phay, bào của arsenal de Saigon đầu thế kỷ XX - Ảnh tư liệu
Xưởng tiện, phay, bào của arsenal de Saigon đầu thế kỷ XX - Ảnh tư liệu

Nơi này đã được gắn bảng di tích lịch sử quốc gia, đặt tượng Chủ tịch Tôn Đức Thắng, thường xuyên diễn ra các lễ đặt hoa, dâng hương, hoạt động truyền thống... 
Tại đây, cách nay 90 năm, ngày 4-8-1925, một sự kiện mang tính biểu tượng của giai cấp công nhân đã diễn ra tại Ba Son, và thời điểm đó cũng được chọn làm ngày truyền thống Ba Son.
4-8-1925
Giáo sư Trần Văn Giàu viết trong Giai cấp công nhân Việt Nam:
“Xí nghiệp đầu tiên mà Pháp lập ở Việt Nam là sở Ba Son... Không bao lâu, sở Ba Son đã tập hợp gần nghìn thợ và “cu-li”.
Các công việc xây dựng, đóng thuyền ở đây đã làm nảy sinh một lớp công nhân ở Sài Gòn”. Từ “thợ thuyền” để chỉ công nhân đã sinh ra chính ở đây, lúc này.
Cùng với cuộc khai thác thuộc địa của chế độ thực dân, số lượng công nhân tăng nhanh trong các vùng nhượng địa, dưới chế độ làm việc hà khắc và đồng lương rẻ mạt.
Đầu thế kỷ XX, công nhân trở thành một lực lượng xã hội đông đảo, bắt đầu tiếp xúc với những tư tưởng cách mạng tiến bộ thông qua những tài liệu, sách báo do các nhà yêu nước ở hải ngoại gửi về, và nhất là qua “đồng thợ, đồng thuyền” là những người Việt bị bắt đi lính, làm công cho Pháp trong Thế chiến thứ nhất nay được hồi hương. Một trong số đó là Tôn Đức Thắng.
Tôn Đức Thắng vào làm ở xưởng Ba Son, mau chóng được những người thợ gọi là anh Hai. Hơn một năm, anh chuyển đi nơi khác và uy tín của “anh Hai” trong giới công nhân cứ cộng thêm, nhân lên cùng với đời thợ.
Một tổ chức công hội theo hình thức Công hội Đỏ của công nhân Pháp được “anh Hai” thành lập, hoạt động bí mật trong giới công nhân, tuyên truyền lòng yêu nước, tinh thần chống thực dân, chống áp bức bóc lột...
Hội viên nhanh chóng được nhân rộng từ Trường Bá nghệ sang nhà đèn Chợ Quán, xưởng Ba Son, hãng xăng dầu Soloni, hãng FACI...
Cuối tháng 7-1925, chiến hạm Jules Michelet, đang trên đường từ châu Âu sang Trung Quốc để tham gia trấn áp các cuộc đấu tranh cách mạng của dân vùng tô giới, bị hỏng hóc phải kéo vào ụ tàu Ba Son sửa chữa.
Để tỏ tình đoàn kết công nhân quốc tế, “anh Hai” Tôn Đức Thắng giao nhiệm vụ: “Anh em thợ Ba Son tận dụng thời cơ làm ngưng trệ, kéo dài thời gian sửa chữa chiến hạm”.
Ngoài Lê Văn Lưỡng, đốc công phân xưởng đồng ống, nhận nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy công nhân, hoạt động lần này của Công hội còn có sự tham gia lần đầu nhưng rất tích cực của Ngô Văn Năm, một họa đồ viên có uy tín lớn trong hàng ngũ viên chức Ba Son.
Cơ hội để có một lý do kinh tế cho cuộc bãi công chính trị đến vào ngày 3-8, ngày công nhân lĩnh lương đầu tháng. Chính phủ Pháp trước đó đã có quy định bằng văn bản: ngày lĩnh lương, công nhân được nghỉ sớm 30 phút.
Viên giám đốc mới của Ba Son Courthial ra lệnh bỏ lệ này, yêu cầu công nhân phải làm bù 30 phút. Lĩnh lương xong, công nhân được các thành viên Công hội rỉ tai: “Ngày mai tất cả công xưởng nghỉ việc”.
Lịch sử Ba Son ghi lại rất chi tiết: “Sáng sớm ngày 4-8-1925, khi tiếng còi tầm hú vang gọi thợ làm việc, trong xưởng hầu như vắng teo. Chủ, cai xếp và một số thợ ăn lương tháng ngơ ngác.
Ban lãnh đạo đình công đưa yêu sách: bỏ lệ làm bù ngày lĩnh lương, tăng lương cho tất cả công nhân lên 20%, gọi trở lại những công nhân đã bị đuổi trong cuộc đình công trước đó”.
Các ông chủ Pháp đương nhiên không có gì phải lo lắng. Đồng lương của thợ chẳng đủ ăn mấy ngày, tự chén cơm manh áo sẽ gọi họ về làm việc.
Thế nhưng lần này công nhân Ba Son không đơn độc. Công hội đã vận động công nhân các xưởng khác, nhân dân lao động Sài Gòn tương trợ cho họ. Các xưởng ở Ba Son cứ im lìm tới ngày thứ 7, thứ 8, 9, 10.
Giới chủ Sài Gòn xôn xao: “Bọn thợ lấy tiền ở đâu, ai giúp để chúng bãi công kéo dài tới 9, 10 ngày?”.
Báo Impartial viết: “Chúng ta biết rằng chiến hạm Michelet phải được sửa chữa gấp rút để sang Trung Quốc giúp việc củng cố tô giới. Hiện giờ cuộc bãi công ở Ba Son vẫn tiếp tục...”. Toàn quyền Đông Dương quở trách chính phủ Nam kỳ. Chính phủ Nam kỳ quở phạt giám đốc Ba Son.
Ngày 13-8, giám đốc Ba Son thông báo: “Bỏ lệ làm bù ngày lĩnh lương, thợ được tăng lương 10%, các thợ bị đuổi được quay lại làm việc, những ngày đình công cũng được trả lương”.
Thợ quay lại làm việc và tiếp tục các hành động lãn công khác để giam chân chiến hạm Michelet tới tận cuối tháng 11.
Cuộc đấu tranh đã thành công vang dội cả khía cạnh kinh tế lẫn chính trị, ghi dấu một bước chuyển mình của phong trào công nhân non trẻ từ tự phát sang tự giác, có tổ chức, và hơn thế nữa, còn lần đầu thể hiện tình đoàn kết quốc tế.
Chiếc máy mà công nhân Tôn Đức Thắng đã từng sử dụng - Ảnh: Tự Trung
Chiếc máy mà công nhân Tôn Đức Thắng đã từng sử dụng - Ảnh: Tự Trung
Di tích sống
Dành nhiều trang trong tác phẩm của mình viết về cuộc bãi công Ba Son theo “lời thuật lại của hai lão đồng chí Tôn Đức Thắng và Lê Văn Lưỡng”, giáo sư Trần Văn Giàu còn trích lời báo Impartial số ra ngày 6-8-1925:
“Cuộc bãi công xảy ra trong lúc mà bạn đồng nghiệp ở Pháp Le Quotidien báo tin rằng viên chủ tịch của Quốc tế cộng sản vừa mới tuyên bố rằng: ngày nay Trung Quốc đang nổi dậy, ngày mai sẽ tới phiên Đông Dương, Ấn Độ nổi dậy”.
Quả vậy. Cuộc bãi công Ba Son đã mở đường cho giai đoạn mới: phong trào công nhân trở thành cốt lõi, động lực của phong trào dân tộc.
Tháng 1-1926, nhân viên Sở Bưu điện Sài Gòn bãi công, đòi tăng thêm người làm việc. Chủ sở phải ký cam kết chấp nhận yêu sách trước mặt nhân viên. Tháng 4-1926, công nhân nhà in Trung ương Ấn quán Sài Gòn bãi công đòi thanh toán lương mà chủ trả chậm mấy tháng.
Tháng 5-1925, công nhân Ba Son lại sát cánh cùng học sinh Trường thợ máy Sài Gòn bãi công đòi trả lương tương xứng với sức lao động...
Năm 1929, Tôn Đức Thắng bị bắt, bị tra tấn, bị kết án 20 năm khổ sai và đày ra Côn Đảo, nhưng Công hội mà ông đã thành lập thì vẫn ngày một lớn mạnh trong công nhân.
Cùng với Công hội, Hội Ái hữu Ba Son ra đời, sau đó là Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, công nhân Ba Son chính thức bước vào con đường đấu tranh cách mạng với nhiều người dẫn đầu phong trào.
Nhiều con đường ở TP.HCM hôm nay mang tên họ: Tôn Đức Thắng, Ngô Văn Năm, Trần Đình Xu, Lý Chính Thắng, Đoàn Văn Bơ, Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Văn Nghi, Nguyễn Bảo, Nguyễn Văn Lượng.
Mang dấu ấn sâu đậm như vậy, xưởng cơ khí số 323 trên đường số 12 trong khuôn viên Tổng công ty Ba Son được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng năm 1993.
Đây là một trong số rất ít những di tích vẫn đang tiếp tục duy trì hoạt động như những ngày đầu thành lập. Một di tích sống.
Chiếc máy mà người thợ Tôn Đức Thắng đã từng thao tác, sử dụng những ngày đầu thế kỷ trước đang được lưu giữ trong nhà truyền thống Ba Son, còn những anh em công nhân đời sau của ông vẫn đang miệt mài và nỗ lực từng ngày trong gian xưởng xưa.
Không di tích nào về giai cấp công nhân có độ dày thời gian, nhân chứng và giàu sức sống như vậy.

 Di tích trong đất vàng


TT - Năm 2009, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM đề nghị được bổ sung ụ tàu lớn với tuổi đời hơn 120 năm vào di tích lịch sử xưởng cơ khí - địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. 
                        
 
Nghe đọc bài: Ba Son - Trăm năm chìm nổi - Kỳ cuối: Di tích trong đất vàng
Toàn cảnh khu vực Ba Son Q.1, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Toàn cảnh khu vực Ba Son Q.1, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung
Cục Di sản văn hóa đồng ý và yêu cầu lập hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch. Hồ sơ đã được lập nhưng việc xếp hạng di tích thì dừng ở đó...
Lối vào di tích
Cách cụm di tích Ba Son 500m, chếch bên kia đường Tôn Đức Thắng là Bảo tàng Tôn Đức Thắng, một trong số những bảo tàng được đánh giá là có hoạt động tích cực và sáng tạo trong việc đưa các bài học lịch sử vào cuộc sống.
Ở đây thường xuyên diễn ra những chuyên đề triển lãm: từ cuộc đời bôn ba, bước đường cách mạng của Bác Tôn đến phong trào công nhân Sài Gòn, lịch sử nhà tù Côn Đảo, quê hương An Giang;
Từ những bức ảnh, mô hình được người xem cảm nhận bằng mắt đến các lá thư trong gia đình được đọc lên bằng chính nỗi thương nhớ của con gái, con trai, cháu ngoại, cháu nội của Bác Tôn. 
Bảo tàng còn tổ chức để thiếu nhi thi vẽ tranh, thi kể chuyện, ca hát sau những chuyến tham quan...
Thế nhưng vẫn là chưa đủ. Tiến sĩ Trần Xuân Thảo, giám đốc Bảo tàng Tôn Đức Thắng, không đợi hỏi mà nói ngay nỗi mong mỏi của chị: “Giá như bảo tàng được kết nối với di tích thì tính thực tiễn và ý nghĩa những câu chuyện lịch sử sẽ được nâng lên rất nhiều.
Còn ở đây vì di tích xưởng cơ khí và ụ tàu nằm trong khuôn viên Ba Son, thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng nên bản thân tôi muốn đến thăm cũng rất khó.
Tổng công ty Ba Son đã tổ chức nhiều hình thức hoạt động: dựng tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại xí nghiệp, xây dựng nhà truyền thống Ba Son, xuất bản sách truyền thống, lập học bổng Tôn Đức Thắng, tổ chức “Cúp đua xe đạp đồng bằng sông Cửu Long” nhân ngày sinh Bác Tôn...
Nhưng điều chúng tôi muốn là phối hợp với Bảo tàng Tôn Đức Thắng để thực hiện tuyến tham quan di tích, mang trải nghiệm sinh động cho khách thăm bảo tàng, tổ chức đưa công nhân đến tìm hiểu lịch sử giai cấp mình qua di tích Ba Son... thì vẫn chưa thể thực hiện”.
Trong hội thảo khoa học tổ chức nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, tất cả những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa đều đồng tình với ý tưởng “phát huy sức sống cho “di tích sống” Ba Son” này.
Thạc sĩ Phạm Lan Hương, Trường ĐH Văn hóa, bổ sung cho lập luận bằng lý thuyết “tính xác thực của di sản”: “Tôi cho rằng bảo tồn và phát huy giá trị di tích này nên xem xét trước hết trên khía cạnh bối cảnh, sự toàn vẹn của địa điểm.
Đó là một bức tranh sống động minh chứng cho ngành công nghiệp, nền kinh tế biển ở Việt Nam, một dấu ấn của sự ra đời giai cấp công nhân Việt Nam cùng phong trào đấu tranh của họ...”.
Nhưng từ khi được đề xuất và đồng ý đến nay đã sáu năm, ụ tàu trăm năm của Ba Son, của Sài Gòn vẫn chưa được xếp hạng di tích.
Ụ sửa chữa tàu xây dựng năm 1884 - 1888 tại xưởng Ba Son, ảnh chụp ngày 4-6-2015 - Ảnh: Tự Trung
Ụ sửa chữa tàu xây dựng năm 1884 - 1888 tại xưởng Ba Son, ảnh chụp ngày 4-6-2015 - Ảnh: Tự Trung
Di dời ? Ở lại ? Rồi lại di dời...
Năm 2008, Thủ tướng có quyết định di dời các cảng trên sông Sài Gòn và Nhà máy đóng tàu Ba Son ra khỏi TP.HCM.
“Bao năm sống và làm việc với Ba Son, tôi đã phải nghe câu chuyện di dời này rất nhiều lần...” - đại tá Ngô Long Minh, nguyên tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son, kể.
Đầu tiên là những lời phàn nàn về đốc nổi của Ba Son chắn ngay đầu những ngọn gió thổi về thành phố. Sau đó đến lượt kế hoạch di dời Ba Son để nhường đất mở rộng Thảo cầm viên. Rồi lại yêu cầu Ba Son di dời để bắc cầu qua sông Sài Gòn.
Bây giờ là kế hoạch di dời các cảng và nhà máy đóng tàu ra khỏi thành phố, xây dựng Ba Son mới ở Thị Vải - Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Gắn bó với Ba Son từ ngày tiếp quản Hải quân công xưởng của Việt Nam cộng hòa năm 1975, không có gì lạ khi đại tá Ngô Long Minh là một trong những người xót xa trước diễn biến mới này.
Nói về Ba Son, ông nhắc đến các người thợ gắn với xưởng cả cuộc đời, những gia đình thợ gắn với xưởng suốt mấy thế hệ.
Ông kể về chuyến cùng các “anh em Ba Son” sang Pháp, trầm mình trong thư viện để sưu tầm hồ sơ, tư liệu về arsenal de Saigon. Ông Minh đã mừng hơn bắt được vàng khi tìm thấy tài liệu về những ụ tàu Ba Son, từ ụ đầu tiên cho đến ụ tàu lớn tới nay vẫn còn hiện hữu nguyên vẹn:
“Tất cả còn nguyên từ phương án, luận chứng thiết kế, bản vẽ cấu trúc, thiết kế thi công, số liệu thuyết minh... Mừng đến rùng mình khi nhớ lại ở Ba Son từng có những ý tưởng, dự định, quyết định chủ quan, mạo hiểm về phương pháp thi công có thể xâm hại, gây nguy hiểm cho ụ”.
Đại tá Ngô Long Minh, nguyên tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son - Ảnh: P.Vũ
Đại tá Ngô Long Minh, nguyên tổng giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son - Ảnh: P.Vũ
Cũng chuyến đi ấy, ông Minh còn tìm được tài liệu, bản vẽ về chiến hạm France, chiếc tàu mà người thợ máy Tôn Đức Thắng đã theo làm thủy thủ, đã tham gia phản chiến.
“Từ tài liệu đó, chúng tôi đã thực hiện chính xác mô hình chiến hạm France để đặt tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng, cũng như trước đó đã làm mô hình tàu Amiral Latouche Tréville mà Nguyễn Ái Quốc làm thủy thủ đặt tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tất cả đều là vô giá với chúng tôi, với Ba Son” - ông Minh lặp lại lần nữa.
PHẠM VŨ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét