Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Cơm Quan họ (Bắc Ninh) – Tao nhã và lịch thiệp

Cơm Quan họ bao giờ cũng phải là “mâm đan, bát đàn” nghĩa là mâm tròn bằng gỗ, sơn đỏ, bát tiện bằng gỗ cây bạch đàn (sau chuyển thành bát sứ tráng men trắng của người Trung Quốc). Các món ăn bắt buộc phải có 2 đĩa giò lụa, 1 đĩa thịt gà, ngoài ra là các thức ăn khác tùy ý.
    Ăn xong mà có hát canh thì không được uống rượu. Trong bữa, khách ăn trước, chủ ngồi cạnh ca cho khách nghe. Khách xơi cơm xong, chủ mới ngồi vào mâm của mình, đến lượt khách ngồi cạnh ca cho chủ nghe.
    Xưa kia, mâm cỗ đãi khách ở tất cả các làng Quan họ gốc có chung đặc điểm là 3 tầng, đều được bày trên mâm đan, bát đàn nhưng mỗi làng lại có những món ăn đặc trưng, riêng biệt và tầng trên cùng thường dành để bày những món ăn riêng có của làng mình. Chỉ một số món đựng bằng bát lớn, khó chồng lên trên thì mới phải đặt ở tầng dưới, như: cháo cái Đào Xá, bún riêu Đương Xá.
    Trong giao tiếp phải lịch thiệp, tao nhã thể hiện ra bằng câu nói vừa thực thà, dân dã vừa giàu chất văn chương, thi ca. Vì thế, khi mời khách xơi cơm, từng thành viên trong bọn Quan họ chủ đều phải lần lượt có lời mời, từ chị Hai tới chị Sáu (hoặc từ anh Hai đến anh Sáu) chứ không phải chỉ là cử đại diện mời. Lời mời cơm cũng phải rất lịch thiệp kiểu như: “… Năm mới, tháng xuân, đương Quan họ liền anh (hoặc liền chị) không chê làng nước chúng em nghèo mà sang chơi. Chúng em sắm bữa cơm quê, gọi là mâm đan, bát đàn, đầu mâm đĩa muối, cuối mâm đĩa dưa, xin mời đương Quan họ người nâng bát, dựng đũa xơi thật nhiệt tình cho chúng em mừng ạ!”.
    Trong những tháng mùa Xuân, trên khắp các xóm làng của vùng Kinh Bắc, trong các ngày hội làng, chắc chắn mỗi làng sẽ có một món ăn đặc trưng, độc đáo riêng có của làng mình để tiếp đãi khách quý thập phương./.
    (Theo Báo Bắc Ninh)

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét